Chống biến đổi khí hậu là điều bất khả thi?
Alf Hornborgđăng trên The Conversation
Trong hai thế kỷ qua, hàng triệu người tâm huyết – các nhà cách mạng, nhà hoạt động, chính trị gia và nhà lý luận – vẫn chưa kiềm chế được quỹ đạo thảm khốc và ngày càng toàn cầu hóa của sự phân cực kinh tế và suy thoái sinh thái.
Có lẽ đó là bởi vì chúng ta hoàn toàn bị mắc kẹt trong những tư duy sai lầm về công nghệ và kinh tế – như có thể thấy trong các ngôn từ hiện tại về biến đổi khí hậu.
Tình trạng phát thải khí nhà kính tăng lên không chỉ tạo ra biến đổi khí hậu. Nó đang khiến cho ngày càng nhiều người trong chúng ta lo lắng về khí hậu, chẳng hạn như lo ngại của công chúng Anh về vấn đề này đang ở mức cao kỷ lục.
Kịch bản ngày tận thế đang chiếm các tít báo với tốc độ ngày càng tăng.
Các nhà khoa học trên khắp thế giới nói với chúng ta rằng lượng khí thải trong 10 năm tới cần phải giảm một nửa so với 10 năm trước, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với diệt vong.
Những học sinh như Greta Thunberg và các phong trào như Nổi loạn Tuyệt chủng đang đòi chúng ta phải hoảng sợ. Và cần phải như vậy. Nhưng chúng ta nên làm gì để tránh thảm họa?
Hầu hết các nhà khoa học, chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng hy vọng vào tiến bộ công nghệ.
Bất kể ý thức hệ, có kỳ vọng rộng rãi rằng các công nghệ mới sẽ thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách khai thác năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió.
Nhiều người cũng tin tưởng rằng sẽ có những công nghệ để loại bỏ carbon dioxide ra khỏi khí quyển và \’kiến tạo địa lý\’ khí hậu của hành tinh.
Mẫu số chung của những viễn kiến này là niềm tin rằng chúng ta có thể cứu nền văn minh hiện đại nếu chúng ta chuyển sang công nghệ mới.
Nhưng \”công nghệ\” không phải là một cây đũa thần. Nó cần rất nhiều tiền, có nghĩa là nó lấy đi lao động và tài nguyên từ các lĩnh vực khác. Chúng ta có xu hướng quên đi điều quan trọng này.
Chi phí tốn kém cho năng lượng xanh
Có đến 90% năng lượng sử dụng trên thế giới đến từ các nguồn hóa thạch. Trong khi đó vào năm 2017, chỉ có 0,7% năng lượng sử dụng trên toàn cầu có nguồn gốc từ năng lượng mặt trời và 1,9% từ gió.
Vậy tại sao quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vốn được chờ đợi từ lâu lại không trở thành hiện thực?
Một vấn đề hết sức gây tranh cãi là yêu cầu về đất đai để khai thác năng lượng tái tạo.
Các chuyên gia năng lượng đã ước tính rằng \’mật độ năng lượng\’ – công suất năng lượng có được trên một đơn vị diện tích đất – của các nguồn năng lượng tái tạo thấp hơn nhiều so với nhiên liệu hóa thạch, cho nên để thay thế hóa thạch bằng năng lượng tái tạo sẽ cần diện tích đất lớn hơn rất nhiều.
Một phần vì vấn đề này, các viễn kiến về các dự án năng lượng mặt trời quy mô từ lâu đã đề cập đến sử dụng hợp lý, tức là tận dụng các khu vực không sản xuất gì được như sa mạc Sahara.
Nhưng nghi ngờ về tính lợi nhuận đã làm nản lòng các nhà đầu tư. Chẳng hạn như một thập niên trước, người ta đã nói rất nhiều về Desertec, dự án trị giá 400 tỷ euro vốn sụp đổ khi sau các nhà đầu tư lớn rút ra.
Ngày nay, dự án năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là Nhà máy Điện Mặt trời Ouarzazate ở Morroco.
Nó chiếm diện tích khoảng 25km vuông và tiêu tốn khoảng 9 tỷ đô la để xây dựng. Nó được thiết kế để cung cấp điện cho khoảng một triệu người. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết phải cần thêm 35 dự án nữa như thế – tức là khoản đầu tư 315 tỷ đô la – để cung cấp điện cho toàn bộ dân số Morocco.
Chúng ta có xu hướng không nhận ra rằng các khoản đầu tư khổng lồ cho các dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ như vậy là phải lấy mất nguồn lực của chỗ khác – các dự án đó có tác động lớn hơn nhiều so với tầm nhìn của chúng ta.
Việc các tấm pin mặt trời rẻ đi trong những năm gần đây là một kết quả đáng kể của việc chuyển hoạt động sản xuất sang châu Á. Chúng ta phải tự hỏi liệu những nỗ lực của châu u và Mỹ để phát triển bền vững có nên thật sự dựa trên việc khai thác lao động giá rẻ trên toàn cầu, nguồn lực khan hiếm và tàn phá cảnh quan ở nơi khác hay không.
Chúng ta cũng phải xem xét liệu các nguồn năng lượng tái tạo có thực sự không thải carbon hay không. Tua bin gió và năng lượng hạt nhân vẫn phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng hóa thạch để sản xuất, lắp đặt và bảo trì. Và mỗi đơn vị điện được sản xuất bởi các nguồn nhiên liệu không hóa thạch thay thế chưa tới 10% một đơn vị điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. Với tốc độ hiện tại, cuộc cách mạng năng lượng tái tạo sẽ diễn ra rất chậm.
Trong khi đó, nồng độ CO2 trong khí quyển của chúng ta tiếp tục tăng. Bởi vì xu hướng này dường như không thể chặn lại được, cho nên nhiều người hy vọng sẽ được chứng kiến việc sử dụng rộng rãi các công nghệ để thu giữ và loại bỏ carbon khỏi khí thải của các công xưởng và nhà máy điện.
Dĩ nhiên, người ta có thể dễ dàng để vặn lại rằng cho đến khi chuyển đổi được, các tấm pin mặt trời sẽ phải được sản xuất bằng cách sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Nhưng ngay cả khi 100% điện năng của chúng ta là năng lượng tái tạo, máy bay và tàu thuyền chạy bằng điện là điều mới mẻ và không có khả năng thay thế hàng loạt phương tiện trong mạng lưới giao thông toàn cầu của chúng ta.
Tương tự, sản xuất thép và xi măng – vốn cần thiết cho nhiều công nghệ tái tạo – vẫn là nguồn phát thải chính khí gây ra hiệu ứng nhà kính.
Trong số hầu hết những người ủng hộ phát triển bền vững, chẳng hạn những người ủng hộ Green New Deal (tức Chính sách Kinh tế Xanh), có một niềm tin không lay chuyển rằng các kỹ sư có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Nằm ở tâm điểm viễn kiến của Green New Deal là sự chuyển đổi quy mô lớn sang các nguồn năng lượng tái tạo và đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng mới. Người ta lập luận rằng điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng hơn nữa.
Vấn đề của công nghệ toàn cầu
Dường như có sự đồng thuận chung rằng vấn đề biến đổi khí hậu chỉ là việc thay thế công nghệ năng lượng này bằng công nghệ năng lượng khác.
Nhưng quan điểm lịch sử cho thấy rằng chính bản thân ý tưởng công nghệ gắn chặt với tích lũy tư bản. Và như vậy, không dễ để định hình lại như chúng ta nghĩ. Chuyển đổi công nghệ năng lượng chính không chỉ là vấn đề thay thế cơ sở hạ tầng – nó có nghĩa là thay đổi trật tự kinh tế thế giới.
Chẳng hạn, động cơ hơi nước đơn giản được xem là phát minh sáng tạo để tận dụng năng lượng hóa học của than. Mặc dù điều này có thể là đúng, các nhà máy hoạt động bằng hơi nước ở Manchester vào Thế kỷ 19 sẽ không bao giờ được xây dựng nếu không có giao thương xuyên Đại Tây Dương về nô lệ, bông thô và vải dệt bông.
Công nghệ hơi nước không chỉ là vấn đề kỹ thuật sáng tạo áp dụng vào thiên nhiên – giống như tất cả các công nghệ phức tạp; nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ trao đổi toàn cầu.
Sự phụ thuộc của công nghệ vào các mối quan hệ xã hội toàn cầu không chỉ là vấn đề tiền bạc.
Theo nghĩa hơi vật lý một chút, tính khả thi của động cơ hơi nước phụ thuộc vào dòng chảy nhân lực và các nguồn lực khác đã được đầu tư vào sợi bông ở Nam Carolina, than ở xứ Wales và sắt ở Thụy Điển.
Như vậy, công nghệ hiện đại là sản phẩm của sự trao đổi chất của xã hội thế giới, chứ không đơn giản chỉ là kết quả của việc khám phá ra những quy luật tự nhiên.
Nhiều người tin rằng với các công nghệ phù hợp, chúng ta sẽ không phải giảm sự đi lại hoặc tiêu thụ năng lượng – và rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể tăng trưởng.
Nhưng liệu đó có phải là ảo ảnh? Điều đó cho thấy chúng ta vẫn chưa nắm bắt được thế nào là \”công nghệ\”.
Ô tô điện và nhiều thiết bị \”xanh\” khác thoạt trông thì có vẻ như đảm bảo được điều đó, nhưng thường lại hoá ra đó chỉ là những chiến lược gian giảo để dịch chuyển công việc và thiệt hại môi trường ra khỏi lãnh thổ của chúng ta – sang cho lao động lương thấp, làm việc trong môi trường có hại cho sức khỏe tại các hầm mỏ ở Congo và Nội Mông. Chúng có vẻ bền vững và công bằng cho những người tiêu dùng giàu có nhưng vẫn duy trì thế giới quan thiển cận có từ thời phát minh ra động cơ hơi nước.
Có phải mục tiêu của chúng ta là lật đổ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa? Nếu là vậy thì làm thế nào chúng ta thực hiện điều đó?
Để giúp chúng ta có thể trao đổi hầu hết mọi thứ – thời gian của con người, thiết bị máy móc, hệ sinh thái, bất cứ thứ gì – để lấy tiền, mọi người không ngừng tìm kiếm những cách làm có lời nhất, mà điều này cuối cùng có nghĩa là thúc đẩy mức lương thấp nhất và tài nguyên rẻ nhất ở các quốc gia kém phát triển.
Mặc dù có ý định tốt, nhưng không rõ những gì mà Thunberg, phong trào Nổi loạn Tuyệt chủng và những tổ chức khí hậu khác đang đòi hỏi sẽ được thực hiện như thế nào.
Cũng như hầu hết chúng ta, họ muốn ngăn chặn phát thải khí nhà kính, nhưng dường như họ tin rằng sự chuyển đổi năng lượng như vậy tương thích với tiền bạc, thị trường toàn cầu hóa và nền văn minh hiện đại.
Viết lại trò chơi
Cách duy nhất để thay đổi trò chơi là viết lại các quy tắc cơ bản nhất của nó. \’Hệ thống\’ lại mỗi khi chúng ta mua hàng hóa, bất kể chúng ta là nhà hoạt động cấp tiến hay người không tin vào biến đổi khí hậu. Khó mà nhận diện thủ phạm nếu tất cả chúng ta đều là người chơi trong cùng một trò chơi. Một khi đã chấp nhận luật chơi, chúng ta đã giới hạn năng lực tập thể tiềm tàng.
Chính quyền quốc gia có thể thiết lập một loại tiền tệ bổ sung, bên cạnh tiền tệ thông thường, được phân phối dưới dạng thu nhập cơ bản phổ quát nhưng chỉ có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong bán kính nhất định từ điểm mua.
Với tiền địa phương, bạn có thể mua hàng hóa được sản xuất ở phía bên kia hành tinh, miễn là bạn mua nó ở cửa hàng địa phương, vốn trên thực tế không làm gì cản trở sự mở rộng của thị trường toàn cầu. Đưa ra đồng tiền đặc biệt mà chỉ có thể dùng để mua hàng hóa được sản xuất tại địa phương sẽ là điều cản trở thật sự trong bánh xe toàn cầu hóa.
Điều này sẽ giúp giảm nhu cầu vận chuyển toàn cầu – một nguồn phát thải chính khí nhà kính chính – trong khi tăng tính đa dạng và sức bền bỉ của địa phương và khuyến khích hội nhập cộng đồng. Nó sẽ không còn làm cho tiền lương thấp và luật pháp môi trường lỏng lẻo trở thành lợi thế cạnh tranh trong thương mại thế giới như hiện nay.
Tái địa phương hóa phần lớn nền kinh tế theo cách này không có nghĩa là các cộng đồng sẽ không cần điện để vận hành bệnh viện, máy tính và hộ gia đình. Nhưng nó sẽ dỡ bỏ hầu hết các cơ sở hạ tầng dựa vào nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu để vận chuyển người, hàng hóa và các mặt hàng thiết yếu trên khắp thế giới.
Năng lượng mặt trời chắc chắn sẽ là một thành phần quan trọng trong tương lai của loài người, nhưng sẽ không như vậy chừng nào chúng ta vẫn chấp nhận logic của thị trường thế giới tức là vận chuyển hàng hóa thiết yếu hết nửa vòng Trái Đất để thu lợi nhuận.
Niềm tin mù quáng hiện tại vào công nghệ sẽ không cứu được chúng ta. Để hành tinh chúng ta có cơ hội, nền kinh tế toàn cầu phải được thiết kế lại. Vấn đề đi sâu hơn là chủ nghĩa tư bản hay sự tập trung vào tăng trưởng: đó là bản thân đồng tiền, và tiền liên quan thế nào đến công nghệ.
Biến đổi khí hậu và những điều rùng rợn khác của thế Nhân sinh (Anthropocene) không chỉ nói với chúng ta rằng hãy chấm dứt việc sử dụng các loại năng lượng hoá thạch – chúng nói với chúng ta rằng bản thân toàn cầu hoá là điều không bền vững.
Quan điểm thể hiện trong bài báo này là quan điểm của người viết và không được BBC chứng thực. Bài này in lần đầu tiên trên The Conversation và được đăgn lại theo giấy phép Creative Commons.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.