Quốc hội họp: Sau ông Tô Lâm, ai sẽ làm chủ tịch nước?

Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bầu chủ tịch nước mới, sau thời gian ông Tô Lâm kiêm hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước
Chụp lại hình ảnh,Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bầu chủ tịch nước mới, sau thời gian ông Tô Lâm kiêm hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước

15 tháng 10 2024

Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 15, khai mạc vào ngày 21/10, sẽ kiện toàn chức danh chủ tịch nước. Ai sẽ giữ vị trí này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đang kiêm nhiệm hai vai trò đứng đầu đảng và nhà nước.

Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết bầu chủ tịch nước mới trong kỳ họp tới đây, ông Tô Lâm sẽ chỉ còn tập trung vào công việc của đảng, nhất là trong giai đoạn quyết định của công tác nhân sự và văn kiện cho Đại hội 14.

Thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 ước tính là 29 ngày, được tổ chức thành 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21/10 – 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20 – 30/11/2024.

Bên cạnh việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung thuộc công tác lập pháp; 10 nhóm nội dung về kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề khác.

Một trong những nội dung quan trọng mà Quốc hội dự kiến cho ý kiến là dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với kinh phí ước tính khoảng 70 tỷ USD..

Thế giằng co của ông Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Đảng Cộng sản Việt Nam là hệ thống hoạt động trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và tập trung dân chủ. Có thể hiểu rằng, với mô hình này, cơ quan nào càng đông thì càng có quyền lực. Như vậy, Đại hội đại biểu là quyền lực nhất, rồi tới Ban Chấp hành Trung ương, rồi Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, để có thể quy được trách nhiệm thì cần “cá nhân phụ trách”. Trong Bộ Chính trị còn có nhóm Tứ Trụ – là những lãnh đạo đứng đầu – với xếp hạng về quyền lực từ trên xuống là: tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.

Những chức vụ này thường do các cá nhân khác nhau nắm giữ và hoạt động như một hệ thống kiểm soát và cân bằng quyền lực nội bộ nhằm tránh tình trạng cá nhân chuyên quyền, phá vỡ cơ chế tập thể lãnh đạo. Và vì vậy, dù tổng bí thư là vị trí lãnh đạo quyền lực nhất thì cũng không thể áp đặt ý chí của mình lên Bộ Chính trị mà phải dẫn dắt và tìm kiếm sự ủng hộ.

Tiến sĩ Zachary Abuza, Giáo sư từ Đại học National War College (Mỹ), chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á nói với BBC rằng Quốc hội thông báo sẽ bầu chủ tịch nước mới cho thấy Trung ương Đảng muốn giữ vững truyền thống lãnh đạo tập thể và việc chia sẻ quyền lực giữa Tứ Trụ.

“Nhưng tôi nghĩ ông Tô Lâm thích việc kiêm nhiệm cả hai chức vụ, tương tự ông Tập Cận Bình. Khi tổng bí thư cũng là nguyên thủ quốc gia thì công tác đối ngoại sẽ dễ dàng hơn.”

Chức danh chủ tịch nước theo lý thuyết là nguyên thủ quốc gia, phụ trách đối nội lẫn đối ngoại nhưng dưới thời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vị trí này dường như bị lu mờ trước quyền lực của ông Trọng.

Bằng chứng là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, người chủ trì lễ đón chính thức, hội đàm với ông Biden là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, không phải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Một số cuộc điện đàm với nguyên thủ quốc gia của các cường quốc cũng do ông Trọng thực hiện.

Vì vậy, việc kiêm nhiệm sẽ giúp cho các quốc gia khác, đặc biệt là phương Tây dễ dàng xác định ai là nhân vật đứng đầu để giao thiệp khi đối ngoại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/8 trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/8 trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng dù ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm cả hai chức vụ nhờ vào quyền lực hiện có của mình, bản thân ông muốn tránh tạo ra ấn tượng rằng việc củng cố quyền lực cá nhân gây tổn hại đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo bấy lâu nay.

Tại cuộc gặp các cựu lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào ngày 15/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói rõ ràng rằng sẽ kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao vào tháng 10/2024, như một cách đánh tiếng với các “bậc bô lão” rằng sẽ không có việc nhất thể hóa và không có sự thay đổi nào về cơ chế tập thể lãnh đạo.

Giáo sư Carl Thayer, chuyên phân tích chính trị Việt Nam, nói với BBC vào ngày 29/8 rằng việc không để ông Tô Lâm kiêm nhiệm có thể là do một số lãnh đạo cấp cao tỏ ra kiêng kị về việc cho phép một người nắm giữ quá nhiều quyền lực.

“Hoặc là có những cân nhắc về lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định chính trị ở Việt Nam. Vì thế, việc khôi phục lại cơ chế lãnh đạo Tứ Trụ sẽ giúp trấn an những mối quan ngại,” ông Thayer nói với BBC.

Nếu không còn là chủ tịch nước, ông Tô Lâm có thể sẽ ít có những cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia hoặc thực hiện các chuyến công du nước ngoài như vừa qua.

Một chuyên gia giấu tên cho rằng có thể ông Tô Lâm đang ở thế “giằng co” vì ông muốn nắm giữ cả hai vị trí chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhưng ông cần thêm thời gian để củng cố quyền lực.

“Việc kiêm nhiệm cả hai chức vụ có thể giúp ổn định nội bộ trong thời gian ngắn nhưng nếu chuyện kiêm nhiệm này kéo dài và trở thành một hình thức lãnh đạo mới, có thể gây lo ngại cho nhiều người và tạo sự bất ổn về lâu về dài vì nó phá vỡ cốt lõi tập thể lãnh đạo. Ngay cả một người phá lệ làm ba nhiệm kỳ tổng bí thư như ông Nguyễn Phú Trọng còn không kiêm nhiệm thì ông Tô Lâm có muốn cũng phải tôn trọng và tuân thủ nguyên tắc lâu nay.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9
Chụp lại hình ảnh,Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 25/9

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường

Xét theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn các chức danh, để làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên. Hiện trong Bộ Chính trị chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là thỏa mãn yêu cầu này.

Trong chương trình Podcast của Fulcrum thuộc Viện nghiên cứu ISEAS (Singapore), Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang nhắc đến khả năng Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sẽ trở thành chủ tịch nước kế nhiệm ông Tô Lâm.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp lưu ý rằng xét quá trình công tác của ông Lương Cường, ông chưa đủ tiêu chuẩn cho chức vụ nguyên thủ quốc gia vì ông chưa từng làm lãnh đạo tỉnh hay bộ trưởng nên đây có thể là điểm yếu mà ông Tô Lâm có thể “khai thác”, nếu ông Lâm muốn tiếp tục kiêm nhiệm cả hai chức vụ.

Quy định 214 đặt tiêu chuẩn cho vị trí chủ tịch nước là “đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương”.

Tuy nhiên, Quy định 214 cũng nêu “trường hợp đặc biệt” cho Tứ Trụ, nếu ứng viên không hội đủ một số tiêu chuẩn thì Ban Chấp hành Trung ương có thể quyết định trường hợp ngoại lệ. Do đó, ghế chủ tịch nước vẫn mở cửa cho các ứng viên chưa làm trọn một nhiệm kỳ trong Bộ Chính trị hay chưa đạt tiêu chuẩn về kinh nghiệm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Lương Cường

Trên thực tế, chức vụ thường trực Ban Bí thư cũng đòi hỏi những tiêu chuẩn về kinh nghiệm công tác tương tự chức chủ tịch nước và ông Cường vẫn được Bộ Chính trị bổ nhiệm cho vị trí thường trực Ban Bí thư nên khả năng cao, ông vẫn tiếp tục xét trường hợp đặc biệt.

Xét quá trình công tác của ông Lương Cường, có thể thấy con đường binh nghiệp của ông Cường chủ yếu tập trung vào công tác chính trị, công tác đảng. Tại Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện nên vai trò của cán bộ sĩ quan chính trị trong quân đội luôn đặc biệt quan trọng.

Ông Cường còn có thâm niên trong Trung ương Đảng với ba khóa liên tiếp 11, 12 và 13 và là ủy viên Bộ Chính trị được bầu từ đầu khóa. Hiện ông là Thường trực Ban Bí thư, một vị trí quan trọng sau Tứ Trụ.

Chưa kể, đã có ít nhất hai đời chủ tịch nước được bầu lên từ vị trí Thường trực Ban Bí thư, đó là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Vì vậy, khả năng vào Tứ Trụ của ông Lương Cường là rất cao.

Một số chuyên gia cho rằng, chủ tịch nước có thể sẽ là người có xuất thân từ quân đội
Chụp lại hình ảnh,Một số chuyên gia cho rằng, chủ tịch nước có thể sẽ là người có xuất thân từ quân đội. Từ trái qua: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Đáng chú ý, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa có chuyến đi khá lặng lẽ đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Tại đây, ông đã có dịp hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Thái Kỳ.

Gọi là “lặng lẽ” vì khác với các chuyến thăm cấp cao gần đây, báo chí Việt Nam không đưa tin rộng rãi chuyến thăm Trung Quốc của ông Lương Cường từ ngày 9-12/10.

Tới tận hai ngày sau khi ông Cường và đoàn Việt Nam tới Trung Quốc, vào đêm 11/10, một số báo Việt Nam mới bắt đầu đưa tin về cuộc gặp giữa ông Lương Cường với ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, việc Thường trực Ban Bí thư Lương Cường – người giữ vị trí thứ năm sau Tứ Trụ – có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình cho thấy có một sự trọng thị từ phía Trung Quốc.

Khi đến Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trước khi mất chức) cũng từng hội kiến với ông Tập.

Chụp lại video,Ông Lương Cường thăm Trung Quốc: Chuyến đi lặng lẽ có ý nghĩa thế nào?

Có một lý do nữa khiến ông Lương Cường là ứng viên nặng ký cho vị trí chủ tịch nước, đó là việc cân bằng quyền lực giữa hai lực lượng công an và quân đội.

Giáo sư Carl Thayer nói với BBC rằng, có tin đồn quân đội muốn đề bạt ứng cử viên của mình vào vị trí chủ tịch nước để thành đối trọng với bên công an.

Giáo sư Zachary Abuza nhận định với BBC vào ngày 29/8 rằng dù ông Lương Cường không còn phục vụ trong quân đội nhưng ông vẫn được coi là đại diện cho lợi ích của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Bộ Chính trị và quân đội được cho là đang cố gắng cân bằng ảnh hưởng với Bộ Công an.

Lý giải điều này, ông Abuza cho rằng sự kèn cựa giữa hai lực lượng vũ trang xuất phát một phần là do các bộ thường cạnh tranh nhau về quyền lực và tài nguyên. Đó là bản chất của sự cạnh tranh quan liêu giữa hai cơ quan có sự chồng chéo về thẩm quyền và công việc.

Giáo sư Thayer cũng giải thích thêm với BBC, cả quân đội và công an có những trách nhiệm, chức năng chồng chéo trong xã hội, vì thế đôi khi tạo ra mâu thuẫn và đụng độ dẫn đến sự cạnh tranh để tranh giành nguồn ngân sách.

Trong bài phát biểu nhậm chức chủ tịch nước và sau đó là chức tổng bí thư, ông Tô Lâm đã liên tục nhấn mạnh yêu cầu “đoàn kết thống nhất”. Khi chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nhân sự để định hướng vấn đề nhân sự cho Đại hội 14, ông Tô Lâm cũng đề cập việc đoàn kết.

Theo Giáo sư Thayer, ông Tô Lâm là tổng bí thư đầu tiên có xuất thân từ công an và việc cân bằng, tìm kiếm sự ủng hộ giữa các phe phái sẽ là bài toán cho ông. Việc ông kiêm nhiệm sẽ khiến ông trở thành người quyền lực nhất, vừa nắm Quân ủy Trung ương, vừa nắm Đảng ủy Công an Trung ương. Vì vậy, việc để một đại diện được cho là của phía quân đội giữ chức chủ tịch nước sẽ giúp xoa dịu, tránh xung đột nội bộ.

Tính cả lần bầu chủ tịch nước sắp tới, nhiệm kỳ 2021-2026 có tổng cộng bốn sự thay đổi chủ tịch nước: ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Tô Lâm và nhân vật sắp được Đảng giới thiệu để Quốc hội bầu.

Ông Lương Cường là ai?

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường
Chụp lại hình ảnh,Thường trực Ban Bí thư Lương Cường

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ông là ủy viên Bộ Chính trị khóa 13; bí thư Trung ương Đảng khóa 12; ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13; đại biểu Quốc hội khóa 15.

Ông Cường từng có thời gian học bồi dưỡng cán bộ cấp cao tại Trung Quốc (12/2011 và 11/2013).

Trước khi được phân công làm thường trực Ban Bí thư, ông là ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ông Lương Cường có trình độ chuyên môn là cử nhân xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước.

Từ một chiến sĩ, thiếu úy năm 1979, ông Cường lần lượt được thăng quân hàm qua các năm: 1981 – trung úy; 1982 – thượng úy; 1985 – đại úy; 1989 – thiếu tá; 1993 – trung tá; 1997 – thượng tá và thăng quân hàm đại tá vào năm 2001.

Từ năm 2003 đến 2006, ông Lương Cường giữ chức phó tư lệnh về chính trị, bí thư Đảng ủy Quân đoàn 2. Đầu năm 2006, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Sau đó, ông có hơn một năm làm chính ủy Quân đoàn 2.

Ông được thăng quân hàm trung tướng vào năm 2009 và giữ chức chính ủy Quân khu 3 từ tháng 1/2008 đến 5/2011.

Cuối năm 2014, ông Lương Cường được thăng quân hàm thượng tướng. Ông cũng giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hơn 4 năm, từ tháng 6/2011 đến tháng 12/2015.

Ông Cường được thăng quân hàm đại tướng vào đầu năm 2019.

Trong giai đoạn từ tháng 5/2016 đến 1/2021, ông là chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương; ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; ủy viên Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.

Đầu năm 2021, ông Lương Cường được Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 6 cùng năm, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.

Vào ngày 20/5/2024, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 9, ông Lương Cường được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ thường trực Ban Bí thư, thay cho bà Trương Thị Mai.

Bài Liên Quan

Leave a Comment