Nhân chứng Tân Cương: Cưỡng hiếp tập thể và thí nghiệm trên con người
- David Stavrou
Cưỡng hiếp tập thể, phá thai, tra tấn và thí nghiệm trên con người – Đó là lời chứng về những gì một người phụ nữ Hồi giáo trải qua và chứng kiến trong cái gọi là “trại giáo dục cải tạo” ở Tân Cương.
Sayragul Sauytbay trong một tòa án tại Kazakhstan
trước khi được quốc tế tác động cho tị nạn tại Thụy Điển.
Cô Sayragul Sauytbay, 43 tuổi, là một phụ nữ Hồi giáo gốc Kazakhstan, lớn lên ở quận Mongolküre, gần biên giới Trung Quốc – Kazakhstan. Giống như hàng triệu người sống tại Tân Cương, cô đã trở thành nạn nhân trong chiến dịch đàn áp Tân Cương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dưới đây là những ngược đãi tinh thần mà cô chứng kiến bên trong hệ thống trại cải tạo tập trung, nơi giam giữ từ một đến hai triệu người dân tộc thiểu số Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, tờ Haaretz đưa tin.
Hai mươi tù nhân sống trong một căn phòng nhỏ. Họ bị còng tay, đầu cạo trọc, mọi cử động đều bị camera trần theo dõi. Một cái xô ở góc phòng là nhà vệ sinh của họ. Một ngày của họ bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng. Họ bị buộc phải học tiếng Trung, ghi nhớ các bài hát tuyên truyền và đọc các tờ khai nhận tội đã được ghi sẵn. Họ ở trong độ tuổi từ thanh thiếu niên đến người già.
Họ trải qua tra tấn tàn khốc, bị rút móng tay, bị sốc điện trong các căn phòng tối. Họ bị buộc phải uống và tiêm các loại thuốc không rõ nguồn gốc, họ trở thành đối tượng thí nghiệm. Nhiều tù nhân bị suy giảm nhận thức. Một số người đàn ông trở nên vô sinh. Phụ nữ thường xuyên bị hãm hiếp, bị cưỡng bức phá thai.
Đó là cuộc sống trong các trại cải tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua lời khai hiếm hoi do Sayragul Sauytbay cung cấp. Cô là một giáo viên trốn khỏi Trung Quốc và được tị nạn ở Thụy Điển. Rất ít tù nhân có thể làm được như vậy.
Trung Quốc cố gắng phủ lên tội ác tại Tân Cương một lớp màn bóng bẩy: từ các chương trình giáo dục và đào tạo nghề miễn phí cho đến việc phòng ngừa chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan. Tuy nhiên sự thực diễn ra trong hệ thống trại cải tạo lại hoàn toàn khác.
Dạy tiếng Trung cho tù nhân hay là chết
Khi còn trẻ, Sauytbay từng học y khoa và làm việc trong bệnh viện. Sau đó, cô chuyển sang ngành giáo dục và được tuyển dụng vào dịch vụ của nhà nước, phụ trách năm trường mầm non. Mặc dù cuộc sống khá ổn định, cô và chồng đã lên kế hoạch trong nhiều năm để rời Trung Quốc cùng hai đứa con, chuyển về Kazakhstan. Nhưng kế hoạch đã bị trục trặc vào năm 2014, khi chính quyền bắt đầu thu hộ chiếu của công chức, Sauytbay nằm trong số đó. Hai năm sau, ngay trước khi hộ chiếu của toàn dân bị tịch thu, chồng cô rời khỏi đất nước cùng các con.
Cuối năm 2016, cảnh sát bắt đầu bắt người vào ban đêm. Mẫu DNA, máu, sinh trắc học từ người dân tộc thiểu số bị thu thập. Cảnh sát bắt đầu thông báo rằng các trung tâm cải tạo dân cư sẽ sớm được mở. Sauytbay cắt đứt liên lạc với chồng con, lo ngại họ sẽ bị bắt nếu về nước.
Tháng 11/2017, bốn người đàn ông có vũ trang mặc đồng phục che đầu và bắt cóc cô tới một trại cải tạo xa lạ. Tại đây, cô được lệnh phải dạy tiếng Trung cho các tù nhân, và phải ký vào một tài liệu quy định nhiệm vụ của cô và các quy tắc của trại. Họ đe dọa rằng nếu cô không hoàn thành nhiệm vụ và tuân thủ quy tắc, cô sẽ nhận án tử hình. Tài liệu cấm giáo viên nói chuyện với các tù nhân, cấm cười, cấm khóc và cấm trả lời câu hỏi của bất cứ ai.
Sauytbay ký vì không có sự lựa chọn, và sau đó cô nhận được một bộ đồng phục và được đưa đến một phòng ngủ nhỏ với một chiếc giường bê tông và một tấm nệm nhựa mỏng. Có năm camera trên trần nhà – một ở mỗi góc và một camera khác ở giữa.
Cuộc sống của các tù nhân
Các tù nhân khác, những người không phải chịu trách nhiệm giảng dạy, phải sống trong điều kiện tồi tệ hơn. Gần 20 người trong một căn phòng rộng 16 mét vuông có gắn camera theo dõi. Mỗi phòng có một xô nhựa làm nhà vệ sinh. Mỗi tù nhân được cho hai phút mỗi ngày để sử dụng nhà vệ sinh, và xô chỉ được làm trống mỗi ngày một lần. Nếu nó đầy, bạn phải đợi đến ngày hôm sau. Các tù nhân mặc đồng phục và đầu của họ bị cạo trọc. Tay và chân của họ bị xích cả ngày, trừ khi họ phải viết. Ngay cả trong giấc ngủ, họ cũng bị xích, và họ được yêu cầu ngủ bên phải – bất cứ ai lật bên đều bị trừng phạt.
Có ba bữa một ngày. Tất cả các bữa ăn đều có súp gạo hoặc súp rau và một lát bánh mì nhỏ. Thịt được phục vụ vào thứ Sáu, nhưng đó là thịt lợn. Các tù nhân bị buộc phải ăn thịt lợn, dù đạo Hồi nghiêm cấm điều này. Nếu không ăn họ có thể bị phạt.
Sauytbay phải dạy cho các tù nhân – những người nói tiếng Duy Ngô Nhĩ hoặc tiếng Kazakhstan – những bài hát tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc học bắt đầu sau bữa sáng. Có những giờ được quy định để học các bài hát tuyên truyền và đọc các khẩu hiệu từ các áp phích. Buổi chiều và buổi tối được dành cho việc đọc những lời “thú tội” và suy nghĩ về “tội” của mình. Hầu hết mọi việc có thể được coi là tội, kể cả việc quan sát các hoạt động tôn giáo hay không biết tiếng Trung. Các tù nhân không nghĩ ra tội sẽ có thể bị trừng phạt. Vào lúc 10 giờ, họ phải viết về tội lỗi của mình trong 2 giờ và giao ghi chép đó cho những người phụ trách.
Sauytbay ước tính rằng có khoảng 2.500 tù nhân trong trại. Người lớn tuổi nhất mà cô gặp là một phụ nữ 84 tuổi, người trẻ nhất là một cậu bé 13 tuổi. Họ có thành phần đa dạng, học sinh và công nhân, doanh nhân và nhà văn, y tá và bác sĩ, nghệ sĩ và nông dân…
Tra tấn
Có một căn phòng được dùng để tra tấn, gọi là “phòng đen”. Các tù nhân bị cấm nói chuyện về nó. Có tất cả các loại tra tấn ở đó. Một số tù nhân bị treo trên tường và bị đánh bằng những cây gậy điện. Có những tù nhân bị bắt ngồi trên ghế đinh. Sauytbay từng thấy mọi người trở về từ căn phòng, người đầy máu. Một số đã trở lại mà không có móng tay.
Nguyên nhân khiến tù nhân bị đưa vào phòng rất tùy tiện. Một bà già chăn cừu không biết đến điện thoại, đã từ chối tội lỗi bị quy chụp cho mình là “nói chuyện với ai đó từ nước ngoài qua điện thoại”. Bà bị đưa đi, và khi trở lại người dính đầy máu, móng tay không còn, và da bà bị bong ra.
Cưỡng hiếp tập thể, ép phá thai
Số phận của những người phụ nữ trong trại đặc biệt khắc nghiệt. Cảnh sát có quyền lực vô hạn. Họ có thể mang bất cứ người phụ nữ nào họ muốn đi. Cũng có trường hợp bị cưỡng hiếp tập thể. Có trường hợp phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể, sau đó buộc phải quay lại lớp học của Sauytbay. Khi được lệnh ngồi xuống, cô ấy đã không thể làm được do đau đớn. Do đó, cô ấy tiếp tục bị mang tới “phòng đen” để bị trừng phạt.
Một ngày nọ, cảnh sát nói với các phụ nữ rằng họ sẽ kiểm tra xem liệu việc cải tạo có thành công hay không, liệu họ có đang phát triển đúng cách hay không.
Họ bắt 200 tù nhân ra bên ngoài, đàn ông và phụ nữ, và nói với một trong những người phụ nữ thú nhận tội lỗi của mình. Cô ấy đứng trước họ và tuyên bố rằng cô ấy là một người xấu, nhưng bây giờ cô ấy đã học tiếng Trung, cô ấy đã trở thành một người tốt hơn. Khi cô nói xong, cảnh sát ra lệnh cho cô cởi quần áo và đơn giản là cưỡng hiếp cô hết lần này đến lần khác, trước mặt mọi người. Trong khi họ cưỡng hiếp cô, họ kiểm tra xem các tù nhân còn lại đang phản ứng như thế nào. Những người quay đầu lại hoặc nhắm mắt lại, và những người trông tức giận hoặc sốc, đã bị bắt đi và các tù nhân không bao giờ gặp lại họ nữa.
Lời khai tương tự từ những người tị nạn Tân Cương cũng xuất hiện trên tờ Washington Post và tờ Independent. Một số phụ nữ tuyên bố rằng họ bị cưỡng hiếp, những người khác kể họ bị ép phá thai hoặc buộc phải đặt dụng cụ tránh thai.
Ruqiye Perhat, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ 30 tuổi, bị giam giữ trong trại cải tạo bốn năm và hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, kể về việc cô bị lính canh cưỡng hiếp nhiều lần. Cô hai lần mang thai trong tù và đều bị buộc phải phá thai. Phụ nữ hay đàn ông dưới 35 tuổi đều bị cưỡng hiếp và lạm dụng tình dục.
Gulzira Auelkhan, một phụ nữ 40 tuổi bị giam trong một năm rưỡi, nói với tờ Post rằng lính gác sẽ vào và chụp mũ đen vào người họ muốn mang đi. Một lính gác người Kazakh tuồn được một bức thư ra ngoài, trong đó chép rằng: trong bếp có hai cái bàn, một cái để đồ ăn nhẹ và rượu, và cái kia để lính canh thực hiện việc cưỡng hiếp.
Thí nghiệm trên con người
Sauytbay nói rằng cô đã chứng kiến việc thực hiện các thủ tục y tế trên tù nhân mà không có lý do chính đáng. Cô nghĩ rằng đó là cách họ thí nghiệm trên con người. Các tù nhân sẽ bị cho uống thuốc hoặc tiêm. Họ được cho biết là để phòng bệnh, nhưng các y tá bí mật nói với Sauytbay rằng thuốc ấy rất nguy hiểm và cô không nên dùng chúng.
Những viên thuốc có nhiều loại tác dụng khác nhau. Một số tù nhân bị suy yếu nhận thức. Phụ nữ ngừng kinh nguyệt và đàn ông trở nên vô sinh. Các tù nhân đã bí mật lan truyền điều này.
Mặt khác, khi các tù nhân thực sự bị bệnh, họ đã không được chăm sóc y tế. Ví dụ một phụ nữ trẻ bị tiểu đường ngày một nặng, không còn đủ sức để đứng vững. Tuy nhiên cô không được giúp đỡ hay điều trị. Một người phụ nữ khác đã trải qua phẫu thuật não trước khi bị bắt. Mặc dù cô ấy có đơn thuốc, nhưng cô ấy không được phép uống.
Lời chứng của các tù nhân khác trên New York Times cũng tương tự. Zharkynbek Otan, 32 tuổi, bị giam 8 tháng, đã mô tả rằng anh bị tiêm một mũi được cho là để “phòng cúm và AIDS”. Sau đó Otan dễ bị mất trí nhớ và chậm chạp.
Tội ác lớn nhất
Trong lá thư gửi tới Bộ Ngoại giao Anh vào tháng 9/2019, nhà báo Ethan Gutmann đã đề cập tới nỗi lo ngại lớn nhất của ông đối với cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tân Cương. Đó là việc họ đang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương như một ngân hàng nội tạng sống phục vụ cho việc thu hoạch tạng.
Năm 2017, hầu như tất cả mọi người Duy Ngô Nhĩ, đàn ông, phụ nữ và trẻ con – khoảng 15 triệu người – đã bị thu thập máu và DNA, và cách thu thập máu này là tương đương với việc thu thập máu dùng cho xét nghiệm cấy ghép tạng. Trong khi đó, các cơ quan báo chí, và thậm chí cả Liên Hợp Quốc, đã báo cáo rộng rãi, rằng có từ 1 tới 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động cải tạo.
Ông Ethan Gutmann cũng đề cập tới việc 9 nhà hỏa táng đã được xây dựng bất thường tại Urumqi vào đầu năm 2018, và được quản lý bởi 50 lính canh gác. Có 3 đường bay nhanh được mở dành cho việc vận chuyển tạng người trong các sân bay tại khu vực. Và các nhân chứng Duy Ngô Nhĩ đã cung cấp cho Tòa án Trung Quốc tại London lời chứng về việc kiểm tra y tế phục vụ cho việc thu hoạch tạng.
Theo ông Ethan Gutmann, tội ác thu hoạch tạng phát triển mạnh thông qua cuộc đàn áp Pháp Luân Công hiện đã lan sang nhiều cộng đồng tín ngưỡng khác, trong đó có cả các tín đồ Kitô giáo và Phật giáo Tây Tạng. Tuy nhiên, nhóm tù nhân tại Tân Cương rất có thể sẽ là nhóm chủ yếu kế tiếp bị thu hoạch tạng trên quy mô khổng lồ.
Trốn thoát
Tháng 3/2018, Sauytbay bất ngờ được thả và đưa trở lại căn hộ của mình. Cô trở lại làm người quản lý năm trường mầm non, và được lệnh không được phép kể gì về chuyện đã xảy ra. Tuy nhiên 3 ngày sau khi quay lại công việc, cô đột nhiên bị đuổi việc vì bị nghi ngờ “phản quốc” và liên hệ với người nước ngoài. Cảnh sát nói rằng cô có thể sẽ bị gửi tới trại cải tạo – nhưng lần này cô sẽ trở thành tù nhân.
Sauytbay quyết định rằng cô sẽ chạy trốn và đặt cược tính mạng khi cô được đưa trở về căn hộ của mình, dù có cảnh sát canh gác bên ngoài. Cô trốn ra ngoài qua một cửa sổ và trốn sang nhà hàng xóm. Từ đó cô bắt taxi đến biên giới với Kazakhstan và lẻn qua. Ở Kazakhstan cô đã tìm thấy gia đình của mình.
Ngay sau cuộc đoàn tụ với gia đình, Sauytbay đã bị cơ quan mật vụ Kazakhstan bắt giữ và tống giam 9 tháng vì vượt biên bất hợp pháp. Ba lần cô gửi yêu cầu xin tị nạn, và ba lần cô bị từ chối. Cô phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc. Nhưng gia đình cô liên lạc được với một số cơ quan truyền thông, quốc tế đã can thiệp để cô được cấp tị nạn ở Thụy Điển.
Được yêu cầu trả lời về lời kể của Sayragul Sauytbay, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã viết cho tờ Haaretz rằng toàn bộ câu chuyện của cô là những lời dối trá và là sự bôi nhọ độc hại chống lại Trung Quốc. Họ nói Sauytbay không bao giờ làm việc trong bất kỳ trung tâm giáo dục và đào tạo nghề nào ở Tân Cương, và chưa bao giờ bị giam giữ trước khi rời Trung Quốc. Họ còn nói rằng Sauytbay bị nghi ngờ là gian lận tín dụng ở Trung Quốc với các khoản nợ chưa trả khoảng 400.000 Nhân dân tệ.
Đại sứ quan Trung Quốc cũng nói thêm rằng Tân Cương trong những năm gần đây đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa ly khai sắc tộc, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Các trung tâm giáo dục và đào tạo nghề đã được thành lập theo luật pháp để tiêu diệt chủ nghĩa cực đoan, không phải là “trại tù”. Họ còn nói rằng sau hơn ba năm, công tác giáo dục và đào tạo nghề ở Tân Cương đã giành được sự ủng hộ của tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương và những bình luận tích cực từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ai cũng biết sự thật là gì.
Theo David Stavrou, Haaretz (haaretz.com)
Minh Nhật tổng hợp dựa theo bản dịch đăng trên Facebook dịch giả Đoàn Bảo Châu