Chuly sưu tầm
Đi chơi Sở Thú Sài Gòn.
By Trang Nguyên – May 18, 2019
Thảo Cầm Viên còn gọi là Sở Thú, hoặc cũng có khi gọi là Vườn Bách Thảo. Trẻ con đứa nào cũng thích được đến đây để xem muông thú, chứ ít xem các loài thực vật hình dáng ra sao. Chuyện xem cây cảnh dường như chỉ dành cho người lớn tìm hiểu. Trẻ con thích cái gì động hơn, lạ hơn, nhìn con vật thật từng được xem trong sách. Thuở trước, Sài Gòn chỉ có mỗi Thảo Cầm Viên rộng lớn thu hút mọi người. Ngoài ra còn có Vườn Tao Đàn nguyên là một vườn thực vật, ít người đến xem thưởng ngoạn.
Lần đầu, ngay sau ngày nghỉ hè, ba tôi dẫn mấy anh em tôi đi chơi Thảo Cầm Viên. Với một đứa nhỏ mười tuổi lòng tôi đã biết nôn nao. Ðây là cơ hội được đi Sài Gòn, lại thêm Sở Thú nghe nói có con cọp mới được đem về từ xứ Ấn Ðộ. Nghe ra-dô nói tin tức cách nay mấy bữa, hôm nay lại được tận mắt nhìn xem còn gì vui hơn. Gia đình tôi sống ở quận 10, một quận nội thành Sài Gòn, dân cư đông đúc. Ấy vậy mà tôi nói đi Sài Gòn nghe ra cũng ngộ. Người ở Sài Gòn đi Sài Gòn. Hình như Sài Gòn trong tâm trí đứa nhỏ như tôi có gì xa lạ lắm. Mà đâu phải mình tôi, ngay cả người lớn trong xóm cũng vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe bác Hai nhà bên cạnh, bảo đi Sài Gòn mua một ít quà.
Nhà tôi ở Hoà Hưng, đi xe lam đến Sài Gòn ngã tư Hồng Thập Tự chỉ mất gần ba cây số. Từ đây đón xe buýt đi thẳng đến ngã tư đường Nguyễn Bình Khiêm, trạm xe dừng ở ngay góc trường tiểu học; đi đến một chút là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, bước qua một xíu là gặp ngay quầy bán vé vào cửa Thảo Cầm Viên. Anh em tôi tay nắm tay nhau đứng bên lề đường chờ ba xếp hàng mua vé. Trong lúc đứng chờ, tôi ngó xem cái cổng song sắt to đùng đóng kín, chỉ mở cửa phụ bên hông cho người vào xem. Tôi quay sang nói với mấy đứa em với giọng điệu chắc nịch: “Lát nữa mình vào cái cổng nhỏ đó”. Ðứa em gái út hỏi ngược: “Sao người ta không mở cái cổng bự?” “Ừ ừ. Cái cổng đó dành cho gia đình ông tổng thống!”
Chúng tôi nối đuôi vào cổng nhỏ, ba tôi dẫn đầu như ông tướng, nhắc nhở: “Mấy đứa đi nhớ nắm tay nhau, bên trong người đông chen nhau xem chuồng thú, dễ lạc lắm. Nhớ, lỡ bị lạc, bình tĩnh đi tìm mấy người nhân viên nhờ giúp đỡ hoặc ra chỗ quầy bán vé nhờ người thông báo trên loa.” Anh em tụi tôi thấy đông người rồng rắn, nghe lời dặn tay nắm tay tung tăng nhanh chân bước đến tượng con voi đen thùi đứng phía bên ngoài Ðền Hùng Vương. Tôi để ý thấy bốn tấm biển bia đồng trên bốn mặt bệ. Cả bốn biển khắc bằng bốn thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Pháp. Bản tiếng Việt ghi: Ðức Hoàng đế Paramindr Maha Prajadhipok, vua nước Xiêm La, đã tặng để làm kỷ niệm trong việc Ngài ngự qua bên nước Indochine lần đầu, ngự lên tại Sài Gòn ngày 14 tháng 4 1930. Khi đọc đến dòng chữ “ngự lên tại Sài Gòn…” tôi buột miệng: ông vua Xiêm này, ổng làm như ở một tỉnh nào đó ở nhà quê. Nhưng ba tôi giải thích: Ngự lên tại Sài Gòn tức là tượng voi được dựng lên tại Sài Gòn. Nói rồi ba tôi bảo: “Lát nữa trước khi ra về ghé thăm Ðền Hùng, bây giờ đi lòng vòng xem thú.”
Dường như ba tôi không biết bắt đầu đi xem thú từ đâu nên dẫn chúng tôi đến gốc cây xà cừ bự chảng cao vút, xem bảng chỉ dẫn địa điểm vườn thú. Ba tôi thú thật, đây là lần đầu tiên dẫn con cái đi Thảo Cầm Viên. Từ ngày gia đình lên Sài Gòn sinh sống hồi giữa thập niên năm mươi, bây giờ ông mới có dịp đặt chân đến đây. Té ra cả hai thế hệ cha con đều lần đầu tiên đi chơi Thảo Cầm Viên. Còn cái cây xà cừ mà ba tôi gọi là theo tên gọi dân gian ở Sa Ðéc quê nhà thì trên tấm biển ghi tên cây là Sọ khỉ. Tôi không biết cái sọ khỉ hình dáng ra sao nhưng trái của cây này tròn vo như quả chanh, khi chín nứt ra thành bốn góc, bên trong mỗi góc có một cái hạt to dẹt màu cà phê sữa. Cây xà cừ trồng dọc theo các con phố Sài Gòn nhiều để làm bóng mát. Trên đường Cường Ðể, bắt đầu từ chỗ xưởng đóng tàu Ba Son chạy dài hai bên đường qua khỏi sân vận động Hoa Lư là hai hàng cây cổ thụ xà cừ trồng cả trăm năm.
Tôi bắt đầu để ý đến từng con đường góc phố ở Sài Gòn là khi sau này thường đi xuôi ngược trên con đường Cường Ðể đến trường mỗi ngày. Thảo Cầm Viên, sau này tôi ghé nhiều lần với dụng ý tìm hiểu về nhiều loài thực vật hơn là nhìn ngắm những con thú lạ như hồi còn bé. Tôi có cái tật hễ loài thú nào đã biết rồi dù là trên sách báo thì chỉ xem qua, còn con vật nào chưa biết thì mới nhìn xem kỹ. Chẳng hạn hồi còn bé tôi háo hức muốn xem con rái cá lông mượt. Nhưng khi xem con rái cá xong, tôi thấy nó chẳng khác gì con chồn, hình dáng gần y chang duy chỉ nó biết lặn hụp dưới hồ nước. Em gái tôi thì thích xem voi ăn mía, con voi to con trông hiền lành, vừa cho nó ăn khúc mía vừa hát “Con vỏi con voi có cái vòi đi trước, hai chân trước đi trước, hai chân sau đi sau, còn cái đuôi thì đi sau chót…” Nghe lời bài hát trớt quớt, miêu tả như vậy chẳng có gì lạ.
Thuở còn bé, Thảo Cầm Viên đối với tôi rộng lớn lắm. Chẳng thế mà ba tôi dẫn chúng tôi đi chơi cứ dặn chừng chừng. Ðâu đâu cũng thấy người, trẻ con người lớn, chỗ dễ bị lạc nhất là đứng xem mải miết các chú khỉ hay nàng voi, khi có người khác chen vào cho chúng ăn, con mắt trẻ thơ thích thú quan sát cười vui rồi quên người thân không còn đứng đó. Cạnh tôi, một bé gái chừng bảy tám tuổi đang khóc bù lu bù loa “má ơi má, má đâu rồi”. Bà mẹ từ đâu hớt hải chạy đến xạc cho một trận: “Ðã bảo nắm tay cho khỏi lạc mà cứ làm theo ý mình. Tởn chưa con!”
Sau này lớn lên có lần tôi đi theo anh hướng đạo sinh nhà ở cuối xóm. Nhà anh từ Qui Nhơn dọn vào Sài Gòn sinh sống hồi đầu năm 1974. Anh rất thích mấy đứa nhỏ trong xóm, trong đó có tôi. Anh thường kể cho chúng tôi chuyện sinh hoạt hướng đạo, cả các cách cột dây căng lều. Một lần anh xin phép má tôi cho tôi đi theo sinh hoạt của nhóm hướng đạo của anh trong Thảo Cầm Viên. Ði theo chơi cho biết, sau này có thích thì gia nhập hướng đạo, hoạt động sinh hoạt ngoài trời vừa vui vừa khoẻ.
Ði với nhóm hướng đạo của anh tôi biết được nhiều điều về thuở hình thành Thảo Cầm Viên cách nay hơn trăm năm trước. Thời đó, người Pháp gọi là Vườn Bách Thảo, chủ yếu trồng sưu tập các loại thực vật có trên thế giới do ông Louis Adolphe Germain, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp, được chỉ định thực hiện công trình sau khi Pháp chiếm Sài Gòn. Vườn Bách Thảo hình thành vào năm 1865 trên vùng đất hoang rộng 20 hécta ở phía Ðông Bắc kênh L’Avalanche (Kênh Thị Nghè). Sau đó, người Pháp mời ông Jean Baptiste Louis Pierre, khi đó đang làm Giám đốc Vườn Bách Thảo Calcutta (Ấn Ðộ), sang Sài Gòn làm giám đốc. Tượng ông còn đặt ở lối đi chính vào Thảo Cầm Viên để ngày nay mọi người ghi nhớ. Ðến năm 1924, Vườn Bách Thảo mở rộng thêm 13 hécta sang bên kia kênh Thị Nghè, gọi tên là Vườn Cognac. Ðồng thời cho xây cây cầu bê tông nối hai bờ. Trong thời gian này nhiều thú vật từ khắp thế giới được đưa sang nuôi; Vườn Bách Thảo được đổi tên thành Sở Thú.
Cây cầu bắc qua kênh Thị Nghè giờ đây không còn; thời tôi biết thì ở giữa cầu đã bị rào sắt chắn ngang. Tác giả Thanh Liên có kể lại trong Tản mạn Sài Gòn rằng: “Quốc Khánh năm 1957, lần đầu tiên Thủ đô Sàigòn có Hội chợ trong vườn hoa Thị Nghè, muốn vào Hội chợ phải mua vé vào cổng Sở thú, từ Sở thú đi qua một chiếc cầu đúc. Ðêm ấy người ta nô nức đi xem Hội chợ, tôi cũng trong đám người đó, lúc ấy chừng 7 giờ đêm. Tôi vừa mới bước lên đầu cầu thì cảnh chen lấn xô đùa nhau, kêu la vang dậy bắt đầu. Cảnh sát nổ súng chỉ thiên, cũng không làm sao tái lập trật tự. Tôi muốn đi lui cũng chẳng được, tôi bị người ta xô, người ta lấn. Khi ra đến giữa cầu tôi muốn nhảy xuống sông bơi vào bờ cũng không làm sao leo lên lan can cầu, và tôi cứ bị xô lấn qua tới bên kia cầu, quần áo xốc xếch, giày săn-đan của tôi bị đứt quai. Tôi không thấy ai bị thương tích gì nặng. Sáng hôm sau báo chí đăng tin tôi mới biết rằng có đến 17 người chết và mấy chục người bị thương phải đưa đi bệnh viện.”
Cây cầu đóng cửa từ đó. Trước đó hơn chục năm, 1942 – 1954, Thảo Cầm Viên bị quân Nhật và Pháp chiếm đóng làm đồn trú nên nhiều công trình chuồng trại đã bị hư hỏng nặng. Năm 1956 chính quyền Sài Gòn cho tu sửa lại và đổi tên thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trong Thảo Cầm Viên còn có hai công trình xây dựng lớn là Ðền Hùng Vương và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, tôi sẽ kể cho các bạn nghe lần tới.
TN
Fort Worth, TX