Chiến tranh Ukraina vẫn là đề tài được báo Le Monde quan tâm. Hôm nay, tờ báo nói về khả năng châu Âu lập một liên minh, đứng đầu là Paris và Luân Đôn, để điều binh sĩ và cử các công ty tư nhân về phòng thủ sang Ukraina.
Đăng ngày: 26/11/2024
Theo các nguồn tin của báo Le Monde, Pháp và Anh đang tái khởi động các cuộc thảo luận về hợp tác quốc phòng, đặc biệt với mục đích lập một nhóm đồng minh cốt lõi ở châu Âu, tập trung vào chiến tranh Ukraina và nhìn rộng hơn nữa là về an ninh châu Âu, để đề phòng khả năng Mỹ ngưng hỗ trợ Kiev sau khi Donald Trump nhậm chức tổng thống ngày 20/01/2025.
Về phía Pháp, bộ Quân Lực Pháp cũng như phủ tổng thống hiện vẫn chưa chính thức bật đèn xanh cho việc điều động quân đội hay các công ty tư nhân. Tuy nhiên, từ vài tháng nay, một số đề xuất rõ ràng đã được đưa ra thảo luận, chẳng hạn đề xuất để công ty Défense Conseil International (DCI) Quốc phòng Tư vấn Quốc tế, cơ quan điều hành chính của bộ Quân Lực, theo dõi, giám sát các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Pháp và chuyển giao công nghệ quân sự liên quan, trong đó nhà nước là cổ đông nắm giữ 34% cổ phần.
Với 80% là cựu quân nhân, DCI dường như sẵn sàng tiếp tục huấn luyện binh sĩ Ukraina ngay tại nước này, giống như họ đã làm ở Pháp và Ba Lan. Nếu cần thiết, công ty DCI cũng có thể bảo đảm việc bảo trì các thiết bị quân sự Pháp chuyển cho Kiev. Theo chiều hướng này, Babcock, một công ty tương tự của Anh, có mặt tại Ukraina, tiếp cận với DCI của Pháp để sau này chia sẻ cơ sở vật chất sẵn có. Hồi tháng 05, trong báo cáo thường niên, Babcock từng thông báo công việc đang được « tiến hành » để lập một địa điểm hỗ trợ kỹ thuật cho Ukraina, « bao gồm cả sửa chữa và trùng tu các xe quân sự ».
Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga
Nhìn sang báo Le Figaro, tờ báo thiên hữu hôm nay tập trung vào chính trị trong nước, đặc biệt là về khả năng chính phủ của thủ tướng Barnier bị phe đối lập lật đổ, do bất đồng về dự luật tài chính nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng của Pháp.
Nhìn ra quốc tế, chuyên mục Kinh tế của báo Le Figaro quan tâm đến tình hình nước Nga qua hai bài viết : « Lạm phát đình trệ đe dọa nước Nga » và « Đối phó với mức sinh giảm : Những thất bại của ‘‘chiến dịch đặc biệt về dân số’’ ».
Trong khi tổng thống Vladimir Putin tiếp tục quảng bá hình ảnh một quốc gia bất khả xâm phạm, đã có thể cản trở các biện pháp trừng phạt của quốc tế, trên thực tế, theo Le Figaro, tình trạng lạm phát hiện nay tại Nga khó có thể bị ngó lơ, ngay cả đối với giới truyền thông Nga vốn bị kiểm duyệt chặt chẽ. Tuần trước, nhật báo Kommersant đưa tin giá bơ và khoai tây đã tăng 30% và 65% so với năm 2023. Giá cước taxi cũng tăng bùng nổ.
Một nhà báo, không thể công khai đổ lỗi cho chiến tranh Ukraina, cuộc chiến mà điện Kremlin gọi là « chiến dịch quân sự đặc biệt », phân tích lý do là tình trạng thiếu nhân lực, thời gian sửa chữa xe kéo dài và các quy định chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, theo Le Figaro, ví dụ về giá cước taxi phản ánh tác động trực tiếp của chiến tranh Ukraina và các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã làm chậm việc cung ứng các phụ tùng thay thế và tác động đến các lĩnh vực chiến lược như ô tô và hàng không.
Việc huy động quân sự và nỗ lực chiến tranh tiêu tốn tài sản và các nguồn lực sẵn có, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động ở một quốc gia vốn đang bị khủng hoảng dân số kéo dài, chưa kể đến tình trạng nhân tài rời bỏ đất nước. Theo một số ước tính, 2% đàn ông Nga trong độ tuổi lao động đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng kể từ đầu chiến tranh Ukraina, đẩy tiền lương tăng và lạm phát cũng lên đến 9%/năm, vượt xa mức 4% mà ngân hàng trung ương đề ra hồi tháng 06/2024.
Để kiềm chế giá cả tăng vọt, vào cuối tháng 10, ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 21%, mức cao kỷ lục, trong khi đồng rúp mất 30% giá trị so với đồng đô la. Elvira Nabioullina, chủ tịch ngân hàng trung ương Nga, cảnh báo : « Khi một nền kinh tế đạt đến giới hạn về năng lực sản xuất, mà nhu cầu vẫn tăng … thì lạm phát đình trệ (sựkết hợp giữa trì trệ kinh tế và lạm phát dai dẳng) sẽ xảy ra », có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga. Hiện tại, việc thắt chặt tiền tệ đã bắt đầu đè nặng lên các doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có sự mất cân đối trong tăng trưởng, hiện giờ các lĩnh vực đều trì trệ, chỉ có ngành công nghiệp quân sự là phát triển. Vào năm 2025, chi tiêu quân sự sẽ chiếm 40% ngân sách nhà nước (tăng 25%). Thêm vào đó là các biện pháp tốn kém để tuyển quân và hỗ trợ gia đình họ.
Dân số Nga : Tình trạng bi thảm cho tương lai đất nước
Riêng về dân số, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov gần đây nói đến « một tình huống bi thảm cho tương lai đất nước », Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới nhưng dân số mỗi năm lại giảm đi, nên « cách duy nhất để giải quyết là tăng tỉ lệ sinh ». Đối với Le Figaro, những phát biểu nói trên của phát ngôn viên điện Kremlin chính là sự thừa nhận thất bại của chính quyền Nga : các chính sách đã được triển khai trong hơn ¼ thế kỷ đã không thể đảo ngược được tình hình tại một quốc gia đang ngày càng thiếu trẻ em.
Theo Cơ quan Thống kê Rosstat, từ gần 146 triệu, dân số Nga có thể giảm xuống còn khoảng 130 triệu người trong 20 năm tới. Theo Liên Hiệp Quốc, đến năm 2100, dân số Nga có thể giảm một nửa, xuống còn 74 triệu dân.
Trên thực tế, trong khi tỉ lệ sinh thấp, tỷ lệ tử hiện giờ lại rất cao, số người chết năm nay nhiều hơn 80.000-85.000 người so với năm 2023, không chỉ do tổn thất quân sự, mà còn do hậu quả của Covid và nạn nghiện rượu gia tăng trong xã hội. Hơn nữa, số người nhập cư giảm dần.