BẠN NÀO CÒN NHỚ, CÒN DÙNG… “DẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG” ??

Chuly sưu tầm

BẠN NÀO CÒN NHỚ, CÒN DÙNG… “DẦU NHỊ THIÊN ĐƯỜNG” ??

Sau 1975, dầu Nhị Thiên Đường ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài, và nhãn hiệu Nhị Thiên Đường tuy không còn sản xuất ở Việt Nam, nhưng vẫn được sản xuất ở nước ngoài.
Thời bao cấp xuất hiện những chai dầu Nhị Thiên Đường giả mạo, sau này người Việt xài dầu Nhị Thiên Đường sản xuất ở Hong Kong nhập về.
Khi còn học Tiểu học, bọn trẻ con chúng tôi đều biết câu đồng dao: “Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá”, bốn câu sau lúc đó chưa biết là gì, chỉ biết hai câu đầu. Nhất dương chỉ là môn võ tuyệt luân trong truyện kiếm hiệp Kim Dung, mà ngày đó, kiếm hiệp Kim Dung người miền Nam phần nhiều đều nằm lòng. Dầu Nhị Thiên Đường còn phổ biến hơn, vì phụ nữ, nhất là các cô, các bà lớn tuổi ít ai không có trong túi một lọ dầu ve bằng ngón út đựng ít dầu màu vàng nâu mang nhãn hiệu ông Phật mập này.
Dầu xài mọi lúc, mọi nơi.
Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng nhờ ra tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm giác cầm về hộp giấy nhỏ vuông dài, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô xọt rác. Hãng sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng chẳng mấy khi xem, vì đều biết rõ cách dùng từ lâu rùi.
Dầu Nhị Thiên Đường lúc đó được bà con lao động gọi là “Dầu trị bá bệnh” nữa, vì hễ khó ở là người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ, đau bụng thoa chỗ bao tử hoặc rún, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, chó cắn, gai xước, chảy máu thì dầu xài như thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm quấn miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức… thì đúng là xài dầu đã thành… nghiện !. Mà công hiệu thiệt !!! Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người miền Nam, kể cả nam giới, thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như một thứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió rất khó bỏ một thời .

Một thời vang bóng.
Dầu Nhị Thiên Đường là sản phẩm của nhà thuốc Nhị Thiên Đường của người Quảng Đông, do gia đình họ Vi sáng lập. Ban đầu chỉ xuất hiện ở những khu vực có người gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn, sau lan dần ra, vì người Việt dùng rất nhiều, đây là một trong những sản phẩm rất lâu năm ở xứ Việt ta, có cơ sở khác ở Malaysia, Singapore nữa … Tại Chợ Lớn, nhà thuốc đặt ở 47 Canton, sau này là Triệu Quang Phục. Trong cuốn niên giám Đông Dương 1933-1934 còn ghi lại rõ ràng: Nhị Thiên Đường Pharmacie asiatique, 47 rue de Canton, Telephone no 58, Directeur Vi-Khai, Chợ Lớn.
Sản phẩm chủ lực ban đầu của nhà thuốc Nhị Thiên Đường là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy. Ngoài ra còn dầu, gồm hai loại: dầu gió nước, và dầu Cù là cùng mang tên Nhị Thiên Đường.
Giai đoạn đầu dầu Cù là bán được, vì lúc đó người miền Nam ưa dùng dầu Cù là, trong đó có hiệu Mac – Phsu do người Myanmar (còn gọi là người Cù Là) sinh sống ở Việt Nam bán. Dầu cù là Mac – Phsu cũng đi vào câu đồng dao “Bòn bon sicula, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mac – Phsu” … cho thấy sản phẩm cũng rất được ưa chuộng, nhưng sau này nhiều người thích chuyển qua xài dầu gió dạng nước hơn, và đó cũng là lúc dầu Nhị Thiên Đường lên ngôi, bán khắp cả Đông Dương. Thậm chí đã có lúc từ Nhị Thiên Đường được dùng để nói về dầu gió, tương tự như Honda được dùng để nói về xe máy vậy. Mãi sau này Nhị Thiên Đường mới có một đối thủ xứng tầm là dầu Khuynh diệp Bác sĩ Tín.
Cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường.
Bên bờ kênh Đôi thuộc quận 8, trên trục lộ giao thông từ Sài Gòn đi Long An có một cây cầu bắc qua được xây từ năm 1925, bởi nhà thầu Vallois-Perret. Cầu có nhiều nét kiến trúc rất đẹp, đặc biệt ở phần ban công thép, và các trụ đèn trên cầu có nét đặc trưng không thể lẫn lộn với bất kỳ cây cầu nào khác.
Do cầu từ lúc xây dựng đã mang tên Nhị Thiên Đường, và đã có khá nhiều giai thoại về tên gọi này.
Có giai thoại cho rằng: trước đây nhà máy sản xuất thuốc, và dầu Nhị Thiên Đường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Đạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Đôi. Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Đôi, rất mất thời gian và nguy hiểm nữa. Ông chủ Nhị Thiên Đường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này để làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông. Cũng có giai thoại cho rằng: khi xây cầu thì chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Đường ủng hộ một phần tiền xây cầu, để đổi lấy việc đặt tên cầu, chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu, vì số tiền này rất lớn !.

Giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn, là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Đường. Trước đây địa điểm này được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Đường, nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Đường đặt cho cây cầu.
Không rõ trong các giai thoại trên, cái nào là chính xác nhất, nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Đường.
Quảng cáo và quảng bá chữ Quốc ngữ.
Để trở thành một thương hiệu lớn, đương nhiên không thể thiếu sự thành công của quảng cáo. Để quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Đường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo, đó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp, và Hán gọi là Vệ sinh chỉ nam. Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh, và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Đường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người xem có thể đọc thêm. Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Đường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện ngôn tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt – Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt, hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính). Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi, thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh…
Ban đầu mấy tập sách này tặng cho khách mua thuốc, hay khách qua đường để quảng cáo, nhưng sau khách xin nhiều quá để đọc, nên cuối cùng nhà thuốc phải in số lượng lớn, và bán với giá rẻ, chỉ vài cắc một bản. Sách này không bán ở nhà sách mà bán ở chợ, bến xe… cho người lao động, khách bình dân mua đọc.
Những Nhà văn không có tiền in sách, đã chọn cách đưa in ở sách quảng cáo nhà thuốc, đây cũng là một phương tiện tốt để đưa được tác phẩm đến với người đọc.
Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà Phê bình Thiếu Sơn đã kể lại: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh, trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ, rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để hạ 4 cắc, mà luôn luôn bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn Đoàn của Tao Đàn, hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm chú có vẻ tán thành, nhưng rồi lại bỏ qua, cho đến nỗi tới nay muốn đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc nữa !”.
Vì sao Nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc, và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Đường, mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú, và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng Việt mình.

BẢO HUYỀN (VStar)…

Bài Liên Quan

Leave a Comment