2024.12.10
Một trực thăng HH-60H Sea Hawk đang bay lên từ tàu khu trục USS Preble ở Thái Bình Dương hôm 13/3/2011 (minh họa)
REUTERS/US Navy/Mass Communication Specialist 3rd Class Alexander Tidd
Một tàu khu trục của Hải quân Mỹ hôm 6/12 đi qua khu vực quần đảo ở Trường Sa trong hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở vùng nước đang có tranh chấp trong khu vực.
Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 (Hải quân Mỹ) hôm 6/12 cho biết tàu khu trục USS Preble (DDG 88) đã kết thúc hoạt động và đi ra khỏi vùng nước nơi có những đòi hỏi chủ quyền quá đáng, đồng thời sẽ tiếp tục các hoạt động ở khu vực Biển Đông.
“Hoạt động tự do hàng hải (FONOP) duy trì quyền, sự tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận theo luật quốc tế bằng cách thách thức những hạn chế về quyền đi lại vô hại do các nước Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt” – Thông cáo báo chí của Hạm đội 7 Mỹ viết.
Theo thông cáo, Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan hiện đều đòi chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa, trong khi Malaysia cũng có đòi hỏi chủ quyền đối với một số thực thể tại quần đảo này.
“Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, mỗi nước đều cố tình yêu cầu các tàu chiến phải được phép hoặc thông báo trước, dù vi phạm luật quốc tế, khi thực hiện việc “đi qua vô hại” ở vùng lãnh hải của họ. Những áp đặt đơn phương này hoặc những đòi hỏi phải có thông báo trước hoặc phải xin phép từ bất cứ quốc gia đòi chủ quyền nào là vi phạm pháp luật” – Thông cáo cho biết
Hạm đội 7 cho biết Malaysia hiện không có những đòi hỏi quá đáng liên quan đến hoạt động tự do hàng hải của Mỹ.
Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn ở Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Tòa Trọng tài Quốc tế trong một phán quyết hồi năm 2016 đã bác bỏ những đòi hỏi này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.
Hoa Kỳ không phải là một quốc gia tham gia tranh chấp chủ quyền ở vùng biển này nhưng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển nơi có các tuyến hàng hải vận chuyển hàng hóa quan trọng của thế giới.