- Tác giả,Dan Wareing
- Vai trò,BBC News
- 9 giờ trước
Trong Beatles ’64, bộ phim tài liệu mới ghi lại tác động của chuyến lưu diễn đầu tiên của ban nhạc này tới Mỹ và việc tua diễn đã đưa họ lên hàng siêu sao toàn cầu như thế nào, Paul McCartney đưa ra một lý do tại sao họ đạt được nhiều thành tựu nhanh chóng như vậy.
“Khi chúng tôi đến, thời điểm đó chỉ không lâu sau khi Kennedy bị ám sát,” ông nói.
“Có lẽ nước Mỹ cần một thứ gì đó giống như The Beatles để vượt qua nỗi đau buồn.”
Các học giả về The Beatles và các nhà sử học văn hóa từ lâu đã nhận định về việc ban nhạc The Beatles đã mang lại sự lạc quan lớn lao cho một nước Mỹ đang trong thời kỳ tang tóc.
Nhưng McCartney có đúng không? Sự trỗi dậy của ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới có phải một phần là do vụ ám sát tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ không?
Có phải The Beatles chinh phục được nước Mỹ là do Kennedy bị ám sát?
‘Sức mạnh không thể ngăn cản’
Ngày 7/2/1964, The Beatles hạ cánh xuống sân bay quốc tế mới được đổi tên thành John F. Kennedy, chỉ 70 ngày sau khi đảng viên Dân chủ 46 tuổi này bị sát hại.
Kennedy bị bắn khi đoàn xe hộ tống của ông đi qua Dallas, Texas, vào ngày 22/11/1963.
Cái chết của ông đã khiến đất nước ông rơi vào thời kỳ tang tóc.
Tiến sĩ Patrick Andelic, phó giáo sư Lịch sử Hoa Kỳ tại Đại học Northumbria, nói rằng đó là khoảnh khắc làm rung chuyển cả nước, một phần là do chính hình tượng văn hóa đại chúng của JFK.
“Theo một nghĩa nào đó, Kennedy là tổng thống đầu tiên của truyền hình, một điều khá mới mẻ vào thời điểm đó,” ông nói.
“Vào đầu những năm 60, 90% gia đình người Mỹ có ti vi, vì vậy cách thức tiếp nhận tin tức và phương tiện truyền thông đã thay đổi hoàn toàn.”
Ông đánh giá vị tổng thống, giống như The Beatles, “trẻ, đẹp trai, dí dỏm và tràn đầy năng lượng, điều này thực sự phù hợp với truyền hình”.
“Ông ấy đã tận dụng truyền hình và rất hợp với nó,” ông nói.
“Và điều đó khiến cú sốc và nỗi đau từ cái chết của ông trở nên sâu sắc hơn.
“Đó là vụ ám sát một tổng thống đương nhiệm đầu tiên trong vòng 60 năm.”
Dĩ nhiên, chính truyền hình cũng đã góp phần giúp The Beatles trở thành một hiện tượng ở quê nhà của họ.
Khi chốt đội hình cuối cùng gồm Paul McCartney, John Lennon, George Harrison và Ringo Starr vào năm 1962, bộ tứ Liverpool đã gặt hái được hai album quán quân vào năm 1963 với Please Please Me và With The Beatles.
Khi thành công đó được kết hợp với màn trình diễn nổi tiếng Royal Variety Performance năm 1963, nơi Lennon yêu cầu “những khán giả ở nhàng ghế rẻ hơn hãy vỗ tay” và mời những người còn lại “lắc trang sức của mình,” họ đã trở thành một hiện tượng quốc gia.
Tiến sĩ Holly Tessler, giảng viên cao cấp về ngành công nghiệp âm nhạc tại Đại học Liverpool, đánh giá chính buổi diễn đó đã “biến họ thành ngôi sao chỉ sau một đêm.”
“Vào thời điểm này, The Beatles là một hiện tượng bất khả chiến bại tại Vương quốc Anh,” bà nói.
Sợ thất bại
Sự sôi nổi trẻ trung của The Beatles là yếu tố then chốt trong thành công của họ, đồng điệu với hàng loạt thanh thiếu niên Anh đã bắt đầu hâm mộ họ.
Tiến sĩ Andelic nói rằng ở Mỹ, JFK cũng có sức hút tương tự.
“Kennedy thể hiện sự trẻ trung và năng lượng dồi dào, và trong bài phát biểu nhậm chức của mình, ông đã nói về việc ngọn đuốc được trao cho một thế hệ người Mỹ mới,” ông nói.
“Cái chết của ông đã chấm dứt điều đó theo một cách đầy sửng sốt.”
Ông Andelic nói thêm rằng, sau biến cố này, cả nước bắt đầu “tìm kiếm những điều tích cực hơn, sự ổn định và cảm giác được an ủi.”
“Khi The Beatles đến, tôi nghĩ họ đã đại diện cho điều đó.
“Họ cũng trẻ trung, tràn đầy sức sống, và [trong những cảnh quay] khi họ bước xuống máy bay, họ tỏ ra ngớ ngẩn và vui nhộn.
“Vì vậy, đối với một quốc gia bị tổn thương bởi nỗi đau, The Beatles đã mang đến cơ hội để cười và tận hưởng niềm vui một lần nữa.”
Chinh phục một phần giới trẻ Mỹ là một chuyện, nhưng thành công trên thị trường toàn quốc lại là chuyện khác.
Nhiều nghệ sĩ người Anh đã cố gắng và thất bại trong việc sao chép sức hút xuyên Đại Tây Dương của các đồng nghiệp Mỹ, những người đã đạt được thành công lớn trên các bảng xếp hạng ở Anh, và chiếm lĩnh thị trường Mỹ.
Trước The Beatles, những nghệ sĩ này chỉ đạt được thành công hạn chế.
Lonnie Donegan, “Vị vua của Skiffle”, đã có hai bài hát lọt vào top 10, trong khi Cliff Richard, lúc bấy giờ là nghệ sĩ lớn nhất ở Anh, chỉ một lần duy nhất lọt vào top 40 tại Mỹ.
Spencer Leigh, tác giả của nhiều cuốn sách về The Beatles, cho biết xu hướng các nghệ sĩ Anh không thể “đột phá” tại Mỹ đã khiến Capitol, một trong những công ty đĩa nhạc lớn nhất của Mỹ, thậm chí từ chối phân phối âm nhạc của The Beatles vì sợ sẽ có kết quả tương tự.
“Các nghệ sĩ từ Anh không bán chạy ở Mỹ và có vẻ như Capitol đã coi thường các sản phẩm âm nhạc của Anh,” ông nói.
Mối lo ngại của Capitol là hoàn toàn dễ hiểu. Các đĩa đơn Please Please Me, From Me To You và She Loves You phát hành tại Mỹ năm 1963 chỉ đạt được thành công hạn chế.
Vì vậy họ do dự khi phát hành I Want To Hold Your Hand.
Quản lý của ban nhạc, Brian Epstein, và công ty mẹ của Capitol là EMI đã thuyết phục hãng đĩa thay đổi quyết định, và vào ngày Boxing Day năm 1963, khoảng một tháng sau vụ ám sát Kennedy, đĩa đơn này đã có mặt tại các cửa hàng của Mỹ.
Tác động của nó là vô cùng lớn và đến tuần đầu tiên của tháng Hai, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng ở Mỹ, một vị trí mà ban nhạc The Beatles giữ vững trong bảy tuần liền.
Sự thành công này khiến hơn 3.000 người hâm mộ và nhiều nhà báo của các hãng truyền thông lớn đã có mặt tại sân bay khi ban nhạc đáp xuống.
Đối với Spencer Leigh, điều quan trọng không phải là những gì đã xảy ra trước đó, mà là những gì đã xảy ra tiếp theo đã dẫn đến thành công toàn cầu của họ.
“Quan điểm của tôi là những người hét tên The Beatles tại sân bay đều là giới trẻ và không biết nhiều về chính trị,” ông nói.
“Đối với tôi, bước ngoặt là Ed Sullivan Show.”
‘Chỉ thoáng qua’
Vào 20 giờ ngày 9/2/1964, The Beatles đã xuất hiện lần đầu tiên trong ba buổi của The Ed Sullivan Show, một trong những chương trình truyền hình tạp kỹ được yêu thích nhất ở Mỹ.
Kênh truyền hình CBS được cho là đã nhận hơn 50.000 yêu cầu đặt chỗ tại trường quay 700 ghế trước chuyến lưu diễn của ban nhạc, và những ai không thể có được vé đã tụ tập đầy phấn khích quanh những chiếc ti vi tại nhà.
“Hơn 70 triệu người đã xem buổi biểu diễn đầu tiên của The Beatles và họ đã biểu diễn rất tuyệt vời,” Leigh nói.
Ông cho biết một trong những khoảnh khắc thật sự thu hút sự chú ý của khán giả là khi camera lướt qua từng thành viên trong ban nhạc, hiển thị tên của họ trên màn hình.
“Họ đã đăng một dòng chú thích khi camera lướt tới John Lennon với dòng chữ ‘Xin lỗi các cô gái, anh ấy đã kết hôn’,” ông nói.
“Tôi không chắc ban nhạc có đánh giá cao điều đó hay không.”
Khoảng một tháng sau ba buổi biểu diễn đầu tiên nói trên, The Beatles đã tạo nên lịch sử trong bảng xếp hạng của Hoa Kỳ khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên nắm giữ năm vị trí top đầu cùng một lúc.
Beatlemania giờ đã lan rộng ra toàn cầu và phần còn lại đã trở thành lịch sử.
Đối với Tiến sĩ Tessler, quan niệm rằng nước Mỹ đã suy sụp sau cái chết của JFK và hồi phục với sự xuất hiện của The Beatles là quá đơn giản.
Đối với bà, chính những lần xuất hiện trong chương trình The Ed Sullivan Show, chứ không phải hậu quả của vụ ám sát, đã đưa The Beatles vào con đường bất tử của nhạc pop.
“Tôi thực sự khó chấp nhận quan niệm cho rằng The Beatles thành công tại Hoa Kỳ là nhờ vụ ám sát JFK,” bà nói.
“Người quản lý của họ, Brian Epstein, đã đến Hoa Kỳ và thực hiện thỏa thuận để đưa họ vào chương trình The Ed Sullivan Show vài tuần trước khi Kennedy bị ám sát, và có rất nhiều sự phấn khích và mong đợi xung quanh việc The Beatles đến Mỹ, trước khi họ thực sự xuất hiện.”
“Nước Mỹ có thể muốn xóa đi cảm giác ‘tiếp theo sẽ là gì’ sau vụ ám sát, nhưng The Beatles đã trở thành câu chuyện chính quá nhanh đến nỗi mối liên hệ giữa họ với cái chết của JFK chỉ được nhắc đến một cách thoáng qua.”