Dân biểu Lowenthal kiến nghị Nhà Trắng can thiệp vụ Hà Văn Thành
22/10/2019
Hôm 21/10, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal cho VOA biết rằng nhà hoạt động vì môi trường Việt Nam Hà Văn Thành phải là trường hợp “xứng đáng nhất” để được chính phủ Hoa Kỳ cấp quy chế tị nạn chính trị, và ông bày tỏ quyết tâm vận động để ông Thành được ở lại Mỹ, “kể cả việc trực tiếp vận động Tòa Bạch Ốc” giữa lúc có tin cho hay ông Thành đang tuyệt thực.
Trong một tuyên bố gửi qua email cho VOA, Dân biểu Alan Lowenthal, đại diện Hạt 47 của bang California, nêu rõ:
“Trường hợp của ông Thành là một trường hợp đáng được chính phủ chúng tôi xem xét nghiêm túc nhất. Các trường hợp như của ông ấy chính xác là lý do tại sao chúng tôi có một quy trình tị nạn.”
“Cá nhân tôi đã nhiều lần và liên tục liên lạc với các cơ quan liên bang trong nỗ lực làm nổi bật mối nguy hiểm trong trường hợp ông Thành bị trục xuất về Việt Nam. Tôi cứ đau đáu bởi chính sự cứng nhắc và thờ ơ của Chính phủ đương nhiệm đối với những người xin tị nạn nói chung, và đặc biệt là trong trường hợp của ông Thành – một điển hình hoàn hảo của một người nên được cấp quy chế tị nạn,” ông Lowenthal nói.
Dân biểu Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố trên sau khi có tin tức cho hay ông Hà Văn Thành, hiện đang bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải Quan (ICE) giam giữ, và sẽ bị trục xuất về Việt Nam trong tháng này.Tôi sẽ tiếp tục vận động cho ông Thành và để nêu rõ yêu cầu tị nạn của ông tại Hoa Kỳ, bao gồm cả việc tiếp cận trực tiếp với Nhà Trắng.DB Alan Lowenthal
Ông Lowenthal nhấn mạnh: “Tôi sẽ tiếp tục vận động cho ông Thành và để nêu rõ yêu cầu tị nạn của ông tại Hoa Kỳ, bao gồm cả việc tiếp cận trực tiếp với Nhà Trắng.”
Hôm 18/10, từ Chicago, ông Lê Thanh Tùng, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, người gần đây có nhận được các cuộc gọi của ông Hà Văn Thành từ trại giam Arizona, cho VOA biết:
“Thời gian này có vẻ Cơ quan Di trú làm việc quá căng. Mặc dù có sự can thiệp của một số dân biểu Hoa Kỳ các các NGO nhưng họ vẫn quyết định trục xuất anh Hà Văn Thành về Việt Nam.”
Ông Tùng cho biết ông Hà Văn Thành bị di lý từ New Mexico đến Texas, bị yêu cầu ký vào giấy trục xuất nhưng ông Thành không chịu ký. Sau đó, họ đưa ông về lại New Mexico, một tuần sau thì chuyển về lại Texas.
“Một ngày sau đó thì anh bị chuyển đến trại tù ở bang Arizona và họ cho biết sẽ trục xuất anh Thành trong vòng vài ngày nữa cùng chung với những người di dân lậu từ Việt Nam qua,” ông Tùng cho biết thêm.
Ông Tùng nói trong cuộc điện thoại gần nhất mà ông Thành gọi về cho biết ông đã quyết định tuyệt thực từ ngày 16/10 tại nhà tù liên bang ở tiểu bang Arizona để phản đối việc bị trục xuất về lại Việt Nam.
“Anh Hà Văn Thành đã tiến hành tuyệt thực và tính đến ngày hôm nay (18/10) thì anh Thành đã tuyệt thực đến ngày thứ ba.
“Tối hôm qua (17/10), anh Thành gọi điện ra báo rằng tình hình rất là căng. Họ ép trục xuất anh Thành về Việt Nam nhưng do anh đang tuyệt thực, sức khỏe rất yếu, nên vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.”Tối hôm qua (17/10), anh Thành gọi điện ra báo rằng tình hình rất là căng. Họ ép trục xuất anh Thành về Việt Nam nhưng do anh đang tuyệt thực, sức khỏe rất yếu, nên vẫn chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.Ông Lê Thanh Tùng
Trong những bức thư các dân biểu Hoa Kỳ gửi cho ICE và Thẩm phán Di trú vào tháng 6 cho biết ông Thành từng tham gia biểu tình phản đối Formosa cùng với hàng trăm nạn nhân của thảm hoạ môi trường biển do nhà máy thép của tập đoàn này gây ra ở ven biển 4 tỉnh miền Trung vào năm 2016.
Ông đã đào thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12/05/2018, vì lo sợ sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù như một số nhà hoạt động về môi trường khác là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong, bức thư cho biết.
Ông đã đi qua Lào sang Thái Lan rồi tới Cuba, Panama, Mexico. Ông Thành đã đi bộ đến biên giới Mỹ và xin tị nạn với cảnh sát tại cửa khẩu Hoa Kỳ vào ngày 24/07/2018.
Ông Tùng cho biết, Toà án Di trú Hoa Kỳ ra phán quyết từ chối cấp quy chế tị nạn cho ông Thành vào ngày 10/05/2019 sau 3 lần ra toà, và nói sẽ trục xuất trong vòng 30 ngày sau đó.
Tuy nhiên, việc trục xuất chưa được thực hiện ngay sau đó do bốn Dân biểu Alan Lowenthal, Zoe Lofgren, Lou Correa và Harley Rouda và một số tổ chức phi chính phủ vận động Chính phủ Hoa Kỳ xem xét cho ông Thành được hưởng quy chế tị nạn.
“Lúc quan tòa hỏi những câu hỏi thì có nhiều lúc anh Thành không xác định lại được thời gian và trả lời không phù hợp với câu hỏi,” luật sư di trú Khanh Phạm, đại diện pháp lý cho ông Thành trong các phiên tòa di trú vừa qua, cho VOA Việt ngữ biết vào tháng 6. “Về vấn đề tị nạn thì bây giờ nói chung họ làm khó hơn.”