Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva khuyến nghị Việt Nam chú ý đến nhóm người yếu thế

RFA
2024.08.12

Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva khuyến nghị Việt Nam chú ý đến nhóm người yếu thế

Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp quốc (LHQ), ông Surya Deva

 Reuters

Báo cáo viên đặc biệt Surya Deva khuyến nghị Việt Nam chú ý đến nhóm người yếu thế

Báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp quốc, tiến sĩ Surya Deva, khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên chú ý đến các nhóm người yếu thế, đặc biệt là các sắc dân thiểu số và người tàn tật.

Đó là hai trong nhiều khuyến nghị mà Tiến sĩ Deva đưa ra trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân quyền LHQ về chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 11 năm ngoái và mới được Văn phòng Cao uỷ về Nhân quyền LHQ công bố gần đây. Báo cáo này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ vào tháng 9 và 10 tới.

Theo số liệu của Chính phủ, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số được công nhận với tổng số người là 14 triệu. Mặc dù Việt Nam đưa ra mục tiêu không bỏ lại ai phía sau, báo cáo nói tỷ lệ người dân tộc thiểu số sống trong cảnh nghèo đói cao hơn so với dân tộc Kinh chiếm đa số. 

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi sinh sống của hầu hết người dân tộc thiểu số, cao gấp đôi mức trung bình của cả nước. Việc tiếp cận sức khỏe sinh sản của phụ nữ ở vùng sâu vùng xa và trong số các dân tộc thiểu số còn hạn chế hơn so với phụ nữ thuộc nhóm dân tộc Kinh và phụ nữ ở các vùng phát triển hơn.

Ông Deva khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên thực hiện các biện pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ công mà các nhóm dân tộc thiểu số đang gặp phải.

Báo cáo viên đặc biệt lưu ý rằng Chính phủ Việt Nam không chấp nhận khái niệm “người bản địa” mặc dù đã bỏ phiếu cho nghị quyết của Đại Hội đồng LHQ khi thông qua Tuyên bố của LHQ về Quyền của người bản địa. Điều này dẫn đến việc một số nhóm không thể hưởng lợi từ các quyền quan trọng như quyền tự xác định.

Theo Tiến sĩ Deva, Chính phủ Việt Nam nên cân nhắc phê chuẩn Công ước của ILO về Các dân tộc và bộ lạc bản địa 1989 (Số 169).

Ông cũng nói nhận được thông tin nhiều người như luật sư, nhà báo, người bảo vệ nhân quyền cổ suý cho quyền của người dân tộc thiểu số bị cầm tù vì các tội danh như “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc,” “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” hay “tuyên truyền chống nhà nước” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”

Báo cáo viên đặc biệt Deva cho rằng để đảm bảo các chương trình và dự án phát triển thực sự giải quyết các ưu tiên phát triển của địa phương, đặc biệt là ở các xã có dân số chiếm tỷ lệ cao là các nhóm dân tộc thiểu số, điều quan trọng là phải áp dụng cách tiếp cận có sự tham gia từ dưới lên đối với tất cả các quy trình lập kế hoạch, phát triển, thực hiện và giám sát. Các quyền văn hóa của các cộng đồng bị ảnh hưởng nên được xem xét trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện các chương trình phát triển.

Chính phủ Việt Nam có nhiều chương trình, dự án trợ giúp cho người dân tộc thiểu số và địa phương có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có Chương trình 134 (hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn) hoặc Chương trình 135 (xóa đói giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số). Tuy nhiên, hiệu quả của các chương trình này chưa cao, và thậm chí mang tính hình thức, theo ông Alur Y Min, người dân tộc Jarai ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 12/8:

Nhà nước báo cáo nói là xoá nhà tạm 134, 135 (Chương trình 134-135- PV) cho người dân nhưng thực tế thì họ cho 50 triệu thôi. Khi người dân đến ở, họ đóng một cái bảng gọi là bảng xóa nhà tạm. Mang tiếng xóa nhà tạm cho dân nhưng mà thực tế tiền dân bỏ nhiều hơn của tiền của nhà nước.

Họ có cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân nhưng mà họ làm thế để qua mặt mọi người thôi, vì thực tế đi khám họ không quan tâm đến người dân. Họ nói là chăm sóc y tế chu đáo cho người dân nhưng thực tế không phải như vậy đâu.

Ở khu vực vùng sâu vùng xa khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, họ chỉ xây nhà rông làm nhà họp của lãnh đạo của cộng sản thôi. Chỗ vui chơi giải trí cho người dân thì không có.”

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Dân tộc với đề nghị bình luận về báo cáo và khuyến nghị của tiến sĩ Deva nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Báo cáo viên đặc biệt Deva cho rằng Việt Nam cần quan tâm đến người khuyết tật. Ông khuyến nghị Chính phủ xem xét các quy định và chính sách có liên quan về khả năng tiếp cận tất cả các cơ sở của chính phủ cung cấp các dịch vụ công như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dịch vụ hành chính và xem xét khả năng tiếp cận phương tiện giao thông công cộng mà người khuyết tật có thể sử dụng để tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa.

Ông cho rằng các cơ quan có thẩm quyền bảo đảm tuyển dụng đủ số lượng giáo viên, đặc biệt là ở các vùng xa xôi và nông thôn, để trẻ em khuyết tật có thể được giáo dục. Chính quyền các cấp nên liên tục đối thoại với các tổ chức của người khuyết tật để hiểu rõ hơn về nhu cầu cụ thể của họ và đưa họ vào quá trình chuẩn bị các chương trình và chính sách phát triển. 

Về người lao động di cư, ông cho rằng Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể để bảo vệ quyền của họ, cung cấp hỗ trợ pháp lý cho họ. Ông cũng thúc giục các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện và tái hòa nhập cho nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích bóc lột lao động khi họ trở về Việt Nam.

Thu hồi đất và bồi thường

Sau khi từ bỏ nền kinh tế tập trung và mở cửa kinh tế nhiều thành phần, giá đất đai tăng vùn vụt. Trong quá trình phát triển, nhà nước tịch thu nhiều đất đai và ruộng vườn của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng thu hồi đất của người dân để giao cho các doanh nghiệp sân sau của các quan chức mà không bồi thường thoả đáng, tạo ra một đội quân dân oan đông đảo khắp trên cả nước.

Về việc thu hồi đất mà không bồi thường thoả đáng cho người dân, tiến sĩ Deva thúc giục các cơ quan có thẩm quyền thực hiện Luật Đất đai mới sửa đổi theo cách bồi thường đất theo giá trị thị trường.

Chính quyền cần “bảo đảm rằng việc tham vấn chủ động, tự do và có ý nghĩa với các cá nhân và cộng đồng có liên quan được tiến hành trước bất kỳ hoạt động thu hồi đất nào và nếu có bất kỳ khiếu nại nào do thu hồi đất cho mục đích phát triển, các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận các biện pháp khắc phục hiệu quả cho các khiếu nại đó,” ông nói.

Theo ông, việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch, đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần lấy ý kiến của dân chúng về kế hoạch này.

Đánh giá về báo cáo của tiến sĩ Deva trong phần thu hồi đất đai, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng cho rằng báo cáo đã đi được vào trọng tâm vấn đề khi nêu bật ra việc người dân buộc phải di dời, trái với nguyên tắc đồng ý tự nguyện trên thế giới và sự thua thiệt của họ vì chỉ nhận được giá bồi thường thấp trong khi đất sau đó được bán cho các công ty với giá cao hơn nhiều.

Ông Dũng nói với RFA trong ngày 12/8:

Đó chính là hai điểm mấu chốt gây nên những xung đột dai dẳng giữa người dân và nhà cầm quyền suốt hàng chục năm qua, có khi dẫn đến đụng độ khốc liệt như ở Văn Giang, Đồng Tâm và gần đây là Cồn Xanh.”

Ông Dũng nhận xét rằng báo cáo đã rất xác đáng khi nói lên được rằng người dân, đặc biệt là các nhóm thiểu số hoặc dễ bị tổn thương, và các tổ chức phi chính phủ thường không thể tham gia vào các quá trình ra quyết định một cách chủ động. Không những thế, việc nhà nước ban hành các điều luật như 117 và 331 của Bộ luật Hình sự đã trói buộc người dân cũng như các tổ chức xã hội dân sự tham gia, và sẵn sàng bỏ tù cho những ai nêu ý kiến trái với ý của nhà cầm quyền.

Ông nói:

Việc hai người dân bị phạt đến 10 triệu chỉ vì nói ‘cục đá giống sư Minh Tuệ’ đã phản ánh rõ vấn nạn trên: Chẳng những không được tham gia có ý kiến vào quá trình ra những quyết sách của đất nước, mà người dân còn bị trói buộc trong việc thể hiện tư tưởng của mình. Xã hội Việt Nam đang thật sự ngột ngạt về mặt đời sống dân sự, người dân chịu bức xúc nhưng chỉ biết cúi đầu vì sợ bị phạt tiền, phạt tù.

Ông Dũng đồng ý với báo cáo khi chỉ ra “mặc dù luật pháp yêu cầu đánh giá tác động môi trường (hoặc xã hội) trước khi phê duyệt các dự án phát triển mới, nhưng trên thực tế, đánh giá tác động toàn diện, có ý nghĩa, có sự tham gia của người dân và minh bạch thường không được thực hiện.”

Theo ông Dũng, Báo cáo viên đặc biệt Deva cũng quan tâm tới các thảm họa môi trường ở Việt Nam như thảm hoạ Formosa năm 2016 và kêu gọi Hà Nội trả tự do cho nhiều nhà hoạt động bảo vệ môi trường đang bị cầm tù về các tội danh “trốn thuế” và “chiếm đoạt tài liệu.”

Chia sẻ với RFA, tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, cho rằng trong báo cáo của mình, tiến sĩ Deva đã đưa ra những nhận xét và phê phán những bất cập của nhà nước Việt Nam trong việc thực thi quyền phát triển của người dân. Chẳng hạn, báo cáo đã đặt nghi vấn về việc chính quyền Việt Nam kỳ thị người dân tộc thiểu số khi không cấp sổ hộ khẩu cho họ, không công nhận quyền của người bản địa, nhiều người hoạt động cho quyền tự do tôn giáo của các sắc dân thiểu số bị bắt và kết án tùy tiện, nhiều nạn nhân xuất khẩu lao động bị bóc lột, nhiều nhà hoạt động môi trường bị kết án oan, dân oan bị truất hữu đất đai mà không được bồi thường thoả đáng, nhiều hội nhóm xã hội dân sự bị đàn áp…

Quan trọng hơn thế là Báo cáo viên đặc biệt đã đưa ra những đề nghị rất cụ thể đối với nhà nước Việt Nam để cải thiện những bất cập đó, những đề nghị cải thiện quyền phát triển của người dân không chỉ giới hạn trong việc tu chỉnh luật pháp mà phải thể hiện bằng chính sách và hành động cụ thể.”

Là người theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền Việt Nam, tiến sĩ Tùng cũng chỉ ra những điểm hạn chế của báo cáo:

Ông nhìn chính quyền Việt Nam như là một thể chế chính trị bình thường, hoặc là vô tình hoặc là cố ý ông không nhìn thấy đây là một chế độ toàn trị độc đảng, không hề có sự tham gia thực sự của người dân. Ông phớt lờ vai trò quyết định của ĐCSVN.

Có nhiều dữ kiện và con số cung cấp bởi của chính quyền cộng sản Việt Nam không xác thực nhưng ông vẫn đưa vào mặc dù ông cũng cho biết đây là do nhà nước cung cấp. Theo tôi nghĩ những con số đó cần được thanh lọc để bảo vệ được cái tính xác thực của báo cáo.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment