Nhờ DNA, một ông tìm được mẹ Việt và cha Mỹ sau 50 năm
November 2, 2019
NORFOLK, Virginia (NV) – Trong hầu như cả cuộc đời, từ khi bắt đầu có sự hiểu biết, ông Kirk Kellerhals đã bị dằn vặt bởi nguồn gốc của mình.
Năm nay 50 tuổi, ông Kellerhals, nay sống ở Norfolk, tiểu bang Virginia, được hai vợ chồng một đại úy Lục Quân Mỹ nhận làm con nuôi ngay sau khi sinh ra ở Việt Nam, trong thời gian có cuộc chiến tranh.
Vào thời điểm đó, cha mẹ nuôi của ông Kellerhals nghĩ rằng cha mẹ ruột của ông đều đã qua đời, theo bài báo đăng trên People hôm Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Một.
“Theo giấy tờ, mẹ tôi là người Việt Nam và đã qua đời, cha tôi cũng được ghi là đã chết,” theo lời ông Kellerhals khi kể lại cho tạp chí People nhân tháng chú trọng đến các đứa trẻ đang chờ được nhận làm con nuôi, có tên “National Adoption Awareness Month.”
“Tôi lớn lên và luôn nghĩ rằng cha mẹ tôi đã chết, cả hai ông bà không ai còn sống,” ông Kellerhals nói.
Ông Kellerhals, người có tóc đen và nước da ngăm, nói rằng khi lớn lên, ông từng bị hiểu lầm là thuộc đủ các giống dân và bị gọi “đủ thứ tiếng xấu mà bạn có thể nghĩ tới.” Tuy ông biết rằng ông có dòng máu Việt Nam trong người, toàn bộ gốc gác vẫn là điều bí ẩn đối với ông.
Mãi cho đến hai năm trước đây.
Lúc đó, theo sự thúc giục của bà vợ, ông Kellerhals có cuộc thử nghiệm DNA, qua công ty Family Tree DNA, để tìm hiểu xem nguồn gốc của mình là gì. Thế nhưng, ông không thể ngờ đến những gì sẽ xảy ra, thay đổi toàn bộ cuộc đời.
“Khi ấy tôi chỉ nghĩ, ờ thì để xem mình thực sự là người gốc gì, và để có thể đoán được mình từ đâu tới. Tôi nghĩ cùng lắm là sẽ kiếm thấy người anh em họ xa hay một địa chỉ nào đó,” ông nhớ lại.
Khoảng bốn tuần sau khi nộp mẫu DNA, có một email từ một cái tên xa lạ bỗng dưng thấy xuất hiện trong hộp thư của ông.
“Cái tên này có vẻ là người Phi Châu, do vậy tôi nghĩ chắc có ai tính lừa mình, nên chẳng buồn mở ra,” theo lời ông Kellerhals, người có ba đứa con trai và một gái.
Ông cứ để yên không đọc, cho đến mấy phút sau đó, khi ông nhận được email từ công ty Family Tree DNA.
“Email đó là thông báo cho biết có người trùng DNA với tôi. Khi tôi mở email này ra, tôi thấy tên của một người giống như trên email vừa gởi tới tôi. Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng: ‘Đây là một cái tên Việt Nam.’ Và tôi hết hồn luôn,” ông cho hay.
Ông Kellerhals mở email nọ, và thấy một số điện thoại bên trong.
Chẳng bao lâu sau đó, ông Kellerhals nói chuyện được với mẹ ruột của mình, người mà ông tưởng đã chết lâu nay.
“Thật không thể tưởng tượng,” ông Kellerhals kể lại phút giây đó. “Đây là một trong ít lần trong cuộc đời của tôi mà tôi phải thật sự ngồi xuống, hít một hơi dài, để biết rằng mình không nằm mơ.”
Mẹ của ông, bà Thúy Nga Thị Nibblett, 67 tuổi, giải thích rằng cha mẹ bà vô cùng tức giận khi biết rằng bà có bầu, mà lại có bầu với một người lính Mỹ. Cha mẹ bà sau đó tìm đủ cách để xóa đứa bé ra khỏi cuộc đời của con gái họ.
“Cha ruột của tôi rời Việt Nam trước khi mẹ tôi biết là bà mang bầu để có cơ hội nói với ông,” theo lời ông Kellerhals.
“Có bao nhiêu điều đã xảy ra khiến cha tôi không kiếm được mẹ tôi vì gia đình của bà thay đổi tên họ và thiêu hủy mọi giấy tờ liên hệ đến ông, cũng như các địa chỉ, điện thoại mà bà có thể liên lạc,” ông nói.
Cha mẹ của bà Nibblett đưa đứa nhỏ vào viện mồ côi ngay sau khi sinh ra và không cho con gái biết chi tiết nào khác.
Bà Nibblett sang Mỹ năm 1971 và trong gần năm thập niên qua, vẫn tiếp tục tìm kiếm đứa con của mình.
Nhưng bà mẹ còn có một tin tức “động trời” khác để kể cho đứa con trai: Là cha của ông Kellerhals, ông Sheldon “Skip” Soule, 76 tuổi, còn sống và đang ở New York.
“Điều này đảo lộn đời sống tôi, vì tôi lớn lên trong gần 50 năm, cứ nghĩ rằng cha mẹ mình đã chết,” theo ông Kellerhals.
Ông Kellerhals và cha mẹ ông đoàn tụ với nhau chẳng bao lâu sau đó. Kể từ đó đến nay, ông cũng được biết thêm về các anh chị em khác ở cả hai bên gia đình cha mẹ mình.
Và dù rằng có khoảng cách 50 năm giữa hai mẹ con, ông Kellerhals nói việc gặp lại bà mẹ Nibblett khiến ông cảm thấy như họ chưa bao giờ bị xa cách.
“Khi tôi nói chuyện với mẹ tôi, tình mẹ con thật dễ dàng cảm thấy. Một điều rất khó mà diễn tả thành lời,” theo ông Kellerhals. (V.Giang)