Liên Hiệp Châu Âu giảm nhân sự ngoại giao để tập trung cho “các vùng chiến lược”

Ủy Ban Châu Âu dự kiến giảm bớt hiện diện ngoại giao trên thế giới, tái tổ chức ngân sách và nhân sự để đầu tư vào các cơ quan ngoại giao (EEAS) ở những vùng chiến lược, theo tài liệu mang tên « Hướng tới một mạng lưới phái bộ EU cải tổ », mà Politico tham khảo được và công bố ngày 28/11/2024.

Đăng ngày: 30/11/2024

Cờ Liên Hiệp Châu Âu tại trụ sở Ủy Ban Châu Âu, phía dưới có khẩu hiệu bằng nhiều thứ tiếng "Vì một liên hiệp có nhiều tham vọng hơn", Bruxelles, Bỉ. (Ảnh chụp ngày 03/12/2019)
Trụ sở Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles, Bỉ. Ảnh chụp ngày 03/12/2019. Aris Oikonomou / AFP

Thu Hằng

Liên Hiệp Châu Âu có 145 cơ quan ngoại giao trên khắp thế giới. Theo tài liệu mới, được xếp vào loại thông tin « nhạy cảm », lưu hành nội bộ hồi tháng 09/2024, các vùng có khả năng cắt giảm hiện diện ngoại giao được cho là châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Mục tiêu là để tập trung vào những nước có lợi ích chiến lược của Liên Âu, như các nước trong nhóm G20, các nước ứng viên gia nhập khối, những nước đang phát triển hoặc các quốc gia nơi bất ổn chính trị có thể tác động trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu.

Theo Politico, việc cắt giảm ngân sách được quyết định sau khi cơ quan ngoại giao EEAS vượt quá ngân sách năm 2024 và có nguy cơ bị thâm hụt nặng hơn vì chi phí gia tăng và lạm phát. Do đó, « duy trì hiện trạng không còn là một giải pháp ». Theo tài liệu này, « Liên Hiệp Châu Âu cần một mạng lưới phái bộ ngoại giao thích ứng tốt hơn với những ưu tiên chính trị và chiến lược của khối » và « trong bối cảnh ngân sách bị thu hẹp ».

Tuy nhiên, một số quan chức châu Âu quan ngại quyết định cắt giảm ngân sách và nhân sự sẽ khiến Liên Hiệp Châu Âu mất trọng lượng ở một số vùng như châu Phi và Nam Mỹ. « Chỉ để một phái đoàn nhỏ ở những địa điểm như Sudan hoặc Niger, không phải là một thông điệp hay », theo nhận định với Politico của một nhà ngoại giao xin ẩn danh, trong khi « chính quyền Mỹ sắp tới cũng bớt quan tâm đến thế giới bên ngoài ». Một nhà ngoại giao khác thì quan ngại « Nga hoặc Trung Quốc có thể sẽ lấp vào khoảng trống mà chúng ta (EU) tạo ra ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment