- Tác giả,Yogita Limaye
- Vai trò,BBC News, đưa tin từ Kherson
Gần trưa, Serhiy Dobrovolsky, một người bán vật liệu xây dựng và công cụ, trở về nhà ở Kherson, miền nam Ukraine.
Ông bước vào sân, châm một điếu thuốc và tán gẫu với người hàng xóm sát vách. Đột nhiên, họ nghe thấy tiếng máy bay không người lái (drone) vo ve trên đầu.
Bà Angela, vợ của ông Serhiy 32 năm qua, nói rằng bà thấy chồng mình chạy và tìm chỗ ẩn nấp khi chiếc drone thả xuống một quả lựu đạn.
“Ông ấy chết trước khi xe cứu thương kịp tới. Họ bảo tôi rằng ông ấy rất xui xẻo khi bị một mảnh lựu đạn đâm thẳng vào tim,” bà kể mà không kìm được nước mắt.
Ông Serhiy là một trong 30 dân thường bị giết trong làn sóng tăng cao đột ngột của các cuộc tấn công bằng drone của Nga từ ngày 1/7, chính quyền quân sự thành phố nói với BBC.
Họ ghi nhận đã có hơn 5.000 vụ tấn công bằng drone trong giai đoạn này, khiến hơn 400 dân thường bị thương.
Drone đã làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine, với việc cả Ukraine và Nga sử dụng drone để nhắm vào các mục tiêu quân sự.
Nhưng BBC đã nghe lời chứng và xem những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy việc Nga sử dụng drone để nhắm vào dân thường ở thành phố tiền tuyến Kherson.
“Họ thấy rõ họ đang giết ai,” bà Angela nói. “Đây là cách họ muốn chiến đấu sao, bằng cách thả bom xuống đầu người đi đường à?”
Nếu Nga được xác định cố ý nhằm vào dân thường, đó sẽ là tội ác chiến tranh.
Quân đội Nga không trả lời câu hỏi của BBC liên quan tới những cáo buộc trên.
Từ khi xâm lược toàn diện Ukraine vào tháng 2/2022, Nga vẫn luôn phủ nhận họ có chủ đích nhằm tới dân thường.
Bằng chứng cho thấy việc sử dụng drone tấn công dân thường xuất hiện trong nhiều video được chia sẻ trên các nền tảng xã hội ở Nga và Ukraine.
Trong số đó, BBC Verify đã kiểm tra sáu video.
Trong mỗi video, chúng tôi nhìn qua camera của người điều khiển drone từ xa trong khi họ theo dõi chuyển động của một người đi bộ hoặc đang lái xe máy mặc quần áo dân sự.
Thường sau đó họ sẽ thả lựu đạn xuống, đôi lúc dường như khiến nạn nhân bị thương nặng hoặc thiệt mạng.
BBC Verify đã xác định được một kênh Telegram có bản sao công khai sớm nhất được ghi nhận của năm trong sáu video nói trên.
Mỗi video đều được đăng kèm với những lời khiêu khích và hăm dọa nhắm vào dân chúng Ukraine, bao gồm cả những lời tuyên bố rằng tất cả phương tiện đều có thể trở thành mục tiêu và mọi người nên hạn chế di chuyển ngoài đường.
Những người bị thương cũng bị lăng mạ, bị gọi là “lũ heo” hoặc trong một trường hợp bị chế giễu vì giới tính nữ.
Tài khoản này cũng đăng hình ảnh những chiếc drone có và không có hộp đựng, cùng các hình ảnh khác chụp các trang bị, đi kèm với những lời cảm ơn mọi người đã đóng góp.
Chính quyền quân sự Kherson nói với BBC rằng Nga đã thay đổi loại drone họ sử dụng và phần lớn drone hiện không còn bị hệ thống điện tử của thành phố chặn lại.
“Bạn cảm giấy giống như liên tục bị săn lùng, như thể ai đó đang theo dõi bạn, và có thể thả chất nổ xuống bất cứ lúc nào. Không có gì tệ bằng điều đó,” Kristina Synia, một nhân viên của một trung tâm hỗ trợ cách sông Dnipro chỉ 1km, nói.
Để tới được trung tâm này mà không bị drone bám đuôi, chúng tôi lái xe với tốc độ cao, nấp dưới tán cây khi đậu xe và nhanh chóng chạy vào trong nhà.
Trên cái kệ sau lưng Kristina có một thiết bị nhỏ giúp xác nhận hiểm nguy ở bên ngoài. Nó sẽ kêu lên mỗi khi phát hiện ra drone.
Khi chúng tôi ở đó, cứ vài phút nó lại kêu một lần, thường phát hiện thấy sự xuất hiện của ít nhất bốn drone.
Nỗi ám ảnh hiện rõ trên khuôn mặt của những người sống ở đây. Khi cần thêm thực phẩm, họ phải lấy hết can đảm và bước ra ngoài.
“Chúng tôi đang ở trong tình cảnh tồi tệ. Khi chúng tôi ra ngoài, chúng tôi di chuyển từ gốc cây này sang gốc cây khác để ẩn nấp,” Valentyna Mykolaivna lau nước mắt.
“Ngày nào họ cũng tấn công xe buýt, ngày nào họ cũng thả bom xuống đầu chúng tôi,” bà nói.
Olena Kryvchun kể rằng bà suýt chút nữa đã trở thành một nạn nhân khi drone tấn công xe của bà.
Vài phút trước thời điểm bà dự định quay lại xe của mình sau khi tới thăm một người bạn, một quả bom rơi xuyên qua nóc xe phía trên ghế lái, xé toạc một bên xe và để lại một đống hỗn độn của kim loại, nhựa và kính.
“Nếu lúc đó tôi ở trong xe, tôi đã chết rồi. Trông tôi có giống một người lính không, trông xe của tôi có giống xe quân sự không?” bà nói.
Bà làm công việc dọn dẹp và chiếc xe rất cần thiết cho công việc. Bà không đủ tiền để đem nó đi sửa.
Olena nói rằng drone đáng sợ hơn cả pháo.
“Khi chúng tôi nghe tiếng pháo vang lên từ bên kia bờ sông, chúng tôi có thời gian để phản ứng.
“Nhưng rất dễ bỏ lỡ âm thanh của drone. Chúng rất nhanh, chúng thấy bạn và [lập tức] tấn công.”
Ông Ben Dusing, người điều hành trung tâm hỗ trợ, nói rằng drone khiến nhiều người khiếp sợ hơn pháo và làm tê liệt cộng đồng dân cư.
“Nếu drone chọn bạn làm mục tiêu, thì có lẽ bạn sẽ ‘xong phim’ vào thời điểm đó. Không có cách nào phòng thủ cả,” ông nói.
Theo người phát ngôn của chính quyền quân sự Kherson Oleksandr Tolokonnikov, trong vài tháng qua, quân đội Nga bắt đầu sử dụng drone để có thể thả mìn từ xa xuống dọc các tuyến đường của người đi bộ, xe ô tô và xe buýt.
Ông nói những vụ nổ được gây ra bởi mìn bướm được phủ lá bên trên để ngụy trang.
Mìn bướm là loại mìn chống người cỡ nhỏ có thể lướt xuống mặt đất và phát nổ sau đó khi có tiếp xúc.
BBC chưa thể xác minh việc Nga sử dụng drone để rải mìn ở Kherson.
Olena nói rằng khi mùa đông đến gần, nỗi sợ hãi drone sẽ càng trở nên tồi tệ.
“Khi lá rụng, sẽ có nhiều nạn nhân hơn. Bởi nếu bạn ở trên đường, sẽ không còn nơi nào để trốn.”
Cách chúng tôi kiểm chứng video drone
Chúng tôi đã xác định được địa điểm của năm trong sáu video nói trên, đều ở phía đông Kherson, bằng cách xác định những chi tiết đặc trưng trên phố.
Trong một trường hợp – khi drone thả chất nổ xuống hai người đi bộ, khiến một người bị thương nặng đến mức không thể đi lại – điểm mấu chốt giúp xác định vị trí trong video là khúc cua hình chữ T, chỉ ra địa điểm là quận Dniprovs’kyi, hoặc vùng ngoại ô Antonivka lân cận, chứ không phải trung tâm thành phố Kherson.
Sau khi xác định được một vị trí khả thi, chúng tôi đã có thể so sánh những công trình xuất hiện trong video với các hình ảnh vệ tinh – trong trường hợp này là các tòa nhà và cột điện – và xác định được địa điểm trong thành phố nơi diễn ra cuộc tấn công.
Để biết các video này lần đầu tiên xuất hiện công khai ở đâu, chúng tôi đưa một vài khung hình từ mỗi video lên các công cụ tìm kiếm.
Kết quả sớm nhất thường là một kênh Telegram cụ thể. Video xuất hiện ở đó vài giờ trước khi được đăng tải lại trên X hoặc Reddit.
Có được địa điểm của vụ tấn công, chúng tôi có thể xác định được thời gian đoạn clip được quay dựa vào hướng bóng đổ và đối chiếu với dữ liệu thời tiết để tìm ra ngày mà video này có khả năng cao nhất đã được quay.
Bốn trong sáu video nói trên xuất hiện trên kênh Telegram kia một ngày sau ngày mà chúng có thể đã được quay, và trong một trường hợp, video được đăng 8 tiếng sau đó cùng ngày.