TRỌNG THÀNH / RFI –
New Delhi tăng tốc tham gia chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương »
.
Đầu tháng 5/2019, lần đầu tiên Hải Quân Ấn Độ tập trận chung với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines tại Biển Đông, mà Trung Quốc đòi hỏi gần như toàn bộ chủ quyền. Đây là được coi là một dấu hiệu mới cho thấy New Delhi can dự mạnh mẽ hơn vào dự án bảo vệ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « mở và tự do », trọng tâm trong Chiến lược An ninh mới của Mỹ. Tuy nhiên, can dự của Ấn Độ không chỉ về quân sự.
Yếu tố nào cho thấy Ấn Độ trong thời gian gần đây đang tăng tốc tham gia chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương » ?
Ý tưởng xây dựng một khu vực hợp tác rộng lớn liên thông hai biển Ấn Độ – Thái Bình Dương, được New Delhi và Tokyo nêu lên lần đầu vào năm 2007, chỉ thực sự khởi sắc từ đầu năm 2018, sau khi Hoa Kỳ chính thức thông qua Chiến lược An ninh mới, coi Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng là đối thủ chính. Trong chiến lược này, Ấn Độ được coi là một trụ cột. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, New Delhi dường như ít có bước tiến cụ thể để can dự mạnh mẽ.
Thời gian gần đây, bên cạnh việc New Delhi lần đầu tiên tham gia tập trận tại Biển Đông với Mỹ, Nhật, giới quan sát đặc biệt chú ý đến việc chính quyền Ấn Độ thành lập một bộ phận mới, thuộc bộ Ngoại Giao, phụ trách toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, hồi giữa tháng 04/2019.
Theo báo chí Ấn Độ, vụ Ấn Độ – Thái Bình Dương, theo ý tưởng của thứ trưởng Ngoại Giao Vijay Gokhale, được thành lập để triển khai một cách đồng bộ và nhất quán chính sách mới về Ấn Độ – Thái Bình Dương, được thủ tướng Modi nêu ra tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La năm 2018. Vụ này sẽ thống nhất quản lý khu vực các nước ven bờ Ấn Độ Dương (Ocean Rim Association – IORA), vùng Đông Nam Á (ASEAN), cũng như vấn đề Bộ Tứ Mỹ-Nhật-Ấn Úc (QUAD) với toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Một số chuyên gia Ấn Độ (1) cho rằng đây là « một bước ngoặt chiến lược ». Phát biểu trên báo mạng The Quint, nhà cựu ngoại giao Vishnu Prakas, nguyên phát ngôn viên bộ Ngoại Giao và cựu tổng lãnh sự ở Thượng Hải (Trung Quốc), nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thống nhất tất cả các tác nhân, vốn hoạt động riêng lẻ vào mục tiêu chung, vì « một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, không loại trừ ai ».
Chuyên gia về an ninh quốc tế Manoj Joshi thì ghi nhận phương diện « ngoại giao » là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của New Delhi. Quân sự là phương diện đầu tiên mà Hoa Kỳ hướng đến. Ít tháng sau khi tuyên bố Chiến lược An ninh mới, Hoa Kỳ đổi tên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, như một động tác mang tính biểu tượng cao, thể hiện bước chuyển chiến lược này. Ngược với Mỹ, trọng tâm chiến lược của New Delhi là về ngoại giao. Ưu tiên ngoại giao so với quân sự là một tín hiệu quan trọng gửi đến Bắc Kinh, theo chuyên gia Manoj Joshi.
Một số chuyên gia viện tư vấn Observer Research Foundation, tại New Delhi, xác nhận là hạn chế hiện nay của nhiều quốc gia tham gia vào chiến lược xây dựng một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » là chưa xác định được kế hoạch hành động ở cấp bộ. Việc thành lập một vụ mới, thuộc bộ Ngoại Giao, quản lý thống nhất các vùng thuộc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, rõ ràng là một bước tiến quan trọng.
Cụ thể là cơ quan mới của bộ Ngoại Giao Ấn Độ, phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, phải đối mặt với những nhiệm vụ chủ yếu nào ?
Trong một phân tích trên báo mạng The Diplomat (2), nhà nghiên cứu Aman Thakker, chuyên về các quan hệ chiến lược Ấn – Mỹ, lưu ý đến 5 mục tiêu hàng đầu mà cơ quan phụ trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mới cần nhắm tới.
Thứ nhất là kéo Hoa Kỳ tham gia vào các hợp tác Ấn Độ – Châu Phi, thừa nhận mối quan tâm của New Delhi đối với vùng phía tây Ấn Độ Dương, đặc biệt là khu vực ven biển miền đông của Châu Phi. Kể từ năm 2008, thượng đỉnh Ấn Độ – Châu Phi (IAFS) được tổ chức ba năm một lần. Năm 2015, đại diện của 51 nước Châu Phi tham dự thượng đỉnh tại New Delhi. Việc Ấn Độ mời Mỹ tham dự thượng đỉnh IAFS lần tới được đánh giá sẽ là « một bước tiến táo bạo» theo hướng này.
Mục tiêu thứ hai là thúc đẩy việc xây dựng « các cơ sở hạ tầng có chất lượng » trong khuôn khổ hiệp hội các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA). Trong các kế hoạch hạ tầng « bền vững, tôn trọng môi trường, kháng cự tốt trước thiên tai », New Delhi rất cần đến đóng góp của Nhật Bản. Hợp tác với Nhật trong lĩnh vực này được khởi sự từ năm 2015, với hệ thống metro ở thủ đô New Delhi là một ví dụ tiêu biểu. Thách thức của Ấn Độ trong vấn đề này là đưa được hướng hợp tác xây dựng « cơ sở hạ tầng có chất lượng » vào trong khuôn khổ Hiệp hội các nước vùng Ấn Độ Dương IORA, với 22 quốc gia thành viên, mà Ấn Độ là một trụ cột.
Để đối trọng lại Trung Quốc, mục tiêu thứ ba của cơ quan mới phụ trách toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, là thúc đẩy dự án Hành lang Tăng trưởng Á – Phi (Asia – Africa Growth Corridor/AAGC), ra mắt tháng 5/2017, cũng với thành phần trụ cột là Nhật Bản. Dự án này trên thực tế đang dậm chân tại chỗ.
Nhiệm vụ thứ tư của cơ quan mới là kết nối hai hiệp hội khu vực, các nước ven bờ Ấn Độ Dương (IORA) với Diễn đàn của Ấn Độ với các đảo quốc Thái Bình Dương (FIPIC). Ấn Độ đã đăng cai một thượng đỉnh với 14 đảo quốc Thái Bình Dương trong khuôn khổ FIPIC vào năm 2015.
Nhiệm vụ thứ năm là về quân sự. New Delhi có trách nhiệm mở rộng cho Mỹ, Nhật Bản và Pháp tham gia cuộc tập trận hải quân khu vực Milan. Tập trận hai năm một lần, khởi sự từ năm 1995, trong thời gian gần đây có sự tham gia nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tập trận diễn ra dưới sự chỉ huy của bộ tư lệnh quân khu phụ trách quần đảo Andaman và Nicobar, án ngữ con đường qua lại giữa Ấn Độ Dương và eo biển Malacca, thông ra Biển Đông và Thái Bình Dương. « Tập trận Milan » với sự tham gia của các cường quốc Hải quân mới, có thể biến thành một cuộc tập trận của toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Nhiệm vụ thứ 5 nói trên phải chăng cho thấy mặt quân sự cũng là một trong các ưu tiên của New Delhi trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương ?
Đúng là khía cạnh quân sự có phần nổi bật khi nhìn vào các hoạt động ngoại giao Ấn-Mỹ vào thời điểm Trung Quốc tổ chức Diễn đàn « Sáng kiến Vành đai, Con đường » lần thứ hai, cuối tháng 4/2019. Ấn Độ không cử đại diện tham gia. Cùng lúc đó, trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Randall Schriver, phụ trách An ninh khu vực ASEAN và Thái Bình Dương, công du Ấn Độ ba ngày (3). Tư lệnh Hải quân Ấn Độ, đô đốc Sunil Lanba, cũng có mặt tại New Delhi vào thời điểm đó. Một trong các mục tiêu phối hợp Mỹ-Ấn là tăng cường bảo vệ an ninh đối với các mạng lưới internet ngầm dưới Ấn Độ Dương, cũng như nhiều dự án hợp tác về hậu cần và huấn luyện khác. Đầu tuần tới, chỉ huy Hải Quân Mỹ John Richardson công du Ấn Độ.
Ghi chú
1. “India Sets Up New Indo-Pacific Desk, Experts Laud ‘Strategic Move’ ”, mạng Quint, ngày 15/04/2019.
2. “Big Ideas for the Indian Foreign Ministry\’s New Indo-Pacific Desk”, The Diplomat, ngày 01/05/2019.
3. “India, US discuss deepening Indo-Pacific cooperation as China hosts BRI meet”, Livemint, ngày 25/05/2019.
Nguồn: RFI