Vào lúc tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky lên đường công du Hoa Kỳ, dự kiến trình bày với người đồng nhiệm và Quốc Hội Mỹ chi tiết « kế hoạch chiến thắng » của mình để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Nga thì Matxcơva tuyên bố không tham dự hội nghị hòa bình cho Ukraina lần thứ 2, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2024. Động thái này cho thấy chính quyền Putin không dễ gì chấp nhận phương án hòa bình cho Ukraina mà Kiev đưa ra.
Đăng ngày: 23/09/2024
Hồi giữa tháng 6 vừa qua, một hội nghị hòa bình cho Ukraina đã được tổ chức tại Burgenstock, Thụy Sĩ, theo sáng kiến của Kiev. Hội nghị có hơn 90 nước tham gia, nhưng không có mặt Nga, Trung Quốc, và cuối cùng ra được tuyên bố chung nhưng chỉ có 80 nước ký. Hội nghị thượng đỉnh hoà bình đầu tiên Ukraina được giới quan sát cho là chỉ đạt mục tiêu thể hiện nỗ lực ủng hộ của phương Tây đối với Kiev, còn việc tìm kiếm một lối thoát ngoại giao thực sự cho cuộc chiến tranh là chưa có. Với Kremlin thì hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ là thất bại và vô ích, đơn giản chỉ vì không thể tổ chức đàm phán về Ukraina mà không có Nga.
Hướng tới hội nghị hoà bình lần thứ 2, Kiev thay đổi lập trường. Tháng trước, giới chức Ukraina nói rằng Kiev mong muốn Nga tham dự hội nghị hòa bình lần hai để có thể thống nhất lộ trình nhằm chấm dứt xung đột. Đầu tháng 9 này, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ NBC, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky khẳng định, các đại diện Nga nên có mặt ở hội nghị hoà bình lần hai. Ông Zelensky thừa nhận : « Chúng tôi hiểu rằng khó để chấm dứt cuộc chiến này bằng con đường ngoại giao nếu không có phía Nga ». Lãnh đạo Ukraina hiểu một hội nghị hòa bình chưa phải là các cuộc đàm phán chính trị trực tiếp giữa Kiev và Matxcơva để tìm kiếm ngừng bắn hay chấm dứt chiến tranh.
Song song với nỗ lực thúc đẩy hội nghị hòa bình lần thứ 2 này, tổng thống Ukraina đã chuẩn bị sẵn sàng mọi yếu tố lên kế hoạch hòa bình được đặt tên là « kế hoạch chiến thắng » với ngụ ý tạo lợi thế để « chiến thắng » trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Nội dung chi tiết của kế hoạch đang được dư luận chú ý này vẫn được giữ bí mật, nhưng một vài nét chính đã được ông Volodymyr Zelensky tiết lộ trong những ngày gần đây. Theo nhật báo Kyiv Independent, tổng thống giải thích rằng văn bản bao gồm bốn điểm cụ thể liên quan đến cuộc chiến với Nga và điểm thứ năm liên quan đến tình hình sau xung đột. Đó là các vấn đề an ninh của đất nước, lập trường địa-chính trị, kinh tế và viện trợ quân sự. Về điểm cuối cùng này, Zelensky đặc biệt muốn các đồng minh cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Hoa Kỳ và Anh hiện vẫn từ chối bật đèn xanh cho đề nghị này. Mục đích là giành ưu thế trên chiến trường với Nga. Vấn đề an ninh đất nước và lập trường địa-chính trị liên quan đến quyết tâm gia nhập NATO và Liên Hiệp Châu Âu của Ukraina trong tương lai. Đây cũng là một trong những lý do để ông Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina hồi tháng 2 năm 2022.
Hồi giữa tháng 7, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov đã khẳng định : « Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng việc Ukraina muốn gia nhập NATO là điều không thể chấp nhận được. Đây là mối đe dọa an ninh hàng đầu, thậm chí đe dọa sự tồn tại của chúng tôi. Nga luôn sẵn sàng đối thoại với Ukraina, nhưng với điều kiện phải hiểu rõ nội dung và phương thức đàm phán ».
Trước chuyến công du Mỹ lần này, tổng thống Volodymyr Zelensky đã đánh giá « kế hoạch chiến thắng » của ông là « cây cầu dẫn đến kết thúc chiến tranh. Để tăng cường sức mạnh cho Ukraina, tăng cường sức mạnh về chính trị, về vũ khí, và để nghĩ tới tương lai sau chiến tranh. » Có thể hiểu Kiev đang nỗ lực tối đa tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh phương Tây để hy vọng tạo được ưu thế nào đó trên chiến trường trước khi đi ngồi vào đàm phán với Nga mà hội nghị hòa bình sắp tới là để tạo tiền đề.
Về phần mình, hôm thứ Bảy, Nga cho biết sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình cho Ukraina lần 2. Phát ngôn viên Ngoại Giao Nga Maria Zakharova trong thông cáo khẳng định : « Thượng đỉnh vẫn cùng mục đích : Quảng bá ảo tưởng về ”công thức Zelensky” để làm cơ sở giải quyết mọi xung đột, để có được sự ủng hộ của đông đảo trên thế giới và sử dụng điều đó nhằm đưa ra tối hậu thư đầu hàng với Nga. »
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 đã cho biết Matxcơva chỉ chấp nhận đối thoại hòa bình với điều kiện Ukraina từ bỏ chủ quyền ở 5 vùng Nga hiện đang chiếm một phần hoặc toàn bộ.