Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 30 cá thể

Thứ Hai, 04 Tháng Mười Một 2024

Loài vật này là kết quả của một đột biến gene làm thay đổi màu lông. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 30 cá thể được nuôi dưỡng tại những vườn thú.

Hướng dẫn viên du lịch kiêm nhiếp ảnh gia động vật hoang dã người Ấn Độ Gaurav Ramnarayanan đã lên đường “săn ảnh” vào chiều muộn ngày 24/1/2024.

Chàng trai 25 tuổi dẫn đầu một chuyến du lịch riêng đến Công viên Quốc gia Kaziranga, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, khu bảo tồn động vật hoang dã rộng 430 km vuông ở bang Assam phía đông bắc Ấn Độ.

Anh đến đây với mong muốn chụp được những bức ảnh ấn tượng nhất về các loài động vật hoang dã, bao gồm quần thể tê giác một sừng lớn nhất thế giới và hàng trăm loài chim đầy màu sắc.

Tuy nhiên, khi đang lái chiếc xe jeep vào buổi chiều muộn, cả nhóm đột nhiên nghe thấy tiếng kêu từ một con nai.

Gaurav Ramnarayanan cho xe rẽ vào một góc cua trước khi dừng lại. Cách đó khoảng 700m là một con hổ khoang vàng.

Gaurav Ramnarayanan, người hướng dẫn các chuyến tham quan động vật hoang dã và chụp ảnh loài mèo lớn kể từ năm 2016, đồng thời thành lập công ty du lịch The Wildside, cho biết: “Ban đầu khi tôi nhìn thấy con hổ này, tôi thấy nó không giống một con hổ Bengal bình thường. Với kinh nghiệm gần 10 năm chụp ảnh động vật hoang dã và đã nhìn thấy đủ nhiều các loài hổ trên thế giới, tôi biết ngay con hổ này không bình thường”.

Sự nghi ngờ của anh đã được chứng minh khi nhiếp ảnh gia nhìn loài thú săn mồi qua ống kính máy ảnh. Với những sọc màu vàng, đây chắc chắn là một con hổ khoang vàng quý hiếm.

“Con hổ quyết định tiến về phía chúng tôi, không có ý định tấn công hay có ý định làm hại chúng tôi mà chỉ đi tiếp con đường của nó để tiến hành đánh dấu lãnh thổ”, Gaurav Ramnarayanan kể đồng thời cho biết anh đã có được những shoot hình kinh ngạc về con hổ khi nó cách chiếc xe jeep chỉ 100m.

Sau khi đăng bức hình lên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự kinh ngạc và thích thú với bộ lông vàng hiếm gặp của con hổ.

Theo các nhà khoa học, hổ vàng – còn được gọi là hổ khoang vàng hay hổ vàng dâu – không phải là một phân loài. Chúng là kết quả của một đột biến gene làm thay đổi màu lông của chúng. Và mặc dù xinh đẹp nhưng sự hiện diện của chúng cũng có mặt tối.

Hổ khoang vàng
Hổ vàng

Hổ khoang vàng không phải là một phân loài mà do đột biến gene làm đổi màu lông của chúng.
Hổ khoang vàng không phải là một phân loài mà do đột biến gene làm đổi màu lông của chúng.

Uma Ramakrishnan, Giáo sư sinh thái học tại Trung tâm Khoa học Sinh học Quốc gia Ấn Độ, cho biết hổ khoang vàng (hay hổ vàng), giống như hổ trắng hay hổ tuyết, là kết quả của một đặc tính di truyền lặn xuất hiện dưới dạng đột biến gen tạo ra màu sắc.

Ở hổ trắng, đột biến này ức chế màu sắc, trong khi ở hổ vàng, đột biến ở gene “wideband” kéo dài thời gian sản xuất pheomelanin – một sắc tố màu vàng đỏ, trong quá trình mọc lông.

Trong tự nhiên, cứ 10.000 con hổ con được sinh ra thì có chưa đến 1 con có đặc điểm lông trắng, đặc điểm lông vàng thậm chí còn hiếm hơn. Đó là lý do tại sao các nhà bảo tồn lo ngại rằng sự xuất hiện của những con hổ vàng này có thể cảnh báo của tình trạng giao phối cận huyết đang gia tăng ở các quần thể hổ bị cô lập.

Nhiếp ảnh gia Gaurav Ramnarayanan cho biết người ta thường thấy những kiểu lông bất thường này ở quần thể hổ bị nuôi nhốt, chúng thường có quan hệ họ hàng với nhau.

Theo Giáo sư Uma Ramakrishnan, mặc dù màu lông đột biến không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con hổ nhưng giao phối cận huyết có thể gây ra các bệnh về thể chất, cũng như các đột biến gene khác có thể làm suy yếu khả năng phòng vệ của hổ trước bệnh tật.

Theo một số nguồn tin, ước tính có khoảng 30 con hổ vàng đang bị nuôi nhốt trên khắp thế giới và riêng Công viên Quốc gia Kaziranga (Ấn Độ) tuyên bố họ đang sở hữu 4 con hổ vàng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment