Thế Vận Hội Paris bị chỉ trích về rác thải nhựa

Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 và đối tác chính thức, tập đoàn nước giải khát của Mỹ Coca-Cola, đã hứa hẹn sẽ giảm tối đa rác thải nhựa trong thời gian diễn ra sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu này. Thế nhưng, theo nhật báo Công Giáo La Croix của Pháp, trong số 18 triệu thức uống được phục vụ trong dịp này, có đến hơn phân nửa là dưới dạng chai nhựa, khiến nhiều khán giả, du khách và các hiệp hội rất bất bình.

Đăng ngày: 09/08/2024

Ảnh minh họa : Coca-Cola quảng bá trước kỳ Olympic và Paralympic Paris 2024.
Ảnh minh họa : Coca-Cola quảng bá trước kỳ Olympic và Paralympic Paris 2024. © AP

Thanh Phương

Tại các quầy của Coca-Cola, đúng là khách mua nước uống được phục vụ trong những ly nhựa sử dụng nhiều lần, sản phẩm của công ty Ecocup. Khách hàng trả 2 euro tiền ký gởi ly Ecocup, khi uống xong trả lại ly thì sẽ được hoàn lại tiền. Nhưng vấn đề là người bán lại đổ nước vào ly Ecocup… từ những chai nhựa Coca-Cola 50 cl và những chai này sau đó bị vứt ngay vào sọt rác!

Trên các mạng xã hội, nhiều khách của Olympic Paris 2024, được mô tả là Thế Vận Hội “xanh” nhất trong lịch sử, đã bày tỏ bất bình về cách thức phục vụ nói trên. Họ cũng nhấn mạnh đến việc Coca-Cola có vẻ như cố tình làm cho khách nản đến mức không bao giờ trả lại ly nhựa, do họ lại phải xếp hàng quá dài, mà lại phải tìm đúng chỗ để trả. Nói cách khác, coi như khách buộc lòng phải bỏ thêm 2 euro để uống Coca-Cola hay các nước giải khát khác của thương hiệu này. 

Cách đây 4 năm, ban tổ chức Paris 2024 đã cam kết một Thế Vận Hội “zero rác thải” và “không có đồ nhựa sử dụng một lần”. Nhưng sau đó họ đã phải hạ bớt mục tiêu. Đến tháng 06/2023, đối tác Coca-Cola, vốn được độc quyền phục vụ nước giải khát tại Thế Vận Hội, đã tuyên bố ủng hộ tham vọng “giảm phân nửa đồ nhựa sử dụng một lần” so với Thế Vận Hội Luân Đôn 2012, nhưng không nêu các chỉ tiêu cụ thể.

Để chứng tỏ thiện chí, tập đoàn Mỹ nêu bật việc sử dụng các ly nhựa dùng nhiều lần và việc ký gởi các chai thủy tinh, cũng như việc lắp đặt tổng cộng 700 vòi nước tại các điểm bán cho công chúng và tại các nhà hàng dành cho vận động viên. Từ các vòi nước này, ta có thể mua nước hoặc các loại nước ngọt của Coca-Cola.

Nhưng ngoài những chai nước bán cho công chúng, khoảng 4 triệu chai còn được phân phát miễn phí cho các vận động viên và trọng tài, trong khi luật của Pháp cấm làm như vậy. Để biện minh cho việc đó, Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris nêu lên vấn đề y tế công cộng: Họ sợ kẻ xấu có thể bỏ vào các chai nước những chất kích thích nhằm mục đích khiến cho các vận động viên bị loại, cho nên phải phân phát cho vận động viên những chai nước đóng kín. 

Nhưng tổ chức France Nature Environnement không chấp nhận lý do đó, vì những chai nhựa như của Coca-Cola hiện đã bị cấm ở các sự kiện thể thao khác như giải vô địch quần vợt mở rộng Roland Garros. 

Tập đoàn Coca-Cola vẫn nhấn mạnh rằng các chai nước của họ hầu hết được làm từ vật liệu tái chế và được giữ lại tại các điểm phục vụ thay vì đưa cho khách. Các chai này như vậy sẽ được phân loại, nén lại và vận chuyển tốt hơn đến trung tâm tái chế của đối tác đóng chai của Coca-Cola ở Pháp.

Nhưng theo La Croix, bà Nathalie Gontard, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia (INRAE), đã phản bác lập luận đó : “Đừng nghĩ rằng chai được làm bằng nhựa tái chế là không còn bất kỳ tác động nào nữa. Quá trình tái chế rất hạn chế và có rất nhiều thất thoát. Ta chỉ có thể tái chế một vài lần”.

Theo bà Gontard, về bản chất, nhựa không thể tái sử dụng được : “ Đây là một vật liệu xuống cấp nhanh chóng và phát ra các hạt vi nhựa ngay khi được sản xuất. Chúng ta không nên gán cho nhựa những phẩm chất mà nó không có”.

Vấn đề rác thải nhựa chắc sẽ còn nan giải khi nào mà nhà tài trợ chính của Thế Vận Hội vẫn là Coca-Cola. Năm 2019, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Coca-Cola đã tuyên bố gia hạn 12 năm quan hệ đối tác đã có từ năm 1928. Nhưng trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu trên Trái đất ngày càng trầm trọng, đòi hỏi con người phải có những biện pháp triệt để hơn nữa để bảo vệ hành tinh, việc chọn lựa một đối tác như Coca-Cola càng khó được chấp nhận. Ấy là chưa kể thật là phi lý khi gắn liền sự kiện thể thao lớn nhất thế giới với một thương hiệu đồng nghĩa với đủ loại bệnh tật, nhất là bệnh tiểu đường.

Bài Liên Quan

Leave a Comment