Một ông ở Sài Gòn có bộ sưu tập vô giá ‘giấy tờ trước 1975’

Một ông ở Sài Gòn có bộ sưu tập vô giá ‘giấy tờ trước 1975’

\"\".
Ông Hiệp với tờ hóa đơn giá quảng cáo trên tờ báo Tiếng Chuông năm 1961 và hóa đơn mua bán xe đạp của thập niên 1970. (Hình: VNExpress)

 
SÀI GÒN, Việt Nam – Nhiều người nói ông Huỳnh Minh Hiệp, 46 tuổi, đang sống ở Sài Gòn, có trong tay một gia tài vô giá khi “đang lưu trữ hơn 1,000 hóa đơn, giấy tờ hành chánh, giấy tờ cá nhân… của Sài Gòn từ thời Pháp thuộc đến năm 1975.”
VnExpress cho hay, ông Hiệp đã bỏ ra khoảng 25 năm đi tìm kiếm nhiều nơi để có bộ sưu tập này.

Ông kể với VNExpress: “Từ năm 1993, tôi bắt đầu có đam mê chơi đồ cổ, nhất là những vật dụng gắn bó với người dân Sài Gòn ngày xưa. Tôi thấy các loại giấy tờ, văn bản… rất thú vị, thể hiện nhiều nét văn hóa, nếp sống của từng thời kỳ lịch sử khác nhau.”
.

Theo VNExpress, “Nhiều nhất trong bộ sưu tập là các loại giấy tờ mua bán ở Sài Gòn trước năm 1975. Mỗi cửa hàng đều có cách thể hiện nội dung hóa đơn với mẫu mã, hình ảnh phong phú để làm nổi bât lên thương hiệu hàng hóa.”

\"\"
Ông Huỳnh Minh Hiệp với bộ sưu tập vô giá của mình. (Hình: VNExpress)

“Trên tay tôi là hóa đơn giá quảng cáo trên tờ báo Tiếng Chuông năm 1961, có lượng phát hành rất lớn ở miền Nam lúc bấy giờ. Ở tay kia là hóa đơn mua bán xe đạp của thập niên 1970, thời kỳ này các cửa hàng thường được gọi là nhà buôn,” ông Hiệp giải thích với VNExpress.
Không chỉ có thế, “Ngay cả tiệm sửa khóa trên đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm, quận 1) ở cũng có hóa đơn được lập năm 1950. Thời điểm này, Sài Gòn vẫn thuộc quản lý của Pháp nên nhiều nội dung chứng từ, văn bản đều viết bằng tiếng Pháp, bên cạnh tiếng Việt và Hoa.”
“Vé xe đò chạy tuyến Sài Gòn-Vĩnh Long năm 1971 cũng là một dạng hóa đơn được ông Hiệp cất công sưu tập. Vé máy bay và phiếu hành lý của hãng hàng không Việt Nam Cộng hòa (Air Viet Nam) được chủ nhân bảo quản kỹ lưỡng.”
“Những tấm vé và tờ rơi quảng cáo phim của các rạp Eden, Văn Cầm, Đa Kao… như một thước phim cho thấy đời sống giải trí phong phú của người dân Sài Gòn ngày xưa.”
\"\"
Trong bộ sưu tập của ông Hiệp còn các loại giấy tờ mua bán xe gắn máy, bằng lái xe… “Giá trị nhất là chiếc xe hiệu Motobecane Pony xuất xưởng năm 1936. Xe này vốn là của một vị khâm sứ Pháp tặng lại cho ông Ngô Đình Thục, anh trai Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vào năm 1962,” chủ nhân bộ sưu tập cho biết.
Một dạng hóa đơn khác là tờ giấy để tính tiền các món ăn của tiệm cơm Khai Ký trên đường Phùng Hưng. Xưa nhất trong bộ sưu tập hóa đơn của ông Hiệp là bản thông báo đã đóng thuế thân khi tròn 18 tuổi của một người dân xã Bình Hòa, tỉnh Gia Định vào năm 1891.
Tấm thẻ học sinh được cấp ở Sài Gòn năm 1957 vẫn còn nguyên vẹn thông tin, hình ảnh.
Những thứ quý giá như “các loại văn bản hành chính nhà nước cũng được bảo quản cẩn thận. Giá trị nhất là giấy thông báo thưởng tiền của vua Bảo Đại cho phó tổng đốc phủ Hàm Thuận (tỉnh Bình Thuận) vào năm 1942. Văn bản này được viết bằng tiếng Pháp và tiếng Hoa, có con dấu của vị vua cuối cùng ở Việt Nam. Văn bản thông báo hủy tiền đã lưu hành để thay thế bằng đồng tiền mới của ngân hàng Đông Dương vào năm 1901 được bảo quản kỹ trong khung kiếng.”
Vẫn theo VNExpress, ông Hiệp còn có nhiều bộ sưu tập khác như xe máy, tiền, đồ gốm…
“Tôi có cả những món đồ rất bình dân như bao thuốc lá, chai nước ngọt, ly, chén… cách đây cả nửa thế kỷ. Với mỗi vật dụng đều là ký ức của một thời, đáng được trân trọng. Rất nhiều người muốn mua lại những món đồ của tôi với giá cao. Dù vậy tôi chưa bao giờ bán những thứ mình đã tâm huyết tìm kiếm,” ông Hiệp khẳng định.
Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment