Vụ Tư Chính làm VN lỡ dự án phim triệu đô ‘Mission Impossible’?
.
Một đoàn khảo sát của hãng Mỹ Paramount Pictures mới đây đã gạch Việt Nam khỏi danh sách các địa điểm tiềm năng để quay tập tiếp theo của phim bom tấn “Mission Impossible” (Nhiệm vụ bất khả thi), một nguồn khả tín cho VOA biết.
Theo nguồn tin không muốn nêu danh tính, một lý do quan trọng dẫn đến quyết định kể trên là chuyến bay trực thăng đưa đoàn lên Lũng Cú, Hà Giang, đã không được cấp phép do Việt Nam “lo ngại làm phức tạp tình hình giữa lúc đang có những sự cố ở Biển Đông”.
Nguồn tin, là một trong số các nhà tư vấn được Paramount thuê để trợ giúp cho chuyến đi tới Việt Nam, cho VOA biết, đoàn khảo sát gồm 4 người, trong đó có một nhà sản xuất và một đạo diễn, nhưng không cho biết tên cụ thể.
Nhà sản xuất và đạo diễn của một số tập phim “Mission Impossible” gần đây nhất lần lượt là hai ông Jake Myers và Christopher McQuarrie.
Đoàn của Paramount tiến hành khảo sát ở Việt Nam từ ngày 12 đến 14/8, thăm Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng và Hội An, trong đó có một cuộc gặp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo nguồn tin.
Trợ giúp cho đoàn là ít nhất 5 người đến từ Úc và Thái Lan, thuộc Indochina Productions, công ty từng giúp các hãng Mỹ Legendary Pictures và Warner Brothers quay bộ phim “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo đầu lâu) ở Việt Nam hồi năm 2016, nguồn tin cho hay.
Tín hiệu ‘nhạy cảm’
Trong kế hoạch của đoàn, họ dự kiến thuê trực thăng bay quan sát Mù Cang Chải, Sa Pa, Đồng Văn và Lũng Cú vào ngày 15/8. Tuy nhiên, đến tối ngày 14/8, Công ty Trực thăng Miền Bắc có trụ sở ở Hà Nội báo với đoàn rằng công ty không được cấp giấy phép bay đến Lũng Cú, sát biên giới với Trung Quốc, “do đang có những diễn biến phức tạp ở Biển Đông”, theo lời thuật lại của nguồn tin với VOA.
Hai nhân vật chủ chốt trong đoàn khảo sát dự tính rằng các cảnh quay trên không với phong cảnh nền là 4 địa điểm kể trên ở tây bắc Việt Nam sẽ là bối cảnh chính trong phim, nên việc bay khảo sát ở đó là rất quan trọng, nguồn tin cho hay.
Vì vậy, khi chuyến bay không được cấp phép, đoàn khảo sát không thể xác định khu vực đó có phù hợp để quay hay không, và họ quyết định hủy phần còn lại của chuyến khảo sát, cũng như hoàn toàn loại bỏ Việt Nam khỏi danh sách các địa điểm tiềm năng để quay “Mission Impossible”, vẫn theo nguồn tin riêng của VOA.
Một nhân viên marketing của Công ty Trực thăng Miền Bắc cho VOA biết do khoảng cách và đặc điểm địa hình tây bắc Việt Nam, máy bay trực thăng bay từ Hà Nội lên đó phải là loại đạt tiêu chuẩn quân sự, bay được mọi thời tiết.
Giữa lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có căng thẳng về Bãi Tư Chính ở Biển Đông, việc một máy bay trực thăng như vậy của Việt Nam xuất hiện sát vùng biên giới giữa hai nước có thể phát đi tín hiệu “nhạy cảm” cho các trạm radar và “các con mắt theo dõi” bên phía Trung Quốc, nguồn tin là nhà tư vấn cho Paramount nói.
Tuy nhiên, khi VOA kiểm chứng thông tin này với Công ty Trực thăng Miền Bắc, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Huyền nói:
“Thông tin đấy là không đúng. Đây là những lý do về quản lý hoạt động bay thôi, chứ nó không có liên quan. Tầm chúng tôi là một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực thăng và một nhà khai thác trực thăng, chúng tôi tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh thôi, các lý do khác chúng tôi không quan tâm”.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, khi được hỏi về kết quả làm việc giữa đoàn của Paramount với lãnh đạo bộ, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, chỉ trả lời ngắn gọn:
“Xin lỗi, chúng tôi không trả lời câu hỏi này với báo chí. Xin lỗi, tôi đang họp”.
Nguyên nhân nào?
Trước khi đến Việt Nam, đoàn khảo sát của Paramount đã đi tìm địa điểm quay cho phần tiếp theo của “Mission Impossible” ở một loạt quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Bolivia, Colombia, Hà Lan, Ý, Thụy Điển, Anh, Bồ Đào Nhà và Tunisia, v.v…, nguồn tin nói với VOA.
Vẫn theo nguồn tin, vấn đề giấy phép cho chuyến bay trực thăng có thể là nguyên nhân lớn nhất, dễ thấy nhất của việc Paramount không chọn Việt Nam, song bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác.
Ngay từ đầu, trong quá trình thương thảo việc thuê trực thăng, phía Paramount đã có cảm giác “bị lợi dụng” khi phía công ty dịch vụ đòi số tiền cao gấp đôi mức giá mà Paramount từng trả cho những chuyến bay có thời gian bay và tính chất tương tự khi họ thuê ở các nước khác, nguồn tin cho biết.
Nguồn tin không nói cụ thể số tiền phía công ty Việt Nam đòi Paramount là bao nhiêu. Theo tìm hiểu của VOA, một chuyến bay trực thăng kéo dài 5 giờ ở Mỹ và một số nước phát triển khác có giá từ 11.000 đến xấp xỉ 20.000 đô la.
Chất lượng dịch vụ hậu cần cũng làm đoàn khảo sát quan ngại, nguồn tin nói thêm. Một ví dụ được đưa ra là hôm 14/8, khi đoàn thuê 1 tàu cao tốc để tìm hiểu vùng cửa biển sông Hàn, Đà Nẵng, họ “phải chờ hơn 40 phút mà không thể làm xong thủ tục giấy tờ”.
“Danh sách đoàn đã được gửi đến nhà chức trách địa phương từ trước. Nhưng khi đoàn thực sự đến bến cảng, một thành viên của đoàn không tham gia chuyến đi nữa, việc đăng ký danh sách khách lên tàu phải làm lại từ đầu, cần 3 chữ ký của các đơn vị khác nhau. Đoàn đã hủy chuyến tàu vì họ không thể lãng phí thời gian cho thủ tục hành chính rườm rà”, nguồn tin tường thuật lại.
Trước Việt Nam, Tunisia cũng đã bị loại vì công tác hậu cần không làm hài lòng đoàn khảo sát của Paramount. “Đoàn khảo sát nêu ra vấn đề là mới chỉ có các việc dễ mà kết quả đã không tốt, như xe đón đoàn không đến đúng giờ, các hoạt động không diễn ra theo lịch dự kiến, các bộ trưởng nước sở tại không nhiệt tình, thì khi việc quay phim thực sự diễn ra với nhiều áp lực, mọi việc sẽ còn tệ đến đâu”, nguồn tin cho biết.
Bỏ lỡ lợi ích kinh tế?
Việc Việt Nam không được chọn làm địa điểm quay “Mission Impossible” là “rất đáng tiếc”, nguồn tin cũng là một nhà tư vấn cho Paramount nói.
Nhà tư vấn này phân tích rằng nếu bộ phim được quay ở Việt Nam, việc này sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn.
“Công tác làm phim sẽ đưa hơn 200 người đến đó, ở lại hàng tuần. Tức là người ta sẽ thuê hàng nghìn lượt phòng khách sạn, ăn uống tại các nhà hàng, mua sắm, v.v… Họ sẽ thuê cả trăm cái xe tải, cũng như tuyển dụng trên 200 nhân viên địa phương và thuê văn phòng. Họ cũng sẽ mua đồ xây dựng, đồ văn phòng, v.v… Và 100 triệu lượt khán giả trên toàn thế giới sẽ biết đến Việt Nam qua màn ảnh, đấy là một dạng marketing du lịch toàn cầu mà không thể mua được bằng tiền,” nhà tư vấn không muốn nêu tên nói.
Tùy vào tính chất của hoạt động làm phim và mức độ phát triển của nền kinh tế nước sở tại, tác động lan tỏa về kinh tế từ chi tiêu của đoàn làm phim có thể lớn gấp 2,5 đến 5 lần số tiền mà hãng phim bỏ ra, nhà tư vấn nói thêm.
“‘Khi Mission Impossible’ được quay ở Dubai, hãng làm phim đã chi tiêu ở nước sở tại số tiền là 29 triệu đô la trong gần 30 ngày, và việc đó bổ sung cho GDP tới 65 triệu đô la, theo một nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers, tức là gấp 2,9 lần chi tiêu thực tế”, nhà tư vấn nói với VOA.
Hồi năm 2016, phim “Kong: Đảo đầu lâu” đã được các nhà làm phim Mỹ quay tại các địa điểm ở Quảng Ninh, Ninh Bình và Quảng Bình.
Đại sứ Mỹ khi đó, ông Ted Osius, phát biểu trước báo giới rằng \”Phim Kong mở ra chương mới cho Hollywood đến Việt Nam. Sau Kong, nhiều bom tấn Hollywood khác sẽ đến Việt Nam. Điều này thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ngành công nghiệp phim Việt Nam với ngành điện ảnh hàng đầu thế giới là Hollywood\”.
Bộ phim được báo chí trong nước ca ngợi là “siêu phẩm đưa cảnh đẹp Việt ra thế giới” khi phát hành vào đầu năm 2017 đã có doanh thu toàn cầu hơn 562 triệu đô la (trong khi kinh phí thực hiện là 185 triệu). Riêng tại Việt Nam, doanh thu là hơn 7,4 triệu đô la (168 tỉ đồng), lập kỉ lục là phim có doanh thu cao nhất lịch sử tại Việt Nam.
Nguồn: VOA