ANH VŨ / RFI –
Hoa Vi lao đao với đòn công nghệ cao của Washington
.
Trong lúc các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục bế tắc từ hàng tháng qua, Nhà Trắng dùng đòn công nghệ cao tấn công vào Hoa Vi. Đại tập đoàn viễn thông Trung Quốc có thể sẽ còn khốn đốn vì bị nhắm trúng điểm yếu là sự lệ thuộc vào công nghệ Mỹ.
Trong cuộc thương chiến Mỹ – Trung, chiến trường công nghệ cao được Washington khai hỏa, khi hôm 15/5 tổng thống Trump ký sắc lệnh đưa Hoa Vi vào danh sách các công ty có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ. Tập đoàn truyền thông hàng đầu Trung Quốc, nhà sản xuất điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới và đang đi đầu trong việc triển khai mạng truyền dẫn dữ liệu 5G, bị cấm mua các thiết bị, linh kiện, phần mềm viễn thông Mỹ.
Giới quan sát nhận định, bằng cách khóa cửa không cho Hoa Vi tiếp cận công nghệ Mỹ, tổng thống Donald Trump đã nhắm vào gót chân Achille của người khổng lồ Trung Quốc. Đây sẽ là một đòn đánh mạnh gây choáng váng cho tập đoàn Hoa Vi, vốn dĩ lớn mạnh được là nhờ vào công nghệ Mỹ, đặc biệt là các chíp điện tử và phần mềm. Nếu Hoa Vi bị cắt hoàn toàn nguồn công nghệ Mỹ, đó sẽ là điều tồi tệ nhất, đe dọa sự tồn vong của tập đoàn viễn thông Trung Quốc, theo nhận định của văn phòng tư vấn Eurasia Group. Hoa Vi có thể sẽ không giữ được hình hài như hiện nay nữa.
Hệ quả đòn tấn công của Washington là việc Google thông báo cắt cầu với Hoa Vi, trong khi mà sản phẩm của công ty Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào hệ điều hành Android do công ty Mỹ làm chủ.
Không có Android, Hoa Vi làm sao có thể thuyết phục được khách hàng mua các điện thoại di động không có các ứng dựng Gmail, Youtube hay ứng dụng bản đồ Maps. Đó mới chỉ là vài ứng dựng cơ bản không thể thiếu ở các máy điện thoại thông minh ngày nay. Giáo sư Ryan Whalen, thuộc Trung Tâm Công nghệ Đại học Hồng Kông, khẳng định đây là đòn đánh mạnh vào mảng điện thoại di động của Hoa Vi.
Về phần mình, Hoa Vi quả quyết đã chuẩn bị hệ điều hành riêng. Hiện chỉ có hai hệ điều hành thống trị thế giới điện thoại thông minh: Android chiếm tới 75% thiết bị, còn lại là iOS, độc quyền của Apple. Khó có thể tạo ra được một phần mềm mới nào để thay thế. Những tên tuổi lớn như Nokia, Blackberry và Microsoff đã từng thử và đều thất bại.
Về mảng công nghệ truyền dẫn dữ liệu, không thể phủ nhận Hoa Vi đã đi đầu trong lĩnh vực thiết bị mạng 5G. Nhưng ở đây Hoa Vi không phải không có điểm yếu. Mỗi năm công ty phải chi 67 tỷ đô la mua thiết bị, trong đó 11 tỉ chi cho các nhà cung cấp thiết bị Mỹ.
Tuy nhiên, một loạt công ty Mỹ trong lĩnh vực này như Qualcomm, Qorvo và Texas Instrument đã tạm ngừng cung cấp thiết bị cho Hoa Vi. Nhà chế tạo phần mềm Oracle và Microsoft cũng làm ăn nhỏ giọt với vị khách hàng lớn Trung Quốc này. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo những yếu tố như vậy có thể làm tổn hại tham vọng của Hoa Vi trong lĩnh vực 5G,
Trước các đòn tấn công cấp tập của Washington, Hoa Vi vẫn phải tỏ ra tự tin, sẵn sàng chấp nhận thách thức, bảo đảm rằng công ty đã chuẩn bị được giải pháp thay thế, phần mềm, linh kiện Mỹ… Nhưng điều này khó thuyết phục được các chuyên gia của Eurasia. Văn phòng tư vấn này nhấn mạnh: “Hoa Vi không thể tích trữ phần mềm và công ty không có cơ hội sống sót lâu dài nếu không tiếp cận dây chuyền cung ứng của thế giới.ʺ
Để cưỡng lại cuộc tấn công của Washington, Hoa Vi chỉ có thể nhắm tới sự ủng hộ của các nước châu Âu. Nhưng trong trường hợp Washington gây áp lực mạnh thì, “sẽ rất khó mà Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục hợp tác với Hoa Vi”, giám đốc văn phòng tư vấn của Bỉ Grueguel, ông Guntram Wolff cảnh báo.
Có thể nói số phận của tập đoàn Trung Quốc giờ phụ thuộc chủ yếu vào ý đồ thực sự của tổng thống Mỹ, hiện đang dùng Hoa Vi như là con tốt trong ván cờ thương mại với Trung Quốc.
Nguồn: RFI