- Trần Anh Quân – 28 tháng 10, 2024
Ông Thái Thanh Quý (trái) cười gượng khi bị nhận chức phó ban kinh tế Trung Ương. (Hình: báo Thanh tra)
Bí thư Nghệ An Thái Thanh Quý vừa được chuyển ra Hà Nội làm phó ban kinh tế Trung Ương. Từ trước đến nay, những lãnh đạo tỉnh bị chuyển vào vị trí này đều không có tương lai tốt đẹp.
Tô Lâm dụ rắn ra khỏi hang
Thái Thanh Quý là một lãnh đạo có máu mặt ở Nghệ An, với thời gian dài nắm giữ những vị trí chủ chốt tại tỉnh này từ chánh văn phòng tới bí thư Tỉnh Uỷ. Suốt từ 2016 tới nay ông Quý tiến thân thần tốc từ trưởng Ban Dân Vận Tỉnh Ủy, lên chủ tịch Uỷ Ban tỉnh, rồi bí thư tỉnh ủy kiêm chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội khóa XV tỉnh Nghệ An. Ông Quý còn là ủy viên Trung Ương Đảng khóa XIII.
Ông Thái Thanh Quý (trái) cười gượng khi bị nhận chức phó ban kinh tế Trung Ương. Hình: báo Thanh tra.
Là lãnh đạo một tỉnh nghèo, thường xuyên phải xin gạo cứu đói như Nghệ An, mà được đưa lên làm Phó Ban Kinh Tế Trung Ương thì có thể thấy rõ một tương lai u ám cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng đó là nếu ông Quý có thực quyền. Còn trên thực tế, ghế phó ban kinh tế Trung Ương lại không có quyền lực, mà thực chất lại là chức vụ dành để “lưu đày” những viên quan có sai phạm, sắp bị kỷ luật. Nói cho chính xác, đây là chiêu “dụ rắn ra khỏi hang” mà bộ chính trị thường dùng từ thời ông Trọng, bây giờ Tô Lâm chỉ “kế thừa và phát huy.”
Ví dụ trường hợp ông Triệu Tài Vinh, bí thư tỉnh Hà Giang suốt gần 9 năm (2010 tới 2019). Cha của ông Vinh là ông Triệu Đức Thanh, từng là chủ tịch tỉnh Hà Giang. Cha truyền con nối, gia tộc họ Triệu được coi như lãnh chúa ở Hà Giang, khi cho cả dòng họ vào nắm các vị trí chủ chốt trong tỉnh. Năm 2018, gia đình họ Triệu bị phát hiện chạy điểm cho con ruột ông Vinh và hai cháu họ. Sau vụ này, ông Vinh bị điều đi làm phó ban kinh tế Trung Ương vào Tháng Bảy 2019, tới Tháng Giêng năm 2020 thì bị kỷ luật do liên quan tới gian lận trong thi cử.
Hoặc vụ ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch TP.HCM gần 6 năm (2015 tới 2021). Ông này là cánh tay đắc lực của ông Lê Thanh Hải, một lãnh chúa ở Thành Hồ. Tháng Tám năm 2021, ông Phong bị buộc phải bỏ chức chủ tịch Thành Hồ để chuyển ra Hà Nội ngồi ghế phó ban kinh tế Trung Ương. Cứ ngỡ ra trung ương là lên chức, nhưng thực ra là chờ bị xử. Tháng Bảy năm 2022, Bộ Chính Trị ra quyết định kỷ luật Nguyễn Thành Phong vì có những vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục trong thời gian làm chủ tịch Thành Hồ.
Tương lai nào cho Thái Thanh Quý?
Nhìn vào những tấm gương đi trước, bây giờ ông Thái Thanh Quý có lệnh triệu tập về Hà Nội thì nguy cơ là lành ít dữ nhiều. Trong thời gian ông Quý làm lãnh đạo tại Nghệ An, có rất nhiều hồ sơ được bổ nhiệm thần tốc, hoặc các dự án mua bán cấp khống giấy phép cho nhưng công ty không đủ điều kiện có thể khai thác các mỏ cát, mỏ khoáng sản ở Nghệ An…
Ngoài ra, có thông tin ông Quý nhận hối lộ của Nguyễn Văn Hậu (Hậu “pháo”) và Nguyễn Duy Hưng trong các dự án ở Nghệ An có liên quan đến hai tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An. Hồi đầu năm, ông Quý và ông Nguyễn Đức Trung (chủ tịch tỉnh Nghệ An) bị Bộ Công An “mời ra làm việc” nhiều lần.
Nguồn cơn là do Hậu “pháo” khai biếu cho hai ông Quý và Trung mỗi người 1 triệu đôla, do liên quan đến các dự án của Tập đoàn Phúc Sơn tại Nghệ An, trong đó có dự án khu đô thị Hưng Hoà 1 và 2 tại thành phố Vinh với tổng quy mô hơn 200ha. Còn ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Tập đoàn Thuận An, khai biếu cho Quý $700,000, Trung $500,000. Vụ việc liên quan đến các dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối thị xã Cửa Lò (Nghệ An), gói thầu 14 nâng cấp QL15A đi qua tỉnh Nghệ An do tập đoàn Thuận An thi công.
Là bí thư Nghệ An, ông Quý cũng có quan hệ đồng hương mật thiết với phe Nghệ An – Hà Tĩnh trong bộ chính trị của ông Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Trần Cẩm Tú. Hiện nay Vương Đình Huệ đã bị phế truất, các tay chân của ông Huệ như Đinh Tiến Dũng (bí thư Hà Nội) cũng đã phải về vườn. Mới đây nhất là tổng thư ký Quốc Hội Bùi Văn Cường, cấp dưới trực tiếp của ông Huệ cũng bị buộc phải từ chức.
Còn hai ông Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú cho dù không bị phế truất thì cũng chỉ làm được thêm khoảng một năm rưỡi nữa là hết nhiệm kỳ. Không còn là đối trọng lớn có thể ảnh hưởng tới phe Tô Lâm, nhưng ông Quý còn khá trẻ (48 tuổi,) đường quan lộ còn rất rộng, nên phe Tô Lâm phải có biện pháp răn đe chứ không thể để tới ngày… đủ lông đủ cánh.
Dĩ nhiên, ông Quý vẫn có thể tìm cách hạ cánh an toàn nếu chung chi đúng đường, hoặc cam kết ngả hẳn theo phe Tô Lâm. Là phó ban kinh tế Trung Ương, ông Quý sẽ nằm ngay dưới trướng Trần Lưu Quang (trưởng ban), thân tín của Tô Lâm, cho nên nếu biết điều thì có thể ông Quý vẫn được giữ lại “mua vui cũng được một vài trống canh.”