Chuyên gia cảnh báo gia tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Các chuyên gia trong khu vực nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia là không sử dụng vũ lực trong các tranh chấp trên biển

2024.10.24

Chuyên gia cảnh báo gia tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Hội thảo Biển Đông “Định hướng Tư duy, Phát huy Chuẩn mực” tổ chức ở Hạ Long từ ngày 23 đến 24/10/2024

Học viện Ngoại giao Việt Nam

Các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương nên thực hiện nghĩa vụ của mình là không sử dụng hoặc đe doạ dùng vũ lực vào khi căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Biển Đông, một diễn đàn quy tụ các chuyên gia quốc tế mới đây đã đưa ra cảnh báo như vậy.

Những chuyên gia tham gia hội thảo kéo dài hai ngày do Việt Nam tổ chức, kết thúc hôm 24/10 vừa qua, đã xem xét nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp nên được hiểu như thế nào và các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông cũng như cộng đồng quốc tế phải duy trì nguyên tắc này ra sao.

Hội thảo về Biển Đông với tựa “Định hướng Tư duy, Phát huy Chuẩn mực” xem xét “sự phát triển phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, sự phổ biến của các bên tham gia được uỷ nhiệm và tính chính trị hoá, vũ khí hoá của sự phụ thuộc lẫn nhau”.

Euan Graham, một phân tích gia cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), nói rằng so với các khu vực khác như Trung Đông và châu Âu, “đã có một vài xung đột vũ trang đáng kể giữa các quốc gia” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, các vụ đụng độ có vũ trang diễn ra rải rác, ông Graham lưu ý. Đụng độ nghiêm trọng lần cuối xảy ra vào năm 1988 giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến Đá Gạc Ma ở Trường Sa đã khiến 64 lính Việt Nam tử trận.

“Trong vòng khoảng 15 năm qua, Biển Đông đã ngày càng có thêm những vụ Trung Quốc sử dụng các chiến thuật cưỡng ép bao gồm đối đầu thực địa nhưng vẫn ở dưới ngưỡng vũ lực quân sự, thường được gọi là các hành động vùng xám… đặt ra một nguy cơ thực sự về vũ lực”, ông Graham nói, và cảnh báo rằng chiến thuật vùng xám này đã được áp dụng ở mức mạnh mẽ đáng kể.

“Số lượng và mức độ các vụ việc liên quan đến việc sử dụng vũ lực và đe doạ dùng vũ lực đã gia tăng”, ông nói thêm.

e978aead-f4cd-4840-b6bb-299397d378a0.jpeg
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Unaizah May 4 của Philippines khi tàu thực hiện nhiệm vụ tiếp tế đến Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông hôm 5/3/2024. REUTERS/Adrian Portugal

Kinh nghiệm trực tiếp

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines đã gia tăng nhanh trong năm nay ở một phần thuộc Biển Đông. Vùng này thuộc quyền tài phán của Manila nhưng cũng nằm trong khu vực đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra và đòi chủ quyền phần lớn diện tích vùng biển này.

Người phát ngôn Tuần duyên Philippines Jay Tarriela phát biểu tại hội thảo rằng Philippines có kinh nghiệm trực tiếp trước sự hung hăng của Trung Quốc nhưng các quốc gia khác trong khu vực cũng phải gánh chịu vì những “hành vi phi pháp và không thể chấp nhận được” của Trung Quốc.

Ông Tarriela nói rằng, từ quan điểm của Manila, nhằm đạt được một giải pháp hoà bình cho các xung đột ở Biển Đông, các quốc gia trong khu vực nên có được một sự hiểu biết chung và tôn trọng lẫn nhau dựa trên luật quốc tế, đảm bảo tính minh bạch trong các chính sách. Ông cũng kêu gọi các hành động phối hợp giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.

“Những đấu tranh của Philippines vượt qua chủ quyền của chúng tôi, nó là cuộc đấu tranh của tất cả mọi người”, ông Tarriela nói. “Chúng ta không nên cho phép bất cứ quốc gia liên quan nào tránh né luật quốc tế và phủ quyết Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.”

“Giữ im lặng trước những chiến thuật bắt nạt như vậy cũng đồng nghĩa với việc đồng ý cho các hành động này”, người phát ngôn tuần duyên Philippines cho biết và chỉ ra “những bài học từ hai cuộc chiến thế giới trước đây”.

Đáp lại những chỉ trích về chính sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, một chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh đã kiềm chế và nhẫn nại.

Lei Xiaolu, giáo sư thuộc Viện Biên giới và Nghiên cứu Biển thuộc Đại học Vũ Hán, nói rằng các nước khác nên biết rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình với bốn quần đảo và vùng nước thuộc Biển Đông”.

Các tranh chấp trên biển sẽ cần thời gian và sự kiên nhẫn cũng như ý chí chính trị để đạt được các giải pháp, giáo sư Lei cho biết, đồng thời thúc giục các bên “ngồi xuống thảo luận trên tinh thần thiện chí”.

Phần lớn các nước Đông Nam Á đã có cơ chế tham vấn song phương với Trung Quốc, theo học giả Trung Quốc, người lưu ý rằng, trong nửa cuối của năm nay “đã có những giao thiệp ngoại giao tăng cường giữa Trung Quốc và Philippines để giảm nhiệt những căng thẳng trên biển”.

“Trong rất nhiều trường hợp, sẽ rất khó để xác định được liệu đó có phải là sử dụng vũ lực trong tình huống thù địch hay là sử dụng vũ lực trong hoạt động thực thi luật pháp”, chuyên gia Trung Quốc lập luận, và nói thêm rằng, chỉ có gia tăng trao đổi, không chỉ qua kênh ngoại giao mà còn cả với các cơ quan chính phủ từ các nước có liên quan mới có thể giúp ngăn ngừa xung đột.

Tuy nhiên, nguy cơ leo thang vẫn còn, ông Graham thuộc ASPI cho biết.

“Việc thực thi pháp luật trên biển rất bị hạn chế khi không có một quyền lực cứng đi cùng”, hoặc sự hiện diện quân sự ở hiện trường, ông nói.

Bài Liên Quan

Leave a Comment