Căng thẳng Biển Đông càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ

RFI phỏng vấn TS LÊ HỒNG HIỆP –

Căng thẳng Biển Đông càng đẩy Việt Nam về phía Mỹ

.

\"\"
Sơ đồ hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 (màu đỏ) sách nhiễu tàu Việt Nam ở bãi Tư Chính, thời gian từ 16/06-10/07/2019. AMTI(CSIS)

(Thanh Phương / RFI) – Gây áp lực để buộc Việt Nam phải lùi bước trong việc khai thác dầu khí, đó là chiến lược quen thuộc của Trung Quốc trên Biển Đông. Chiến lược này đã có hiệu quả vào năm ngoái, khi Việt Nam buộc phải yêu cầu công ty Tây Ban Nha Repsol ngưng dự án thăm dò khí đốt tại bãi Tư Chính, cho dù khu vực này nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Nhưng vào đầu tháng 7 vừa qua, khi Bắc Kinh điều một tàu khảo sát cùng nhiều tàu hải cảnh đến quấy nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí cũng tại khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội, sau nhiều ngày kín đáo phản đối Bắc Kinh, cuối cùng đã phải công khai lên án hành động của Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu các tàu của Trung Quốc phải rút ngay khỏi vùng biển Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc gây cản trở hoạt động dầu khí của các nước láng giềng trên Biển Đông. Căng thẳng mới ở vùng Biển Đông càng đẩy Việt Nam xích gần lại Hoa Kỳ, đồng thời sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC. Đó là nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ngiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

RFI : Kính chào tiến sĩ Lê Hồng Hiệp. Trước hết, theo anh, vì sao Trung Quốc lại có hành động như vậy trong lúc này ?

Lê Hồng Hiệp : Thực ra những hành động của Trung Quốc như ta vừa thấy trong thời gian qua cũng không hoàn toàn là mới. Có lẽ một trong những lý do chính đó là tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông, như họ đã từng làm trước đây. Chúng ta phải liên hệ điều này đến phán quyết của Tòa Trọng Tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Trong phán quyết đó, Tòa Trọng Tài đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc dựa trên « đường 9 đoạn » (đường lưỡi bò), đồng thời quyết định rằng các thực thể ở quần đảo Trường Sa không có các vùng biển riêng, không có các vùng đặc quyền kinh tế riêng. Vì vậy mà các hành động của Trung Quốc gây hấn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể là với dụng ý qua đó có thể bác bỏ các phán quyết của Tòa Trọng Tài.

Điểm thứ ba cũng có thể có liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Qua trường hợp này, Trung Quốc muốn gây sức ép với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam có dấu hiệu ngày càng thân thiết hơn với Mỹ và được Mỹ ưu ái trong các quan hệ về kinh tế, chính trị, ngoại giao và quốc phòng. Có thể đó là một lời cảnh báo với Việt Nam rằng Trung Quốc có thể có các công cụ để gây khó khăn cho Việt Nam, nếu như Việt Nam không hợp tác, hay là không duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.

Cũng có thể có một lý do khác, đấy là họ muốn gởi các thông điệp đến các nước đối tác của Việt Nam, đặc biệt là trong vùng biển mà họ đang gây rối đang có sự tham gia của các công ty, các nhà thầu của Nhật Bản, Nga, Ấn Độ hay Mỹ. Có thể là họ tìm cách gây rối trong các vùng biển của Việt Nam để cảnh báo các quốc gia kia là không được hợp tác với Việt Nam, giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Điều này cũng liên quan đến một yêu sách của Trung Quốc trong đàm phán về COC, đó là cấm các công ty dầu khí của các nước bên ngoài khu vực tham gia khai thác tài nguyên ở Biển Đông, nếu không có sự chấp thuận của tất cả các nước, trong đó có Trung Quốc.

RFI : Năm ngoái, khi Trung Quốc có hành động gây áp lực tương tự, Việt Nam đã phải lùi bước, yêu cầu một công ty Tây Ban Nha ngừng dự án thăm dò dầu khí. Lần này, Việt Nam có thái độ được coi là cứng rắn hơn. Anh lý giải thế nào về thái độ này ?

Lê Hồng Hiệp : Thứ nhất là Việt Nam phải bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mình theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, tại vì những vùng biển này, những khu vực này, Việt Nam đã khai thác tài nguyên, kiểm soát từ một thời gian rất lâu rồi. Bây giờ, theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, thì Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển này. Nếu Việt Nam mềm yếu, tạo thành những tiền lệ cho Trung Quốc lấn lướt, thì sau này sẽ rất khó mà bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Các vùng biển này, đặc biệt là các lợi ích từ dầu khí cũng như thủy sản, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bên cạnh các lợi ích về an ninh. Chính vì vậy mà Việt Nam cần phải cương quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, cũng có thể là Việt Nam cảm nhận vị thế của mình đã có sự cải thiện so với trước đây, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc ngày càng mâu thuẫn và Mỹ đang có những hành động kềm chế sự trỗi dậy của của Trung Quốc, gây khó khăn cho Trung Quốc. Việt Nam thấy là Trung Quốc có thể sẽ phải kềm chế hoặc không sẵn sàng thúc đẩy căng thẳng lên cao hơn, khi căng thẳng như vậy có thể gặp phản ứng mạnh từ các đối tác của Việt Nam, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Như chúng ta thấy, trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam rất là mạnh mẽ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các đối tác của Việt Nam, như Ấn Độ, Nhật Bản và đặc biệt là Liên Bang Nga. Những điều này giúp cho Việt Nam có sự tự tin hơn.

Thứ ba là trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2020, Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ có vị thế ngoại giao tốt hơn, có thể chủ động đưa các vấn đề tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN hoặc có thể tác động vào các thành viên khác trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để đưa ra một quan điểm có lợi cho Việt Nam chẳng hạn.

Cũng có thể là Việt Nam nay có một năng lực biển càng ngày càng mạnh, có các tàu thuyền có thể đối phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc.

Nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng, các báo cáo về các hoạt động của Trung Quốc đã có hơn một tháng nay, nhưng Việt Nam mới có các phản ứng mạnh trong khoảng 2 tuần nay thôi. Có thể là sau một thời gian cân nhắc, tính toán và có sự tham khảo với các đối tác, Việt Nam cảm thấy sự tự tin và sự hậu thuẫn của các đối tác được đảm bảo, cho nên mới tung ra các biện pháp chính trị, ngoại giao để chống lại áp lực của Trung Quốc.

RFI : Theo anh thì sự kiện này có sẽ đẩy Việt Nam đi xa khỏi vòng tay của Trung Quốc và xích gần Hoa Kỳ hơn ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi cho rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là một trong những lý do chủ yếu khiến cho Việt Nam tìm cách thúc đẩy quan hệ với các cường quốc chủ chốt, trong đó có Hoa Kỳ, trong suốt thời gian qua. Nếu không có tranh chấp Biển Đông, nếu không có những áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam có thể sẽ dè dặt hơn và không có nhiều động lực để tăng cường quan hệ, đặc biệt là về mặt quân sự, chiến lược với các đối tác này.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng, càng lấn lướt trên Biển Đông,  Việt Nam còn có lợi ích trong việc tăng cường quan hệ với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là chất xúc tác chủ yếu kéo Việt Nam và Hoa Kỳ lại gần với nhau hơn trong thời gian qua, cũng như trong thời gian sắp tới.

RFI : Căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ) ?

Lê Hồng Hiệp : Hành động của Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho các cuộc đàm phán, vì thứ nhất, nó làm mất lòng tin, hay suy giảm lòng tin giữa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, với Trung Quốc ; thứ hai là tạo ra căng thẳng, mà trong bối cảnh căng thẳng thì đàm phán bao giờ cũng khó khăn hơn so với không khí hữu nghị giữa hai bên ; và thứ ba nó cũng cho thấy là Trung Quốc muốn áp đặt một số yêu sách của họ, ví dụ như cấm các công ty dầu khí của các nước ngoài khu vực tham gia khai thác, thăm dò dầu khí ở khu vực Biển Đông, nếu không có sự đồng ý của các bên còn lại, trong đó có Trung Quốc. Rõ ràng là những hành động của Trung Quốc đã thể hiện hàm ý đó cho tới lúc này. Nếu như tình trạng này kéo dài, tôi tin là đàm phán về COC sẽ gặp thách thức trong thời gian tới, có thể sẽ không đạt được mục tiêu là hoàn thành trong 3 năm, tức là vào năm 2021, như thủ tướng Trung Quốc đã đề ra.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment