Julian Assange, 7 năm tù túng trong 18 mét vuông

Julian Assange, 7 năm tù túng trong 18 mét vuông

Thụy MyĐăng ngày 13-04-2019

\"media\"/

Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks được nhìn thấy tại balcon tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn. Ảnh tư liệu chụp ngày 19/05/2017.REUTERS/Peter Nicholls/File Photo

Vụ cảnh sát Anh vào đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn bắt ông Julian Assange đã kết thúc một thời kỳ gần bảy năm sống cô độc của người sáng lập WikiLeaks, không ai bầu bạn, không hoạt động thể dục thể thao và thiếu ánh sáng tự nhiên.

Nhân vật người Úc 47 tuổi, mà sức khỏe cả tinh thần lẫn thể chất đã bị giảm sút trong thời gian tự giam cầm này, đã xuất hiện với vẻ yếu ớt, gương mặt mệt mỏi với bộ râu rậm rạp, bị các cảnh sát cưỡng bức ra khỏi tòa đại sứ.

Người lập ra WikiLeaks tị nạn trong tòa nhà bằng gạch đỏ nằm tại khu phố sang trọng Knightsbridge từ tháng 6/2012, để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển, nơi ông bị tố cáo hãm hiếp và tấn công tình dục.

Lần cuối cùng Julian Assange công khai xuất hiện là hồi tháng 5/2017, tại balcon sứ quán Ecuador, nắm tay giơ cao, sau khi tư pháp Thụy Điển ngưng truy tố.

« Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao »

Trong năm đầu tiên Assange tị nạn tại đại sứ quán Ecuador, cảnh sát Anh duy trì sự hiện diện 24/24 trước tòa nhà. Theo một số nguồn tin, tình trạng « trực chiến » này làm tốn kém hàng triệu euro cho người đóng thuế Anh.

Ở bên trong, cựu hacker đã phải cố sống như ở nhà mình, trong căn phòng có diện tích 18 mét vuông, có một chiếc giường, một vòi sen, một máy tính và một lò vi sóng.

Ông đã chia không gian này ra làm hai phần, một để làm văn phòng, nửa kia làm nơi sinh hoạt. Julian Assange cố gắng duy trì hoạt động rèn luyện thân thể tối thiểu, nhờ một thảm tập chạy. Ông cũng có một chiếc đèn cực tím để bù vào việc thiếu ánh sáng mặt trời.

Thỉnh thoảng Julian Assange cũng tiếp đón một số nhân vật đến thăm. Đó là các nhà báo, nhà ngoại giao, và một số người nổi tiếng đã công khai ủng hộ ông như nhà tạo mốt Anh Vivienne Westwood, hay ngôi sao điện ảnh Canada Pamela Anderson.

Nhưng lo sợ cho sự an toàn của bản thân, Julian Assange hầu như không ra khỏi balcon nơi trú ẩn. Bị kẹt ngay trung tâm thủ đô nước Anh, chỉ cách cửa hàng sang trọng Harrods nổi tiếng có vài chục mét, ông so sánh cuộc sống hàng ngày của mình như trên phi thuyền không gian.

« Tinh thần tôi không hề bị cầm tù » – ông nói với AFP năm 2013. « Về mặt vật chất thì điều kiện khá khó khăn, tuy nhiên mỗi ngày tôi đều làm việc ». Julian Assange trải qua phần lớn thời gian trước chiếc máy vi tính, tham gia các cuộc họp báo online, bày tỏ chính kiến thông qua mạng xã hội Twitter, thậm chí còn cộng tác với kênh truyền hình Nga RT.

\"\"/

Mèo của Julian Assange trên balcon đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn. Ảnh chụp ngày 30/07/2018.REUTERS/Peter Nicholls/File Photo

« Sống như ở tù »

Sức khỏe tinh thần và thể chất của người sáng lập WikiLeaks dần sa sút. Các luật sư của ông liên tục đưa đơn chống lại lệnh bắt của Anh về việc vi phạm các điều kiện khi được tạm tha, vẫn đang đè nặng lên Assange, và tố cáo điều kiện sống « tương tự như ở tù ».

Nhấn mạnh đến quyết định của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, hồi năm 2016 đã cho rằng Julian Assange bị « giam giữ một cách tùy tiện », các luật sư khẳng định ông đang gặp nguy hiểm vì không được chăm sóc sức khỏe và thiếu ánh sáng mặt trời. Trong một phiên tòa, họ cho biết Julian Assange bị trầm cảm, có các vấn đề về răng miệng và bị đau vai.

Quan hệ của Julian Assange với chính quyền Ecuador cũng dần dà xấu đi. Năm ngoái Quito đã cắt kết nối internet của Julian Assange và thu hồi điện thoại di động, cáo buộc ông vi phạm các « cam kết bằng văn bản », trong đó Assange hứa không can dự vào chính sách đối ngoại của các đồng minh.

Con mèo cũng gây tranh cãi

Quyết định này khiến Julian Assange khởi kiện chính phủ Ecuador vì vi phạm « các quyền căn bản »  « quyền tự do » của ông. Assange cũng khiếu nại rằng đại sứ quán Ecuador đòi hỏi những người khách đến thăm ông phải tiết lộ một số « chi tiết riêng tư hay mang tính chính trị, chẳng hạn tên trên các mạng xã hội ».

Ngay cả con mèo mà Julian Assange được tặng năm 2016 cũng trở thành chủ đề tranh cãi, sau khi ông tạo cho nó một tài khoản Twitter mang tên @EmbassyCat, thường đưa những thông tin châm chọc. Một công hàm từ Quito được báo chí Ecuador tiết lộ cho thấy chính quyền lo ngại cho tình trạng vệ sinh, thức ăn, chăm sóc đối với mèo, cảnh báo rằng con mèo có thể bị gởi vào một cơ sở dành cho thú nuôi.

Bài Liên Quan

Leave a Comment