Quân Ukraine kiệt quệ trên đất Nga nhận lệnh bám trụ chờ ông Trump

Binh lính Ukraine cho biết họ đã được lệnh cố giữ lãnh thổ ở Kursk cho đến khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025
Chụp lại hình ảnh,Binh lính Ukraine cho biết họ đã được lệnh cố giữ lãnh thổ ở Kursk cho đến khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025

4 tháng 12 2024

Giọng điệu tiêu cực, thậm chí có phần giận dữ.

“Tình hình ngày càng tệ.”

“Chúng tôi không hiểu mục đích là gì. Lãnh thổ của chúng ta không phải ở đây.”

Gần bốn tháng sau khi Ukraine phát động đòn tấn công chớp nhoáng vào vùng Kursk của Nga, tin nhắn giữa binh lính chiến đấu ở đó vẽ lên một bức tranh ảm đạm về cuộc chiến họ không thực sự hiểu cùng với nỗi sợ thua cuộc.

Chúng tôi đã liên lạc qua Telegram với một vài binh sĩ đang đóng quân ở Kursk, một người trong số họ vừa rời khỏi đó.

Chúng tôi đã đồng ý không tiết lộ danh tính của họ. Tất cả tên người trong bài viết đều là giả.

Họ nói về thời tiết khắc nghiệt và việc thiếu ngủ triền miên do những cuộc oanh tạc liên hồi của Nga, trong đó bao gồm cả những cuộc tấn công kinh hoàng bằng loại bom lượn 3.000 kg.

Họ cũng đang phải rút lui, với việc quân Nga đang dần giành lại lãnh thổ.

“Xu hướng này sẽ tiếp diễn,” Pavlo viết vào ngày 26/11.

“Chỉ là vấn đề thời gian thôi.”

Binh lính Ukraine ở Kursk đang chịu nhiều áp lực từ những đợt oach tạc liên hồi của Nga
Chụp lại hình ảnh,Binh lính Ukraine ở Kursk đang chịu nhiều áp lực từ những đợt oach tạc liên hồi của Nga

Pavlo nói về sự kiệt quệ cùng cực, tình trạng thiếu luân chuyển quân và việc các đơn vị chủ yếu là đàn ông trung niên được điều động trực tiếp từ các mặt trận khác có rất ít hoặc không có thời gian nghỉ ngơi.

Việc binh lính phàn nàn – về chỉ huy, mệnh lệnh hay thiếu thốn trang bị – là điều bình thường. Đó là điều binh lính thường làm khi tình hình khó khăn.

Dưới áp lực khổng lồ từ quân địch và mùa đông đang đến, nghe thấy những lời tích cực mới là điều lạ.

Tuy vậy, những tin nhắn mà chúng tôi nhận được gần như ảm đạm y như nhau, gợi ý rằng cốt lõi vấn đề nằm ở động lực.

Một vài người trong số họ băn khoăn rằng liệu mục đích ban đầu của chiến dịch này – phân tán lực lượng của Nga khỏi mặt trận phía đông Ukraine – có đạt được hay không.

Mệnh lệnh hiện tại là bám trụ tại vùng đất nhỏ này của Nga tới khi Mỹ có tổng thống và chính sách mới vào cuối tháng 1/2025, họ thuật lại.

“Nhiệm vụ chính của chúng tôi là giữ lại được càng nhiều lãnh thổ càng tốt, cho tới khi ông Trump nhậm chức và các cuộc đàm phán bắt đầu,” Pavlo chia sẻ.

“Mục đích là để sau này đem ra đổi lấy một thứ gì đó. Chẳng ai biết sẽ là thứ gì.”

Vào lúc gần hết tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý rằng cả hai phe đều để ý tới sự thay đổi của bộ máy chính quyền Mỹ.

“Tôi chắc rằng ông ta [Putin] muốn đẩy chúng tôi ra [khỏi Kursk] trước ngày 20/1,” ông nói.

“Ông ta rất muốn thể hiện rằng mình kiểm soát được tình hình. Nhưng ông ta không kiểm soát được tình hình.”

Nhằm giúp Ukraine kháng cự trước đòn phản công của Nga tại Kursk, Mỹ, Anh và Pháp đều đã cho phép Kyiv sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công những mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Có vẻ điều này không giúp tăng thêm nhuệ khí.

“Chẳng ai ngồi trong mấy con hào lạnh cóng rồi cầu mong có tên lửa cả,” Pavlo nói.

“Chúng tôi sống và chiến đấu ở đây, ngay lúc này. Tên lửa bay ở nơi nào đó chẳng ai biết được.”

Tên lửa ATACMS và Storm Shadow có thể đã có tác động mạnh, thậm chí kinh hoàng, tới các điểm chỉ huy và kho đạn dược xa xôi, nhưng những thành tựu này dường như quá xa vời đối với binh lính ở tiền tuyến.

“Chúng tôi không nói về tên lửa,” Myroslav cho hay.

“Trong hầm trú ẩn, chúng tôi nói về gia đình và việc luân chuyển quân. Về những điều đơn giản.”

Đối với Ukraine, bước tiến chậm rãi nhưng dai dẳng của Nga ở miền đông Ukraine càng nhấn mạnh tính cần thiết của việc bám trụ tại Kursk.

Chỉ trong tháng 10, ước tính Nga đã chiếm được 500 km vuông lãnh thổ Ukraine – mức cao nhất Nga chiếm được trong một tháng kể từ khi cuộc tấn công toàn diện nổ ra vào năm 2022.

Trái lại, Ukraine đã mất đi 40% diện tích đất họ từng chiếm được ở Kursk vào tháng Tám.

“Điểm mấu chốt không phải là chiếm được mà là giữ được,” Vadym nói, “và chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc đó.”

Nga đang dần dần chiếm lại lãnh thổ ở Kursk
Chụp lại hình ảnh,Nga đang dần chiếm lại lãnh thổ ở Kursk

Dù có những mất mát, Vadym nghĩ rằng chiến dịch ở Kursk vẫn tối quan trọng.

“Nó đã giúp phân tán một phần lực lượng [của Nga] khỏi vùng Zaporizhzhia và Kharkiv,” anh nói.

Nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, một vài binh sĩ nói rằng họ cảm thấy mình không nên ở đây, rằng chiến đấu ở mặt trận phía đông của Ukraine quan trọng hơn là ở khu vực chiếm đóng được của Nga.

“Đáng lẽ chúng tôi nên ở đó [ở phía đông Ukraine], không phải ở đây, trên đất của người ta,” Pavlo nói.

“Chúng tôi không cần những cánh rừng Kursk này, nơi chúng tôi đã mất rất nhiều đồng đội.”

Dù trong nhiều tuần qua có thông tin binh lính Triều Tiên, lên tới 10.000 người, đã được điều tới Kursk để tham gia phản công cùng Nga, những binh sĩ mà chúng tôi bắt chuyện chưa hề giáp mặt với lính Triều Tiên.

“Tôi chưa nhìn hay nghe thấy bất cứ điều gì về lính Triều Tiên, dù là người sống hay kẻ đã chết,” Vadym trả lời khi chúng tôi hỏi về những thông tin trên.

Quân đội Ukraine đã công bố những đoạn ghi âm mà họ nói rằng là những cuộc liên lạc vô tuyến của binh lính Triều Tiên.

Binh lính Ukraine nói rằng họ được lệnh tìm cách bắt giữ một lính Triều Tiên làm tù nhân, tốt nhất là có giấy tờ tùy thân.

Họ nói về các giải thưởng – những chiếc drone hoặc tăng thời gian nghỉ – dành cho người nào bắt được một binh sĩ Triều Tiên.

“Rất khó để kiếm được một lính Triều Tiên trong khu rừng tăm tối ở Kursk,” Pavlo mỉa mai.

“Đặc biệt là nếu hắn không ở đây.”

Nhuệ khí của những binh lính Ukraine ở Kursk mà BBC nói chuyện cùng có vẻ thấp
Chụp lại hình ảnh,Nhuệ khí của những binh lính Ukraine ở Kursk mà BBC nói chuyện cùng có vẻ thấp

Những cựu binh từng tham chiến trong các chiến dịch thất bại nhận thấy sự tương đồng trong chiến dịch Kursk.

Từ tháng 10/2023 tới tháng 7/2024, quân Ukraine đã cố bám trụ tại một vùng đất chiến lược ở Krynky, bên bờ trái sông Dnipro, cách thành phố Kherson được giải phóng khoảng 40km về phía thượng nguồn.

Khu vực này, ban đầu được dự kiến sẽ là bàn đạp cho các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ do Nga chiếm giữ ở miền nam Ukraine, nhưng cuối cùng đã bị mất.

Chiến dịch nói trên tổn thất rất lớn. Lên tới 1.000 binh sĩ Ukraine được cho là đã chết hoặc mất tích.

Một số người bắt đầu coi đó là chiêu trò nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những trì trệ ở những nơi khác.

Họ lo rằng một viễn cảnh tương tự đang diễn ra ở Kursk.

“Ý tưởng tốt nhưng thực hiện kém,” Myroslav, một sĩ quan hải quân từng phục vụ tại Krynky và giờ là tại Kursk, nhận định.

“Hiệu ứng truyền thông, nhưng không có hiệu quả quân sự.”

Một số nhà phân tích quân sự khẳng định rằng bất chấp khó khăn, chiến dịch Kursk tiếp tục giữ vai trò quan trọng.

“Đó là khu vực duy nhất chúng ta [Ukraine] giữ được thế chủ động,” ông Serhiy Kuzan, thuộc Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, nói với tôi.

Ông thừa nhận rằng quân đội Ukraine đang phải trải qua “tình thế vô cùng khó khăn” ở Kursk, nhưng nói rằng Nga đang phải tiêu tốn nguồn lực khổng lồ để đẩy lùi Ukraine – nguồn lực mà họ muốn sử dụng vào việc khác.

“Chúng ta giữ được mặt trận Kursk càng lâu càng tốt – với đầy đủ thiết bị, đạn dược, HIMARS và tất nhiên là cả vũ khí tầm xa để bắn phá hậu phương của họ,” ông nói.

Tại Kyiv, các chỉ huy cấp cao ủng hộ chiến dịch Kursk, lập luận rằng nó vẫn đem lại lợi ích về quân sự và chính trị.

“Tình hình đang làm Putin khó chịu,” một người bình luận, với điều kiện ẩn danh. “Ông ta đang hứng chịu những thất bại nặng nề ở đó.”

Khi được hỏi về việc quân đội Ukraine có thể cầm cự ở Kursk trong bao lâu, câu trả lời rất rõ ràng:

“Chừng nào việc này còn khả thi về mặt quân sự.”

Anastasiia Levchenko tường thuật bổ sung

Bài Liên Quan

Leave a Comment