Do đâu ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay chống tham nhũng?

DIỄM THI / RFA –

Do đâu ông Nguyễn Phú Trọng mạnh tay chống tham nhũng?

.

\"\"
Ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của các quan chức cấp cao tại Hà Nội hôm 14/5/2019. AFP

Mạng Asia Times vừa đăng bài viết của tác giả David Hutt bàn về những lý do thật sự trong công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCS Việt Nam, ông Trọng đã đưa ra một chiến dịch chống tham nhũng rộng khắp với nhắc nhở “đánh chuột đừng để vỡ bình”.

Điều ông Trọng muốn nói là chống tham những nhưng không gây thiệt hại cho chính đảng cộng sản. Thực tế chiến dịch chống tham nhũng đã xử l‎ý nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cũng như các quan chức cao cấp trong chính quyền, chẳng hạn như cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm hay cựu Bí thư thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng.

Vụ PetroVietnam trong vai trò đầu tư và mất hơn nửa tỉ đô la vào các dự án tại Venezuela cũng đang được xem xét.

Theo tác giả David Hutt thì có một số lý do mà các nhà quan sát cho rằng đó là ‘lý do’ để ông Trọng mở cuộc chiến chống tham nhũng một cách mạnh mẽ như trong hai năm 2016-2017. Cụ thể trước hết loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và sau đó là chiến dịch nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là “tự chuyển hóa” hoặc không còn đủ lý tưởng chính trị.

Nhà báo Nguyễn An Dân từ trong nước nhận định công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng có thể hiểu là chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 dùng chống tham nhũng để giữ đảng; Giai đoạn 2 là dùng chống tham nhũng để giữ nước:

Nói đến công cuộc chống tham nhũng thì phải nói đến khóa 12 này vì Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 là ‘chống tự diễn biến, tự chuyển hóa’ và ‘bảo vệ chế độ’, tức việc chống tham nhũng từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 8 chủ yếu là để bảo vệ đảng. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 là ‘lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm trọng tâm’.”

Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ và phá vỡ phẩm chất đạo đức, văn hóa truyền thống của người Việt Nam, cho nên cái gốc của vấn đề là lòng dân bất bình thì chính quyền phải vào cuộc chống tham nhũng. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri của nhiều khóa thì người dân phản ứng rất mạnh mẽ về tham nhũng nên khi TBT Nguyễn Phú Trọng phát động công cuộc chống tham nhũng và được xã hội đồng tình, được cả hệ thống chính trị vào cuộc thì đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ông nói thêm:

“Trước đây cũng có nghi ngờ về những vấn đề có những vùng cấm hoặc phe phái nội bộ nhưng thực ra càng ngày càng thể hiện đây là quyết tâm của đảng và nhà nước thực hiện theo ý nguyện người dân một cách công tâm và quyết liệt. Tội đến đâu xử lý đến đó chứ không có vùng cấm và không loại trừ một ai. Tất cả đều thượng tôn pháp luật.”

Nói tới tham nhũng và chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam, nhà báo Mạnh Kim nhận định nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam không phải từ những cá nhân mà là từ thể chế và có hệ thống, và muốn chống thì không thể chỉ tập trung đánh vào một vài cá nhân nào đó. Ông Trọng chỉ lo bắt những ‘con sâu’ trên bề mặt thì không giải quyết được gì. Ông nhận định thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng:

“Thực chất công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là chuyện đánh chém phe nhóm hơn là thực tâm cải cách chính trị và cải tổ hệ thống lẫn thể chế. Ông Trọng chỉ lo bảo vệ đảng chứ không phải lo cho vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Những vấn đề người dân quan tâm ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia như cải cách thể chế, sửa đổi những sai lầm trong hệ thống hay luật đất đai…thì ông Trọng đâu có đụng đến.”

Vì chính trị hay kinh tế

Nhận xét về chiến dịch chống tham nhũng hiện nay ở Việt Nam, tác giả David Hutt cho rằng có thể chiến dịch này đã chuyển hướng, tức là để cải thiện kinh tế Việt Nam, bớt đi mục tiêu chính trị.

\"Ông
Ông Đinh La Thăng (đứng) và ông Trịnh Xuân Thanh (ngồi) tại Tòa án Nhân dân Hà Nội vào ngày 8 tháng 1 năm 2018. AFP

Hiện nay ĐCS đang phải đối diện với hiện trạng còn quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ với cơ chế quản lý yếu kém, trong khi ngân sách nhà nước thâm hụt, nợ công tăng. Ông đưa ra con số hiện còn  khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước so với 12.000 doanh nghiệp vào năm 1996 và mục tiêu giảm còn 103 trước năm 2020.

Tác giả David Hutt nhận xét Việt Nam có ba lựa chọn để giải quyết các doanh nghiệp Nhà nước nhưng có lẽ giải pháp thứ ba là phù hợp nhất:

Thứ nhất là tăng cường rà soát và tăng chi cho các doanh nghiệp nhà nước.

Thứ hai là thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp quốc doanh và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước và sau đó tập trung vào quản lý kinh tế từ xa.

Thứ ba là thoái vốn từ càng nhiều công ty nhà nước càng tốt và chỉ giữ lại các công ty làm ăn hiệu quả.

Nhà báo Nguyễn An Dân nhận định việc chống tham nhũng hiện nay  vừa có mục tiêu chính trị vừa có mục tiêu kinh tế, nhưng ưu tiên là chính trị.

“Việc chống tham nhũng vừa vì lý do chính trị vừa để giải quyết bài toán ngân sách cho chính phủ. Về nguyên tắc thì khóa trước dùng chống tham nhũng để thu hồi tài sản về cho chính phủ diễn ra ít, vì lúc đó Việt Nam còn có thể vay bên ngoài nhiều tiền. Bây giờ việc vay bên ngoài khó khăn hơn thì phải xiết bên trong, dùng chống tham nhũng để thu tiền về cho ngân sách.”

Nhà báo Mạnh Kim nhận xét rằng báo chí Nhà nước xây dựng ông Nguyễn Phú Trọng là một nhân vật hoàn toàn trong sạch. Với công cuộc chống tham nhũng, ông Trọng muốn thể hiện mình là nhân vật quyền lực nhất khi ông làm rất mạnh và rất nhiều người đang ủng hộ ông Trọng. Nhưng theo nhà báo này thì sẽ không tới đâu vì ông Trọng không thể làm nổi.

Hôm 14 tháng 5 năm 2019, cuộc họp lãnh đạo chủ chốt tại Hà Nội do  Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì sau đúng một tháng vắng bóng, ông Trọng nói \”Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt\”.

Trong ngày ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu sau một tháng vắng bóng với tin đồn bị bệnh nặng, hai tổng giám đốc tại hai thành phố hàng đầu của Việt Nam bị khởi tố và bắt tạm giam. Đó là ông Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường Mobile, một công ty từng ăn nên làm ra dưới thời chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Tề Trí Dũng, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Đây là công ty bị Thanh tra Thành phố HCM kết luận có những sai phạm theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy TP. HCM.

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment