Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do bộ Công An đề xuất. Trả lời Reuters ngày 04/11/2024, nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ cho rằng dự luật sẽ cản trở hoạt động của các trung tâm dữ liệu, mạng xã hội, đặc biệt qua hai điểm gây quan ngại : phải được cấp phép để chuyển dữ liệu ra nước ngoài và các cơ quan chức năng được quyền tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Đăng ngày: 04/11/2024
Ông Jason Oxman, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin (ITI), một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty công nghệ lớn, bao gồm Meta, Google và nhà điều hành trung tâm dữ liệu Equinix, cho biết dự thảo luật « sẽ gây khó khăn cho các công ty công nghệ, nền tảng truyền thông xã hội và nhà điều hành trung tâm dữ liệu trong việc tiếp cận những khách hàng tin tưởng họ hàng ngày ».
Ví dụ, định nghĩa về « dữ liệu cốt lõi » và « dữ liệu quan trọng » được ông Oxman đánh giá là « mơ hồ » và « điều đó sẽ cản trở hoạt động kinh doanh ở nước ngoài ». Ngoài ra, vẫn theo dự thảo luật, các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với đảng Cộng Sản cầm quyền ở Việt Nam và các tổ chức Nhà nước, thường được định nghĩa mơ hồ trong nhiều trường hợp, như « hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích công ».
Dự thảo luật đang được Quốc Hội Việt Nam thảo luận trong kỳ họp kéo dài một tháng và dự kiến sẽ được thông qua ngày 30/11 « nếu đủ điều kiện ». Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến một số trường hợp chuyển dữ liệu ra nước ngoài, nhưng hiếm khi được thực thi.
Hãng tin Anh quan ngại đến những tác động của dự luật mới, nếu được thông qua, đối với đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tháng 8, Google cân nhắc việc thành lập một trung tâm dữ liệu lớn ở miền Nam Việt Nam trước khi dự thảo luật được trình lên Quốc Hội. Với khoảng 100 triệu dân và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của Facebook và nhiều nền tảng trực tuyến khác, Việt Nam hướng đến việc tăng đáng kể ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu với việc thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm tới.