Mở ra các tờ báo chí Paris ngày 11/10/2024, độc giả chóng mặt với những con số trong các bài bài phân tích về dự luật ngân sách của Pháp năm 2025 vừa được thủ tướng Michel Barnier công bố. Về thời sự quốc tế, Ukraina và Israel tiếp tục là những chủ đề lấn át hết những khu vực còn lại trên thế giới. Tin văn hóa và thể thao, Han Kang giải Nobel Văn Học đầu tiên của Hàn Quốc và tay vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal giải nghệ là hai nhân vật trong ngày.
Đăng ngày: 11/10/2024
Đúng vào ngày Giáo hoàng tiếp tổng thống Ukraina, báo công giáo La Croix nói đến một nền ngoại giao của tòa thánh Vatican « thầm lặng mà hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực nhân đạo ». Đâu là những hồ sơ chính trong trong cuộc tiếp xúc lần thứ ba giữa tổng thống Volodymyr Zelensky và giáo hoàng Phanxicô từ khi Ukraina bị Nga xâm chiếm ?
Một nguồn tin từ phía Ukraina được tờ báo trích dẫn nhắc lại trong gần ba năm qua, Kiev thận trọng trước những nỗ lực của Giáo Hội Roma tìm kiếm « một giải pháp chính trị ». Trong mắt nhà sử học Antoine Nivière, đại học Lorraine (miền đông nước Pháp), vì muốn đóng vai trò trung gian, tức là có thể đối thoại với tất cả các bên, giáo hoàng Phanxicô tránh làm phật lòng nước Nga. Điều đó khiến công luận Ukraina bất bình …
Hiệu quả cụ thể từ chính sách ngoại giao thầm lặng
Đúng là Tòa Thánh không thành công vãn hồi hòa bình cho Ukraina, nhưng xét cho cùng, những sáng kiến hòa giải của Trung Quốc chẳng hạn cũng đã thất bại. Điều đó không cấm cản « Ukraina luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Vatican ». Nhưng giáo hoàng tập trung nỗ lực vào vế nhân đạo và đã gặt hái được khá nhiều « thành công cụ thể ».
Tháng 6/2023 sứ giả của giáo hoàng là hồng y Matteo Zuppi đã đến Kiev, rồi Matxcơva trước khi lên đường sang Washington và Bắc Kinh. Mục tiêu vòng công tác này là để chuẩn bị cho các chương trình trao đổi tù binh và đưa trẻ em Ukraina bị Nga bắt giữ trở về với gia đình : 388 trẻ em được « thả » qua nhiều « trung gian », trong đó có tiếng nói của Tòa Thánh.
Tháng 6/2024 trong một đợt trao trả tù nhân giữa hai bên tham chiến, đích thân tổng thống Zelensky gọi điện cảm ơn Vatican. Cuối tháng 7/2024 ngoại trưởng của Giáo Hội Roma, hồng y Pietro Parolin đã trở lại Ukraina và đã tiếp đại diện của các giới chức tôn giáo vào dân sự Ukraina. Họp qua cầu truyền hình với các giới chức Nga hôm 16/09/2024 hồng y Parolin một lần nữa kêu gọi Matxcơva thả các tù nhân chiến tranh.
Cũng La Croix trong bài xã luận ghi nhận : « Vào lúc viễn cảnh hòa bình còn là điều bất khả, những hoạt động thầm lặng của Vatican cho phép đem lại một chút hy vọng. Giáo hoàng Phanxicô, một tiếng nói cá biệt, kiên trì kêu gọi hòa bình góp phần đem lại hy vọng » cho Ukraina.
Ukraina nhắm vào quyền lợi của Nga ở châu Phi
Về phần Volodymyr Zelensky, ông đang đôn đáo vận động các đối tác châu Âu cho « kế hoạch giành chiến thắng ». Trên chiến trường thì quân đội Ukraina « thua xiểng niểng » ở Toretsk, ở Vouledar , Marinka, Avdiivka … từ đầu năm đến nay. Le Figaro ghi nhận đội quân của Kiev phải lùi bước nhưng bắt đối phương trả giá đắt cho mỗi tấc đất chiếm được trên lãnh thổ Ukraina. Nhưng trong lúc bị quân Nga bao vây thì Ukraina bắt Matxcơva phải chia trí bằng cách « kín đáo » can thiệp vào Mali và một số quốc gia châu Phi khác, bởi đây là những mảnh đất màu mỡ Nga đang nhắm tới.
Bài báo trên Le Monde mang tựa đề ngắn gọn « Kiev kín đáo giúp phe nổi dậy ở Mali ». Phe nổi dậy ở Mali mang tên CSP thường xuyên sử dụng drone do Ukraina chế tạo để tấn công vào các cơ sở của tập đoàn quân sự đang cầm quyền tại Bamako.
Trong vụ tấn công hôm 04/10/2024 CSP dùng drone của Ukraina để thả thuốc nổ xuống căn cứu quân sự Goudam, nơi lực lượng Wagner của Nga đang đồn trú. Nhiều vụ tương tự cũng đã xảy ra trong những tháng gần đây. Phát ngôn viên tình báo quân sự Ukraina không che đậy mối hợp tác với phe nổi dậy ở Mali, CSP.
Le Monde tiết lộ : từ khi bị Nga xâm lược, Ukraina tìm mọi cách làm suy yếu đối phương, và đã tính tới việc « nhắm vào những lợi ích của Nga ở bất cứ nơi nào » trên thế giới. Năm 2023 Kiev đã « kín đáo tiến hành một số chiến dịch » tại Soudan, nơi mà lực lượng bán quân sự Wagner hoành hành. Cũng ngay từ 2023 Ukraina đã nhắm tới Mali, một nhịp cầu của Nga ở Châu Phi. Nhưng phải đợi đến đầu 2024 Kiev mới có thể thực hiện kế hoạch này. Hai đồng tác giả bài báo trên tờ Le Monde kết luận : Ukraina yểm trợ phe nổi dậy ở Mali đặt chính quyền quân sự Bamako trong thế bất an. Nhưng nếu như CSP được trang bị drone của Ukraina thì lực lượng Wagner đóng tại Mali được Nga cung cấp drone tự sát.
Thương mại quốc tế : Châu Á hưởng lợi
Sau đại dịch Covid, các hoạt động mậu dịch đã phục hồi. Châu Âu là một ngoại lệ. Theo báo cáo mới của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, trao đổi mậu dịch toàn cầu trong năm nay tăng 2,7 %. Châu Á là khu vực năng động nhất.
Kinh tế trưởng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới Ralph Ossa ghi nhận, « về khối lượng, xuất khẩu của các nước châu Á tăng nhanh hơn bất kỳ một khu vực nào khác trên thế giới », tăng 7,4 %.
Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đã « có những bướt nhẩy vọt ». Về nhập khẩu, kim ngạch chung trong khu vực tăng 4,3 %. Les Echos lưu ý, nhập khẩu của Việt Nam, Singapore, Malaysia và Ấn Độ tăng mạnh. Điều đó cho thấy các quốc gia này đóng vai trò « trung gian » trong chuỗi cung ứng toàn cầu vào thời điểm mà toàn cảnh địa chính trị đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết và căng thẳng Mỹ -Trung gia tăng. Nhập khẩu vào Việt Nam tăng 18 % trong 7 tháng đầu năm 2024 trong lúc xuất khẩu của Việt Nam tăng 16 %.
Dự luật ngân sách Pháp 2024
Để tiết kiệm 60 tỷ euro cho năm tới nhằm giữ mức thâm thủng ngân sách là 5 % GDP, thủ tướng Michel Barnier bắt buộc phải vừa tăng thuế vừa cắt giảm chi tiêu. Vấn đề xoay quanh hai câu hỏi : Ai phải đóng thêm thuế và ai bị ảnh hưởng vì các biện pháp cắt giảm chi tiêu ?
Trình bày dự luật ngân sách của Pháp cho năm tới, ông Barnier quyết định giảm 40 tỷ euro các khoản chi tiêu và tăng 20 tỷ thuế. Libération qua hai biểu đồ trình bày ngắn gọn : Trên 20 tỷ tiền thuế chính phủ muốn thu vào năm tới, các doanh nghiệp phải chịu 14 tỷ, 6 tỷ còn lại là thuế thu từ các hộ gia đình có thu nhập trên 500.000 euro một năm. Cùng lúc nội các Barnier cắt giảm 40 tỷ euro các khoản chi tiêu công cộng và tác động từ việc cắt giảm này ảnh hưởng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Thí dụ như khi Pháp dự trù tiết kiệm 10 tỷ euro của các quỹ an sinh xã hội (tiền lương hưu, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp y tế …), chương trình thắt lưng buộc bụng này ảnh hưởng đến « Cuộc sống hàng ngày của hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp » như nhận định của tờ báo thiên tả Libération.
Theo quan điểm của tờ báo thân hữu Le Figaro thì dường như những nhát kéo cắt giảm chi tiêu để lấy lại cân bằng trong cán cân chi –thu của nhà nước là chưa đủ
Nhật báo Les Echos mà phần lớn các độc giả là trong giới tài chính và các doanh nhân đã trở lại với « dự luật ngân sách 2025 » của nước Pháp. Tờ báo này tìm cách trả lời câu hỏi « Có những thay đổi nào đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp trong chính sách thuế khóa » vào năm tới ? Les Echos đặc biệt quan tâm đến hai lĩnh vực : chính phủ Barnier không thân thiện với các nhà sản xuất xe hơi khi dự trù tăng thuế đánh vào một số loại xe gây ô nhiễm môi trường đồng thời giảm trợ cấp cho những người muốn mua ô tô điện. Trong tiến trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, Paris có vẻ như đang quên dần mục tiêu cấp bách này. Tờ báo nói đến một « sự thụt lùi ở mọi cấp ».
Han Kang, niềm tự hào của văn học Hàn Quốc
Báo chí Paris trong ngày chú ý nhiều đến nhà văn nữ người Hàn Quốc, Han Kang, giải Nobel Văn Học 2024 : « Han Kang một nhà văn nữ bị cuộc thảm sát ở Gwangju (tháng 5/1980) ám ảnh » Libération ghi nhận. Sinh năm 1970 ở chính nơi phong trào sinh viên chống lại chế độ độc tài quân sự đã bị đàn áp đẫm máu Han Kang đã đưa sự kiện lịch sử này vào văn chương. Bằng những ẩn dụ, vụ thảm sát năm 1980 luôn ẩn hiện trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà từ Người phụ nữ ăn chay (năm 2007), Gió thổi, đi thôi (2010) cho đến Người đang đến (2016). Trong tác phẩm này, nhân vật chính là Tongho vẫn lang thang đi tìm một người bạn bị mất tích sau cuộc nổi dậy ở Gwangju.
Nhật báo La Croix nhắc lại trước giải Nobel Văn Học 2024 Han Kang từng nhận giải văn học Pháp Prix Medicis 2023 ở hạng mục dành cho các nhà văn nước ngoài nhờ tiểu thuyết Đừng nói tạm biệt, mà trong đó Han Kang nhắc đến cuộc nổi dậy hồi năm 1948 trên đảo Jeju, 30.000 thường dân bị sát hại vì họ là những người « cộng sản ».
Han Kang và giải Nobel Văn Học đầu tiên dành cho xứ Hàn, là bằng chứng mới nhất cho thấy « hào quang văn hóa » của quốc gia đông Á này không còn biên giới. Sau điện ảnh, ca nhạc phim dài nhiều tập, đến lượt văn học Hàn Quốc chinh phục thế giới.
Rafael Nadal, một thời đại đã qua
Tay vợt Tây Ban Nha chính thức thông báo giải nghệ gây nên một trận sóng thần trong giới hâm mô quần vợt thế giới. Trang nhất báo thể thao L’Equipe đăng bức ảnh lớn của Nadal và chơi chữ : « Và Trái Đất ngừng quay » bởi Nadal là ông vua sân đất nện. Le Figaro dành hai trang lớn cho một « huyền thoại » 14 lần vô địch trên sân đất nện Roland Garros, 22 giải Grand Slam, 209 tuần lễ đứng hạng 1 trong bảng xếp hạng ATP và 1080 bàn thắng trong các trận đấu … Cũng l’Equipe nhắc lại câu nói bất hủ của một huyền thoại quần vợt khác là Novak Djokovic : « Hàng triệu, triệu đưa trẻ trên thế giới đã cầm vợt chỉ vì hiệu ứng Nadal ». Điều dễ hiểu khi giới hâm mộ hay tin Rafael giải nghệ đã không ít người nhỏ một giọt nước mắt và nhủ thầm « lịch sử quần vợt quốc tế vừa khép lại một thời kỳ vàng son ».