BBC Tiếng Việt –
Oai võ Lý Triều: Thái hậu Ỷ Lan hai lần nhiếp chính
.
Thế kỷ 11 là giai đoạn oanh liệt trong lịch sử Việt Nam, với sự xuất hiện của hàng loạt đại nhân vật.
Ỷ Lan, từ Nguyên phi thành Hoàng thái hậu, hai lần nhiếp chính nhà Lý, là một nhân vật như vậy.
Bà trực tiếp tham chính giữ nước, sống qua giai đoạn uy vũ bình Chiêm đánh Tống, bản thân bà tranh đoạt quyền bính tàn nhẫn nhưng cũng là chính khách tài năng.
Có thể sinh năm 1044 ở tỉnh Bắc Ninh, thiếu nữ họ Lê nhập cung vào khoảng năm 1063 và hạ sinh Lý Càn Đức cho nhà vua Lý Thánh Tông năm 1066.
Lý Thánh Tông (1023-1072), hoàng đế thứ ba của triều Lý, được Đại Việt Sử ký Toàn thư khen \”sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt\”.
Toàn thư kể: \”Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp cácchùa quán, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Lan phunhân.\”
Lý Thánh Tông vào năm 1054, là người đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt. Quốc hiệu này còn tồn tại đến tận đầu thời Nguyễn (không tính giai đoạn ngắn khi nhà Hồ đổi thành Đại Ngu).
Năm 1059, Lý Thánh Tông sai quân tướng đánh phá đất Tống. Toàn thư chép quan quân \”đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc\”.
Đến năm 1060, Lý Thánh Tông lại sai phò mã Thân Thiệu Thái tấn công đất Tống, giết chết viên đô giám tuần kiểm Tống Sĩ Nghiêu.
Lý Càn Đức, con bà Ỷ Lan, chào đời năm 1066 và ngay lập tức được phong thái tử năm 1066, và người mẹ lúc này được phong Thần phi.
Năm 1068, bà Ỷ Lan hạ sinh Minh Nhân vương. Lúc này bà được đổi thành Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong cung, địa vị chỉ đứng sau Dương Hoàng hậu.
Nhiếp chính lần một
Năm sau, Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Nguyên phi Ỷ Lan được giao quyền nhiếp chính, bên cạnh là Thái sư đầu triều Lý Đạo Thành.
Ban đầu đánh mãi không thắng, vua rút quân kéo về, nhưng đi nửa đường, nghe dân kể ở triều đình, bà ỷ Lan giúp việc nội trị, bờ cõi vững vàng.
Toàn thư chép, vua nói: \”Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?\”
Vua đem quân quay lại đánh tiếp, bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Củ.
Tình tiết này cho thấy bà Ỷ Lan lúc này, chưa đến 30 tuổi, nhưng đã chứng tỏ tài năng chính trị sắc sảo.
Bức chết Dương Thái hậu
Sau khi Thánh Tông qua đời năm 1072, Lý Càn Đức lên ngôi khi mới 7 tuổi, gọi là Lý Nhân Tông.
Lúc này, Dương Hoàng hậu trở thành Thượng Dương Hoàng thái hậu.
Triều đình đứng đầu vẫn là Thái sư Lý Đạo Thành.
Ỷ Lan Nguyên phi được tôn làm Hoàng thái phi, không được tham gia chính sự.
Sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn cho hay sử không ghi Lý Thánh Tông khi mất giao quyền phụ chính cho ai, có thể vì không kịp để lại di chiếu.
Lúc này xảy ra biến cố tranh đoạt quyền bính trong triều, giữa Ỷ Lan có sự giúp sức của Thái úy Lý Thường Kiệt và bên kia là Thượng Dương Hoàng thái hậu và Thái sư Lý Đạo Thành.
Bốn tháng sau khi Nhân Tông lên ngôi, phe của Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt chiến thắng.
Năm sau, 1073, Lý Nhân Tông tống giam Thượng Dương Hoàng thái hậu, đưa mẹ đẻ lên làm Linh Nhân Hoàng thái hậu.
Toàn thư kể: \”Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: \”Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú qúy người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?\”.
Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.\”
Thái sư Lý Đạo Thành bị giáng xuống làm Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An, trong dấu hiệu cho thấy bị thanh trừng.
Sử gia Hoàng Xuân Hãn nhận định trong cuộc quyền biến này, hẳn Ỷ Lan thành công nhờ sự giúp đỡ của Lý Thường Kiệt, vì \”nếu không có một đại thần cầm quân đội trong tay, giúp, thì làm sao ép được Thái hậu tự tử?\”
Lý Nhân Tông sau này suốt đời không có con.
Trong dân gian có lời đồn đây là quả báo do Thái hậu Ỷ Lan vào năm 1073 thảm sát Thượng Dương Hoàng hậu và tỳ nữ để đoạt quyền nhiếp chính.
Nhiếp chính lần hai
Sau biến cố này, Hoàng thái hậu Ỷ Lan giữ quyền nhiếp chính.
Lúc này, Chiêm Thành đang quấy nhiễu biên cương, còn nhà Tống chuẩn bị động binh.
Có lẽ vì vậy, năm 1074, Lý Đạo Thành được mời quay về, phục chức, giữ chức Thái phó, để Lý Thường Kiệt rảnh tay chuẩn bị quân đội.
Năm 1075, Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi đầu tiên trong lịch sử Văn Miếu năm 1075.
Ông Lê Văn Thịnh được bổ nhiệm chức Thị Lang Bộ Binh, làm thầy giáo dạy học của vua Lý Nhân Tông.
Lý Thường Kiệt chủ động đánh Tống
Năm 1075, Lý Thường Kiệt tâu vua: \”Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc.\”
Thủy quân của Lý Thường Kiệt đánh vào ven bể Quảng Đông, còn thủ lĩnh người thiểu số Tông Đàn dẫn bộ binh.
Toàn Thư kể: \”Thường Kiệt đánh các châu Khâm, Liêm; Đản vây châu Ưng, Đô giám Quảng Tây nhà Tống là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu. Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay là phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây của nhà Minh) phá tan được, chém Thủ Tiết tại trận. Tri Ưng châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân ta đánh đến hơn 40 ngày, chồng bao đất trèo lên thành. Thành bèn bị hạ.\”
\”Giám cho gia thuộc 36 người chết trước, chôn xác vào hố, rồi châm lửa tự đốt chết. người trong thành cảm ân nghĩa của Giám, không một người nào chịu hàng, giết hết hơn 5 vạn 8 nghìn người, cộng với số người chết ở các châu Khâm, Liêm thì đến hơn 10 vạn. Bọn Thường Kiệt bắt sống người ba châu ấy đem về.\”
Như vậy sau 124 ngày đêm tấn công, Lý Thường Kiệt đã tiêu diệt và bắt sống khoảng 10 vạn quân Tống.
Ngày 1/3/1076, Lý Thường Kiệt chia thành hai hướng thủy, bộ rút quân về nước.
Nam Quốc Sơn Hà
Cuối năm 1076, đại quân Tống do Quách Quỳ làm chủ tướng đưa quân sang đánh Đại Việt. Như Hoàng Xuân Hãn ghi trong cuốn Lý Thường Kiệt: \”Mục đích cuộc xuất quân lần này, là đánh lấy hẳn nước ta, rồi sáp nhập vào nước Tống.\”
Một trong những trận quan trọng là ở sông Như Nguyệt. Trong lúc quân Lý rơi vào thế nguy, để kích thích tinh thần binh sĩ, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân nấp trong đền thờ Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, đọc thơ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Chiến tranh Lý – Tống khởi đầu từ tháng 11/1075, kết thúc tháng 2/1077.
Các trận chiến quyết liệt giữa hai bên không đem đến một kết quả rõ rệt.
Lý Thường Kiệt lúc này hiểu rằng quân tướng hai bên đều đã mệt mỏi, nên ông chủ động xin cầu hòa.
Sách của Hoàng Xuân Hãn kể Lý Thường Kiệt sai người đến gặp tướng Tống Quách Quỳ, xin giảng hòa, nhượng đất.
Quân Tống cũng bị thiệt hại nặng, nên chấp nhận rút quân. Vào năm 1077, khi chiến tranh kết thúc, nhà Tống nhận 5 châu miền núi của Đại Việt: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên.
Nhưng ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Lý Thường Kiệt đưa quân chiếm lại Quang Lang, rồi Tô Mậu, Môn.
Đến năm 1079, sau những nỗ lực ngoại giao và cả quấy rối quân sự, rốt cuộc nhà Tống chấp nhận trả lại hết bốn châu, một huyện mà quân Quách Quỳ đã chiếm: Quang Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên.
Theo sách của Hoàng Xuân Hãn, biên thùy lúc này trở lại như trước năm 1075.
Trong thời gian Tống đánh Đại Việt và các diễn tiến đòi lại đất sau đó, Lý Thường Kiệt giữ quyền uy đầu triều.
Nhưng từ khoảng 1083, khi Lý Nhân Tông trưởng thành, bắt đầu tham chính.
Vào khoảng thời gian này, Lý Thường Kiệt được cử ra giữ Thanh Hóa, trong dấu hiệu bị tước bớt binh quyền.
Sách của Hoàng Xuân Hãn cũng trích lời Triệu Tiết, một quan nhà Bắc Tống, cho rằng Lý Nhân Tông và Thái hậu Ỷ Lan \”oán Thường Kiệt đã gây chiến tranh với Tống\”.
Không loại trừ khả năng Thái hậu Ỷ Lan lúc này sợ Thường Kiệt chủ chiến lại mang quân đánh Tống, nên đã tước bớt binh quyền của ông, mặc dù vẫn tỏ thái độ rất kính trọng ông.
Năm 1085, Lê Văn Thịnh, thầy của Lý Nhân Tông, lên làm Thái sư, tức tể tướng, bắt đầu khoảng 10 năm là viên quan quyền lực nhất Đại Việt.
Mâu thuẫn Ỷ Lan và Lê Văn Thịnh?
Lý Thường Kiệt rời kinh lúc 64 tuổi, đến năm 1101, khi đã 83, ông được mời về kinh giữ chức tể tướng trở lại.
Đó là vì 5 năm trước, Thái sư Lê Văn Thịnh bị hạ bệ.
Năm 1096, Toàn Thư chép Lê Văn Thịnh \”mưu làm phản\”, được vua tha tội chết nhưng đưa an trí ở Thao Giang, Phú Thọ ngày nay.
Sách Bên lề chính sử của Đinh Công Vĩ đặt giả định về mâu thuẫn giữa phe Phật giáo của nhà vua cùng Thái hậu Ỷ Lan và phe Nho giáo do Lê Văn Thịnh dẫn dắt.
\”Vua Nhân tông và Thái hậu Ỷ Lan là những người cực kỳ sùng chuộng Phật giáo…Với một nhà nho chấp chính nắm quyền Thái sư (tức Tể tướng) như Lê Văn Thịnh, hẳn riêng ông không thể tán thành sự thao túng của Phật giáo, nhất là khó chấp nhận việc đưa người của Phật giáo vào triều đình; chia sẻ quyền lực với mình.\”
\”Do đó, đã xảy ra mâu thuẫn giữa phái Nho giáo bắt đầu vươn lên nắm quyền, đứng đầu là Lê Văn Thịnh, và phái Phật giáo vốn là một thế lực cũ, từ lâu đã rất mạnh ở triều đình. Như vậy, cái chết của Lê Văn Thịnh là tất yếu.\”
Còn trong A history of the Vietnamese, Keith Taylor nói sự nổi trội của Lê Văn Thịnh trong triều làm giảm ảnh hưởng của các thành viên hoàng tộc Lý.
\”Khi chưa có thêm thông tin, phỏng đoán khả dĩ nhất là các thành viên cao cấp của hoàng tộc đã hành động để củng cố lợi ích trước một kẻ thường dân mới lên,\” Keith Taylor viết.
Các giả thiết này ít nhất cho thấy Thái hậu Ỷ Lan vào giai đoạn cuối thế kỷ 11 vẫn có quyền uy tại triều.
Năm 1117, Thái hậu băng, được hỏa táng, đặt tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Nhà vua bắt ba người hầu gái chôn theo.
Lý Nhân Tông còn sống đến 1127 thì qua đời.
Nguồn: BBC