Lê Nguyễn Thiện Truyền ở tù Cộng Sản, vượt biển tìm tự do

Lê Nguyễn Thiện Truyền ở tù Cộng Sản, vượt biển tìm tự do

Văn Lan/Người ViệtNovember 19, 2019

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền hãnh diện với đồng xu tiền VNCH có hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được cất giữ bao nhiêu năm qua. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đường vào binh nghiệp của cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (kỳ cuối)

STANTON, California (NV) – Ngày 30 Tháng Tư mỗi năm lại về như một lời nhắc nhớ, người lính VNCH ai cũng hụt hẫng, đối với những người chỉ huy lại càng đau đáu bên lòng khi vận mệnh đất nước xảy ra quá nhanh, cả miền Nam như ở trong bầu không khí ngột ngạt khó thở, chỉ chực chết nghẹn với bao nỗi oan khiên, với những cảnh tù đày không biết ngày về.

Cả đơn vị đồng đội quyến luyến giã từ nhau, cầu nguyện chúc anh em binh sĩ trở về nhà được an lành lo cho gia đình. Còn cấp sĩ quan chỉ huy tự nhận hoàn toàn trách nhiệm, sau đó bị bắt hết, tâm trạng ai cũng hụt hẫng, dù biết sẽ có ngày này.

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền kể: “Là trung đoàn phó Trung Đoàn 46, tôi bị bắt ngay mặt trận chung với Trung Tá Trung Đoàn Trưởng Phạm Văn Nghym, niên trưởng Khóa 18 Võ Bị Đà Lạt; cùng Đại Tá Tôn Thất Soạn, tỉnh trưởng Hậu Nghĩa; và Thiếu Tướng Lý Tòng Bá, tư lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh; tất cả bị cầm giữ tại Củ Chi cùng nhiều cán bộ sĩ quan khác.”

“Đám Việt Cộng giựt tấm bản đồ của tôi ném mạnh xuống đất, hằn học bu lại hỏi ‘Đ.M mày còn trẻ sao làm chức to thế, có ‘mua chức’ của thằng Thiệu không?’ Tôi nổi nóng trả lời ‘Chúng tao chỉ biết đánh nhau với chúng mày để bảo vệ tự do cho miền Nam của tao.’ Bọn chúng lên đạn dữ dằn nhưng do chúng can nhau nên thôi, lúc đó tôi cũng muốn chọc bọn nó bắn chết cho rồi,” ông nhớ lại.

Đời tù bắt đầu 

Đầu tiên ông bị nhốt tại Củ Chi, rồi tới trại Suối Máu, nơi địa ngục trần gian. Có hai người ở chung phòng với ông Truyền trốn trại bị bắt lại, bị hành hạ khoảng tháng sau chỉ còn bộ xương. “Ngày ra ‘tòa’ xử án, để thị uy trước các chiến sĩ VNCH bị bắt dự phiên tòa, bọn chúng kêu tù chúng tôi đào sẵn hai cái hố, để sẵn hai cái hòm kế bên, sau khi tuyên an tử hình bắn liền tại chỗ,” ông Truyền bồi hồi kể.

Khoảng Tháng Sáu, 1976, từ Suối Máu ông Truyền trong đợt đầu tiên xuống tàu Sông Hương ra Bắc. Nằm dưới hầm tàu dơ bẩn không biết trời trăng mây nước gì, chỉ khi dừng lại mới biết là đến cảng Vinh, sau đó lên tàu lửa chạy ngang dừng lại Ga Hàng Cỏ, Hà Nội.

Ông Truyền kể: “Trong trí tưởng tượng về Hà Nội của tôi thật nên thơ với những bản nhạc ‘Nỗi Lòng Người Đi’ của nhạc sĩ Anh Bằng, rồi ‘Hướng Về Hà Nội’ của nhạc sĩ Hoàng Dương. Nhưng chúng tôi ai nấy đều sững sờ khi thấy Hà Nội như ở vào hai thế kỷ trước, với xe trâu đi ngoài đường, dân chúng nghèo khổ quần áo nhếch nhác, quang gánh tả tơi trên đường phố, lần đầu tiên tôi mới thấy Ga Hàng Cỏ rêu xanh bụi mốc đóng đầy.”

\"\"/

Trung đội Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 20 Nguyễn Công Trứ (1963-1965) tại trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam (Đà Lạt), trong đó Lê Nguyễn Thiện Truyền (trái, hàng đứng, thứ năm). (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Cả đoàn thẫn thờ đi trong những loạt đá đầu tiên chọi về phía chúng tôi, cả con nít lẫn người lớn, nhưng nhìn ánh mắt của họ lộ rõ nét thương hại. Trên đường đi, có những người dân giả vờ chửi bới chúng tôi thậm tệ, nhưng có cụ già đi gần lại nói nhỏ: ‘Đ.M đừng tin bọn nó nhá, cố gắng lên, gay go lắm đấy!’ Cũng có ông tức mình nói: ‘Đ.M chúng mày có thiên đàng trong Nam mà không biết giữ,’ nhưng sau đó lại dúi cho anh em vài điếu thuốc lá. Thực tế dân Hà Nội lúc đó, theo tôi hiểu họ cũng rất xót xa, họ đâu có muốn mình thua trận,” ông nhớ lại.

Ngày Bắc đêm Nam 

Trên các toa tàu chở gia súc bẩn thỉu đầy kín người tù “cải tạo,” dọc đường gió bụi đã có hai vị trung tá bị chết ngộp.

“Từ Hà Nội lần đầu tiên chúng tôi đến trại Sơn La, nổi tiếng rừng thiêng nước độc với câu ‘Nước Sơn La, Ma Hòa Bình.’ Ngày xưa học địa lý biết rằng nơi đây rừng núi bạt ngàn với nhiều cây gỗ quý, nhiều động vật hoang dã quý hiếm, nhưng sao hoang sơ quá, dân chúng nghèo xơ xác, phải nói từ Hà Nội lên tới đây, không thấy nhà nào ra hình thù cái nhà cả,” ông Truyền kể.

“Sau khi qua sông, đi sâu vô rừng, sau này mới biết cách Điện Biên Phủ 30 cây số, sát biên giới Lào. Lúc tới trại, chúng tôi thấy tù binh ở trước thuộc Biệt Kích nhảy toán ra Bắc, như anh bạn tôi Nguyễn Quốc Trụ, anh Thuê, anh Mãn, Đại Tá Thọ bị bắt từ trận Hạ Lào năm 1972. Chúng tôi chuyển từ trại 1 thuộc trại tù bằng gạch của Tây ngày xưa, sau đó qua các trại 2, 4, 5, thuộc xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, cứ vài tháng là tù chuyển trại đổi buồng giam,” ông cho hay.

Ông kể tiếp: “Đa số người dân ở đó thuộc các sắc dân Mường, Thái, Mèo, cả người Kinh, rất thật thà, họ cũng thương mình lắm, mỗi khi họ đi trên nương về, thấy mình vác cây nứa trên rừng, đàng sau họ tiến lên trước, vừa đi vừa kín đáo bỏ rơi thuốc lá hoặc gạo, bắp, khoai mì bên vệ đường để bọn tù chúng tôi đi sau lượm, hạnh phúc lắm những khi nhận được thức ăn nấu sẳn dấu trong bụi rậm. Sau này ở lâu chúng tôi mới hiểu có những người Kinh trí thức bị đày lên đây khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945.”

“Có lần bọn học trò con nít thấy chúng tôi vác cây trên rừng về, cả đám sợ hãi núp hết vào trong bụi rậm, nói nhỏ với nhau ‘sao bọn ngụy giống người ta quá vậy.’ Hóa ra con nít ngoài Bắc bị tuyên truyền nhồi sọ từ nhỏ, tin rằng người lính trong Nam là ác quỷ, chuyên cắt cổ giết người ăn gan uống máu, phải đề phòng lánh xa. Và trong tập làm toán của con nít, có những bài toán ba thằng Mỹ và bốn lính ngụy bị giết, hỏi tổng cộng có mấy tên bị giết… Từ đó chúng tôi càng hiểu rõ chính sách tuyên truyền láo để gây căm thù của Cộng Sản,” ông cười nói.

\"\"/

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (giữa) cùng phái đoàn quân dân cán chính VNCH phát biểu đòi hỏi hòa bình, tự do công lý, thịnh vượng trước Quốc Hội Hoa Kỳ vào Tháng Chín, 2018. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Người tù phải cắt tranh, nứa, đốn cây về tự làm nhà tù cho mình, mỗi trại chứa gần một tiểu đoàn, ăn uống thì chỉ toàn bo bo với khoai mì mốc xắt lát. Trời Sơn La núi rừng bao bọc, chiều chạng vạng sương mù giăng phủ, hơi lạnh thấu xương, tối ngủ nằm co ro trên giường nứa cỏ tranh, chuyền hơi ấm cho nhau. Có một kỷ vật đời tù mà ông Truyền luôn gìn giữ là chiếc mùng đen màu máu rệp và cái quần xà lỏn, để luôn nhắc nhở mình trên bước đường tranh đấu.

Nếu ban ngày phải lên rừng đốn gỗ, chặt tranh, đấu tranh với cái ăn, sức khỏe, bệnh tật, thì đêm về là những thao thức ‘Ngày Bắc đêm Nam,’ nỗi nhớ về miền Nam thân yêu, về anh em đồng đội ở chiến trường xưa, về gia đình, kể cả chuyện tính toan vượt ngục. Nhiều bạn tù quá đau khổ, nói với nhau nếu vợ con mình chết, có nên buồn không!

“Hơn năm năm biệt xứ không ai được gặp gia đình, lúc ở Sơn La, bọn cai tù cho viết thơ về gia đình, mục đích để kiểm soát tư tưởng. Tôi vì ‘an tâm học tập tốt’ nên không cần viết thơ, bọn cai tù tức tối nói tôi chống đối. Sau cùng tôi viết qua loa vài chữ, trong thơ chỉ nói ngắn gọn, không cần gia đình thăm nuôi và ‘nói tiếng lóng’ khuyên ở nhà tìm cách bỏ xứ thoát thân,” ông Truyền kể.

Cũng có chuyện vượt ngục, nhưng núi rừng Sơn La trùng điệp nên không thành công. Người bạn tù chung Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt với ông, Thiếu Tá Trần Công Hạnh, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù, vượt ngục bị bắt lại, cùm nhốt biệt lập thời gian sau thả ra.

Đến năm 1979, Trung Cộng tấn công vô các tỉnh phía Bắc, những người tù “cải tạo” bị chuyển về trại Nam Hà, nổi tiếng khắc nghiệt do công an quản lý. Người tù như bộ xương khô, chết la liệt vì bị bỏ đói, phòng ông Truyền có đêm chết hai người, ban ngày có người đang đi lao động ngã lăn ra chết vì đói và kiệt sức, sau đó trại tù mới cho thăm nuôi. Có những thảm cảnh khi vợ đi thăm nuôi chồng, lúc về bị bệnh chết dọc đường, hoặc có người dẫn con đi thăm, bị tai nạn con chết dọc đường trước khi được gặp mặt cha trong tù.

Thêm chuyện thương tâm khác khi ông Truyền kể: “Lúc đó có người dượng tôi, Thiếu Tá Nô, chết chôn tại đây, dì tôi và cháu sau này vượt biên qua tới Mỹ, có lần đi bác sĩ, gặp ông già ngoài đường mới quen hỏi chuyện, mới biết cháu tôi là con của Thiếu Tá Nô, hóa ra ông già này chính là người từng ở tù chung, và chính là người đi chôn Thiếu Tá Nô. Sau đó nhờ ông vẽ sơ đồ, người cháu theo sự chỉ dẫn về Việt Nam tìm ra được nơi chôn cất cha mình tại đồi Cây Khế, thuộc trại Cổng Trời.”

Chết là vốn, sống là lời 

Ông Truyền thường căn dặn ở nhà rằng “Chết là vốn, sống là lời,” coi như ông đã chết, hãy lo cho mình, và nếu được hãy tìm đường ra đi, nếu ơn trên cho bóng đêm lùi về dĩ vãng, được gặp lại người thân là điều phước hạnh nhất trong đời. Và ông thường nhắc lại lời người mẹ đầy khí phách đã dạy ông từ nhỏ “Mourir par la patrie c’est un honneur” (Chết vì quê hương đất nước là một vinh hạnh).

\"\"/

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền và phu nhân trong buổi họp mặt Lực Lượng Đặc Biệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông kể, ở trại Nam Hà, có mấy anh em làm nhạc, thơ chống đối, có người làm bài thơ cả ngàn câu, anh em ai cũng thích. Rất nhiều chuyện trong tù hết sức thương cảm, gợi hứng cho Thiếu Úy Hồng viết bài nhạc, đặc biệt trong bài có câu ‘Người chưa biết ta/ Nhưng sao yêu ta hơn người,’ đó là câu chuyện tình tuyệt vời, khi một người con gái lối xóm thương thầm anh bạn tù này từ lâu. Khi vợ người bạn tù ở nhà chết bỏ lại đàn con thơ nheo nhóc, cô gái đã tình nguyện nuôi đám con anh này, sau đó cô tìm ra địa chỉ trại tù Nam Hà, lặn lội đi thăm nuôi anh, thay cho người vợ đã mất.

“Thiếu Úy Hồng, sĩ quan pháo binh, đặt bài nhạc quá hay, sau đó tôi nhớ và ghi lại, đặt tựa là ‘Đường Ta Đi,’ có những câu làm nức lòng người nghe ‘Hãy quên đi bao tủi hờn, để còn nhìn thấy ban mai/ Trong song sắt dày, gông cùm đay nghiến thân ta/ Trong song sắt dày, nhưng lòng ta vẫn hoan ca/ Đường ta đi cho quê hương rạng ngời/ Gặp bóng tối giữa một đoạn đời, là bình thường, là bình thường em ơi.’ Thiếu Úy Hồng chống lao động, chống Hiệp Định Paris, đòi thi hành luật tù binh, rồi tuyệt thực. Sau đó bị cho ở riêng, thời gian sau không thấy, chắc bị thủ tiêu,” ông kể thêm.

Về phương Nam 

Đầu năm 1982 từ trại Nam Hà, tù lần lượt chuyển về Nam, ở các trại Xuân Lộc, Bù Gia Mập, Rừng Lá, coi như nhẹ được phần nào cho tù và gia đình.

Ông Truyền và Luật Sư Nguyễn Hữu Hiệu, cựu dân biểu VNCH, bị nhốt trong phòng tối, chân bị cùm, chỉ mặc một quần ngắn, lâu lâu được cho ra tắm một lần. Trong đó có người tù Nguyễn Đức Điệp, kiến trúc sư, người miền Trung, rất can trường, viết thơ gởi cho thủ tướng Việt Cộng đòi áp dụng quy chế tù binh, không được hành hạ tù, chống không đi lao động.

Ông Điệp từ ngày vào tù bị nhốt trong phòng tối liên tục bảy năm, sau bị Việt Cộng sát hại dã man, vu cáo ông tự tử. Người tù như bộ xương biết đi, xương vai lồi lên, đầu lâu và hốc mắt, phải nói ở đây giống như cảnh địa ngục với những kiểu hình phạt tội nhân dưới địa ngục, bằng mọi cách bị giết lần mòn, chết la liệt.

\"\"/

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (trái) và chiến hữu Tống Văn Thái, thuộc Lực Lượng Đặc Biệt, người tù miền Bắc 20 năm, gặp lại tại buổi hội ngộ Lực Lượng Đặc Biệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tại Xuân Lộc, nhóm ông Truyền ở chung với nhóm tù người Thượng Fulro khoảng 100 người. Qua khe hở vách trại giam liên lạc với nhau, thấy họ rất lịch sự, nói tiếng Việt rất rành, họ là tấm gương tốt cho người mình, không bao giờ tranh cãi, rất thuận thảo đoàn kết, thường cầu nguyện trước bữa ăn.

Ông Truyền kể: “Một đêm khi có tổ chức văn nghệ, cả đám tù Fulro vượt ngục hết sạch theo đường trổ nóc nhà kho, sau khi bọn tôi mỗi người giúp cho họ muối ăn. Bọn tù ai cũng biết rằng họ như cọp đã về rừng, và cầu nguyện cho họ thành công.”

Lúc bị giam ở Xuân Lộc, ông Truyền bị bệnh “Quan tha ma bắt,” tức là quan có thả ra thì ma cũng bắt chết thôi, vì ông bị viêm gan nặng cùng lúc với sốt rét, ông cùng một số người bệnh nặng bị cách ly riêng một buồng giam. “Làm sao tôi biết được ý Chúa cho tôi sống sót,” ông nói.

Vượt biển tìm tự do 

Thời đó ai cũng biết câu “Cột đèn có chân cũng đi,” và ông Truyền cũng tìm đường vượt biển. Sau bao lần bị lường gạt, gian nan bị bắt, cuối cùng vận may cũng tới.

“Xuất phát trong đêm từ Phong Điền, ra cửa Đại Ngãi, cả đám nằm xếp lớp dưới lườn ghe, phía trên ngụy trang chở đầy gạch. Phải nói là chuyến đi chẳng khác gì hải tặc, do các sĩ quan hải quân cầm lái, khi ra khơi gặp mấy chiếc ghe hải tặc xáp vô, bọn tôi giương súng sẵn sàng tác xạ làm bọn chúng dạt ra hết. Cũng có những cảnh kinh hoàng khi cả bầy cá lớn lội theo ghe, đợi người rớt xuống. Sau vài ngày hải hành êm thấm, vô tới đảo chiếc ghe còn nguyên si, thức ăn còn dư bỏ xuống biển hết,” ông Truyền nhớ lại.

Tới đảo Bidong Mã Lai, gặp ông Jonhson, cao ủy tị nạn, ông Truyền được giao nhiệm vụ phỏng vấn thanh lọc hồ sơ, và nhờ các bạn ở Mỹ hay tin, nhất là Đại Tá Huỳnh Ngọc Diệp, tỉnh trưởng Cần Thơ, và Thiếu Tá Cao Quốc Quới, Khóa 18 Võ Bị Đà Lạt, Thiếu Tá Trịnh Văn Hơn, bạn cùng Khóa 20 Võ Bị Đà Lạt, trưởng Phòng 2 Cần Thơ, tiếp tế tài chánh. Và ông rất mừng khi gặp lại những người đồng đội thuộc Sư Đoàn 21.

\"\"/

Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền (đứng) gặp lại cựu Đại Tá Phan Văn Huấn, liên đoàn trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, trong buổi hội ngộ Lực Lượng Đặc Biệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sau đó ông qua Phi Luật Tân, làm việc ở thư viện, chính thức qua Mỹ năm 1988. Sau chuyến đi thành công, một năm sau vợ ông cùng con và gia đình bên ngoại tiếp tục vượt biển, một chuyến đi hãi hùng khủng khiếp mà ông không dám nhắc lại.

Đoàn tụ nơi miền đất hứa 

Năm 1995, ông Truyền vô quốc tịch, sau đó bảo lãnh hai người con cuối cùng qua Mỹ. Từ đó cả gia đình ông nỗ lực mỗi người một việc, làm lại cuộc sống mới. Riêng ông Truyền miệt mài đấu tranh và xây dựng quốc gia, không có một ngày ngơi nghỉ, không hề biết đến Disneyland hoặc casino là gì, với suy nghĩ: “Dân mình qua đây ai cũng khổ, lo cuộc sống gia đình ở Mỹ, rồi còn ở quê nhà nữa. Riêng tôi phần lo chuyện gia đình, phần việc đất nước luôn canh cánh bên lòng, vì qua Mỹ không phải cho riêng bản thân mình, mà muốn góp phần thay đổi vận mệnh đất nước, mong có ngày được hạnh phúc tự do.”

Năm 1997, ông Truyền có cơ hội tiếp xúc với tổ chức Chánh Phủ Việt Nam Tự Do do ông Nguyễn Hữu Chánh lãnh đạo, một người yêu nước đầy bản lãnh đấu tranh, cùng lăn lộn với các tổ chức đấu tranh chống Cộng khác, tận tụy miệt mài làm việc lo cho dân cho nước với lương tâm trong sáng, ông và đồng đội chiến hữu của ông nhận thấy phải có trách nhiệm đóng góp sức tàn lực tận để tìm cách giải cứu quê hương đất nước từ đó đến nay.

Hiện nay ngoài những sinh hoạt nhà thờ, ông Truyền góp phần vào những việc công ích xã hội, từng giữ nhiệm vụ Hội Đồng Giám Sát Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hai nhiệm kỳ 2012-2018 với mong mỏi làm sao giúp ổn định cộng đồng, nhất là phải luôn đoàn kết chống Cộng, làm sao chỉ có duy nhất một cộng đồng Việt Nam luôn vững mạnh.

Nhưng vào nhiệm kỳ 2, ông Truyền đã từ chức vì không thực hiện được lời hứa với đồng bào, nhưng vẫn tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa quốc gia, khi “Việt gian nguy hiểm hơn Việt Cộng,” ông Truyền bộc bạch.

Gặp lại ông Truyền đang thong thả cắt tỉa cây cảnh tại nhà, vị thiếu tá năm xưa hát câu Thánh Ca “Tôn Vinh Chúa” nghe thấm thía: “Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một đời tự do/ Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi ngày tháng lao tù/ Xin tạ ơn Chúa đã ban cho tôi một thời hoa niên/ Gia đình đầm ấm sống trong an vui dù trong cơ hàn/ Xin tạ ơn Chúa vì mọi điều Chúa đã cho tôi/ Dầu một ngày nhắm mắt tay xuôi/ Hồn tôi ca hát ngợi khen Chúa thôi.”

“Những câu Thánh Ca này sẽ được khắc trên phần mộ của vợ chồng tôi,” cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền nói. (Văn Lan) 

Nguồn: Người Việt  

Phụ ảnh: Võ Nhật Xí.

\"image.png\"/

Ông Lê Nguyễn Thiện Truyền (hàng sau, thứ hai bên phải) tại Wichita, Kansas, USA. Ảnh: Võ Nhật Xí.

\"image.png\"/

Ông: Lê Nguyễn Thiện Truyền (hàng đầu, bên trái) tại Wichita, Kansas, USA. 2019 Ảnh: Võ Nhật Xí.

\"Lien

Ông: Lê Nguyễn Thiện Truyền (Thứ hai bên phải)  tại Little Saigon 2017               Ảnh: Vỏ Nhật Xí  

\"Garden

Ông: Lê Nguyễn Thiện Truyền ( bên phải thứ ba, hàng thứ ba ) tại Garden Grove, CA, USA . 2013.              Ảnh: Võ Nhật Xí 
                                                                                        ///

Bài Khác

Leave a Comment