Công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris: Một kỳ tích

Từ ngày 08/12/2024 nhà thờ Đức bà Paris bắt đầu mở cửa đón giáo dân và công chúng sau 5 năm thực hiện các công việc phục chế phi thường một di sản kiến trúc bị hỏa hoạn tàn phá nặng nề vào năm 2019.

Đăng ngày: 06/12/2024

Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris sau khi hoàn tất công việc trùng tu, Paris, Pháp, ngày 29/11/2024.
Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris sau khi hoàn tất công việc trùng tu, Paris, Pháp, ngày 29/11/2024. AP – Christophe Petit Tesson

Anh Vũ

Chiều 15/04/2019, công trình tráng lệ uy nghi có từ thế kỷ thứ 12 và phải hơn hai trăm năm xây dựng đã bị chìm trong lửa. Khoảng 400 lính cứu hỏa làm việc suốt đêm trong cái lò lửa đó để ngăn chặn điều tồi tệ nhất là công trình nhà thờ bị sập đổ. Đến sáng hôm sau ngọn lửa vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.

Không ai có thể tin là chỉ trong 5 năm công việc trùng tu nhà thờ đã hoàn thành. Nước Pháp đã huy động tất cả các tinh hoa để trả lại vẻ lộng lẫy cho công trình tôn giáo đậm chất lịch sử, gắn liền với nước Pháp và nổi tiếng trên thế giới.

Thời gian kỷ lục

Ngay sau thảm họa, các chuyên gia kiến ​​trúc ước tính sẽ phải mất từ ​​20 đến 25 năm để Nhà thờ Đức Bà hồi sinh từ đống tro tàn. Ngọn tháp mũi tên đổ xuống đã xuyên qua mái vòm, hệ thống khung xà của mái bị cháy một phần, lớp mái chì đã tan chảy. Các tháp chuông chính diện được cứu thoát trong gang tấc. Nhà thờ vẫn đứng vững nhưng cấu trúc của nó đã bị suy yếu đáng kể.

Tất cả cùng nhau, chúng ta sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà. Đó là một phần vận mệnh nước Pháp của chúng ta”, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố khi mà bên trong nhà thờ tàn lửa vẫn chưa tắt hết.

Ngay sau vụ hỏa hoạn, nhiều người giàu có, các tập đoàn công nghiệp và những người vô danh đã thể hiện lòng hảo tâm của mình. Chỉ trong 24 giờ, số tiền quyên góp tự nguyện đã lên tới hơn 800 triệu euro đến từ gần 340.000 nhà tài trợ của hơn 150 quốc gia. Công trường khổng lồ huy động 250 công ty xuất sắc cũng như hơn 500 thợ thủ công tài năng, được lựa chọn theo kỹ năng trong từng lĩnh vực (kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khảo cổ học, nhà bảo tồn, nhà khoa học, thợ xà gỗ, thợ xây, thợ đá, thợ mộc, thợ giàn giáo, thợ leo dây, chuyên gia phục chế tranh, tác phẩm điêu khắc hoặc kính màu, thợ chế tạo đàn organ, nhiếp ảnh gia và các ê-kíp hành chính….)

Có thể nói công trình là một cuộc phiêu lưu vừa mang tính nhân văn vừa mang tính công nghệ. Công đoạn đầu tiên là bảo đảm an toàn cũng đã kéo dài trong hai năm. Các robot được đưa vào để dọn dẹp gian chính giữa. Đó là nơi rất nguy hiểm khi qua lại. Trong khi đó công nhân dọn dẹp các mảnh vụn từ phía trên mái vòm rộng lớn. Các cảm biến được lắp đặt ở mọi nơi để theo dõi những chuyển động đáng ngờ dù là nhỏ nhất. Khử ô nhiễm hiện trường cũng không hề là một nhiệm vụ dễ dàng: 450 tấn chì đã bốc hơi một phần vào không khí.

Một cần cẩu “tháp” lớn (cao 80 mét), 3 cần cẩu di động và 3 thang máy được dựng lên để gia cố các trụ đỡ hình cánh cung và tháo dỡ các dàn giáo cũ bị hư hại trong trận hỏa hoạn. Sau đó, các kiến ​​trúc sư đầu ngành chuyên về các di tích lịch sử, thợ xây và thợ cắt đá, sẽ kiểm tra, dọn dẹp, chẩn đoán và gia cố các mái vòm.

Trong nhiều tháng sau vụ hỏa hoạn, một cuộc tranh luận dấy lên : Có nên tái thiết nhà thờ theo nguyên bản hay nên có chút cải tiến hiện đại? Mười lăm tháng sau, tổng thống  Emmanuel Macron quyết định và có lẽ miễn cưỡng chọn phương án đơn giản là xây dựng lại công trình tinh hoa kiến trúc Gothic theo nguyên bản, nhờ vào các bản vẽ thiết kế nhà thờ  từ thế kỷ 19, tất cả đều còn được lưu giữ.

Một rừng khung xà

Nhà thờ Đức Bà sẽ không phải là nhà thờ Đức Bà nếu không có  các khung xà gỗ  lịch sử, đó là cả một khu rừng. Trước khi bị cháy, một số xà gỗ được làm từ các cây chặt từ vào khoảng năm 1160-1170. Sau thảm họa, hơn 1.000 cây sồi đã bị đốn hạ ở Pháp để xây dựng lại hệ dầm xà phức tạp đỡ mái nhà thờ Đức Bà. Hệ thống dầm xà được dựng lại y hệt như cũ và theo phương pháp của những người  thợ thời Trung Cổ. Những người thợ làm khung xà khắc dấu ấn đầu tiên lên các thanh xà: năm hình bán nguyệt hình trăng lưỡi liềm, được chạm khắc lần đầu tiên cách đây 800 năm.

Mỗi cây gỗ được chọn tại rừng theo đường kính, độ thẳng và chiều dài tương ứng với từng chi tiết khung xà của gian giữa, chính điện, tháp mũi tên và cánh ngang của nhà thờ, với kích thước đặc biệt: dài 100 m, rộng 13 m trong gian giữa, 40 m ở gian ngang, với chiều cao 10 m. Sau khi lắp khung xà, việc lắp đặt mái nhà cho gian giữa và chính điện mới được thực hiện.

Tháp mũi tênkiệt tác cấu trúc xà gỗ

Kể từ  thời Viollet-le-Duc, kiến ​​trúc sư nổi tiếng đã trùng tu nhà thờ vào thế kỷ 19, chưa bao giờ có một ngọn tháp cao đến 96 mét như vậy được xây dựng. Đó là một kiệt tác cấu trúc xà gỗ thực sự. Một giàn giáo 100 mét được lắp đặt. Các chi tiết trang trí bằng chì phải được sao chép giống hệt nhau, từ cây thánh giá đến con gà trống (được lắp đặt năm 1859). Đối với những người theo đạo Thiên chúa, đó là biểu tượng cho sự trở lại của ánh sáng sau màn đêm. Vẫn còn thiếu một phần chì phủ trên đế và các bức tượng của các tông đồ và các vị thánh, đã được dỡ bỏ trước trận hỏa hoạn để phục chế, sẽ được lắp đặt lại vào nửa đầu năm 2025. Tám chiếc chuông, trong đó có hai chiếc bị lửa nhiệt của trận hỏa hoạn nung nóng, cũng đã được phục hồi và trở lại vị trí của chúng ở gác chuông phía bắc của nhà thờ.

Nội thất độc đáo

Thời gian, ô nhiễm, bụi bẩn, khói từ nến, đã khiến nơi này trở nên tối tăm đáng kể. Nội thất của nhà thờ đã được làm sạch hoàn toàn, tường, mái vòm và các hoạt tiết trang trí, ánh lên màu ngà vàng của đá. Sàn nhà trang trí lát đá theo kiểu ô bàn cờ đen trắng đã lấy lại được độ sáng bóng.

Nhà thờ Đức Bà Paris được chiếu sáng bằng hơn 120 khung kính có niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Trong trận hỏa hoạn, mái vòm đã đóng vai trò như một lá chắn ngăn cách hơn 3.000 m2 mặt kính và lực lượng cứu hỏa đã phun nước để bảo quản toàn bộ cửa sổ kính màu. Các tấm kính đó cũng đã được làm sạch và phục hồi những sắc màu xưa.

Đến năm 2026, các tấm kính đương đại theo mong muốn của tổng thống Emmanuel Macron sẽ thay thế cho 5 trong số 6 khung kính được kiến trúc sư Viollet-Le-Duc trùng tu từ thế kỷ 19 ở phía nam Nhà thờ Đức Bà ( bên nhìn ra sông Seine). Đó làn những mảng kính không bị hư hại trong trận hỏa hoạn nhưng đã quá cũ bẩn.

Đồ nội thất phụng vụ trong nhà thờ  giờ được làm mới, 1.500 chiếc ghế bằng gỗ sồi được trạm khắc. Cây đàn organ lấy lại vẻ nguy nga: Bị phủ đầy bụi chì, 8.000 ống đàn được tân trang từng cái một. Những bức tranh khổ  lớn trên bàn thờ, được đặt các họa sĩ lớn vẽ hàng năm từ 1630 đến 1707 do các nghệ nhân kim hoàn dâng cúng cho nhà thờ đã được phục chế.

Thành công của một « công trường thế kỷ »

Các đường ống phun nước phòng hỏa để tránh tái diễn thảm họa 2019 được lắp đặt kín đáo bám theo các khung xà nhà thờ. Các du khách thăm Nhà thờ Đức Bà sẽ không nhìn thấy gì . Hệ thống phun mưa phòng cháy này chưa từng được lắp đặt trong nhà thờ nào tại Pháp ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris.

Công trình thế kỷ, công trường tu tạo lớn nhất Châu Âu, đã đạt mục tiêu đề ra. Chỉ riêng hạng mục xây dựng của công trình đã tiêu tốn 550 triệu euro, trong tổng số 846 triệu euro tiền quyên góp. Hiện vẫn còn dư 150 triệu euro cho các công việc trùng tu bổ sung bên ngoài nhà thờ.

Trước vụ hỏa hoạn 2019, nhà thờ Đức bà Paris hàng năm đón trung bình hơn 10 triệu du khách. Giáo hội và chính quyền dự trù năm 2025, nhà thờ sẽ đón từ 14 đến 15 triệu khách, sau khi công trình di sản văn hóa, tôn giáo và lịch sử này mở cửa.

Bài Liên Quan

Leave a Comment