Trong một cử chỉ được cho là thân thiện với Matxcơva, Hungary, giữa lúc đang đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu, đã ra sắc lệnh tạo thuận lợi cấp thị thực cho công dân Nga và Belarus. Quyết định của Budapest khiến Bruxelles lo ngại Matxcơva lợi dụng điều kiện dễ dãi này để đẩy mạnh các hoạt động gián điệp trong Liên Âu.
Đăng ngày: 07/08/2024
Đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu từ 01/07 nhưng Hungary một lần nữa lại được Liên Âu nhắc đến với thái độ không hài lòng vì mối quan hệ ưu ái với Nga. Sau chuyến thăm Matxcơva bị không ít chỉ trích hồi đầu tháng 07/2024 của thủ tướng Viktor Orban với « sứ mệnh hòa bình » đơn phương, chính quyền Budapest ra quy định tạo điều kiện cấp thị thực cho người Nga và Belarus, những đối tượng đang bị các hạn chế nghiêm ngặt nhập cảnh vào Liên Âu, kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh tại Ukraina. Quyết định của Hungary ngay lập tức đã bị các nhà lập pháp châu Âu phản ứng gay gắt.
Trong một lá thư gửi vào đầu tháng 8 tới chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von Der Leyen, 70 nghị sĩ châu Âu bày tỏ lo ngại rằng việc nới lỏng thủ tục nhập cảnh như vậy sẽ tạo điều kiện cho “hoạt động gián điệp của Nga”. Các nghị sĩ châu Âu đó đánh giá quyết định của Hungary là vô trách nhiệm “tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh của các nước và công dân châu Âu”, theo nhật báo Bỉ Le Soir. Trong một bức thư gửi chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, lãnh đạo Đảng Nhân Dân Châu Âu, Manfred Weber đã tỏ lo ngại quyết định của « tạo lỗ hổng lớn cho các hoạt động gián điệp » và đó là hành động « luồn lách các hạn chế được luật pháp châu Âu quy định ».
Chỉ ít ngày sau cuộc gặp giữa thủ tướng Orban và tổng thống Putin tại Matxcơva (05/07), chính phủ Hungary đã ban hành sắc lệnh cho phép các « lao động theo diện khách mời » được cấp giấy phép cư trú thời hạn 2 năm có thể gia hạn thêm 3 năm và mở ra khả năng xin cấp quy chế thường trú. Sau Ukraina, Serbia, sắc lệnh của chính phủ Hunggary mở rộng đối tượng được hưởng quy định trên cho công dân của 8 quốc gia châu Âu, trong đó đặc biệt có Belarus và Nga.
Về nguyên tắc, quy định này là để chính phủ Orban kiểm soát lao động nhập cư theo nhu cầu của Hungary, chủ yếu liên quan đến các nước khu vực Nam Á.
Giới quan sát cho rằng Budapest có lý do mở rộng cho các đối tượng công dân Nga và Belarus. Những lao động mới đến từ hai nước này hầu như sẽ làm việc tại công trường xây dựng hai lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Paks ở Hungary, do tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom quản lý một phần.
Jacques Rupnik, giám đốc nghiên cứu tại trường Khoa học Chính trị Pháp Science Po, chuyên gia về các vấn đề về Đông và Trung Âu phân tích: “Bằng cách đó, Viktor Orban không chỉ duy trì được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân được ký năm 2014 mà còn duy trì được việc mua dầu khí của Nga với mức giá hấp dẫn”. Lý do khác, ít được đề cập nhưng cũng chính đáng, liên quan đến ngôn ngữ tiếng Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp giữa chỉ huy thi công trên các công trường với công nhân.
Nhưng có điều rõ ràng là một khi có quy chế cư trú tại Hungary, những công dân đó sẽ được tự do đi lại trong Liên Hiệp Châu Âu.
Từ khi Kremlin phát động cuộc chiến tranh ở Ukraina, mối lo ngại các hoạt động gián điệp của Nga trở nên thường trực trong EU. Các quốc gia thành viên đã tăng cường liên tục các biện pháp từ hạn chế cho đến cấm nhập cảnh đối với công dân Nga và Belarus.
Trên thực tế hoạt động gián điệp của Nga trong Liên Âu không còn là chuyện hiếm. Từ đầu năm nay, nhiều nước như Latvia, Đức, đã thông báo phát giác nhiều vụ gián điệp Nga. Ngay cả quốc gia trung lập như Thụy Sĩ gần đây cũng đã liên tục lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa gián điệp Nga.
Việc Hugary nới lỏng các thủ tục nhập cảnh cho người Nga được nhiều nước châu Âu nhìn nhận như là cách mở cổng hậu cho gián điệp Nga vào.
Hiện tại Ủy Ban Châu Âu, thông qua ủy viên Nội Vụ Ylava Johansson, cho Hungary đến ngày 19/08, phải trả lời các lo ngại của các giới chức Liên Hiệp. Nếu Hungary tiếp tục làm theo ý mình, Ủy Ban Châu Âu có thể sẽ đưa vấn đề ra Tòa án Công lý của Liên Âu.