Hòa đồng tôn giáo tại Việt Nam

October 8, 2024

*Chuyện Vỉa Hè
*Đặng Đình Mạnh

Từ trước cho đến nay, Việt Nam vẫn là một quốc gia hữu thần. Thậm chí, kể cả khi Cộng Sản chính thức khẳng định tính cách vô thần khi nắm quyền quản lý toàn bộ lãnh thổ quốc gia từ nửa thế kỷ qua, tính cách hữu thần của Việt Nam vẫn chưa từng một ngày chấm dứt.

Cho dù trong thực tế, tôn giáo có bị Cộng Sản đàp áp như thế nào đi nữa, nhưng trong hiến pháp do chính Cộng Sản chủ trương, họ vẫn chưa từng dám loại bỏ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội, mà trái lại, vẫn phải duy trì điều khoản bảo lưu sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng.

Hàng trăm ngàn người túa ra đường, đến nhà thờ dự thánh lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm, nhiều đường phố Hà Nội, Sài Gòn, đầy những người là người hân hoan chào đón, mừng Chúa giáng trần, gồm cả những người không phải Công giáo. (Hình: Linh Pham/AFP/Getty Images)

Từ đầu thế kỷ 11, dưới triều Lý, hữu thần với Phật Giáo chiếm vị thế cao trong xã hội và được công nhận là quốc giáo. Vị thế đó duy trì sang đến triều Trần, khi nhiều vị vua thoái vị, nhường ngôi cho con để thoát tục bắt đầu cuộc sống tu hành. Đến tận thế kỷ 14, Phật giáo mới suy giảm dần uy thế trong xã hội, nhưng vẫn là một tôn giáo lớn.

Thế kỷ 16, Công Giáo theo bước chân của các nhà truyền giáo phương Tây du nhập vào Việt Nam rồi cũng trở thành một cộng đồng tôn giáo lớn ở Việt Nam ngày nay.

Hiện nay, bên cạnh Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành thì nhiều tôn giáo khác, từ nguồn gốc có sẵn tại địa phương như Thờ Ông Bà hay Hồi Giáo và Bà La Môn (chủ yếu trong cộng đồng người Chăm, người gốc Ấn ở miền Nam Trung bộ và miền Nam), hoặc người trong nước tự khai đạo như Thờ Mẫu, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ, Tam Tông Miếu, Đạo Dừa, Đạo Ông Trần… hay theo chân người Minh Hương (người Hoa) cũng thờ đạo Phật, Thờ Ông Bà với Cửu Huyền Thất Tổ, Quan Công … và du nhập từ nước ngoài như Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm … đều đã có thời gian tồn tại, “chung sống hòa bình” tại xứ sở này. Đó chính là tính cách hòa đồng tôn giáo hết sức đặc biệt và là giá trị tinh thần mà người Việt may mắn sở đắc được, điều không dễ quốc gia nào cũng có.

Phạm vi bài viết này không đề cập đến nguyên nhân phát sinh nên tính cách hòa đồng tôn giáo đó, nhưng tính cách hòa đồng tôn giáo đã là sự thật hiện hữu từ nhiều thế kỷ qua và là giá trị tín ngưỡng, vốn quý vô giá của dân tộc.

Phật Giáo, tuy được du nhập vào Việt Nam sớm nhất (ở miền bắc), đồng thời, trong lời thệ nguyện quy y khẳng định phật tử không thờ phượng Tà, Thần, Quỷ, Vật, Tà giáo, Tà thần, ngoại giáo … Điều này tương tự như điều răn thứ nhất của Công giáo. Thế nhưng, nếu điều đó được tuân thủ nghiêm ngặt thì các tôn giáo khác, kể cả Công giáo đã không có chỗ đứng trong tín ngưỡng người Việt. Sự cởi mở, đồng hành, tôn kính nhau của nhiều tín ngưỡng khác nhau trong một quốc gia chính là bằng chứng thuyết phục về tính cách hòa đồng tôn giáo của người Việt từ nhiều thế kỷ nay.

Sự du nhập tôn giáo mới vào xứ sở không phải lúc nào cũng gặp sự thuận lợi. Trong buổi đầu của Công giáo Việt Nam. Triều Nguyễn, từ sau đời vua Gia Long đã áp dụng chính sách cấm đạo, giết hại tu sĩ, đàn áp giáo dân.

Ở miền Nam, vào đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước đã ghi nhận sự kiện Phật Giáo xuống đường để phản ứng lại với hành xử của chính quyền Sài Gòn cũ bị cho rằng ưu ái Công Giáo, đàn áp Phật Giáo… Nhưng ngay trong thời điểm ấy, hai bên lương, giáo vẫn giữ sự tương kính, kìm chế, hòa đồng tôn giáo tốt đẹp.

Sau thời điểm 1975, với chủ trương sách lược an ninh loại bỏ toàn bộ các tổ chức có khả năng tập hợp, hiệu triệu, điều khiển công chúng, hoặc có sức ảnh hưởng lớn trong xã hội khả dĩ thách thức quyền lực chính trị của đảng Cộng Sản, thì tất cả các tôn giáo đang hoạt động đều bị buộc giải tán, như: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo… Khiến cho tổ chức bị tiêu diệt hoàn toàn, hoặc hoạt động một cách bí mật hay bị thu hẹp dần phạm vi hoạt động.

Tuy vậy, sự tôn kính giữa các tôn giáo vẫn lặng lẽ song hành.

Tháng Sáu 2021, Sài Gòn bắt đầu bước vào những tháng chết chóc kinh hoàng của cơn đại dịch Covid-19. Để bào chữa cho việc tổ chức phòng tránh dịch thất bại, thậm chí, còn là tác nhân gây nên cơn lan truyền đại dịch thông qua việc tập trung đông người để đổi chứng minh nhân dân, tổ chức bầu cử, tổ chức rầm rộ kỷ niệm các ngày 30 Tháng Tư và 01 Tháng Năm, chính quyền đã khởi tố hình sự đối với Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng để trút đổ tội lỗi. Bị truyền thông tác động, khiến công chúng khi ấy đã giận dữ và xem các thành viên của Hội Thánh Truyền Giáo Phục Hưng như là tội đồ.

Ngay khi ấy, xuất hiện Thư Mục Vụ của Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, trong nội dung thư có đoạn nêu rõ: “Trong những ngày qua, các cơ quan ngôn luận đang hướng về các thành viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng như là người chịu trách nhiệm trong việc lây lan virus cho người dân thành phố. Thật ra các anh chị em tín hữu này cũng chỉ là nạn nhân của virus thôi. Trong cơn đại dịch, tất cả chúng ta đều liên đới và đồng trách nhiệm. Khi việc lây lan virus được qui trách nhiệm cho một sinh hoạt tôn giáo, chúng ta đừng quên rằng phạm trù tôn giáo bao hàm cả chúng ta. Vì thế, xin quí cha và anh chị em tín hữu Công giáo luôn sống tinh thần công bằng và bác ái, không dùng ngôn từ hoặc có thái độ kết án, trái lại, hãy cảm thông chia sẻ và cùng cầu nguyện, và hãy kiểm điểm lại các sinh hoạt của chính mình.”

Rõ ràng, Thư Mục Vụ có giá trị như liều thuốc giải độc quý giá, không chỉ tác động với người Công giáo mà quan trọng nhất, đã giúp giải độc cho công chúng đang ngộ độc vì truyền thông bẩn của chế độ. Với góc độ tổ chức tôn giáo, chính “Tinh thần công bằng, bác ái, cảm thông” đã là những hành xử đẹp đẽ giúp gắn kết các tôn giáo.

Đến vài tháng trở lại đây, khi phát sinh sự kiện tu sĩ Minh Tuệ bộ hành khất thực dọc theo đường quốc lộ gây xôn xao dư luận, thì lại bắt đầu nổi lên tiếng bấc, tiếng chì, tiếng ong, tiếng ve từ chính các tu sĩ đồng đạo hoặc tôn giáo bạn, khiến chúng ta có cơ sở thật sự lo lắng về khả năng xung đột tôn giáo.

Vì lẽ, xung đột chính là thủ đoạn “Chia để trị” rất quen thuộc dưới mắt của công chúng. Cho nên, chúng không hoàn toàn xuất phát từ giới tu sĩ mà chỉ là sự mượn danh tu sĩ để gây nên xung đột mà thôi.

Trên thế giới, vẫn còn biết bao cuộc chiến đẫm máu đang diễn ra vì nhân danh tôn giáo, như ở Trung Đông chẳng hạn. Người ta ước đoán, để làm dịu các xung đột này có thể mất thời gian cả hàng thế kỷ với nỗ lực cao nhất của ba đến bốn thế hệ.

Tu sĩ Phật giáo hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ dừng chân nói chuyện với mọi người trên đường đi ngang qua tỉnh Hà Tĩnh hồi giữa Tháng Nam 2024. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Nếu xung đột tôn giáo xảy ra ở Việt Nam, thì quả thật là bất hạnh lớn cho một dân tộc vốn đã trải qua quá nhiều thiệt thòi, mất mát. Thế nên, giữ gìn sự hòa đồng tôn giáo chính là giữ cái vốn quý vô giá của dân tộc. Và càng là chức sắc tôn giáo, thì lại càng phải có trách nhiệm giữ gìn. Không vì giáo lý tôn giáo mình mà công nhiên phủ nhận giáo lý tôn giáo khác. Hoặc vì xiển dương nghi lễ tôn giáo mình mà phủ nhận nghi lễ tôn giáo khác là “mê tín” !?

Nếu biết rằng, sự tôn kính nhau giữa các tôn giáo chính là nền tảng của sự hòa đồng tôn giáo.

Dân tộc này đã từng cởi mở đón nhận tất cả các tôn giáo để mỗi tôn giáo đều có vị thế xứng đáng trong tinh thần dân tộc. Thì đổi lại, các tôn giáo cũng phải mặc nhiên có trách nhiệm giữ gìn sự tôn kính, đồng hành cùng nhau.

Bất luận chế độ Cộng sản chủ trương đàn áp tôn giáo như thế nào đi nữa, Việt Nam vẫn là một quốc gia hữu thần và đa tôn giáo. Do đó, phật tử, giáo dân, giáo hữu, tín hữu, tín đồ và người không tín ngưỡng … ứng xử chung một cách có trách nhiệm với nhau đều phải xuất phát từ góc độ đó để bảo đảm sự khách quan.

Mọi sự đánh giá vấn đề tôn giáo chỉ từ góc độ tín ngưỡng của mình đều là cục bộ, chủ quan, dễ sa đà vào sự cực đoan. Nên biết, mọi cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới đều khởi nguồn từ sự cực đoan tôn giáo mà ra.

DC, ngày 7 Tháng Mười 2024
Đặng Đình Mạnh

Bài Liên Quan

Leave a Comment