Bầu cử Mỹ: Cử tri và ứng viên gốc Việt ở California

Bầu cử Mỹ 2024: Donald Trump, Kamala Harris

  • Tác giả,Bùi Văn Phú
  • Vai trò,Gửi cho BBC từ Berkeley, California
  • 28 tháng 10 2024

Cuộc bầu cử Mỹ đã đến gần. Trong sân khấu chính trị khổng lồ ấy, lá phiếu của người Việt có ý nghĩa gì?

Nước Mỹ có 50 tiểu bang, nhưng trong vài tháng qua hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris chỉ quan tâm đi vận động nhiều nơi tại bảy tiểu bang.

Đây là những bang chiến địa, nghiêng ngả hay dao động (tiếng Mỹ là battle ground state hay swing state), là những nơi mà kết quả bầu cử tổng thống trong những lần trước giữa hai ứng viên Cộng hòa và Dân chủ đạt số phiếu sít sao, chỉ hơn kém nhau chừng 1% hay vài chục ngàn trong số nhiều triệu phiếu bầu.

Các chiến trường trọng điểm

Các bang dao động và số phiếu đại cử tri (electoral vote) của từng bang gồm: Pennsylvania (19), Georgia (16), Michigan (15), North Carolina (16), Wisconsin (10), Arizona (11) và Nevada (6). Tổng cộng tất cả 93 phiếu đại cử tri trong số 538 phiếu của đại cử tri đoàn (electoral college).

Đại cử tri đoàn là bộ phận sẽ bầu tổng thống vào thời điểm hai tuần trước khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Ứng viên nào được 270 phiếu đại cử tri sẽ là người thắng cử.

Số đại cử tri của mỗi tiểu bang tương đương với số dân biểu và nghị sĩ từ tiểu bang đó trong Quốc hội Hoa Kỳ. Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri, có nghĩa là bang này hiện có 17 dân biểu và 2 nghị sĩ trong Quốc hội. California có 52 dân biểu và 2 nghị sĩ vì thế có số đại cử tri là 54.

Kết quả bầu cử ở mỗi tiểu bang, ứng viên tổng thống nào được đa số phiếu thì sẽ được toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Có hai bang áp dụng cách tính khác, đó là Maine và Nebraska: mỗi ứng viên thắng một khu vực bầu cử (congressional district) sẽ được 1 phiếu đại cử tri; ứng viên thắng phiếu phổ thông toàn bang sẽ nhận được 2 phiếu đại cử tri nữa.

Cựu Tổng thống Donald Trump tiếp xúc cử tri gốc Việt tại nhà hàng Trường Tiền ở trung tâm Eden, thành phố Falls Church, bang Virginia vào tháng 8/2024
Chụp lại hình ảnh,Cựu Tổng thống Donald Trump tiếp xúc cử tri gốc Việt tại nhà hàng Trường Tiền ở trung tâm Eden, thành phố Falls Church, bang Virginia vào tháng 8/2024

Hai ứng viên Trump và Harris không quan tâm đến các nơi khác vì nhiều tiểu bang đã có truyền thống theo Dân chủ hoặc Cộng hòa trong quá khứ.

California, New York, Illinois, Washington là những tiểu bang xanh và chắc chắn Harris sẽ thắng ở đó. Texas, Florida, Mississippi, Missouri là bang đỏ, đa số cử tri sẽ chọn Trump.

Với 2,3 triệu người Việt tại Hoa Kỳ, một nửa có đủ điều kiện tham gia bầu chọn, vậy lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng đến việc chọn tổng thống hay không?

Câu trả lời là có. Nhưng không phải những lá phiếu từ tiểu bang California nơi có đông người Việt nhất. Trong nhiều kỳ bầu tổng thống trước đây, đa số cử tri California đã chọn tổng thống Dân chủ nên lá phiếu của người Việt ở đây không thể làm thay đổi kết quả bầu chọn tổng thống.

Nhưng ở tiểu bang Georgia nơi đang có tranh đua gay gắt giữa Trump và Harris, lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng hơn. Tại đây, trong cuộc bầu cử năm 2020, Biden được 2.473.633 phiếu (49,50%) và Trump được 2.461.854 phiếu (49,26%), chỉ thua Biden 11.779 phiếu.

Chụp lại video,Bầu cử Mỹ 2024: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump tái đắc cử?

Ở đây đã có người gốc Việt tham gia chính trường là Dân biểu tiểu bang Bee Nguyễn, một người theo Đảng Dân chủ, phục vụ trong cơ quan lập pháp Georgia từ năm 2017 đến 2023. Năm 2022, bà ra tranh cử chức vụ Bộ trưởng Hành chánh tiểu bang (Secretary of State) nhưng không thành công.

Theo số liệu từ Apiavote.org, hiện có 64.547 người gốc Việt ở tiểu bang này, 47% đủ điều kiện tham gia bầu cử. Như thế, cộng đồng Việt có 30.337 lá phiếu và họ có thể giúp Harris đạt đa số phiếu, hay giúp Trump lật ngược thế cờ của 4 năm trước để có 16 phiếu đại cử tri của Georgia trong ngày bầu cử sắp tới.

Với công dân Hoa Kỳ, việc chọn đảng để ủng hộ cũng có nhiều thay đổi theo thời gian vì việc đăng ký chỉ đơn giản với một tờ giấy tự mình điền vào, ký tên và gửi đến văn phòng bầu cử của quận. Cũng có thể đăng ký vào đảng khi đi thi hoặc đổi bằng lái xe. Không phải qua quá trình tìm hiểu, học cảm tình đảng hay tuyên thệ tuyệt đối trung thành, không sinh hoạt đoàn, đảng. Nay theo đảng này, mai đổi đảng khác hay muốn làm cử tri độc lập cũng chẳng sao.

Cho dù đăng ký theo một đảng nào thì đến ngày tổng tuyển cử mọi cử tri sẽ được quyền bầu chọn theo ý nguyện của mình.

Tạp chí Forbes ngày 12/1/2024 đưa thông tin từ một khảo sát năm 2023 với 12.000 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc, 27% xác định họ là Dân chủ, 27% là Cộng hòa và 43% tự xem là cử tri độc lập.

Tranh luận trong mùa bầu cử thường thấy những đảng viên trung kiên của một đảng hết lòng bênh vực chủ trương của đảng mà họ đã chọn. Có người còn cường điệu, hung hăng chửi người không đồng ý với mình là ngu dốt. Trên 95% những người trung kiên sẽ bầu cho ứng viên của đảng họ đã chọn.

Elon Musk ủng hộ Trump, họ kêu gọi không mua xe Tesla. Taylor Swift ủng hộ Harris, họ kêu gọi tẩy chay không đi nghe nhạc, mua sản phẩm của ca sĩ này. Những cử tri này thường bầu chọn tất cả ứng cử viên của đảng mình có trên lá phiếu.

Kết quả bầu cử năm 2020 với 51% chọn Biden, 47% chọn Trump cho thấy nhiều cử tri vẫn chọn đảng và chính sách và bỏ qua cá tính thô lỗ, ăn nói bỗ bã, cách đối phó với Covid-19 trong bốn năm Donald Trump làm tổng thống.

Hiện tại, chọn lựa của cử tri tại 7 tiểu bang dao động qua thăm dò của Washington Post và Schar School thực hiện từ 30/9 đến 15/10 cũng cho thấy điều đó:

  • Arizona: Trump 49, Harris 46
  • North Carolina: Trump 50, Harris 47
  • Michigan: Harris 49, Trump 47
  • Pennsylvania: Harris 49, Trump 47
  • Wisconsin: Harris 50, Trump 47
  • Georgia: Harris 51, Trump 47
  • Nevada: Trump 48, Harris 48

Theo mạng 270towin.com, nơi tổng hợp các số liệu thăm dò, bình quân của 15 kết quả khảo sát cử tri trên toàn nước Mỹ, tính đến ngày 23/10 thì Harris được 48,9% và Trump 47,5%.

Người Việt chạy đua

Madison Nguyễn và Betty Dương tranh chức giám sát viên ở San Jose
Chụp lại hình ảnh,Madison Nguyễn và Betty Dương tranh chức giám sát viên ở San Jose

Chọn ai làm lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới cũng là phân vân của cử tri gốc Việt. Ở San Jose, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao Chỉ, Giám đốc Bảo tàng Thuyền nhân – Việt Nam Cộng hòa, tâm tình với bạn bè rằng ông muốn phụ nữ gốc Phi-Á làm nên lịch sử:

“Hoa Kỳ là đất nước tiên phong của dân chủ, trải qua bao sóng gió, cũng chỉ tìm được hai người. Dân sẽ chọn một trong hai. Hình tượng rõ ràng: Nửa nước chọn bên này, nửa nước chọn bên kia. Bạn chọn đàn ông, tôi chọn đàn bà. Đâu có gì sai.”

Trong khi đó, ông Hoàng Thưởng, Tổng Thư ký Lực lượng Sĩ quan Thủ Đức – Bắc California, có lựa chọn khác: “Tôi chọn ông Trump, Make America Great Again, vì ông đã có kinh nghiệm làm tổng thống 4 năm.”

Không chỉ bầu chọn tổng thống Hoa Kỳ với những khác biệt về quan điểm mà ngay cả những cuộc bầu cử địa phương, hai nhân vật cộng đồng của vùng San Jose cũng có chọn lựa khác nhau.

Janet Nguyễn và Frances Marquez tranh chức giám sát viên ở Quận Cam
Chụp lại hình ảnh,Janet Nguyễn và Frances Marquez tranh chức giám sát viên ở Quận Cam

Trong hai ứng viên gốc Việt đang tranh chức giám sát viên Quận hạt Santa Clara Địa hạt 2 là Madison Nguyễn và Betty Dương, ông Hoàng Thưởng ủng hộ Nguyễn, ông Vũ Văn Lộc chọn Dương.

Hai phụ nữ Việt đã đánh bại 3 ứng viên khác trong bầu cử sơ bộ 5/3 vừa qua cho thấy khả năng lãnh đạo của họ được nhiều cử tri tin tưởng.

Madison Nguyễn là cựu nghị viên và phó thị trưởng San Jose, đã từng ứng cử thị trưởng nhưng không thành công. Những năm trước, việc đặt tên khu thương mại Little Saigon gây ra nhiều sóng gió trong cuộc đời chính trị nhưng bà đã vượt qua. Bà hiện có sự ủng hộ của thị trưởng San Jose đương nhiệm Matt Mahan.

Betty Dương chưa một lần tranh cử nhưng đã làm việc trong hệ thống công quyền quận hạt nhiều năm. Bà là chánh văn phòng của Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cindy Chavez và được sự ủng hộ của bà Chavez trong cuộc tranh cử vào ghế giám sát viên thay bà.

Dù ai thắng cũng sẽ làm nên lịch sử của cộng đồng người Việt ở thung lũng hoa vàng, với một giám sát viên gốc Việt đầu tiên trong cơ quan chính quyền cao nhất của Quận hạt Santa Clara, thủ phủ là San Jose, nơi có đông người Việt sinh sống ở Bắc California.

Derek Trần và Michelle Steel tranh chức vào Quốc hội
Chụp lại hình ảnh,Derek Trần và Michelle Steel tranh chức vào Quốc hội

Tranh chức dân biểu Quốc hội, Địa hạt 16 là Dân biểu tiểu bang Evan Low và cựu Thị trưởng San Jose Sam Liccardo, cả hai đều là người Đảng Dân chủ.

Cô Vân Lê, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Trung học East Side Union, chọn Low vì ông đã ủng hộ cho nghị quyết cờ vàng được chấp thuận tại Sacramento, ủng hộ môn học về sắc tộc tại trung học phổ thông và công nhận ngày tết trong tiểu bang. Còn ông Hoàng Thưởng chọn cựu thị trưởng Liccardo vì là người có nhiều kinh nghiệm chính trường.

Bắc California, trong Địa hạt 12 bao gồm các thành phố Oakland, Berkeley, Alameda có Tiến sĩ Jennifer Trần về nhì trong kỳ bầu sơ bộ 5/3 và sẽ tranh đua vào Quốc hội với bà Lateefa Simon để thay thế Dân biểu Barbara Lee nghỉ hưu. Cả hai ứng viên Simon và Trần, đều thuộc Đảng Dân chủ, đã đánh bại 7 ứng viên khác để vào chung kết.

Tại Nam California với Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, năm 1992 đã có vị dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ là ông Tony Lâm Quang trúng cử vào hội đồng thành phố Westminster. Từ đó đến nay trong mỗi kỳ bầu chọn đều có ứng viên gốc Việt ra tranh cử.

Những ứng viên và dân cử gốc Việt quen thuộc trong cộng đồng trước nay có cả Cộng hòa và Dân chủ: Janet Nguyen, Kimberly Ho, Long Phạm, Chi Charlie Nguyen, Ted Bui, Joe DoVinh, Deidre Thu-Ha Nguyen, Chris Phan, Michael Vo, John Tran, Trung Nguyen, Lan Nguyen, Van Tran, Tan Nguyen, NamQuan Nguyen, Tri Tạ, Andrew Do, Tyler Diep, Dina Nguyen, Bảo Nguyen, Amy Phan West, Thai Viet Phan, Kim Bernice Nguyen-Penaloza, v.v…

Báo Người Việt ngày 8/9/2024 cho biết có 34 ứng cử viên gốc Việt, cùng với các ứng viên khác tranh đua cho 21 chức vụ công quyền tại Quận Cam trong ngày tổng tuyển cử 5/11.

Đáng chú ý nhất là cuộc đua tại Địa hạt 45, giữa Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michelle Steel, người gốc Hàn và Luật sư Derek Trần, người gốc Việt tị nạn, theo Đảng Dân chủ.

Ông Trần, một cựu chiến binh từng phục vụ ở Iraq, có nhiều hy vọng vì nơi đây một thời là thành trì của Cộng hòa, nhưng từ năm 2018 đến 2022 đã chuyển sang Dân chủ.

Kết quả bầu cử tại Quận Cam trong những lần trước cho thấy điều đó. Các ứng viên Cộng hòa: 1984 Reagan được 73% số phiếu, 1988 Bush (cha) được 65%, 2000 Bush (con) được 55% và 2012 Romney được 52%. Qua kỳ bầu cử 2016, Hillary Clinton đạt 51%; năm 2020 Biden đạt 53% là các ứng viên Dân chủ.

Khảo sát mới đây của AAPI, Trung tâm Nghiên cứu về người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình dương tại Đại học U.C. Berkeley, cho thấy 42% cử tri gốc Việt có khuynh hướng ủng hộ Dân chủ, 37% ủng hộ Cộng hòa và 19% độc lập.

Khi được hỏi sẽ bầu chọn ai làm tổng thống, 71% chọn Harris và 20% chọn Trump. Bầu cử năm 2020 đã có 48% cử tri gốc Việt chọn Trump, cao nhất trong số các sắc dân châu Á.

California đã một thời là tiểu bang của Cộng hòa, từ 1968 đến 1988, là đất của của Nixon, của Reagan. Từ 1992 đến nay, tiểu bang vàng là của Clinton, Obama, Biden và ngày càng xanh hơn. Năm 2000 có 53,5% cử tri California bầu cho Al Gore, năm 2012 với 60,2% chọn Obama và năm 2020 với 63,5% chọn Biden.

Sự kiện có những chuyển đổi quan điểm từ Cộng hòa sang Dân chủ cũng đã thể hiện trong cộng đồng người Việt ở Quận Cam.

Bảng vận động tranh cử ở Little Saigon, Quận Cam
Chụp lại hình ảnh,Bảng vận động tranh cử ở Little Saigon, Quận Cam

Trong mấy kỳ bầu quốc hội vừa qua, Địa hạt 45 của Quận Cam đã trở thành dao động vì bản đồ khu vực cử tri đã được phân chia lại nên không còn đa số Cộng hòa nữa và Dân chủ thắng ở đây, từ 2018 đến 2022, sau đó Michelle Steel chiếm lại, đạt 52,4% số phiếu trong bầu cử 2022.

Cư dân châu Á trong địa hạt này là 38%, Hispanic 30% và da trắng 25%. Nếu đại đa số người Việt bỏ phiếu cho Derek Trần, ông có nhiều hy vọng trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên đến từ thủ phủ của người Việt tại Mỹ, nơi có đông người Việt nhất tại Hoa Kỳ mà đến nay vẫn chưa có đại diện trong Quốc hội.

Trước đây có Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh từ bang Louisiana, thuộc đảng Cộng hòa, đắc cử năm 2008 và chỉ phục vụ được một nhiệm kỳ và không thành công khi tái tranh cử năm 2010.

Dân biểu gốc Việt thứ hai là bà Stephanie Murphy – tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – theo Đảng Dân chủ, từ tiểu bang Florida, được bầu vào Hạ viện năm 2016 và thắng cử hai lần nữa vào năm 2018 và 2020. Năm 2022, bà không ra tranh cử, sau 6 năm phục vụ trong Quốc hội.

Cuộc đua vào Hội đồng Giám sát Quận Cam, Địa hạt 1 cũng đang sôi nổi. Trong kỳ bầu sơ bộ có tất cả 5 ứng viên là Frances Marquez và 4 gốc Việt là Văn Trần, Kimberly Hồ, Michael Võ và Janet Nguyễn.

Kết quả Janet Nguyễn về nhất và Frances Marquez, nghị viên thành phố Cypress, về nhì.

Từ năm 2007 đến nay, ghế giám sát viên Địa hạt 1 do người Việt nắm giữ, từ Janet Nguyễn rồi đến Andrew Đỗ.

Ngày 22/10, ông Đỗ đã phải từ chức vì bị cơ quan chức năng điều tra và cáo buộc ông tham nhũng công quĩ và nhận hối lộ lên đến nhiều triệu đô la. Ông nhận tội và đang chờ ngày ra tòa.

Sự việc sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu chọn giữa Janet Nguyễn và Frances Marquez, nhiều hay ít thì phải chờ xem.

Nhìn vào số ứng cử viên gốc Việt tham gia tranh cử và những vận động cho thấy lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử các chức vụ dân cử địa phương như dân biểu, thị trưởng, giám sát viên quận hạt, nghị viên thành phố.

Chủ tịch Hạ viện Tip O’Neil đã có nhận định phản ánh đúng về sinh hoạt chính trị Mỹ: “All politics is local” – mọi sinh hoạt chính trị đều mang tính địa phương.

Theo Dân chủ hay Cộng hòa thì các ứng cử viên đều phải biết rõ nhu cầu và quyền lợi của cử tri địa phương nơi mình phục vụ.

  • Tác giả Bùi Văn Phú là giảng viên đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

Bài Liên Quan

Leave a Comment