Trung Quốc tuồn khí HFC gây hiệu ứng nhà kính cao vào châu Âu

Trung Quốc tuồn khí HFC gây hiệu ứng nhà kính cao vào châu Âu

Trọng NghĩaĐăng ngày 01-05-2019

\"media\"/

Ảnh minh họa. Khí làm lạnh HFC, một loại khí độc hại cho môi trường.Wikimedia Commons

Như thông lệ, báo viết Pháp nghỉ lễ Lao Động hôm nay, 01/05/2019. Trên các quầy, tờ báo mới duy nhất là Le Monde, phát hành từ chiều hôm qua. Tờ báo dành tựa lớn trang nhất – « Các biện pháp Macron sẽ tốn 17 tỷ » – phân tích các biện pháp cải thiện thu nhập của người dân được tổng thống Pháp loan báo. Tuy nhiên, đáng chú ý là một bài viết về khí hậu, báo động nạn « buôn lậu trên quy mô lớn khí HFC vào châu Âu », mà nơi xuất phát chính là Trung Quốc !

Đối với Le Monde, nạn buôn lậu khí HFC rất đáng lo ngại vì lẽ các loại khí này, chủ yếu được dùng trong các thiết bị làm lạnh như tủ lạnh, máy điều hòa không khí…, có thể độc hại gấp 15.000 lần khí CO2 trong việc gây nên hiệu ứng nhà kính, và làm khí hậu toàn cầu nóng lên. Trong thời gian qua, các loại khí làm lạnh này đã được nhập một cách bất hợp pháp vào Liên Hiệp Châu Âu, bất chấp mức quota đã được quy định.

Tờ báo trích dẫn một bản báo cáo của hiệp hội mang tên Cơ Quan Điều Tra Môi Trường (EIA), trụ sở tại Anh Quốc, tố cáo một tình trạng buôn lậu trên quy mô to lớn, với « hàng tấn khí HFC (tên tắt của chất hydro-fluoro-carbone), được tuồn từ Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu một cách phi pháp qua ngã Nga, Ukraina hoặc Thổ Nhĩ Kỳ ». Tệ nạn buôn lậu này đang làm suy yếu cuộc chiến của Liên Âu chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu.

Mỗi năm khí HFC gây hiệu ứng nhà kính tương đương với 1 tỷ tấn CO2

Theo nhật báo, sau khi phát hiện việc khí CFC dùng để làm lạnh có tác hại là phá hủy lớp khí ozone bảo vệ trái đất, cộng đồng thế giới đã quyết định thay thế khí CFC bằng khí HFC. Vấn đề là khí HFC, ít nguy hại trực tiếp cho khí ozone, nhưng lại gây nên hiệu ứng nhà kính gấp bội. Mỗi năm các thiết bị làm lạnh đã để thất thoát một lượng khí HFC có tác hại tương đương với 1 tỷ tấn CO2 thải ra. Mối nguy hại lại càng tăng khi nhu cầu về tủ lạnh và các loại máy lạnh không giảm.i

Do việc các nước châu Âu, đi đầu trong lãnh vực chống biến đổi khí hậu đã quyết định giảm bớt việc sản xuất và tiêu thụ chất HFC, trong lúc nhu cầu sử dụng vẫn cao, giá của khí HFC tại châu Âu đã tăng vọt, có loại tăng lên 800% trong vòng 4 năm qua.

Chính tình trạng này đã kéo theo tệ nạn buôn lậu. Bà Clare Perry, người phụ trách hồ sơ khí hậu tại hiệp hội EIA giải thích là việc các nước như Trung Quốc (vốn không ký hiệp định chống khí HFC năm 2016) vẫn sản xuất khí HFC với chi phí rất thấp, đã làm thị trường chợ đen và tệ nạn buôn lậu phát triển ở châu Âu.

Theo điều tra của EIA, dựa trên dữ liệu của hải quan Trung Quốc và châu Âu từ năm 2016 đến 2018, đã có đến 16,3 triệu tấn khí HFC tương đương CO2 đã du nhập bất hợp pháp vào thị trường châu Âu vào năm 2018, tức là 16% quota cho phép, một mức tăng đáng kể so với 14,8 triệu tấn năm 2017 (8,7% hạn ngạch).

Khí HFC nhập lậu trực tiếp từ Trung Quốc hay qua ngã trung gian

Vẫn theo EIA, các loại khí HFC nhập lậu chủ yếu đến từ Trung Quốc, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua các ngã Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Albania. Hàng lậu được giấu trong xe hơi và tàu thuyền, hoặc sử dụng các tài liệu ngụy tạo để qua cửa khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là phần lớn khí nhập lậu lại đường hoàng đi vào châu Âu theo con đường chính thức, giống như buôn bán hợp pháp.

Giải thích về nghịch lý kể trên, bà Clare Perry nêu bật lỗ hổng của luật lệ châu Âu : « Các nhân viên hải quan có quyền truy cập vào sổ đăng ký nhập HFC để kiểm tra xem một nhà nhập khẩu nào đó có được phép nhập hay không, và nhập bao nhiêu mỗi năm. Nhưng Hải Quan lại không thể biết là doanh nghiệp đó đã nhập khẩu bao nhiêu rồi ».

Ngoài ra, biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp nhập lậu rất nhẹ, và hiếm khi được áp dụng. Theo Le Monde, giới chuyên gia đã khuyến nghị Bruxelles là cần phải nghiêm trị tệ nạn buôn lậu khí HFC nếu muốn tiến triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Bài Liên Quan

Leave a Comment