Cá Voi Xanh: Tìm hiểu ‘khó khăn’ của ExxonMobil và PetroVietnam
- 4 giờ trước
BBC được nghe một số bằng chứng mới dường như cho thấy sức ép Trung Quốc không phải là yếu tố đằng sau tin đồn ExxonMobil muốn rút khỏi dự án dầu khí tại miền Trung Việt Nam.
Những ngày qua, dư luận Việt Nam quan tâm tin đồn liệu có phải tập đoàn Mỹ muốn, hay đã thông báo cho Việt Nam ý định, rút khỏi dự án khí Cá Voi Xanh.
Ngày 12/9, PetroVietnam ra thông cáo ngắn nói: \”Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch.\”
\”Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này.\”
Quanh tin đồn này, nhà báo BBC cũng là chuyên gia về Biển Đông, Bill Hayton, nhận định trên trang Twitter cá nhân, nói ông cho rằng nếu tin đồn có thật, có lẽ đó là quyết định mang tính chất thương mại từ trụ sở hay văn phòng khu vực của Exxon, chứ không phải do sức ép chính trị từ Bắc Kinh.
Ông Bill Hayton chỉ ra rằng mỏ khí Cá Voi Xanh nằm ngoài cái gọi là \’đường chữ U\’, tức hải vực Biển Đông Trung Quốc vẽ ra để đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Thêm nữa, nhà báo người Anh cho hay suốt nhiều năm qua, ExxonMobil đã thương thuyết với Việt Nam về giá bán khí từ mỏ Cá Voi Xanh nhưng vẫn chưa đạt thỏa thuận.
Vào năm 2017, PetroVietnam và ExxonMobil Việt Nam đã ký thuận khung Hợp đồng Bán khí Cá Voi Xanh.
Theo đó, trong giai đoạn đầu, sản lượng khai thác của Dự án sẽ đủ cung cấp khí cho bốn nhà máy điện với tổng công suất 3.000 MW (02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam và 02 Nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi).
Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng sẽ cung cấp khí cho hóa dầu, hoặc nhà máy điện thứ 5 với công suất khoảng 750 MW như trong Tổng Quy hoạch Điện 7 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tổng đầu tư chuỗi dự án khoảng 10 tỷ USD và sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ USD, theo thông báo năm 2017.
Tranh cãi giá điện
Theo quy hoạch thông qua cuối năm 2018, Việt Nam xác nhận khu kinh tế mở Chu Lai sẽ đầu tư xây dựng hai dự án nhà máy điện tuabin khí Miền Trung I và Miền Trung II công suất 750 MW, sử dụng lô khí Cá Voi Xanh.
Hai nhà máy điện tuabin khí này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, với số vốn dự kiến lên tới hơn 38,5 nghìn tỷ đồng (30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay).
Dự án nằm tại khu vực phía Đông Nam khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam.
Dự án dự kiến vận hành vào năm 2023 với nhà máy miền Trung I và 2024 với nhà máy Miền Trung II.
Như tin trên báo chính thống đầu năm 2019 cho hay, PetroVietnam đề nghị chính phủ chấp thuận cơ chế về giá điện nhằm bao tiêu hết sản lượng khí cam kết với nhà thầu Exxon Mobil.
Theo đó, giá bán điện của dự án được tính toán đầy đủ để đảm bảo hiệu quả đầu tư; giá điện của nhà máy được tính toán trong phương án giá bán điện hàng năm của EVN.
PetroVietnam kiến nghị cho phép nhà máy điện được phép không tham gia thị trường điện để đảm bảo tiêu thụ hết khí từ dự án Cá Voi Xanh.
Bản tin của VietNamNet tháng 3/2019 tiết lộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đó là mức giá khá cao so với giá bán điện bình quân hiện nay.
Bộ Tài chính thì đề nghị PetroVietnam phân tích, đánh giá về tính cạnh tranh giá điện của dự án với các dự án điện khí khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại đề nghị PetroVietnam tính toán lại giá mua khí Cá Voi Xanh cho năm 2023 với độ trượt giá khí có xem xét đến Chỉ số giá tiêu dùng thực tế của Mỹ các năm 2016, 2017 và 2018.
Bản tin của VietNamNet khi đó cho hay Tập đoàn Điện lực đề nghị phân tích và xem xét lại phương án tài chính được kiến nghị vì phương án này sẽ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn, kéo dài các quá trình thương thảo, gây ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và chuỗi dự án khi điện Cá Voi Xanh.
Ngày 9/9, trong lúc tin đồn về ExxonMobil lan ra, phó bí thư Đảng ủy PetroVietnam Nguyễn Xuân Cảnh cho biết một số dự án dầu khí như Cá Voi Xanh vì vướng cơ chế mà chậm trễ, từ đó hiệu quả dự án không còn như trước.
Dự án dầu khí Cá Voi Xanh được ông Nguyễn Xuân Cảnh nhắc đến tại hội nghị Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 9/9.
\”Các dự án như Cá Voi Xanh, Lô B như nồi cơm của PVN, nồi cơm của tăng trưởng GDP và thu ngân sách. Nhưng vướng cơ chế nọ, cơ chế kia nên bị chậm trễ hết rồi\”, ông Cảnh nói.
Một viên chức từ PetroVietNam giải thích với BBC về dự án Cá Voi Xanh: \”Sản lượng khí từ mỏ khí Cá Voi Xanh được xác định tiêu thụ hết tại khu vực gần nguồn khí do không có đường ống kết nối đi xa hơn, ra Bắc vào Nam.\”
\”Nếu thị trường tại chỗ dư thừa, sản lượng khí có thể sẽ vận chuyển đi các khu lân cận theo hình thức CNG và LNG.\”
\”Các bên xác định nhu cầu tiêu thụ của mỏ này dựa trên sự phát triển một thị trường khí mới tại các tỉnh miền Trung, chủ yếu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.\”
Viên chức này cho biết trách nhiệm của ExxonMobil là khai thác, đưa khí vào bờ, trong khi PetroVietnam cần làm nhà máy điện khí, tìm nguồn tài chính, đàm phán giá điện với EVN.
\”Để PetroVietnam làm được các việc này, quyền quyết định cao nhất là từ phía chính phủ,\” người này giải thích.
Một báo cáo của Viện Dầu khí Việt Nam tháng 2/2017 nhận định \”mức giá khí đề xuất Cá Voi Xanh khó đạt hiệu quả kinh tế khi phải tham gia thị trường điện cạnh tranh, do đó cần có cơ chế riêng\”.
Sức ép?
Trả lời BBC ngày 12/9, ông Nguyễn Lê Minh, thành viên Hội đồng Biên tập và Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng có việc ExxonMobil đang gây sức ép lên chính phủ Việt Nam để rút ngắn quy trình phê duyệt, nhằm giúp dự án kịp tiến độ.
\”ExxonMobil muốn chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy nhanh việc phê duyệt giá bán điện của PVN và EVN cho các nhà máy điện.\”
\”Dù việc phía Việt Nam bán điện không liên quan đến lợi ích kinh tế của ExxonMobil, nhưng nếu không được phê duyệt sớm thì cũng dẫn đến làm chậm tiến độ dự án của ExxonMobil.\”
Các thông tin trên đặt ra một số điểm, như:
- ExxonMobil và PetroVietnam đến nay đều từ chối bình luận chính thức về tin đồn
- Nhưng Dự án Cá Voi Xanh đang gây sốt ruột cho cả ExxonMobil và PetroVietnam
- Liệu có hay không việc tin đồn – không được bác bỏ mạnh mẽ – về việc ExxonMobil muốn rút khỏi dự án, là để gây sức ép buộc chính phủ Việt Nam thông qua các khuyến nghị của ExxonMobil và PetroVietnam?
- Nếu ExxonMobil quả thực muốn rút khỏi dự án, phải chăng đây là do cân nhắc thương mại về lời lỗ, chứ không phải do sức ép của Trung Quốc?