Luật Sư Trâm Nguyễn kể chuyện lần đầu đắc cử dân biểu Massachusetts
Thiện Lê / Người Việt
ANDOVER, Massachusetts – Trong mùa bầu cử giữa kỳ năm 2018 vừa qua, nhiều dân cử gốc Việt ở khắp Hoa Kỳ đắc cử. Trong số những người này, có bà Trâm Nguyễn, vừa đắc cử chức dân biểu tiểu bang Massachusetts, Địa Hạt 18 Essex County, và là dân biểu gốc Việt đầu tiên của tiểu bang này.
Chiều 8 Tháng Mười Một, nói qua điện thoại với phóng viên nhật báo Người Việt, bà Trâm Nguyễn cho biết bà và những người trong nhóm vận động tranh cử phải làm việc vất vả để được số phiếu bầu giành chiến thắng.
“Đây là kết quả của nhiều tháng làm việc vất vả và chúng tôi đang ăn mừng điều đó. Chiến thắng này cho thấy nếu chúng ta chịu bỏ thời gian để làm quen với cư dân và hiểu các vấn đề họ muốn được giải quyết, thì họ sẽ nhiệt tình ủng hộ. Điều này làm tôi rất vui,” bà chia sẻ cảm xúc.
Bà kể, gia đình bà đến Hoa Kỳ tị nạn lúc bà chỉ mới 5 tuổi và bà lớn lên ở khu vực Merrimack Valley, Massachusetts. Lúc đó, mẹ bà mới 32 tuổi, bằng tuổi bà bây giờ, đến Mỹ cùng hai người con là bà Trâm, em gái và cha của bà.
Bà kể lúc đó gia đình gặp nhiều khó khăn vì cả nhà chỉ có $100, lại không nói được tiếng Anh. Nhưng qua nhiều khó khăn cùng sự nhẫn nại của gia đình và sự giúp đỡ của cộng đồng, bà Trâm là người đầu tiên trong gia đình được đi học đại học. Vì vậy, bà muốn trả ơn lại cho cộng đồng và muốn bảo đảm ai cũng có cơ hội để thành công.
Trong mùa bầu cử vừa qua, bà Trâm phải bỏ công việc luật sư bảy tháng trời để đi vận động tranh cử.
“Giờ thì tôi không cần phải đi làm luật sư nữa, vì tôi đắc cử và sẽ làm dân biểu toàn thời gian,” bà nói.
Về lý do tại sao bà quyết định ra tranh cử, bà cho hay: “Tôi làm luật sư, không chỉ ở tòa án mà còn liên quan đến nhiều dự luật được ký thành đạo luật. Trong hai năm, tôi tìm cách gặp dân biểu của tiểu bang Massachusetts (ông Jim Lyons–Cộng Hòa), nhưng ông không chịu gặp tôi. Điều đó làm tôi rất lo vì dân biểu phải đại diện cho cư dân, nhưng ông còn phản đối những dự luật tôi ủng hộ và không cho tôi cơ hội gặp ông để thuyết phục.”
“Một lý do nữa khiến tôi ra tranh cử là vì tôi muốn trở thành một dân biểu mà cư dân có thể liên lạc. Tôi muốn lắng nghe những vấn đề của họ, và họ cũng muốn có người nghe họ nói,” bà nói thêm.
Việc bà Trâm đắc cử là một chuyện có ý nghĩa lớn đối với người gốc Việt và gốc Á Châu ở Hoa Kỳ. Vì vậy, bà cho rằng chiến thắng của bà là nhờ cư dân chỉ quan tâm đến các thông điệp và các chính sách bà đưa ra khi vận động tranh cử. Bà muốn xây dựng một cộng đồng vững mạnh hơn để có thể chào đón và đối xử công bằng với tất cả mọi sắc dân.
“Chúng tôi rất tự hào vì cử tri lắng nghe thông điệp của mình và đây là một cuộc vận động tích cực, khuyến khích mọi người nhìn nhận sự khác biệt của từng người và bảo đảm ai cũng được đối xử công bằng. Tôi cũng rất tự hào vì mình là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên được ứng cử vào quốc hội tiểu bang Massachusetts,” bà nói.
Bà chia sẻ thêm: “Cư dân tôn trọng sự đa chủng tộc. Họ tôn trọng dân cử có tiếng nói mới, cái nhìn mới và họ hiểu tôi có kiến thức, có tình thương người để trở thành một nhà lập pháp tốt.”
Theo bà, người gốc Việt và người gốc Á Châu ngày càng được đại diện nhiều hơn trong chính trị Hoa Kỳ vì nhiều người gốc Việt đắc cử và tiểu bang Massachusetts còn có một thượng nghị sĩ gốc Việt (Dean Trần).
Bà Trâm còn chia sẻ một số kế hoạch, chính sách bà muốn thực hiện sau khi đắc cử. Một trong những ưu tiên hàng đầu của bà là y tế và bà muốn cư dân có y tế giá rẻ, tiện lợi.
Ngoài ra, việc nhiều người bị nghiện opioid ở khu vực Merrimack Valley cũng là một vấn đề bà muốn giải quyết. Bà muốn có nhiều trung tâm ngăn ngừa để dạy cho trẻ em sự nguy hiểm của nghiện ngập và giáo dục các em về sức khỏe tâm lý. Không chỉ vậy, bà muốn cộng đồng có nhiều trung tâm cai nghiện để giúp những người bị nghiện ngập trở lại cuộc sống bình thường và không bị tù tội.
Bà cũng muốn tiểu bang Massachusetts đứng đầu trong lĩnh vực an toàn súng để trẻ em được đi học an toàn. Cuối cùng, bà muốn cải thiện kinh tế để các tiểu thương, các gia đình làm công ăn lương có cơ hội thành công hơn.
Sau cùng là thông điệp bà muốn gửi đến các cộng đồng người gốc Việt, gốc Á Châu ở khắp Hoa Kỳ.
“Tôi muốn việc tôi đắc cử là một chuyện bình thường, chứ không phải là điều ngoại lệ. Tôi rất mừng vì nhiều người gốc Á Châu, đặc biệt là người gốc Việt đi tranh cử ở khắp nước Mỹ và tôi tự hào vì mình là một trong những người này. Tôi hy vọng các cộng đồng người gốc Việt sẽ ủng hộ tôi trong những năm sắp tới,” bà nói.
Bà Trâm gửi thông điệp cuối cùng: “Với những người trẻ tuổi muốn bước vào chính trường, tôi muốn nói với họ rằng tôi sẵn sàng ủng hộ và hướng dẫn họ, bất kể họ theo đảng nào. Ngoài ra, là một người tị nạn và bố tôi từng đi cải tạo tám năm, tôi rất quý giá trị của lá cờ vàng ba sọc đỏ. Lá cờ này thể hiện sức mạnh của cộng đồng người gốc Việt tại Hoa Kỳ. Tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng để nước Mỹ công nhận lá cờ này là cờ chính thức của người Mỹ gốc Việt.” (Thiện Lê)