Phiên tòa xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 sẽ diễn ra từ ngày 4-25/11. Ở phiên sơ thẩm hồi tháng 4, bà Trương Mỹ Lan đã bị tuyên tử hình và kháng cáo.
Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 có 86 bị cáo, gồm một án tử hình là bà Trương Mỹ Lan và ba án chung thân gồm các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ ba năm tù (án treo) cho đến 20 năm tù.
Hai người thân của bà Lan là ông Chu Lập Cơ (chồng) bị tuyên 9 năm tù và Trương Huệ Vân (cháu ruột) lãnh 17 năm tù.
Sau bản án sơ thẩm, có 48 trong số 86 bị cáo đã kháng cáo giảm nhẹ hình phạt. Bà Lan, cùng với hai người thân và một số cựu lãnh đạo của SCB bị tuyên án chung thân, nằm trong số những người kháng cáo.
Ngày 23/10, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM đã ban hành quyết định xét xử phúc thẩm 48 bị cáo về các tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Tham ô tài sản”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ do bà Huỳnh Thanh Duyên làm chủ tọa. Giữ quyền công tố tại tòa là các kiểm sát viên Võ Phong Lưu, Đặng Quốc Việt và Đỗ Phước Trung.
Tòa phúc thẩm có gần 100 luật sư tham gia bào chữa, riêng bà Lan có 5 luật sư.
Kháng cáo toàn bộ
Ở phiên sơ thẩm hồi tháng 4, bà Trương Mỹ Lan lãnh án 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù tội “Đưa hối lộ” và tử hình tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng. Cả hai cũng nằm trong số 48 bị cáo kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt.
Bà Lan là người duy nhất trong số 86 bị cáo của vụ án bị kết án tử hình, đồng thời cũng là một trong số ít nữ doanh nhân bị tuyên án tử hình về tội kinh tế trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Theo tòa, bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Hội đồng xét xử cho rằng có đủ căn cứ xác định bà Lan đã thâu tóm Ngân hàng SCB trong 10 năm trời và tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB thông qua các cá nhân, pháp nhân đứng tên giùm.
Dù bà Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bà gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên trên thực tế là người chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB, từ việc tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB cho đến việc chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để rút tiền từ SCB.
Từ đó, bà Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo Ngân hàng SCB gồm: Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch SCB),Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB),… thực hiện việc rút tiền từ SCB nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của ngân hàng để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây hậu quả đặc biệt lớn.
Ngoài ra, theo hội đồng xét xử, để che giấu thực trạng tài chính cùng hàng loạt các sai phạm trong hoạt động cấp tín dụng của SCB vốn đã bị phát hiện qua thanh tra nhằm để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép tái cơ cấu, thực hiện huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân và thực hiện hoạt động cấp tín dụng, bà Trương Mỹ Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với bà Đỗ Thị Nhàn và chỉ đạo ông Võ Tấn Hoàng Văn nhiều lần trực tiếp đưa tổng cộng 5,2 triệu USD.
Vì vậy, theo tòa án, mức án dành cho bà Trương Mỹ Lan là đúng người, đúng tội.
Sau phán quyết của tòa án trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 nêu trên, bà Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và có đơn đề nghị miễn 674 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Theo bà Lan, bản án sơ thẩm với mức án tử hình đối với một người phụ nữ như bà là quá nặng nề và nghiêm khắc.
Đơn kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan còn trình bày lịch sử hình thành của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 1975 thời mẹ của bà cho đến sau này. Bà cũng kể về những đóng góp của tập đoàn cho các hoạt động xã hội và từ thiện, bao gồm hỗ trợ trong dịch COVID-19.
Giống như những gì đã khai trước tòa, bà Lan khẳng định bà đã cùng cổ đông và người thân hỗ trợ tái cấu trúc Ngân hàng SCB để góp phần ổn định hệ thống tài chính quốc gia chứ không phải là lấy tiền của SCB.
Bà Lan khẳng định SCB là ngân hàng thương mại với hàng ngàn cổ đông, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn, nên không thể quy trách nhiệm toàn bộ cho cá nhân bà. Trong quá trình điều tra và xét xử, bà Lan luôn thể hiện thiện chí hợp tác để khắc phục hậu quả.
Cuối đơn, bà Lan mong hội đồng xét xử và các cơ quan tố tụng xem xét công bằng, đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật.
Ngoài bản án tử hình sơ thẩm giai đoạn 1, hôm 17/10 vừa rồi, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên phạt án chung thân về 3 tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới trong phiên tòa xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 của vụ án.
Cơ hội giảm án
Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tội Tham ô tài sản, quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và đây là tội danh khiến bà phải đối mặt mức án tử hình (khung phạt cao nhất).
Tuy nhiên, Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định những trường hợp mà người phạm tội tham ô tài sản bị kết án tử hình nhưng không thi hành án tử hình như sau:
2/ Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
3/ Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
b) Người đủ 75 tuổi trở lên;
c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
4/ Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
Như vậy, bà Trương Mỹ Lan nếu chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô thì sẽ được miễn án phạt tử hình. Theo tòa, sau khi trừ đi giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay thì bà Trương Mỹ Lan được xác định tham ô hơn 304.000 tỷ đồng dư nợ gốc, và gây thiệt hại hơn 129.000 tỷ đồng là lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt nêu trên. Như vậy, bà Lan phải nộp lại được ba phần tư số tiền này thì mới có thể thoát án tử, xem như là hành động tích cực khắc phục hậu quả.
Ngoài ra, bà Lan có thể được giảm nhẹ án nếu cung cấp thêm nhiều tình tiết mới, tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, nếu bà Trương Mỹ Lan vẫn bị tuyên y án tử hình trong phiên phúc thẩm, bà có thể gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước Lương Cường trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày bản án tử hình có hiệu lực.