Biển Đông: Tàu Hải Dương Địa Chất 8 rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế VN
Reuters dẫn dữ liệu từ trang web chuyên theo dõi các hoạt động của tàu thuyền trên biển đưa tin cho hay, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau hơn ba tháng khảo sát ở đây.
Tin cho biết tàu này rời đi sáng 24/10 với sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác, theo dữ liệu từ Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển.
Căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh leo thang khi Trung Quốc cử tàu đến khảo sát ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam này từ đầu tháng Bảy.
Trong tháng Tám, sau hơn một tháng hoạt động thăm dò địa chất thềm lục địa khu vực trầm tích Tư Chính, tàu này cập bến Đá Chữ Thập (Fierry Cross) và Đá Subi vài ngày để lấy nhiên liệu và thay thủy thủ đoàn, rồi lại quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đá Chữ Thập vốn là đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Trên thực tế, Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát nơi này kể từ 1988.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên.
Reuters cũng nói là họ đã gửi email yêu cầu Bộ này bình luận nhưng hiện chưa nhận được hồi đáp.
Trong khi đó, hồi tháng 8, một cuộc biểu tình của những người phản đối hành động trên của Trung Quốc dự tính tổ chức bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, nhưng đã bị nhà cầm quyền dẹp bỏ.
Trong cuộc trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 24/10, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển và hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng Trung Quốc đã đạt được đa mục tiêu sau ba tháng triển khai các hoạt động của tàu thăm dò địa chất này, cùng với đội tàu hộ tống, áp tải.
Nhà nghiên cứu đưa ra phân tích và cho rằng Trung Quốc rút tàu còn có lý do cân nhắc tam giác quan hệ an ninh Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, đặc biệt trong tình hình Mỹ có các điều chỉnh trên bàn cờ an ninh chiến lược quốc tế, mà trong nội bộ Việt Nam có sự nhận thức mới.
Việc kiện Trung Quốc ra tòa án hay cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp và vũ khí \’cuối cùng\’, ông Hoàng Việt nhấn mạnh với BBC ngay trước thềm Bàn tròn thứ Năm từ London mà sẽ đề cập diễn biến mới này tối hôm 24/10 theo giờ Việt Nam.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thành viên Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cũng là nghiên cứu viên cao cấp Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết, Trung Quốc không muốn bất kỳ công ty nào ngoài ASEAN khoan dầu ở Biển Đông.
Ông Hợp cũng cho biết Trung Quốc chỉ rút tàu sau khi giàn khoan dầu Hakuryu 5 của Nhật Bản hoàn thành việc khoan tại khu vực lô 06.1, do công ty dầu khí Rosneft của Nga vận hành.
Cũng từ tháng Bảy, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng hoạt động quanh khu vực có giàn khoan nói trên, theo dữ liệu từ trang web Marine Traffic.
\”Trung Quốc quyết tâm gây sức ép để Việt Nam nhằm chấm dứt hoạt động thăm dò và khai thác dầu chung với các đối tác nước ngoài trong khu vực,\” ông Hợp được Reuters dẫn lời cho biết.
Năm ngoái, Việt Nam đã tạm dừng dự án khoan dầu đã cấp phép cho tập đoàn Repsol ở lô Cá Rồng Đỏ ngoài khơi bờ biển Đông Nam cũng vì áp lực từ Trung Quốc, theo các nguồn tin quốc tế.
Còn một công ty con của Rosneft gần đây cũng lo rằng, việc vận hành khoan dầu tại đây có thể khiến Trung Quốc nổi giận.
Tuần trước, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nói trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội rằng, Việt Nam sẽ \”không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.\”
Biển Đông cũng nằm trong nghị trình bàn thảo kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII, ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra yêu cầu về việc \”phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra.\”
Còn Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10 thì nói rằng, các đảo ở Biển Đông là \”một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại,\” ông này tuyên bố.
\”Có vẻ như Trung Quốc sẽ cử một giàn khoan đến khu vực mà Hải Dương Địa Chất 8 đã thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,\” ông Hợp nói, theo Reuters.
Ông Derek Grossman, chuyên gia cao cấp Trung tâm Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, RAND Corporation, hôm 20/10 cũng nói với BBC News Tiếng Việt rằng, trong tương lai gần, rất khó hình dung đến một kịch bản mà trong đó, Trung Quốc lại quyết định rút hoàn toàn khỏi Bãi Tư Chính.