Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Ấn Độ. Các bác sĩ xuống đường bày tỏ sự phẫn nộ sau vụ cưỡng hiếp và sát hại nữ bác sĩ ở thành phố Kolkata, bang Tây Bengal.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố, bao gồm Kolkata, Delhi, Hyderabad, Mumbai và Pune.
Ngày 14/8, các nhóm nữ quyền đã tập trung trên đường phố Ấn Độ để biểu tình với khẩu hiệu “Reclaim the Night” yêu cầu hiệu trưởng Trường đại học Y khoa và Bệnh viện R. G. Kar (R.G. Kar Medical College and Hospital) từ chức.
“Reclaim the Night” (nghĩa đen: Giành lại ban đêm) là khẩu hiệu phổ biến thường được sử dụng trong các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề bạo lực tình dục và an toàn cho phụ nữ.
Mặc dù các cuộc biểu tình chủ yếu diễn ra ôn hòa, nhưng một đám đông nhỏ nam giới đã tấn công vào bệnh viện R.G. Kar và phá hoại tài sản. Cảnh sát đã giải tán nhóm người này.
Ngày 17/8, một cuộc đình công kéo dài 24 giờ đã được thực hiện theo lời kêu gọi của Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA).
IMA gọi vụ giết người này là một “tội ác tàn bạo mà nguyên nhân là từ sự thiếu thốn không gian của phụ nữ” và kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền trong “nỗ lực đấu tranh vì công lý”.
Chủ tịch IMA, ông R.V. Asokan, nói với BBC rằng các bác sĩ đã phải chịu đựng và biểu tình phản đối bạo lực trong nhiều năm, nhưng sự việc lần này “quá khác biệt”.
Ông nhấn mạnh rằng nếu một tội ác như vậy có thể xảy ra trong một trường đại học y khoa ở một thành phố lớn, thì “bác sĩ ở khắp mọi nơi đều không an toàn”.
IMA kêu gọi mở một “cuộc điều tra kỹ lưỡng và chuyên nghiệp” về vụ giết người, truy tố những người liên quan tới vụ phá hoại trường đại học và bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Các cuộc đình công kết thúc vào 6 giờ sáng giờ địa phương hôm 18/8.
IMA đã gửi thư tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhấn mạnh việc có tới 60% bác sĩ ở Ấn Độ là phụ nữ và yêu cầu thủ tướng đảm bảo rằng nhân viên bệnh viện được bảo vệ với các quy trình an toàn tương tự như ở sân bay.
Vụ cưỡng hiếp nữ bác sĩ
Vụ cưỡng hiếp nữ bác sĩ thực tập 31 tuổi đã gây rúng động toàn Ấn Độ.
Thi thể bán khỏa thân của nạn nhân, với nhiều vết thương nghiêm trọng, đã được phát hiện trong một phòng hội thảo tại Trường đại học Y khoa R. G. Kar ở Kolkata vào ngày 9/8.
Trong bài viết ngày 14/8, hãng truyền thông Al Jazeera dẫn lời luật sư và nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Vrinda Grover nói rằng cha mẹ nạn nhân ban đầu được “lãnh đạo bệnh viện thông báo rằng con gái họ đã tự sát”.
Kết quả khám nghiệm tử thi sau đó đã xác nhận rằng nạn nhân đã bị cưỡng hiếp và sát hại.
“Con gái tôi đã ra đi, nhưng giờ đây, hàng triệu người con trai và con gái đang sát cánh bên tôi,” Reuters dẫn lời cha của nạn nhân, ẩn danh theo quy định của luật pháp Ấn Độ, nói với các phóng viên vào tối 17/8, ám chỉ đến các bác sĩ đang biểu tình.
“Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều sức mạnh và tôi cảm thấy chúng tôi sẽ đạt được điều gì đó.”
Vụ cưỡng hiếp và sát hại này đã châm ngòi cho một cuộc đổ lỗi chính trị ở bang Tây Bengal, khi đảng đối lập Bharatiya Janata (BJP) cáo buộc đảng cầm quyền Trinamool Congress (TMC) đứng sau và dàn dựng vụ tấn công.
Đảng TMC phủ nhận cáo buộc này và đổ lỗi cho “những thế lực chính trị khác” đã kích động bạo lực.
Bà Mamata Banerjee, Thủ hiến Tây Bengal, đã thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình diễn ra khắp bang.
Ngày 17/8, chính quyền của bà Banerjee công bố các biện pháp tăng cường an ninh cho phụ nữ làm việc ca đêm, bao gồm phòng nghỉ riêng và các khu vực an toàn có camera giám sát.
Chính quyền cũng yêu cầu các cơ sở tư nhân cân nhắc các biện pháp như tuần tra ban đêm để đảm bảo môi trường làm việc an toàn hơn cho phụ nữ.
Sau khi bị chỉ trích vì điều tra chậm trễ, vụ án đã được chuyển từ cảnh sát địa phương sang Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ (CBI).
CBI đã triệu tập một số sinh viên y khoa từ trường đại học để phục vụ công tác điều tra, Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát thành phố Kolkata.
Ít nhất 25 người đã bị bắt giữ liên quan đến vụ việc cho đến nay.
Một tình nguyện viên cảnh sát, người được giao nhiệm vụ hỗ trợ thủ tục nhập viện cho cảnh sát và thân nhân của họ, đã bị bắt giữ với cáo buộc liên quan đến vụ án.
Mẹ của người này nói với Reuters rằng bà đang cảm thấy vô cùng hối tiếc nhưng sẽ giúp bất kỳ thứ gì mà con trai bà cần.
“Tôi không nên sinh ra con trai mình… đó là một sai lầm lớn,” bà nói tại nhà của mình.
‘Ngừng cả dịch vụ cấp cứu’
Do thiếu hụt nhân viên y tế, nhiều bệnh viện và phòng khám từ chối tiếp nhận bệnh nhân không ở trong tình trạng khẩn cấp.
Bệnh viện R.G. Kar chịu ảnh hưởng nặng do các cuộc biểu tình và tuần hành trong hơn một tuần qua. Cảnh sát đã cấm việc tập trung năm người trở lên xung quanh bệnh viện này trong vòng một tuần, tính từ ngày 18/8.
Chính phủ Ấn Độ đã kêu gọi các bác sĩ quay trở lại làm nhiệm vụ để điều trị các ca sốt xuất huyết và sốt rét đang ngày càng tăng, đồng thời thành lập một ủy ban nhằm đề xuất các biện pháp cải thiện an toàn cho các nhân viên y tế.
“Các bác sĩ đã trở lại công việc thường nhật của họ,” Tiến sĩ Madan Mohan Paliwal, người đứng đầu IMA ở bang đông dân nhất là Uttar Pradesh, cho biết.
“Hướng hành động tiếp theo sẽ được quyết định nếu chính phủ không thực hiện bất kỳ biện pháp cụ thể nào để bảo vệ các bác sĩ … và lần này chúng tôi có thể ngừng cả dịch vụ cấp cứu.”
Tiến sĩ Prabhas Ranjan Tripathy, nhà quản lý mới được tăng cường của Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ ở thành phố Bhubaneswar, cho biết các bác sĩ nội trú và thực tập sinh chưa trở lại làm nhiệm vụ.
“Có rất nhiều áp lực lên những người khác khi nhân lực giảm,” ông nói.
Dòng người xếp hàng xuất hiện tại nhiều bệnh viện ở Ấn Độ, một số ngỡ ngàng khi biết tin mình sẽ không được khám.
“Tôi đã tốn 500 rupee (khoảng 150.000 VND) để tới đây. Tôi bị liệt và cảm giác nóng rát ở chân, đầu và các bộ phận khác trên cơ thể,” một người tại Bệnh viện Đại học Y khoa SCB ở thành phố Cuttack thuộc bang Odisha nói với truyền hình địa phương.
“Chúng tôi không biết về các cuộc đình công. Chúng tôi làm gì được đây? Chỉ có thể đi về.”
Raghunath Sahu, 45 tuổi, người xếp hàng tại Bệnh viện Đại học Y khoa SCB ở Cuttack, nói với Reuters rằng hạn ngạch khám bệnh hằng ngày do các bác sĩ đặt ra đã hết từ sáng.
“Tôi đã đưa người bà ốm yếu của mình tới đây. Họ không khám cho bà hôm nay. Tôi sẽ phải đợi thêm một ngày nữa và thử lại,” Sahu nói.
Nạn hiếp dâm
Hiếp dâm từ lâu đã là một vấn đề nan giải tại Ấn Độ.
Trong năm 2016, có 39.000 vụ hiếp dâm được báo cáo. Năm 2018, trung bình cứ 15 phút lại có một phụ nữ báo cáo bị hiếp dâm trên toàn quốc, theo một báo cáo của chính phủ.
Năm 2022, hơn 31.000 vụ hiếp dâm được báo cáo.
Một số vụ án hiếp dâm gây chấn động dư luận ở Ấn Độ bao gồm:
- Năm 2018: Một người đàn ông 26 tuổi ở miền trung Ấn Độ bị kết án tử hình ba tuần sau khi bị bắt với cáo buộc hiếp dâm và giết hại một bé gái.
- Năm 2019: Cảnh sát đã bắn chết bốn người đàn ông bị tình nghi hiếp dâm và giết chết một nữ bác sĩ thú y 27 tuổi gần thành phố Hyderabad ở miền nam. Cảnh sát cho biết họ đã bị bắn khi cố gắng giật vũ khí từ các sĩ quan.
- Năm 2020: Một cô gái 19 tuổi ở huyện Hathras miền bắc Ấn Độ đã bị hiếp dâm tập thể. Vài tuần sau đó, cô được phát hiện đã chết ở một bệnh viện.
Theo dữ liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia (NCRB), tỷ lệ kết án tội hiếp dâm ở Ấn Độ dao động từ 27% đến 28% trong giai đoạn 2018-2022.
Để so sánh, tỷ lệ kết án đối với các vụ án liên quan đến hiếp dâm ở Anh là 60,2% trong năm tài khóa 2023-2024.
Tại Canada, trong giai đoạn 2016 -2017, tỷ lệ kết án là 42%, theo thông tin từ Bộ Tư pháp nước này.
Số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ vẫn duy trì ở mức cao, dù các cơ quan chức năng đã gia tăng hình phạt, bao gồm mức án tối thiểu 10 năm tù với khả năng kéo dài đến chung thân, hoặc án tử hình nếu nạn nhân dưới 12 tuổi.
Các cải cách pháp lý khác bao gồm mở rộng định nghĩa về hiếp dâm – bổ sung các hành vi tình dục không xâm nhập, thành lập các tòa án xử nhanh và hạ ngưỡng tuổi – những người 16 tuổi có thể bị xét xử như người lớn đối với các tội danh này.
Luật sư Rebecca M. John cho biết một số thẩm phán ở Ấn Độ có thể đã trở nên do dự hơn trong việc kết án kể từ khi mức án nặng hơn được đưa ra.
“Nếu thẩm phán cảm thấy có khúc mắc và không thể kết án ai đó tù chung thân không ân xá, hoặc tử hình, họ sẽ buộc phải tuyên trắng án.
“Nếu họ có thẩm quyền, thẩm phán có thể giảm nhẹ hình phạt và đảm bảo việc kết án.”