Giới chức Mỹ lên án các hành vi khiêu khích của TQ tại Biển Đông
Ngày đăng 30-09-2019
Ngày 19/9, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch và Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menedez. Tại buổi điều trần, giới chức Mỹ tiếp tục lên án các hành vi khiêu khích, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại buổi điều trần, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch cho rằng, Mỹ phải hành động, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có các động thái gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menedez nhấn mạnh, cần phải kiểm soát các hành động của Trung Quốc gây phức tạp tình hình biển Đông cũng như việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ mục đích quân sự cần phải được kiểm soát. Cùng quan điểm trên, Hạ nghị sĩ Ted Yoho nhấn mạnh, ASEAN cần phản đối Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam, Philippines, Brunei và các nước ven biển khác bởi nếu để điều này tiếp tục tiếp diễn thì sẽ “hối không kịp”. Theo Hạ nghị sỹ Ted Yoho, không chỉ các nước ASEAN mà cả Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia cũng phải hợp sức, cùng nhau duy trì trật tự dựa trên luật lệ, đó cũng là nhân tố làm cho ASEAN thành công và đó là điều tất cả các nước phải tiếp tục thực hiện.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cho biết, kể từ đầu tháng 7, tàu Trung Quốc đã tiến hành khảo sát gần Bãi Tư Chính với các tàu hộ tống có trang bị vũ khí và dân quân biển nhằm đe dọa và ngăn Việt Nam và các nước ASEAN khác không được khai thác dầu khí tại Biển Đông. Với những hành động phi pháp, lặp đi lặp lại nhiều lần và việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục có những hành động ngăn các nước thành viên ASEAN không được tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo trị giá 2.500 tỷ USD. Ông Stilwell nhắc lại thông điệp của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á (EAS) lần thứ 9 ở Bangkok, Thái Lan, hồi tháng 8.
Trong đó, ông Pompeo đưa ra tuyên bố rõ ràng lên án hành vi bắt nạt các nước khác của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời thúc giục ASEAN và Trung Quốc xúc tiến hoàn thành COC có ý nghĩa, phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS); tái khẳng định mối quan ngại của Washington về việc Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi trật tự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương theo hướng có lợi cho mình, sử dụng chiến thuật đe dọa nhằm ép buộc các nước tuân theo lập trường chính trị và an ninh của Trung Quốc. Theo ông Stilwell, tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đang diễn ra nhanh chóng. Các cuộc tập trận của Bắc Kinh ngày càng phức tạp, không chỉ nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Mỹ trong khu vực mà còn ngầm gửi lời đe dọa tới các nước khác; nhấn mạnh các động thái này trái ngược với khẳng định của Trung Quốc về sự phát triển hòa bình.
Ngoài ra, về việc liệu Mỹ đã có chiến lược hay chính sách gì cụ thể để ngăn Trung Quốc không áp đặt “cường quyền” lên trật tự thế giới và các nước, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell cho rằng thương mại quốc tế phụ thuộc nhiều vào tự do hàng hải và hàng không và rất rõ là Trung Quốc đang cố gắng áp đặt sức mạnh trên biển với việc ngăn cản tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở là giải pháp cho thực tiễn này. Cùng ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell cũng đã tham dự buổi điều trần trước Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương và Cấm phổ biến vũ khí về ngân sách cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương tài khóa 2020. Ông Stilwell cho biết phía Mỹ đã công khai bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Biển Đông. Những hành động này đe dọa hòa bình, ổn định của khu vực và làm gia tăng sự hoài nghi về cam kết của Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Đáng chú ý, ông David Stilwell cũng cho biết, đã gửi bản báo cáo lên Ủy ban đối ngoại của Hạ viện Mỹ lên án các hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong bản báo cáo, ông Stilwell viết: “Trên Biển Đông, chúng tôi đã tuyên bố công khai mối quan tâm sâu sắc của mình đối với các hành động khiêu khích gần đây của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động dầu khí trong khu vực. Những hành động này làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời đặt câu hỏi về cam kết của Bắc Kinh đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Chúng tôi tiếp tục kêu gọi ASEAN phát triển một khuôn khổ có ý nghĩa phù hợp hoàn toàn với luật pháp quốc tế và tôn trọng quyền và lợi ích của các bên thứ ba. Khu vực này phải đối mặt với một số mối đe dọa phổ biến đòi hỏi chúng ta phải củng cố các liên minh và đối tác an ninh lâu dài và khuyến khích cách tiếp cận hợp tác hơn về an ninh. Mục tiêu của chúng ta là mở rộng mạng lưới các đối tác an ninh linh hoạt, linh động để thúc đẩy sự ổn định khu vực, nâng cao an ninh hàng hải và tự do hàng hải, mở rộng các hoạt động hỗ trợ/cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình và chống tội phạm xuyên quốc gia”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã đưa ra tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà trong bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay, rằng Bắc Kinh sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”.
Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; nhấn mạnh “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đăng tải thông cáo cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Theo thông cáo trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông – những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.