- Tác giả,James Waterhouse
- Vai trò,Phóng viên BBC từ Kyiv
Quân đội Nga đang lập một đơn vị có khoảng 3.000 lính Triều Tiên, một nguồn tin tình báo quân đội của Ukraine nói với BBC, thông tin mới nhất cho thấy Bình Nhưỡng đang lập một mối quan hệ đồng minh quân sự gần gũi với Điện Kremlin.
Đến nay, BBC chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một đơn vị quân sự lớn như vậy được lập ở vùng Viễn Đông của Nga và người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin về sự tham gia của binh lính Triều Tiên.
“Đây không chỉ là thông tin tình báo của Anh mà còn của Mỹ nữa. Họ lúc nào cũng đăng tải thông tin như vậy mà không đưa ra bằng chứng,” ông nói.
Rõ ràng mức độ hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã trở nên sâu sắc hơn trong những tháng gần đây.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thông điệp chúc mừng sinh nhật Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần qua và gọi ông ta là “người đồng chí thân thiết nhất”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói về việc Triều Tiên tham chiến và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trong tháng này đã nói rằng “có khả năng cao” binh lính Triều Tiên được triển khai tại Ukraine.
Câu hỏi lớn nhất là số lượng binh sĩ tham gia.
Một nguồn tin quân sự ở vùng Viễn Đông của Nga xác nhận với BBC Tiếng Nga rằng “một số lượng binh lính Triều Tiên đã đến nơi” và đồn trú tại một trong những căn cứ quân sự gần thành phố Ussuriysk, nằm về phía bắc thành phố cảng Vladivostok.
Thế nhưng, nguồn tin này đã từ chối đưa ra con số chính xác, ngoài việc nói rằng “không thể nào gần con số 3.000 được”.
Các chuyên gia quân sự nói với BBC rằng họ nghi ngờ về khả năng các đơn vị quân đội của Nga có thể huy động thành công hàng ngàn lính Triều Tiên.
“Lúc đầu họ đã không dễ dàng gì trong việc huy động hàng trăm tù nhân Nga – và tất cả những kẻ đó đều nói tiếng Nga,” một nhà phân tích sống tại Nga không muốn nêu tên nói với BBC.
Thậm chí nếu có 3.000 quân thì đây cũng không phải là con số lớn trên chiến trường, nhưng Mỹ cũng quan ngại như Ukraine.
“Đây sẽ là một sự thăng tiến đáng kể trong quan hệ của họ (Nga và Triều Tiên),” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói, và theo ông đây là “một cấp độ tuyệt vọng mới của Nga” sau những tổn thất trên chiến trường.
Hồi tháng Sáu, ông Vladimir Putin đã nâng ly chúc mừng một thỏa thuận “hòa bình và phòng thủ” với ông Kim Jong-un.
Và cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang cung cấp đạn dược cho Nga, điều này gần đây đã được thể hiện qua việc phát hiện một tên lửa ở vùng Poltava của Ukraine.
Trên thực tế, thông tin về mìn và đạn pháo do Bình Nhưỡng cung cấp đã xuất hiện từ tháng 12/2023 trong các nhóm trò chuyện trên ứng dựng Telegram liên quan đến các cộng đồng quân sự của Nga.
Các binh sĩ Nga, đồn trú tại Ukraine, đã thường lên tiếng chỉ trích về tiêu chuẩn đạn dược và về việc hàng chục binh sĩ bị thương.
Kyiv nghi ngờ một đơn vị binh lính Triều Tiên đang tiến hành thao dượt tại vùng Ulan-Ude của Nga gần biên giới giáp với Mông Cổ trước khi được huy động đến tỉnh Kursk của Nga, nơi quân Ukraine tiến hành cuộc xâm nhập hồi tháng Tám.
“Họ có thể canh gác một số khu vực ở biên giới giữa Nga và Ukraine, giúp các đơn vị của Nga được rảnh tay để chiến đấu ở nơi khác,” Valeriy Ryabykh, biên tập trang Defence Express của Ukraine, nhận định.
“Tôi loại trừ khả năng các đơn vị này sẽ ngay lập tức được huy động đến tiền tuyến.”
Không chỉ ông Ryabakh có suy nghĩ này.
Triều Tiên có thể có khoảng 1,28 triệu binh sĩ thường trực, nhưng khác với Nga, quân đội nước này không có kinh nghiệm tác chiến gần đây.
Bình Nhưỡng đã theo đuổi mô hình lực lượng vũ trang cũ của Liên Xô nhưng hiện không rõ lực lượng chính là bộ binh cơ giới có thể đáp ứng thế nào trong cuộc chiến tranh Ukraine.
Ngoài ra, rõ ràng còn có rào cản ngôn ngữ và việc binh sĩ Triều Tiên không quen với các hệ thống của Nga khiến bất kỳ vai trò chiến đấu nào cũng sẽ trở nên khó khăn.
Điều này không loại trừ khả năng quân đội Triều Tiên tham gia vào cuộc chiến tranh toàn diện của Nga tại Ukraine, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng binh lính nước này có năng lực về kỹ thuật và xây dựng, chứ không phải chiến đấu.
Điều mà cả Triều Tiên và Nga đều có là động lực chung.
Bình Nhưỡng cần tiền bạc và công nghệ, trong khi Moscow cần binh sĩ và đạn dược.
“Bình Nhưỡng sẽ nhận được nhiều tiền và có lẽ tiếp cận được công nghệ của quân đội Nga, điều mà Moscow có thể đã chần chừ trong việc chuyển giao cho Triều Tiên,” ông Andrei Lankov, giám đốc công ty tư vấn Korea Risk Group, nhận định.
“Điều này sẽ giúp binh lính của họ tích lũy kinh nghiệm chiến đấu thực sự, nhưng cũng có rủi ro, đó là việc binh lính Triều Tiên được tiếp xúc với phương Tây, được xem là một vùng đất thịnh vượng hơn.”
Đối với ông Putin, việc bù đắp cho những tổn thất đáng kể trong hơn 2,5 năm chiến tranh đang trở nên cấp bách.
Ông Valeriy Akimenko từ trung tâm nghiên cứu xung đột của Anh cho rằng việc huy động binh lính Triều Tiên sẽ giúp nhà lãnh đạo Nga khắc phục được khó khăn do đợt động viên bắt buộc trước đây không diễn ra suôn sẻ.
“Vì vậy, giữa lúc quân Nga ngày càng bị Ukraine bào mòn, thì ông Putin có thể sẽ nghĩ đây là một ý tưởng hay ho – đó là tại sao không để người Triều Tiên tham chiến?”
Ông Zelensky rõ ràng quan ngại về liên minh quân sự đối địch này.
Không có binh lính phương Tây xuất hiện trên chiến trường Ukraine do lo ngại cuộc chiến có thể leo thang.
Tuy nhiên, nếu thông tin hàng trăm lính Triều Tiên chuẩn bị được triển khai là thật, chuyện binh lính nước ngoài chiến đấu trên chiến trường Ukraine dường như sẽ không phải là mối bận tâm của Vladimir Putin.
* Paul Kirby, Kelly Ng và Nick Marsh tường thuật bổ sung.