32 năm chờ đợi công lý trong một vụ hiếp dâm ở Ấn Độ

Một số người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp và tống tiền phụ nữ ở bang Rajasthan của Ấn Độ vào năm 1992
Chụp lại hình ảnh,Một số người đàn ông bị buộc tội cưỡng hiếp và dùng hình ảnh để đe dọa phụ nữ khiến họ không dám tố cáo ở bang Rajasthan của Ấn Độ vào năm 1992

  • Tác giả,Cherylann Mollan
  • Vai trò,BBC News, Mumbai
  • 31 tháng 8 2024

“Trái tim tôi tràn ngập nỗi đau. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn khóc khi nghĩ về lần gặp đã hủy hoại cuộc đời tôi.”

Đó là năm 1992. Sushma* cho biết mình mới 18 tuổi khi một người đàn ông quen biết từ trước đưa cô đến một nhà kho bỏ hoang để xem băng video. Tại đó, sáu – bảy gã đàn ông trói cô lại, cưỡng hiếp và chụp ảnh hành vi đó lại.

Những người đàn ông này đến từ những gia đình giàu có, có thế lực ở Ajmer, một thành phố thuộc bang Rajasthan, miền tây Ấn Độ.

“Sau khi bọn chúng cưỡng hiếp tôi, một trong số chúng đưa cho tôi 200 rupee [tương đương khoảng 8 USD vào thời điểm 1992] để mua son môi. Tôi đã không lấy số tiền đó,” Sushma kể.

Đúng 32 năm sau, Sushma đã chứng kiến tòa kết án những kẻ hiếp dâm bà và tuyên án tù chung thân hồi tuần trước.

“Bây giờ tôi đã 50 tuổi và cuối cùng tôi cũng cảm thấy mình đã đòi được công lý,” bà nói. “Nhưng điều đó không thể lấy lại tất cả những gì tôi đã mất.”

Shuma cho biết trong nhiều năm bà đã bị bôi nhọ và chế giễu vì những gì đã xảy ra, và cả hai cuộc hôn nhân của bà đều kết thúc bằng ly hôn khi những người chồng phát hiện ra quá khứ này.

Sushma là một trong 16 nạn nhân sống sót – tất cả đều là học sinh hoặc sinh viên – bị một nhóm đàn ông quyền lực cưỡng hiếp và tống tiền ở nhiều địa điểm khác nhau tại thành phố Ajmer trong nhiều tháng vào năm 1992. Vụ án đã trở thành một vụ bê bối và châm ngòi cho các cuộc biểu tình lớn.

Tuần trước, tòa án đã tuyên án chung thân đối với sáu trong số 18 bị cáo: Nafis Chishty, Iqbal Bhat, Saleem Chishty, Sayed Jamir Hussain, Naseem – còn được gọi là Tarzan – và Suhail Ghani.

Những người này chưa nhận tội và luật sư của họ cho biết họ sẽ kháng cáo bản án lên tòa án cấp cao hơn.

Chiếc xe tải Suzuki được sử dụng để chở các nạn nhân
Chụp lại hình ảnh,Chiếc xe Suzuki được sử dụng để chở các nạn nhân

Vậy điều gì đã xảy ra với 12 bị cáo còn lại?

Tám người bị kết án chung thân vào năm 1998, nhưng sau đó bốn người được tòa án cấp cao tuyên trắng án, và những người khác được giảm án xuống còn 10 năm.

Trong số bốn người còn lại, một người đã tự tử.

Một người khác bị kết án chung thân vào năm 2007 nhưng được tuyên trắng án sáu năm sau đó.

Một người bị kết án trong một vụ án nhỏ có liên quan nhưng sau đó được tuyên trắng án và một bị cáo vẫn đang bỏ trốn.

“Có thể gọi đây [phán quyết ngày 20/8/2024] là công lý không? Một bản án không phải là công lý,” Santosh Gupta, nhà báo đã viết về vụ án và xuất hiện với tư cách là nhân chứng cho bên công tố, bày tỏ ý kiến.

Luật sư Rebecca John của Tòa án Tối cao đồng tình với quan điểm này và gọi đây là một trường hợp của “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”.

“Điều này chỉ ra một vấn đề vượt ra ngoài hệ thống pháp luật. Xã hội gia trưởng của chúng ta đã hỏng rồi. Điều chúng ta cần là thay đổi tư duy, nhưng điều đó sẽ mất bao lâu?”

Các bị cáo đã sử dụng quyền lực và ảnh hưởng của mình để lừa dối, đe dọa và dụ dỗ các nạn nhân, luật sư công tố Virendra Singh Rathore cho biết.

Họ chụp ảnh và quay video nhạy cảm của nạn nhân và dùng chúng để buộc nạn nhân im lặng hoặc dẫn thêm nạn nhân mới, ông nói thêm.

“Trong một trường hợp, các bị cáo đã mời một người đàn ông mà họ quen biết đến dự tiệc và chuốc say anh ta. Sau đó họ chụp ảnh nhạy cảm của anh này và đe dọa sẽ công khai nếu anh ta không đưa bạn gái đến gặp họ,” ông nói. “Đó là cách họ tiếp tục có nạn nhân mới”.

Các bị cáo cũng có mối quan hệ chính trị và xã hội mạnh. Một số người có liên quan đến một dargah (đền thờ Hồi giáo) nổi tiếng trong thành phố.

“Họ rảo khắp nơi bằng xe máy hoặc ô tô vào thời điểm nơi đây còn là một thị trấn,” nhà báo Gupta nói. “Một số người sợ những người đàn ông này, một số muốn gần gũi hơn với họ và một số muốn giống như họ.”

Ông nói rằng chính quyền lực và mối quan hệ của họ đã giúp giữ kín vụ án trong nhiều tháng trời. Nhưng cũng có những người – như những người làm việc tại tiệm ảnh nơi những bức ảnh được rửa và thậm chí cả một số cảnh sát – biết được những gì đang diễn ra.

Một ngày nọ, một số bức ảnh đã đến tay nhà báo Gupta, khiến ông lạnh người.

“Đây là những người đàn ông quyền lực nhất trong thành phố đã thực hiện những hành vi tàn ác với những cô gái trẻ ngây thơ – và có bằng chứng về điều đó. Nhưng không có phản ứng đáng kể nào từ phía cảnh sát hoặc công chúng,” ông nói.

Ông đã viết một vài bài báo về vụ án nhưng không bài viết nào đủ mạnh để làm dậy sóng.

Rồi một ngày, tờ báo của ông “đã đưa ra một quyết định táo bạo”, ông nói.

Tờ báo đã đăng bức ảnh một cô gái trẻ, khỏa thân đến thắt lưng, bị ép giữa hai người đàn ông đang sờ mó ngực cô. Một trong hai người đàn ông đang mỉm cười với máy ảnh. Chỉ có khuôn mặt của cô gái là bị làm mờ.

Bài báo đã gây ra làn sóng chấn động khắp thành phố. Công chúng phẫn nộ và đã phong tỏa thành phố để phản đối trong nhiều ngày. Sự tức giận lan rộng khắp Rajasthan như ngọn lửa bùng cháy.

“Cuối cùng, chính phủ đã có một số hành động cụ thể. Cảnh sát đã lập hồ sơ một vụ hiếp dâm và tống tiền đối với bị cáo và vụ việc đã được chuyển giao cho Cục Điều tra Hình sự [CID] của bang,” ông Rathore nói.

Một bài báo địa phương trích đăng vào năm 1992 với nhan đề: “Chụp hình nhạy cảm để khống chế nạn nhân hiếp dâm: Ajmer bị phong tỏa”
Chụp lại hình ảnh,Một bài báo địa phương trích đăng vào năm 1992 với nhan đề: “Chụp hình nhạy cảm để khống chế nạn nhân hiếp dâm: Ajmer bị phong tỏa”

Ông Rathore giải thích rằng phiên tòa đã kéo dài tận 32 năm vì nhiều lí do, bao gồm việc bắt giữ các bị cáo theo từng đợt, chiến thuật trì hoãn của bên bào chữa, thiếu kinh phí truy tố và các vấn đề trong hệ thống tư pháp.

Khi cảnh sát đưa ra các cáo buộc ban đầu vào năm 1992, sáu bị cáo – những người mãi tới tuần trước (20/8/2024) mới bị kết án – đã được bỏ qua vì lúc bấy giờ họ đang bỏ trốn.

Ông Rathore tin rằng đây là một sai lầm, vì khi cảnh sát đưa ra cáo buộc đối với sáu người này vào năm 2002, họ vẫn còn đang bỏ trốn. Hai người trong số đó đã bị bắt vào năm 2003, một người khác bị bắt vào năm 2005 và hai người nữa vào năm 2012, trong khi người cuối cùng bị bắt vào năm 2018.

Mỗi lần một nghi phạm bị bắt, phiên tòa sẽ bắt đầu lại với việc bên bào chữa mời những người sống sót và các nhân chứng do bên công tố đưa ra để làm chứng.

“Theo luật, bị cáo có quyền có mặt tại tòa khi các nhân chứng đang đưa ra lời khai và bên bào chữa có quyền hỏi các nhân chứng,” ông Rathore giải thích.

Điều này khiến các nạn nhân rơi vào bi kịch khi phải tái hiện lại nỗi đau của họ hết lần này đến lần khác.

Ông Rathore nhớ lại các nạn nhân, hiện đã ở độ tuổi 40 và 50, thường hét vào mặt thẩm phán, hỏi tại sao họ lại bị lôi ra tòa, nhiều năm sau khi họ bị cưỡng hiếp.

Theo thời gian, cảnh sát cũng gặp khó khăn trong việc tìm các nhân chứng.

“Nhiều người không muốn liên quan đến vụ án vì cuộc sống của họ đã thay đổi,” ông Rathore nói.

“Ngay cả hiện nay, một trong những bị cáo vẫn đang bỏ trốn. Nếu ông ta bị bắt hoặc nếu những bị cáo kia kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn, những nạn nhân và nhân chứng sẽ lại được triệu tập một lần nữa.”

Sushma – một trong ba nạn nhân có lời khai đóng vai trò quan trọng trong việc kết tội sáu bị cáo – cho biết bà đã nói chuyện với giới truyền thông về nỗi đau khổ khi nói ra sự thật.

“Tôi không bao giờ thay đổi câu chuyện của mình. Tôi còn trẻ và ngây thơ khi những người này làm chuyện đó với tôi. Chúng đã cướp đi mọi thứ của tôi. Bây giờ tôi không còn gì để mất nữa,” bà nói.

*Tên nhân vật đã được thay đổi. Luật pháp Ấn Độ không cho phép tiết lộ danh tính của nạn nhân bị hiếp dâm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment