- Tác giả,Đức Hà
- Vai trò,BBC News Tiếng Việt
- 30 tháng 8 2024
Khi các hoạt động bị hạn chế trong thời kỳ Covid-19, một cô gái làm ngành du lịch ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai quyết định chạy bộ chỉ với mục đích giảm cân. Khoảng bốn năm sau, cô đang trên đường chinh phục giải đấu được xem là lớn nhất hành tinh với mục tiêu vô địch – UTMB Mont-Blanc.
Cô gái ấy là Hà Thị Hậu, một trong những chân chạy địa hình hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Cộng đồng chạy bộ trong nước hay gọi cô với tên thân mật là Hà Hậu.
Hà Thị Hậu, sinh năm 1989, là đương kim vô địch nữ cự li 100km của hai giải chạy lớn hàng đầu khu vực được tổ chức tại Thái Lan là Doi Inthanon ở thành phố Chiang Mai và Amazean Jungle Thailand ở thị trấn Betong.
Đặc biệt, tại giải Amazean Jungle Thailand được tổ chức vào đầu tháng 5/2024, cô chỉ xếp sau người về nhất ở nội dung dành cho nam.
Cả hai giải này đều thuộc hệ thống UTMB – một trong những hệ thống giải chạy bộ địa hình nổi tiếng nhất toàn cầu.
Hiện nay Hậu đang ở thị trấn Chamonix, Pháp để chuẩn bị tham gia giải UTMB Mont-Blanc ở cự li 100km sẽ diễn ra vào chiều 30/8 (vào lúc khoảng 14 giờ chiều nay theo giờ Việt Nam).
UTMB Mont-Blanc được nhiều người ví như World Cup của môn chạy bộ địa hình, quy tụ hàng loạt chân chạy hàng đầu thế giới. Để tham gia giải này, các vận động viên phải tích đủ điểm từ các cuộc đua thuộc hệ thống UTMB.
Cuộc đua được đặt tên theo núi Mont-Blanc (cao hơn 4.800m) – ngọn núi cao nhất dãy Alps nằm giữa Pháp và Ý. Các vận động viên ở các nội dung khác nhau sẽ chạy trên các cung đường quanh ngọn núi này (không phải leo lên đỉnh núi), băng qua biên giới giữa Pháp, Ý và Thụy Sĩ.
Năm ngoái, Hậu lần đầu tham dự giải UTMB Mont-Blanc và về đích ở vị trí thứ tư nội dung 100km nữ. Thành tích này gây bất ngờ cho nhiều người.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt vào hôm 24/8, Hà Hậu cho biết cô đặt mục tiêu vô địch giải năm nay.
Ban tổ chức UTMB Mont-Blanc xếp Hậu vào nhóm hạt giống cao nhất cho nội dung 100km nữ năm nay. UTMB cũng đánh giá cô là “chân chạy đẳng cấp thế giới”.
Chạy khỏe nhờ chăn trâu?
Đối với làng chạy bộ địa hình Việt Nam và khu vực, Hà Thị Hậu là một hiện tượng đầy thú vị. Cô chỉ mới tập chạy nghiêm túc từ năm 2020 và tham gia các giải đấu lớn từ năm 2021, nhưng nhanh chóng giành nhiều chức vô địch trong nước lẫn quốc tế trong ba năm qua.
Tại giải Vietnam Mountain Marathon vào năm 2022 ở Sa Pa, cô xếp thứ nhất cự li 100km trong tất cả những người tham gia, nhanh hơn người về nhất ở nội dung cho nam khoảng 20 phút.
Chia sẻ với BBC, Hậu cho biết thoạt tiên cô bắt đầu chạy bộ đều đặn không phải là để thi đấu mà để giảm cân.
“Trước kia tôi làm trong ngành du lịch. Hồi Covid, tôi làm việc ít đi nên bị tăng cân, lúc ấy cân nặng lên tới 53 cân. Xong rồi thấy chạy bộ giúp mình giảm cân, tốt cho sức khỏe, vả lại hồi còn đi học tôi cũng có chạy bộ nên tôi chọn môn này. Nhiều người trong nhóm chạy bộ ở Sa Pa khen tôi có dáng chạy đẹp và thành tích chạy của tôi cũng tốt nên tôi quyết định duy trì,” Hậu kể.
Sau khi Hậu có kết quả cao trong các giải chạy địa phương ở cự li 21km và 70km, một huấn luyện viên nước ngoài phát hiện ra Hậu và hướng dẫn cô luyện tập theo phương pháp chuyên nghiệp hơn.
Để chạy địa hình tốt ở các cự li siêu dài như ngày hôm nay thì Hậu phải chăm chỉ áp dụng chế độ tập luyện khoa học, nhưng cô cũng chia sẻ rằng từ bé mình đã vận động khá nhiều.
“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai). Vì nhà nghèo nên ngoài giờ đi học, tôi còn phải giúp bố mẹ chăn trâu, cho trâu đi ăn rồi lùa trâu về nên mỗi ngày leo hai, ba, thậm chí bốn quả đồi là chuyện bình thường.
“Hồi đó đi học thì tôi cũng phải đạp xe khoảng 12 cây số mỗi ngày nữa.”
Xong phổ thông, Hậu thi đại học ngành giáo dục thể chất. Các môn thi của cô đều đạt nhưng vì chiều cao thiếu 2cm (Hậu cao 1m53) nên bị trượt.
Hậu chuyển tới Sa Pa để đi làm vào năm 2010 và sinh sống, tập luyện ở đó cho đến nay. Cô đang sống với cậu con trai tám tuổi. Ngoài chạy bộ, cô hiện không làm thêm nghề gì khác.
Trước đó, cô làm nhiều nghề như cho thuê xe máy, bán quần áo, làm văn phòng du lịch,…
Hậu kể thời điểm đó cô rất bận, làm nhiều nghề cùng một lúc nên nhiều hôm phải làm việc từ 4 giờ sáng tới 23 giờ đêm.
Khi ấy, vì không có thời gian cho con trai nên cô gửi con cho cha mẹ mình ở quê chăm sóc.
Chạy để tận hưởng nỗi đau và để cảm thấy tự do
Là một người mẹ đơn thân, Hậu nhiều lúc cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời.
Tuy đã cố thiết kế thời gian tập luyện khoa học, nhưng vì con nhỏ nên Hậu thường tùy theo thời gian biểu của con mà tập chứ không có một lịch trình ổn định.
Có những ngày cô phải ráng tập nhanh để còn đón con đi học về. Sau đó, cô phải nấu cơm và cho con học. Trong khi con trai làm bài tập, Hậu tranh thủ tập những bài giãn cơ. Cô cứ quần quật như vậy trong nhiều ngày liền.
“Có những lúc tập chạy về, cơ thể mỏi nhừ, chân ê ẩm, chỉ muốn nghỉ ngơi thôi nhưng vẫn phải tiếp tục làm việc nhà và chăm con. Thật ra còn gì quan trọng hơn con mình đâu.”
Nhưng việc được chạy trong rừng, trên núi khiến Hậu phần nào quên đi áp lực cuộc sống.
“Được gần gũi thiên nhiên, cảm thấy tự do là điều khiến tôi gắn bó với môn thể thao này. Trong các cuộc đua, tôi thực sự tận hưởng sự đau đớn của cơ thể. Giữa núi đồi hùng vĩ, to lớn, mà mình nhỏ bé, cơ thể đau rát, thì cái cảm giác vượt qua được những khó khăn đó, vượt qua được giới hạn bản thân nó sung sướng lắm, tự hào vô cùng.”
“Khi chạy, tôi thấy mình mạnh mẽ và yêu đời nữa. DNF (Did not finish – bỏ cuộc giữa chừng) không phải là lựa chọn của tôi trong các cuộc đua. Dù có đau, chấn thương tôi cũng ráng lết về đích,” Hậu tâm sự.
So với thời gian cô còn làm trong ngành du lịch, chạy bộ địa hình không giúp cô có nhiều thu nhập hơn. Vì đây là môn thể thao không thật sự phổ biến với nhiều người ở Việt Nam nên cô không có nhiều nhà tài trợ.
Hậu chia sẻ rằng hồi năm ngoái, khi nộp hồ sơ xin thị thực để tham gia UTMB Mont-Blanc, cô đã gặp khó khăn do chạy bộ “không phải là một nghề” và “người ta sợ mình sẽ trốn để ở lại trái phép”.
Hậu cũng không chọn cách thi đấu nhiều giải để kiếm tiền vì cô muốn tập trung toàn lực cho một hoặc hai giải quan trọng trong năm.
“Hà Hậu của bốn năm trước có thể giàu có hơn, có thể là chủ một cơ sở cho thuê xe máy, chủ của một văn phòng du lịch, khách sạn gì đấy. Nhưng Hà Hậu bây giờ tự do hơn, hạnh phúc hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi cũng thấy vui khi mình có thể truyền cảm hứng cho nhiều người khác,” Hậu nói với BBC.
Lúc một tuổi, Hậu trải qua một cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh liên quan tới bệnh hen bẩm sinh. Tuy được cứu chữa kịp thời, cô phải chịu đựng hệ lụy của cơn bạo bệnh đó.
Vào mỗi mùa đông, giọng cô khàn đi, cổ họng đau rát khiến gia đình tốn rất nhiều tiền để chữa trị. Theo lời Hậu, mỗi lần như thế, nhà cô lại phải chi ra khoảng 10 triệu đồng để mua từ thuốc nam cho tới thuốc tây. Nhưng ba, bốn năm qua, Hậu không còn bị những cơn đau như thế hành hạ nữa.
Hà Hậu cũng tâm sự rằng cô chỉ là một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, không có bí quyết gì đặc biệt để trở nên xuất sắc, mạnh mẽ cả vì ngay cả cô đôi khi cũng thấy “yếu đuối, sướt mướt”.
“Quan trọng là bản thân mình phải thật sự muốn, thật sự thích làm một điều gì đó, chứ không phải theo kiểu gượng ép. Tôi nghĩ nếu một người như tôi làm được thì người khác cũng làm được thôi,” cô nói.
“Tuy tôi phải kiêng thịt đỏ (thịt heo, bò) để thi đấu hiệu quả, nhưng khi nấu ăn cho con mà thấy thèm quá thì tôi vẫn lén ăn vài miếng,” Hậu vừa cười vừa kể.
‘Vô địch để người ta không nhầm mình là người Trung Quốc’
So với UTMB Mont-Blanc năm 2023, Hậu và nhóm của mình đầu tư “gấp 10 lần” về cả sức lực lẫn tiền bạc cho giải năm nay.
“Năm ngoái tôi thấy mình như con quạ giữa bầy công. Các vận động viên hàng đầu thế giới họ chuẩn bị kỹ lắm, làm mọi thứ đều nhanh lẹ. Tôi mà dừng lại ở các điểm dừng (checkpoint) của ban tổ chức để ăn một miếng cam thôi thì bị nhiều người khác vượt qua liền. Huấn luyện viên của tôi phải đi xin các đội khác mấy gói gel năng lượng để tôi có thể ăn ngay trên đường chạy,” Hậu kể.
Tại UTMB Mont-Blanc 2023, cả Hậu lẫn huấn luyện viên chỉ đặt mục tiêu nằm trong top 30 nhưng lại bất ngờ cán đích ở vị trí thứ tư với thành tích 12 giờ 38 phút 28 giây. Cô chỉ chậm hơn người về thứ ba 23 giây.
“Bình thường nếu đau ốm thì tôi có thể nghỉ tập một hoặc hai hôm. Nhưng vì năm nay có mục tiêu vô địch nên ốm cũng phải tập, đặc biệt là các bài về tốc độ. Nhiều ngày tập đến kiệt sức,” Hậu chia sẻ về việc tập luyện trong năm qua.
Quay trở lại UTMB Mont-Blanc năm nay, Hậu đi cùng sáu người hỗ trợ (so với một người hồi năm 2023). Cô thấy tự hào khi sẽ đứng chung vạch xuất phát với nhóm chân chạy hàng đầu thế giới.
Hậu cũng nhận xét so với giải này thì địa hình các giải chạy ở Thái Lan thử thách hơn nhiều lần do ở rừng nhiệt đới thì nóng ẩm, có khi mưa nhiều và đường chạy thì trơn trượt.
Do đã quen tập luyện với các địa hình khắc nghiệt, bản thân Hậu thấy chạy ở Mont-Blanc khá thoải mái. Tuy nhiên, một số vận động viên phương Tây có điều kiện kinh tế, địa lý thì có thể qua khảo sát, tập luyện ngay trên đường đua thường xuyên hơn, đội ngũ hỗ trợ của họ cũng hùng hậu hơn.
Trong khi đó, phải đến những ngày cận thời gian thi đấu thì Hậu mới có cơ hội làm quen với đường chạy.
Chia sẻ với BBC những mục tiêu trong tương lai, cô cho biết nếu thành công ở giải lần này, cô sẽ đặt mục tiêu chinh phục các giải quốc tế ở các cự li 160-180 km. Cô cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhà tài trợ để mình toàn tâm toàn ý tập luyện và thi đấu.
“Tôi muốn vô địch giải quốc tế nhiều để góp phần giúp đưa làng chạy bộ địa hình Việt Nam lên bản đồ thế giới, một phần nữa là để họ không còn nhầm tôi là người Trung Quốc. Năm ngoái ở Mont-Blanc, người ta cổ vũ tôi là ‘cô gái Trung Quốc cố lên’. Tại Thái Lan, sau nhiều lần vô địch thì họ đã biết tôi là người Việt Nam, chứ ban đầu họ cũng nghĩ tôi là chân chạy Trung Quốc,” Hậu cười.
“Đó cũng là lí do trong mấy giải gần đây, mỗi khi về đích tôi thường cầm theo cờ Việt Nam hoặc đội nón lá.”
Cô cũng ấp ủ kế hoạch mở trung tâm đào tạo chạy bộ địa hình ở Việt Nam trong tương lai gần, nhưng không phải theo hình thức phong trào, mà cô muốn áp dụng các phương pháp khoa học, bài bản mà mình đang tập luyện cho các học viên.