Wieliczka, mỏ muối nuôi người dân Ba Lan thêm hàng chục thế kỷ

Wieliczka, mỏ muối nuôi người dân Ba Lan thêm hàng chục thế kỷ

Trần Nguyên Thắng

\"\"/
Các tượng đá muối miêu tả hoạt cảnh công chúa Kinga tìm lại được nhẫn cưới dưới hầm mỏ muối Wieliczka. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Lục địa Âu Châu có khá nhiều các hang động kỳ vĩ nổi tiếng thế giới, trong số đó một hang động nhân tạo, nguyên thủy là một mỏ muối tại khu vực miền Nam của đất nước Ba Lan (Poland) được người dân bản địa tìm thấy từ thế kỷ 13 và hoạt động cho mãi đến thế kỷ 20.

Ngày nay, Wieliczka (tên của vùng mỏ muối) sau khi được UNESCO công nhận vào năm 1978 đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Ba Lan mà phần lớn du khách đến Ba Lan đều đặt chân đến đây thưởng ngoạn.

Wieliczka là một khu làng nhỏ, lân cận với cố đô Krakow và chỉ cách Wadovice, quê hương của cố Đức Giáo Hoàng John Paul II chừng hơn 50 km. Đây là khu vực nằm về phía Nam của Ba Lan, rất gần biên giới với Slovakia Republic (Tiệp Khắc cũ).

Chỉ nghe đến hai chữ “mỏ muối,” chắc hẳn mọi người ai cũng nghĩ đến đây là một khu vực “mỏ khoáng” bình thường (đôi khi không gian vùng mỏ như mỏ than, mỏ đồng, mỏ vàng… thường là một không gian sinh hoạt luộm thuộm bề bộn). Nhưng điều này lại không đúng hẳn với khu vực mỏ muối Wieliczka.

Nếu không nhờ những tấm bảng chỉ dẫn đường vào khu vực mỏ muối, ít ai biết được người ta đang đi trên một khu vực mỏ khá lớn và nằm rất sâu dưới lòng đất. Vì thế, khi du khách đi dạo quanh khu vực mỏ muối Wieliczka, không gian nơi đây không tạo cho du khách cảm giác nôn nao háo hức như khi du ngoạn các thắng cảnh khác.

Tòa nhà chính Danilowicz Shaft của mỏ muối không to lớn lắm, nhìn phớt qua không ai nghĩ nơi đây có dáng vẻ gì như là một khu vực mỏ khoáng. Tòa nhà chỉ là nơi bán vé vào cửa cho du khách, cạnh đó là một vài tiệm kios nhỏ bé bán nước uống và snack càng làm cho du khách không thể nào nghĩ được rằng dưới chân mình là cả một hầm mỏ muối vĩ đại đã hoạt động liên tục từ 700 năm nay.

\"\"
Họa đồ mỏ muối Wieliczka Salt Mine của Ba Lan. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Du ngoạn mỏ muối, du khách có hai cách để đi xuống hầm mỏ. Một là đi xuống mỏ muối bằng thang máy của những người thợ mỏ xưa kia đã sử dụng, nhưng hiện tại người ta đã thiết kế lại để bảo đảm sự an toàn cho du khách. Hai là bạn có thể đi bộ xuống bằng các bậc thang, tôi không đếm được bao nhiêu bậc thang để đưa bạn đến tận tầng sâu nhất của mỏ muối, nhưng đi bộ xuống rất sâu dưới lòng đất.

Độ sâu của mỏ muối được chia ra làm ba tầng. Tầng một sâu khoảng 64 mét, tầng hai chia ra hai phần, phần “upper” sâu hơn 90 mét, phần “lower” sâu đến 125 mét. Riêng tầng thứ ba sâu đến 135 mét. Cả ba tầng này ngày nay trở thành các tầng hầm dành cho du khách thưởng ngoạn những công trình đào xới và tìm hiểu thêm về các kỹ thuật hầm mỏ của người xưa làm việc nơi đây.

Muối khoáng được hình thành tại khu vực này khoảng 13 triệu năm trước, muối được phân giải từ nước biển và kết tinh lại thành nhiều tầng lớp khác nhau. Du ngoạn dưới mỏ muối, chúng ta có thể nhìn thấy rock-salt (muối kết tinh trong đá), thường là các tảng đá muối to lớn nằm ở lớp trên. Lớp dưới là “các tụ điểm muối” rất lớn, kết tụ trắng xóa trên bề mặt các tảng đá. Nếu bạn không tin đó là muối ăn, bạn có thể dùng vị giác của lưỡi nếm thử xem sao! Tôi tin là bạn sẽ nhăn mặt.

Sau cùng, đọc qua tư liệu của mỏ muối bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên vì không thể ngờ rằng hầm mỏ muối này vô cùng lớn, mỏ muối được ước lượng có chiều sâu từ 64 mét đến 320 mét (có nghĩa độ dày khoảng 260 mét) và dài hơn 300 km. Lượng muối này dư sức nuôi người dân Ba Lan cả hàng chục thế kỷ.

\"\"
Các tượng đá muối miêu tả cảnh làm việc dưới hầm mỏ muối. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Bỏ qua số lượng muối to lớn này dưới hầm mỏ, nếu mỏ muối Wieliczka chỉ là mỏ muối lấy muối lên biến chế thành “muối ăn” thì chắc chắn sẽ không có điều gì đáng nói và cũng không có gì đáng để du khách đến du ngoạn.

Nhưng Wieliczka Salt Mine không như thế! Những người thợ mỏ làm việc nơi đây ngày xưa đã để lại những nơi đây những công trình khắc tạc tuyệt hảo cho hậu thế thưởng thức. Họ làm việc dưới lòng đất khá sâu, dễ dàng gặp nhiều điều rủi ro nguy hiểm không biết có thể xảy ra bất cứ khi nào. Những người thợ mỏ này đã tìm đến niềm tin Thượng Đế, đến Thiên Chúa, đến Đức Mẹ và các vị thần bảo hộ cho hầm mỏ. Người ta không những chỉ tạc tượng các đấng tối cao mà còn đục khắc cả các ngôi nhà nguyện dưới lòng đất để cầu nguyện và dâng lễ trong những lúc nghỉ ngơi.

Một trong những ngôi nhà nguyện nổi tiếng là ngôi nhà nguyện St. Kinga. Ngôi Chapel này thờ kính vị thánh Kinga, thánh bảo hộ cho mỏ muối Wieliczka. Nhà nguyện được đục khắc từ cuối thế kỷ 19 và là một kiến trúc đục đẽo khắc tạc vào các tảng đá muối hết sức tinh xảo và nguy nga nằm ở dưới độ sâu hơn 100 mét. Không những thế, ngôi nhà nguyện có chiều dài 54 mét, chiều ngang có chỗ rộng đến 18 mét, và chiều cao 11 mét quả là một kích thước rất lớn dưới lòng đất khiến du khách sững sờ kinh ngạc.

Khi tìm hiểu câu chuyện về Thánh Kinga, tôi chợt nhớ đến một nhân vật trong lịch sử Đại Việt. Vào triều đại nhà Lý cuối thế kỷ 10, Lê Phụng Hiểu là một danh tướng dưới ba triều vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, và Lý Thánh Tông. Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ và có sức khỏe vô song được các vua nhà Lý trọng dụng. Ông có công dẹp loạn Tam Vương tranh dành ngôi vua của Thái Tử Lý Phật Mã (vua Lý Thái Tông sau này).

Về sau ông lại có công đánh dẹp được nước Chiêm Thành phía Nam Đại Việt, nhà vua muốn phong thưởng chức tước cho ông. Nhưng ông từ chối chức tước, chỉ xin vua cho ông đứng trên núi Băng Sơn ném đao, ngọn đao bay xa đến đâu thì xin vua thưởng cho ông ruộng đất nơi đó. Từ đó, trong lịch sử Việt Nam có điển tích chuyện phần ruộng đất thưởng công này gọi là “Thác đao điền/ Ruộng đất ném đao.”

\"\"
Bức tranh “Last Supper” được khắc tạc trên tường đá muối của St. Kinga Chapel. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Câu chuyện truyền thuyết về thánh bảo hộ Kinga ở mỏ muối Wieliczka cũng hao hao giống như câu chuyện “ruộng ném đao” của Tướng Lê Phụng Hiểu. Kinga nguyên là công chúa, con gái nhà vua Bela IV của xứ Hungary vào giữa thế kỷ 13. Bà được vua cha cho của hồi môn là mỏ muối Marmaros. Tuy nhiên, bà đã ném nhẫn cưới của bà vào mỏ muối và tâu với vua cha là của hồi môn của bà là phần đất nơi nào có chiếc nhẫn cưới của bà.

Sau đó, bà đến vùng mỏ muối Wieliczka (ngày nay) và cho các người thợ mỏ đào xới. Vừa đào lên người ta đã tìm thấy ngay chiếc nhẫn của bà. Sau khi khu vực mỏ muối phát triển, công chúa Kinga được tôn là thần bảo hộ cho mỏ muối và các người thợ mỏ. Để diễn tả lại sự tích này, người ta đã cho đục khắc tượng công chúa Kinga và đoàn tùy tùng đi tìm chiếc nhẫn cưới dưới hầm mỏ muối.

Cuối thế kỷ 19, các nghệ nhân Ba Lan đã đẽo khắc thêm một công trình lớn lao khác. Đó là ngôi nhà nguyện St. Kinga để vinh danh vị thần bảo hộ của mỏ muối. Đức Giáo Hoàng John Paul II năm 1999 đã có dịp viếng thăm mỏ muối Wieliczka. Dịp này Đức Giáo Hoàng đã phong thánh cho công chúa Kinga ngay bên trong ngôi nhà nguyện.

Dưới lòng đất sâu hun hút, du khách có dịp thưởng ngoạn cả một công trình khắc tạc tượng vào các tảng đá muối rất đẹp bên trong nhà nguyện St. Kinga. Các tượng đáng kể ra như tượng Đức Giáo Hoàng John Paul II, tượng thánh bảo hộ Kinga, tượng Đức Mẹ và Chúa Giê-Su. Nhưng đặc biệt là các bức tranh đã được các nghệ nhân thay nhau khắc tạc trên tường đá muối như bức The Last Supper, bức tranh gia đình Chúa gồm Thánh Joseph – Đức Mẹ – Chúa Hài Đồng, bức tranh “Phép Lạ tại Cana-in-Galilee” và rất nhiều các bức tranh khác diễn tả về đời sống và phép lạ của Chúa dựa vào Kinh Thánh.

\"\"
Nhà nguyện St. Kinga Chapel nằm dưới độ sâu 100 mét của mỏ muối. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Con đường để du khách thưởng ngoạn dưới hầm mỏ muối Wieliczka “ngắn” lắm. Bạn chỉ đi chừng hai cây số bao gồm cả việc đi lên đi xuống độ sâu từ 60 mét xuống 135 mét. Trên đường đi bạn được thưởng ngoạn rất nhiều điều thú vị cũng như bạn tìm hiểu thêm về muối, đá, nước, và gỗ nằm dưới độ sâu. Bạn sẽ hiểu làm sao những người thợ mỏ ngày xưa có thể tránh được khí methal tích tụ lại và nổ tung dưới lòng đất sâu.

Bạn có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc lạ mắt của một Hồ Muối (Salt Lake) trong vắt, màu xanh lạ lùng trong mỏ muối. Bạn còn biết thêm về các ngôi nhà nguyện Holy Cross, St Anthony’s Chapel, hiểu cách thức người thợ mỏ vận chuyển lượng muối lên trên mặt đất và nhận thực phẩm từ trên mặt đất gửi xuống. Ngày xưa, một số ngựa và lừa cũng đã được người ta đưa xuống để trợ giúp cho người thợ mỏ trong công việc vận chuyển.

Sau hơn hai cây số loanh quanh dưới hầm mỏ, nếu bạn đã mệt nhoài và đói, kỹ nghệ du lịch cho phép người ta “xây dựng” cả một nhà hàng và một khu bán đồ kỷ niệm hết sức rộng rãi ngay dưới lòng mỏ muối để giúp bạn lấy lại năng lượng.

Từ năm 1996, Wieliczka Salt Mine không còn hoạt động như là hầm mỏ muối nữa và trở thành một địa điểm du lịch. Mỗi năm Wieliczka đón hơn một triệu du khách đến thăm mỏ muối. Muốn vào thăm mỏ muối bằng thang máy, bạn cần phải giữ chỗ trước ít nhất cả tháng, gặp mùa cao điểm du khách đành lên xuống mỏ muối bằng đôi chân của mình. Bạn liệu có đủ sức lên xuống gần ngàn bậc thang chăng!

Mỏ muối Wieliczka Salt Mine cho tôi một bài học, không nên đánh giá “bề ngoài” của một thắng cảnh. Có những thắng cảnh trông ra có vẻ đơn giản rất bình thường, nhưng nhiều khi “nội dung” rất xứng đáng cho chúng ta thưởng ngoạn.(Trần Nguyên Thắng)

Bài Liên Quan

Leave a Comment