Việt Nam : Suy dinh dưỡng trẻ em vẫn là một thách thức lớn
Thanh Phương Phát Thứ Hai, ngày 02 tháng 12 năm 2019
Cùng với Ngân hàng Thế giới, UNICEF đưa ra những khuyến nghị để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam.REUTERS/Denis Balibouse
Ngày 12/09/2019, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam UNICEF đã ra một thông cáo chung kêu gọi tăng cường giải quyết vấn đề thiếu dinh dưỡng trẻ em tại Việt Nam. Đây vẫn là một trong những thách thức lớn với Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế và phát huy vốn con người, nhất là vì theo ước tính, vấn đề thiếu dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% GDP của một quốc gia mỗi năm.
Đặc biệt, tỉ lệ thiếu dinh dưỡng mãn tính với trẻ em dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao. Theo Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới với tiêu đề “Thiếu dinh dưỡng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Việt Nam: Vấn đề, lựa chọn chính sách và giải pháp can thiệp”, gần 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỉ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh; đồng thời tỉ lệ trẻ thiếu dinh dưỡng nhẹ cân trong nhóm này cũng lên đến 21%, cao hơn 2,5 lần so với nhóm trẻ người Kinh.
Một trong hai đồng tác giả của báo cáo này là tiến sĩ Huỳnh Nam Phương, chuyên gia thuộc Viện Dinh Dưỡng Quốc gia Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 25/09/2019 :
RFI : Xin chào tiến sĩ Huỳnh Nam Phương. Trước hết, xin chị cho biết những nguyên nhân nào khiến tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, vẫn còn cao như vậy ?
Huỳnh Nam Phương :Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em là chế độ ăn và bệnh tật. Tác động của các chương trình hiện tại đã giúp làm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng đó từ mức trên 50% những năm 2000 xuống dưới mức khoảng 30% hiện tại.
Tuy nhiên, để giảm mạnh hơn nữa tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi, phải có những tác động xa hơn, tác động vào những nguyên nhân nằm bên dưới : an ninh thực phẩm của gia đình, nguồn lực chăm sóc, các yếu tố về y tế vào môi trường. Những việc này cần phải có sự đầu tư liên ngành, đầu tư rộng rãi hơn, cũng như mở rộng các mức can thiệp tại các tỉnh khó khăn. Việt Nam hiện chưa đi đến việc mở rộng các can thiệp đặc hiệu, sử dụng các nguồn lực từ các ngành khác để có thể cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ em các dân tộc thiểu số.
RFI : Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em sẽ có tác động như thế nào đến sự phát triển trí não, cũng như khả năng học tập của trẻ em, và nhìn xa hơn thì tình trạng này có tác động như thế nào đến hệ thống y tế, vì nó có thể tạo ra gánh nặng tài chính ?
Tiến sĩ Huỳnh Nam Phương :Suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi, là chỉ số dự báo về phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Vì vậy mà rất nhiều quốc gia đã đưa nó trở thành một chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, trong đó có Việt Nam. Suy dinh dưỡng thấp còi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tầm vóc, đặc biệt là về phát triển trí tuệ, bởi vì 80% trọng lượng não của trẻ em được phát triển và hoàn thiện trong hai năm đầu của đứa trẻ.
Suy dinh dưỡng thấp còi nếu chỉ nói biểu hiện bên ngoài về tầm vóc thì vẫn chưa đủ, mà quan trọng hơn cả đấy là về mặt trí tuệ của đứa trẻ. Người ta đã tính rằng suy dinh dưỡng thấp còi sẽ ảnh hưởng đến việc trẻ có được tiếp tục đi học cái bậc học của trẻ ở trường, rồi chỉ số IQ ( chỉ số thông minh ) có được cải thiện hay không.
Vì vậy, nếu suy dinh dưỡng thấp còi không được cải thiện, trí tuệ của đứa trẻ sau này sẽ bị ảnh hưởng, cũng như sẽ có ảnh hưởng đến việc kiếm được việc làm có thu nhập cao hơn.
Đối với ngành y tế, suy dinh dưỡng thấp còi sẽ là một gánh nặng, vì những đứa suy dinh dưỡng thấp còi chắc chắn khi lớn lên sau này, khả năng chống đỡ bệnh tật cũng giảm, do khả năng miễn dịch kém, bệnh tật nhiều hơn, do đó chi phí cho y tế cũng cao hơn. Đồng thời trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, nhất là suy dinh dưỡng thấp còi trong bụng mẹ, khi lớn lên cũng có thể có nguy cơ cao mắc các bệnh thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà hiện tại Việt Nam đang phải đối phó. Đó cũng chính là một gánh nặng rất lớn về chi phí y tế.
RFI : Các tổ chức như Ngân Hàng Thế Giới và UNICEF có những khuyến cáo gì với chính phủ Việt Nam, cũng như sẽ có những hình thức hỗ trợ như thế nào để giúp giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em.
Huỳnh Nam Phương :Đây là hoạt động được phối hợp và có sự hỗ trợ của UNICEF cũng như Ngân Hàng Thế Giới, nhưng chỉ mới là đưa ra những bằng chứng thuyết phục, cũng như rà soát lại các diễn biến về tình trạng suy dinh dưỡng, tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và đưa ra các khuyến nghị với chính phủ Việt Nam.
Sắp tới đây, UNICEF cũng như Ngân Hàng Thế Giới sẽ hỗ trợ chính phủ Việt Nam để tổ chức các hội nghị vận động lãnh đạo các ngành, các cấp, từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là các chính quyền địa phương, để họ hiểu hơn nữa tầm quan trọng của việc giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Để từ đó huy động được thêm nguồn lực cho các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng, làm sao phối hợp được liên ngành, để nhiệm vụ phòng chống suy dinh dưỡng không phải là của riêng ngành y tế, mà còn là của các ngành khác, như giáo dục, nông nghiệp, bảo trợ xã hội, phụ nữ, cũng như các đoàn thể khác.
Trong tháng 11, Ngân Hàng Thế Giới dự kiến sẽ công bố báo cáo này, còn UNICEF thì trong tháng 10 sẽ tổ chức một lễ công bố báo cáo State of the World’s Children ( Báo cáo về tình trạng trẻ em toàn cầu ) 2019, với chủ đề trọng tâm là dinh dưỡng và thực phẩm. Họ cũng sẽ cùng với Viện Dinh dưỡng Quốc gia lập một road-map ( khung hành động), để làm sao cải thiện được tình trạng dinh dưỡng, đặc biệt là tập trung vào dinh dưỡng bà mẹ và giai đoạn ăn bổ sung của trẻ, vì hai giai đoạn này là hai giai đoạn làm cho tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em tăng rất cao.
Từ những khuyến nghị đó, chúng tôi đang xây dựng chiến lược dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2020-2030. Trong chiến lược đó, những khuyến nghị, phân tích tổng quan của Ngân Hàng Thế Giới và UNICEF sẽ được cân nhắc để đưa vào các định hướng về can thiệp của chính phủ cũng như các tổ chức phát triển tại Việt Nam cùng đóng góp và xây dựng chương trình này.
Nội dung thông cáo chung Ngân Hàng Thế Giới – UNICEF
Bản thông cáo của hai tổ chức này nhấn mạnh : « Dù đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển nguồn lực con người, Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề thiếu dinh dưỡng ». Theo UNICEF, Việt Nam có hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm; đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng thể thấp còi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, “ nguy cơ rất rõ ràng : tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn ảnh hưởng tới 1/4 số trẻ tại Việt Nam, hạn chế quá trình phát triển và khả năng đóng góp cho nền kinh tế của các em nếu không có các giải pháp phù hợp trong hai năm đầu đời của trẻ. Nguy cơ ở trẻ em dân tộc thiểu số còn cao hơn vì tỉ lệ thiếu dinh dưỡng cao hơn trong khi các em ít được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ cần thiết.”
Theo Ngân hàng Thế giới và UNICEF, tỉ lệ thiếu dinh dưỡng trẻ em ở mức cao tại Việt Nam, đặc biệt với trẻ em dân tộc thiểu số, đòi hỏi một cách tiếp cận mới để thực sự cải thiện chất lượng dinh dưỡng.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: “Chế độ dinh dưỡng đảm bảo trong những năm đầu đời sẽ cải thiện sức khỏe thể chất, đồng thời hỗ trợ phát triển trí não và khả năng học tập của trẻ – qua đó, giảm các chi phí chăm sóc sức khỏe dài hạn và nâng cao kết quả học tập cho các em. Chính phủ nhiều quốc gia đã đầu tư, tăng cường vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế lâu dài ».
Theo các chuyên gia, các biện pháp can thiệp dinh dưỡng sẽ đạt hiệu quả cao nhất trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, từ lúc thụ thai đến khi trẻ lên hai tuổi. Nếu trẻ bị mắc thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này, quá trình phát triển thể chất, trí não sẽ bị ảnh hưởng tương đối lớn và khó có thể bù đắp lại được.
Trẻ thiếu dinh dưỡng thể thấp còi sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động và mất khoảng 10% thu nhập suốt đời với mỗi cá nhân. Tính trên phạm vi cả nước, vấn đề thiếu dinh dưỡng có thể làm giảm đến 3% GDP quốc gia mỗi năm. Do đó, Ngân hàng Thế giới và UNICEF khuyến nghị triển khai một số hành động chính sách, bao gồm đảm bảo đủ nguồn lực tài chính cho các chương trình về dinh dưỡng, xây dựng kế hoạch đa ngành để khắc phục những nguyên nhân chính và nhân rộng các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng.
Để cùng Việt Nam giải quyết những thách thức trong vấn đề dinh dưỡng, các đối tác phát triển cam kết hỗ trợ và đóng góp tri thức toàn cầu, dựa trên sự lãnh đạo, khởi xướng của chính phủ trong việc giải quyết thách thức về dinh dưỡng.”
Ngân hàng Thế giới và UNICEF tái khẳng định cam kết hợp tác với chính phủ để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2021-2030.