Đặc phái viên Les Echos ngày 16/09/2024 nhận xét về « Cuộc chiếm đóng kỳ lạ của quân đội Ukraina tại vùng Kursk của Nga » : Cư dân Nga và lính tráng Ukraina khá thân thiện với nhau. Theo Le Figaro, thì dù Nga cố phản công nhưng khó thể tái chiếm Kursk trong những tháng tới.
Đăng ngày: 17/09/2024
Dân Nga vùng chiếm đóng có thiện cảm với « quân xâm lược » Ukraina
Được bộ tham mưu bí mật chuẩn bị, quân đội Ukraina hôm 06/08 đã gây bất ngờ cho các quan sát viên quốc tế cũng như quân Nga đóng ở biên giới, chỉ trong vòng một tuần đã chiếm được 1.000 km² và khoảng 30 khu dân cư ở tỉnh Kursk của Nga – một sự sỉ nhục nặng nề cho Vladimir Putin.
Những tuần lễ gần đây tiến độ đã chậm lại, Ukraina nay phải bảo đảm việc quản lý lãnh thổ và dân chúng Nga dưới sự kiểm soát của mình. Đại tá Vadym Mysnyk, phát ngôn viên lực lượng Ukraina trong khu vực và là một trong những người đi cùng các nhà báo trong ngày, khẳng định trách nhiệm lo cho dân Nga và cung cấp những gì cần thiết. « Chính phủ của họ đã bỏ rơi và nay thì oanh tạc vào họ ». Ukraina muốn chứng tỏ với thế giới là ngược với Nga, Kiev tôn trọng công ước Genève trong việc đối xử với thường dân trong thời chiến.
Chiếc xe chở phóng viên Les Echos và hai đồng nghiệp Ukraina phải thay đổi hành trình vì Nga dùng bom lượn. Chặng dừng đầu tiên là làng Kazachya Loknia, cách biên giới khoảng mười mấy cây số. Trái ngược với những thành phố, làng mạc Ukraina trong tầm bắn của pháo Nga, Kazachya Loknia vẫn nguyên vẹn, và khoảng một trăm người dân còn ở lại đây có quan hệ hết sức thân thiện với các quân nhân Ukraina. Nhiều người vẫy tay chào thân ái khi những chiếc thiết giáp Ukraina chạy ngang qua.
Chính quyền Nga bỏ rơi, quân đội Ukraina trợ giúp
Chiếc xe ngừng lại tại một đường phố trung tâm, những căn nhà xung quanh được viết lên chữ « Lyudi » bằng phấn, có nghĩa là có người sống bên trong. Những người lính Ukraina mang thực phẩm và thuốc men đến cho bà Irina, 70 tuổi. Dùng khăn mu-soa chậm nước mắt, bà nói : « Chúng tôi không có điện thắp sáng lẫn khí đốt, điện thoại, chẳng biết chuyện gì xảy ra ở Nga. Tôi xin tổng thống giúp đỡ nhưng ông ấy chẳng muốn ». Bà đã nhiều lần kêu gọi trợ giúp trên mạng xã hội nhưng không có hồi đáp.
Chỉ trong vài phút, một nhóm dân làng tò mò đã bao quanh chiếc xe quan sát các nhà báo từ nước ngoài và những người mặc quân phục, chào hỏi thân thiện. Được hỏi về quan hệ với quân đội Ukraina, bà Irina bày tỏ lòng biết ơn về trợ giúp nhân đạo cho cư dân. Tuy dân chúng tỏ ra đầy thiện cảm, nhưng khi một phóng viên của kênh TSN (Ukraina) hỏi đám đông, ai chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này, không ai dám trả lời. Nhà báo này cho rằng người dân cũng liên đới trách nhiệm vì đã bầu cho Vladimir Putin. Với một nụ cười cay đắng, đại tá Vadym Mysnyk tránh xa khỏi nhóm, không tham gia đối thoại.
Ông giải thích : « Vẫn luôn là những lời biện minh, chúng tôi không biết, không quan tâm đến chính trị, chúng tôi chỉ là dân nghèo. Họ từ chối nhận phần trách nhiệm trong cuộc chiến đã kéo dài từ mười năm qua. Đối với họ, chiến tranh chỉ bắt đầu khi người Ukraina tiến vào Kursk ». Một trong các sĩ quan đưa máy tính ra, đề nghị dân làng xem một bản tin truyền hình tiếng Nga, cho thấy những vụ hỏa tiễn đánh vào các tòa nhà dân cư ở Lviv và Poltava của Ukraina mới đây. Cư dân Nga bất lực nhìn « những gì quân đội họ đã làm ở Ukraina », những căn nhà sụp đổ, thành phố tan hoang, các gia đình Ukraina khóc thương người thân thiệt mạng.
Một sĩ quan sau đó nói với phóng viên Les Echos, có thể chẳng được gì, nhưng cũng phải cho họ nhìn thấy. « Và có thể các trẻ em sẽ nhớ lại rằng những người lính Ukraina đã cho thức ăn và tử tế với các em ». Công tác « tuyên truyền giáo dục » này có thể không kéo dài được, khi hôm thứ Năm Matxcơva đã loan báo phản công quy mô vào Kursk.
Matxcơva không đẩy lùi được quân đội Kiev khỏi Kursk
Tuy nhiên theo thông tín viên của Le Figaro tại Matxcơva, thì dù Nga cố gắng tái chiếm Kursk, nhưng đây không phải là chuyện dễ dàng. Quân đội Ukraina có thể còn lưu lại nhiều tháng nữa trên vùng đất gần biên giới này. Dường như thứ Sáu tuần trước quân đội Kiev lại tấn công vào khu vực tây nam Kursk để đánh bật các đơn vị Nga tham gia phản công.
Theo bộ Quốc Phòng Nga, thì trong hai ngày quân Nga đã tái chiếm 10 khu dân cư ở phía tây Kursk, trong số khoảng 100 thành phố, làng mạc Ukraina đang chiếm đóng. Như vậy có nghĩa là đã tiến sâu 20 đến 23 kilomet, đến tận làng Gordeevka gần biên giới. Tuy nhiên các quan sát viên cho rằng Nga chỉ tiến được 10 đến 15 kilomet với thiệt hại rất nặng nề.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dựa theo dữ liệu định vị khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy quân Nga đột phá được như đã thông báo, ngoại trừ ở Krasnooktyabrsky và Snagost cờ Nga đã được treo lên. Theo trang tin Meduza, lực lượng Nga tập trung đông đảo ở bờ phía nam dòng sông Seïm chảy qua vùng Kursk, gồm tiểu đoàn thủy quân lục chiến 155 và ít nhất một trung đoàn của sư đoàn nhảy dù 106. Tư lệnh Ukraina, tướng Oleksandr Syrsky nói với New York Times là Nga huy động 60.000 quân cho mặt trận Kursk.
Vài ngàn quân Nga bị sập bẫy ?
Ukraina đã phá hủy các cầu và oanh kích thường xuyên những cầu phao mà quân Nga định dùng để vượt sông. Ngày 11/09, dường như Nga đã vào được làng Korenevo và chiếm Snagost, định giành Lyubimovka, trục tiếp tế quan trọng nhưng không thành công. Ý định tái chiếm Soudja, thành phố mang tính biểu tượng khó thể thực hiện. Ngược lại, các hình ảnh của ISW ngày 11 và 12/09 và từ Osint (mã nguồn mở) cho thấy quân Ukraina vượt biên giới gần làng Novy Pout ở tây nam tỉnh Kursk, cách Snagost 17 cây số, tuy với quy mô nhỏ.
Rõ ràng Ukraina muốn quật ngã nỗ lực phản công của quân Nga. Theo bản tiếng Nga của tờ báo Đức Bild, khoảng 2.000 đến 3.000 quân Nga bị bao vây tại khu vực giữa sông Seim và biên giới, không thể thoát ra vì các cầu đã bị đánh sập và cầu phao liên tục bị pháo phá hủy.
ISW cho rằng Nga vẫn chưa có chiến dịch phản công quy mô. Theo các chuyên gia phương Tây, cần phải có số quân rất đông đảo mới đẩy nổi lực lượng Ukraina ra khỏi vùng Kursk. Tạp chí Forbes dẫn nguồn tin riêng nói rằng Vladimir Putin ra lệnh phải tái chiếm Kursk từ nay đến ngày 01/10, còn chuyên gia George Barros của ISW tin rằng Nga mong đẩy lùi Ukraina trước mùa đông.
Vũ khí tầm xa : Mỹ dè dặt, Pháp mập mờ
Le Monde nhận định « Phía sau sự đoàn kết với Ukraina, chính quyền Biden vẫn dè dặt », chưa muốn cho phép Kiev tấn công Nga với các hỏa tiễn tầm xa của đồng minh.Được đào tạo trong thời chiến tranh lạnh, Joe Biden luôn lo ngại một sự leo thang với Nga. Trong khi Ukraina đã tiến sang tận đất Nga mà Kremlin vẫn cố gắng tỏ ra « bình thường », mặt khác bắt đầu nhận được hỏa tiễn đạn đạo Fateh-360 từ Iran.
Hai ứng cử viên Kamala Harris và Donald Trump khi tranh luận chỉ nói chung chung về giải pháp hòa bình cho Ukraina. Hai ngày sau, J. D. Vance, người đứng chung liên danh với Trump cho biết kế hoạch cụ thể : Ukraina phải từ bỏ những lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, và không gia nhập NATO ! Về phía Pháp vẫn tỏ ra mù mờ trong vấn đề này.
Theo tiến sĩ Vincent Tourret, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, Kiev cần làm các vụ oanh kích phức tạp hơn bằng cách phối hợp nhiều loại vũ khí : hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình và drone. Hỏa tiễn Storm Shadow của Anh và Scalp của Pháp được bắn đi từ chiến đấu cơ Su-24, rất rủi ro khi đến gần biên giới Nga. Ngược lại hỏa tiễn ATACMS của Mỹ có thể phóng bằng các giàn rốc-kết cơ động, khó ngăn chặn hơn. Nếu Hoa Kỳ bật đèn xanh, sẽ bước sang một ngưỡng mới.
Tổng thống Biden muốn chặn hàng Trung Quốc trước khi rời Nhà Trắng
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos quan tâm đến việc « Hoa Kỳ châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại mới với Trung Quốc ». Kể từ ngày 27/09, thuế hải quan đánh vào xe điện, bình điện, pin mặt trời của Trung Quốc xuất sang sẽ tăng từ 25 % đến 100 %.
Chính phủ Mỹ loan báo hủy bỏ việc miễn thuế cho một số những kiện hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 đô la, với 70 % là hàng dệt may Trung Quốc. Trong vòng 10 năm, trị giá số kiện hàng loại này đã tăng từ 140 triệu đô la/năm lên trên 1 tỉ đô la/năm, trong đó hai hãng thương mại điện tử Shein và Temu chiếm khoảng 1/3. Hai nhãn hiệu này bán giá rất rẻ vì được miễn thuế đến 30 %.
Thứ Tư tuần trước, 126 dân biểu Dân Chủ đã kêu gọi tổng thống Joe Biden hành động, khi gần đây 18 nhà máy dệt may Mỹ phải đóng cửa, Trung Quốc né được lệnh cấm nhập hàng liên quan đến lao động Duy Ngô Nhĩ cưỡng bức, và người Mỹ tiếp tục chết vì ma túy fentany được giấu trong những kiện hàng loại này. Nhưng tổng thống Biden không dừng lại ở đây, mà còn muốn đưa hẳn thành luật trước cuối năm, tức là trước khi chuyển giao quyền hành cho người kế nhiệm.