Chuly sưu tầm
Trứng luộc và “ông ngoại”
Tác Giả: Trần Mộng Tú.
Mọi người vào góc nệm của mình. Những chiếc nệm xếp thành hàng ngang hàng dọc trong căn Phòng Hội của nhà thờ. Tối nay phòng kín cả, chẳng có tấm nệm nào dư. Bên ngoài trời đang mưa, tháng Tư, Seattle ban đêm vẫn còn lạnh, tìm được một chỗ ngủ ấm áp như thế này không phải dễ, lại còn được cả bữa cơm chiều.
Con bé An gần 5 tuổi, vít cổ mẹ nó xuống thầm thì:
– Sáng mai có trứng luộc không mẹ?
Mẹ nó cũng nói khẽ vào tai nó:
– Có, hồi tối mẹ thấy “ông ngoại” mang trứng vào rồi.
Cả hai mẹ con bé cùng gọi ông già mang trứng vào là ông ngoại. Ðó là tên họ đặt cho người đàn ông Á Ðông khoảng 70, tóc trắng, hay mang trứng luộc vào cho trung tâm tạm trú của người “homeless”. Hai mẹ con họ cũng là hai người Việt duy nhất trong những người tới đây. Người mẹ không có nói chuyện với ông cụ mang trứng tới bao giờ, nên không biết ông là người nước nào, chỉ nhận ra ông cụ cũng là người Á Ðông như mình trên màu mắt, màu da và dáng dấp nhỏ bé hiền từ và chị ước chừng ông bằng tuổi cha chị ở quê nhà. Người mẹ không muốn ai biết tới gốc gác của mình, tại sao hai mẹ con lại như lá bị thổi dạt tới đây, nên chị không dám chào hỏi ông già trứng luộc (Thỉnh thoảng chị cũng gọi ông như thế).
Cách hai ba hôm ông cụ lại mang một hộp to đựng 60 trứng vừa luộc xong đến đây. Bao giờ cũng nghe cụ nói một câu giản dị với nhóm phụ trách: “Ðể sáng mai khi họ đi họ có quả trứng mang theo”.
Bao giờ chị cũng nhìn theo cụ với ánh mắt biết ơn, vì con bé An được quả trứng cho vào túi buổi sáng nó thích lắm. Hai mẹ con chị được hai quả.
Trung tâm này dành riêng cho phụ nữ và trẻ em, những bà mẹ bị bạo hành trong gia đình có thể mang con tới đây tạm trú ban đêm, ban ngày thì họ phải ra khỏi đây lúc 7 giờ sáng, cuối ngày họ được vào lúc 8 giờ tối, được ăn bữa cơm chiều và ngủ lại. Ðúng 10 giờ tối trung tâm tắt đèn và đóng cửa.
Trung tâm phục vụ mỗi tối khoảng dưới 30 người. Ðây là trung tâm tạm trước khi sở Xã Hội tìm được chỗ cư ngụ lâu dài cho họ.
Chị kéo con nằm sát vào mình, nghĩ đến ngày mai, khi đưa con bé vào trường cho trẻ nhỏ xong chị không biết đi đâu? Ði lang thang xin việc, xin việc mà không có địa chỉ thì ai nhận? Nhưng chị vẫn cố gắng đi tới những nhà hàng Việt xin một chân dọn dẹp, rửa bát vài tiếng, đợi tới 2 giờ đến trường đón con. Hai mẹ con lại lang thang cho tới chiều tối, với hai gói hành lý nhẹ trên vai. Nhảy lên, nhảy xuống hai ba trạm xe buýt, tìm trung tâm Tạm Trú Ban Ngày vào tắm rửa. Hai mẹ con lang thang như thế có hơn 1 tháng rồi. Cũng đã gặp nhân viên xã hội vài lần, họ đang cố thu xếp cho mẹ con chị một chỗ ở cố định, nhưng hình như cái danh sách những người có hoàn cảnh như mẹ con chị khá dài. Chị phải chờ tới phiên mình thôi.
Chồng chị, một Việt kiều Mỹ, hơn chị 20 tuổi đã về Việt Nam cưới chị, đã hứa hẹn cho chị một tương lai tốt đẹp ở nước Mỹ này, nhưng khi sang tới đây anh ta không cho chị đi ra ngoài gặp bất cứ một ai. Anh sợ họ mách đường cho chị bỏ người chồng gấp hai tuổi mình. Chị không được đi học nghề hay học sinh ngữ, không được đi ra ngoài một mình. Buổi sáng anh đi làm chị loanh quanh trong nhà cơm nước, thỉnh thoảng anh mang chị đi chợ Mỹ, anh tránh mang chị tới chỗ đông người Việt. Cứ thế chị kéo dài đời sống với chồng hơn 5 năm, đẻ cho anh một đứa con. Con bé An là niềm hạnh phúc duy nhất chị có. Hai mẹ con thui thủi trong nhà cho tới khi con bé đi học. Sáng anh đưa đi, tan trường anh nhờ người đón về, chị căn giờ ra cửa đón con.
Một ngày có hàng xóm mới là người Việt Nam, chị mừng như bắt được vàng. Anh đi làm, chị sang làm quen với họ nhưng không cho anh biết. Hai vợ chồng trẻ bằng trạc tuổi chị, vào một tối cuối tuần, người vợ mau mắn chạy sang gõ cửa chào hỏi. Khi khách về chồng chị đã hành hung chị để áp đảo tinh thần, cấm không cho chị kết bạn. Chị đã ôm con vừa chạy ra đường vừa khóc với khuôn mặt sưng vù và chuyện gì đến phải đến. Cảnh sát bắt giữ người chồng và đưa mẹ con chị vào ngủ tạm trong trung tâm này.
Cái kết của câu chuyện về người phụ nữ trẻ ở Việt Nam lấy chồng Việt kiều gấp hai tuổi mình ở Mỹ là chị ôm con và trở thành người vô gia cư.
Tối nay ông cụ Á Ðông lại mang trứng tới trung tâm, con bé An mon men tới gần ông. Không biết ông để ý tới nó từ bao giờ, khi con bé tới cạnh, ông cúi xuống cầm bàn tay bé xíu của nó, nói bằng tiếng Việt:
– Ông có cái này đặc biệt cho con.
Con bé chưa kịp phản ứng thì ông thò tay vào trong túi lấy ra hai quả trứng đặt vào cả hai tay nó, hai quả trứng có vẽ những bông hoa xanh đỏ, và một quả có đề “Bé An”.
Chị tròn mắt ngạc nhiên lẫn vui mừng, ông là người Việt, nhưng sao ông lại biết tên con bé nhỉ? Chắc là ông đã hỏi mấy người trong trung tâm, vì họ đều biết tên con bé, nó gần như là một người homeless trẻ nhất trong nhóm người tới đây.
Chị chỉ cho con cái tên của nó trên quả trứng, rồi nói con khoanh tay cám ơn ông đi. Ông cụ cúi xuống gần như chụm đầu vào con bé. Con bé vòng tay cúi đầu nói thỏ thẻ:
– Cám ơn ông ngoại.
Ông cụ ngẩn người ra một giây rồi ôm con bé sát vào bộ ngực già nua của mình, hai mắt ông ứa lệ.
Ông đang cho hay ông đang nhận một món quà hạnh phúc trong tháng Tư bất hạnh này.