Thứ Sáu, 27 Tháng Mười Hai 20197:00 SA
Bí mật chiếc ngà đắt hơn vàng của kỳ lân biển: \’Báu vật\’ bị săn lùng nhiều bậc nhất châu Âu
VCCorp.vn8-10 minutes
LỜI NGỎ
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) nhận định, Trái Đất đang rơi vào vòng xoáy của \’sóng thần tuyệt chủng\’, rất nhiều loài sinh vật đang chết dần đi. Không nhiều người hiểu rằng, một khi đa dạng sinh học của hành tinh bị xáo trộn, thì con người sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa…
Series bài viết liên quan đến các loài động vật, thực vật tuyệt chủng/có nguy cơ tuyệt chủng là một trong những nỗ lực cung cấp thông tin đến độc giả để khơi dậy tình yêu thiên nhiên, qua đó giúp chúng ta có cái nhìn trìu mến và trân trọng hơn với Trái Đất.
Không đắt đỏ và quyền uy như ngà voi ngày nay, nhưng ngà kỳ lân biển vẫn là thứ khiến giới thượng lưu giảm bớt lòng trắc ẩn và tăng lòng tham để thỏa mãn thú vui riêng mình.
Nhiều thế kỷ trước khi Bắc Cực được khám phá rộng rãi, cặp ngà vốn là thứ vũ khí tự nhiên của loài sinh vật chuyên sống tại các vùng nước lạnh giá ở Bắc Cực của Trái Đất, trở thành thứ \’trang sức\’ đầy mê hoặc đối với giới nhà giàu, đặc biệt là các vua chúa châu Âu, những người sẵn sàng chi trả khoản tiền khổng lồ để sở hữu tặng phẩm tự nhiên có giá trị gấp nhiều lần vàng mà họ cho là sừng của con kỳ lân trong huyền thoại.
Chuyện kể rằng…
Vào năm 1577, nhà thám hiểm người Anh Martin Frobisher dẫn đầu đoàn thám hiểm 150 người tới vùng phía bắc Canada, để tìm đường đi đến Ấn Độ và săn vàng. Khi khảo sát các hòn đảo gần bờ biển, đoàn thám hiểm nhìn thấy một thứ mà Martin Frobisher không bao giờ có thể lường trước được: Một con kỳ lân có thật, như bước ra từ huyền thoại.
Khi trở về Anh, Martin Frobisher đã dâng chiếc ngà kỳ lân biển cho Nữ hoàng Anh thời đó.
Hình ảnh kỳ lân trong huyền thoại (trái) và kỳ lân biển có thực ngoài tự nhiên.
Thực tế, huyền thoại về kỳ lân và chiếc sừng quý hiếm của chúng đã lưu hành khắp châu Âu trong nhiều thế kỷ trước chuyến thám hiểm của Martin Frobisher. Vì giống với chiếc sừng của kỳ lân trong huyền thoại mà chúng có giá đắt gấp nhiều lần so với vàng cùng khối lượng.
National Geographic miêu tả giá của sừng kỳ lân thời Trung Cổ và Phục Hưng là \’có giá trên trời\’ bởi những tay săn kỳ lân biển người Viking không bao giờ tiết lộ nơi sinh sống của loài động vật này, cho đến khi Martin Frobisher thực hiện chuyến thám hiểm năm 1577.
Nữ hoàng Anh Elizabeth I (1533-1603) được cho là đã chi 10.000 bảng Anh (tương đương giá của một tòa lâu đài) cho một chiếc ngà kỳ lân, bằng khoảng 1,5 triệu bảng Anh ngày nay (2017), để gắn bên cạnh các viên ngọc quý cho chiếc vương miện bà mang trên đầu cũng như trên chiếc cốc mà giới quân vương sử dụng.
Cũng giống như ngà voi, ngà kỳ lân biển là phần răng nanh trái phát triển thành ngà với chiều dài có thể lên đến 3 mét, nặng đến 10kg. Với 10 triệu đầu dây thần kinh bên trong, chiếc ngà kỳ lân biển là cơ quan có độ nhạy cực cao, giúp loài động vật này nhận biết sự khác biệt về nhiệt độ và thành phần hóa học trong nước, tìm kiếm thức ăn – nhóm các nhà nghiên cứu thuộc các trường Đại học Harvard, Viện Smithsonian, Đại học Minnesota (Mỹ) cùng Bộ Ngư nghiệp và Đại dương Canada kết luận.
Ngà kỳ lân biển dài khoảng 3m, nặng 10kg. Nguồn: Worldwildlife
Môi trường sống đã biến những chiếc răng đơn thuần để nhai thức ăn trở thành những cơ quan cảm giác siêu nhạy bén và vũ khí chống lại kẻ thù và chiến đấu đối thủ để giành lấy bạn tình mùa giao phối.
Thường thì các con kỳ lân biển đực sở hữu những chiếc ngà vặn xoắn độc đáo này. Ngà của kỳ lân biển đực giúp chúng thích ứng với môi trường sống và chiến đấu với kẻ thù và đối thủ khác trong quá trình tìm kiếm bạn tình mùa giao phối.
Giới khoa học cho hay, trong 500 con kỳ lân biển đực thì chỉ có 1 con là sở hữu 2 chiếc ngà (nghĩa là chiếc răng nanh bên phải cũng phát triển mạnh như chiếc răng nanh bên trái). Đây chính là cực phẩm tự nhiên mà tạo hóa ban cho loài kỳ lân biển vùng nước lạnh ở Bắc Cực này.
Đối với giới khoa học, kỳ lân biển là một sinh vật đẹp đẽ và diệu kỳ. Nhưng đối với người thường, chúng trở thành món ăn, kế sinh nhai và là trang sức thể hiện sự giàu sang. Rất nhiều loài động vật đẹp đẽ của Trái Đất cứ thế bị con người giết hại để lấy thịt, lấy ngà, cướp đi những thứ thuần tự nhiên nhất thuộc về của riêng chúng hòng thể hiện đẳng cấp quý tộc.
Ngày nay, ngà kỳ lân biển không còn được ví như sừng của kỳ lân trong huyền thoại nữa nhưng vẻ đẹp và sự hiếm có của chúng vẫn khiến nhiều người săn tìm, khiến giá của những chiếc ngà này đắt từ 3.000 đến 12.000 bảng Anh (gần 4 nghìn USD đến 15,7 nghìn USD).
Những chế phẩm đắt đỏ từ sừng kỳ lân biển.
Mặc dù Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) không xếp kỳ lân biển vào danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ngay lập tức nhưng 75.000 cá thể còn sống hiện nay ngoài tự nhiên vẫn có khả năng bị đe dọa.
Nghĩa là, chúng có thể sớm trở nên dễ bị tổn thương do những thay đổi trong môi trường sống tự nhiên (tác động từ biến đổi khí hậu) và hoạt động săn bắt từ con người.
Canada và Greenland cho phép người Inuit bản địa săn bắt kỳ lân biển nhằm phục vụ nhu cầu sinh sống. Người Inuit đã săn lùng kỳ lân biển trong nhiều thế kỷ làm nguồn thức ăn và thu nhập. Từ năm 2007 đến năm 2011, trung bình mỗi năm, người Inuit săn bắt khoảng 979 con kỳ lân biển để lấy da, thịt, mỡ và ngà.
Việc săn bắt kỳ lân biển hàng năm ở miền tây Greenland (từ năm 2004) đã vượt quá số lượng cho phép mà các cơ quan khoa học quốc tế đưa ra.
KỲ LÂN BIỂN
Là loài động vật biển, thuộc phân bộ cá voi có răng (Odontoceti).
- Cơ thể kỳ lân biển dài khoảng 5 mét, nặng từ 1 đến 1,6 tấn. Tuổi thọ trung bình là 50 năm.
- Kỳ lân biển là động vật ăn thịt đặc hữu của Bắc Cực. Thức ăn của chúng là cá bơn Greenland, cá tuyết Bắc Cực, mực, tôm.
- Chúng sinh sống chủ yếu tại vùng biển Bắc Băng Dương thuộc Canada, Greenland, Na Uy, Nga. Vào mùa Đông, chúng dành khoảng 5 tháng sống dưới băng biển ở vịnh Baffin.
- Kỳ lân biển có thể lặn sâu khoảng 1.600 mét dưới đại dương. Các vết nứt trên băng biển phía trên cho phép chúng bật lên để lấy không khí khi cần.
- Kỳ lân biển thay đổi màu sắc theo thời gian. Con non có màu xanh xám hoặc xanh đen, con trưởng thành có mày xám đốm. Kỳ lân biển già có màu trắng.
- Nguồn: Worldwildlife
Không chỉ lấy ngà làm trang sức, theo nghiên cứu Hiệp hội Bảo tồn Cá voi và Cá heo (WDC) của Anh thì Nhật Bản đang bán ngà kỳ lân biển dạng bột như một loại thuốc bổ để điều trị sốt, sởi, bệnh hoa liễu cũng như giảm đau nói chung. Giá bán tại quầy của loại thuốc này dao động từ 540 USD và 929 USD cho 100g.
Bên cạnh việc săn bắn, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) còn trích dẫn một số mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự phát triển bền vững của kỳ lân biển, trong đó có cả tiếng ồn do con người tạo ra dưới nước từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí cũng như hoạt động quân sự.
Vì kỳ lân biển sử dụng âm thanh để điều hướng và liên lạc, điều này có thể gây ô nhiễm tiếng ồn, về lâu dài khiến khả năng điều hướng của chúng bị xáo trộn.
Không có gì ngạc nhiên khi biến đổi khí hậu đứng đầu danh sách các mối đe dọa đối với số lượng kỳ lân biển trên thế giới. Loài động vật này sử dụng băng để ẩn nấp trước những kẻ săn mồi. Một khi Trái Đất đang nóng dần lên thì vùng phủ băng dưới biển ở Bắc Cực thấp hơn sẽ khiến kỳ lân biển dễ bị tổn thương hơn cả nguyên nhân đến từ hoạt động săn bắn bởi con người và những kẻ săn mồi tự nhiên như cá voi sát thủ.
Rất nhiều sinh vật đẹp đẽ của tự nhiên, bằng nhiều nguyên nhân thời hiện đại, đã giảm dần số lượng, đi đến tuyệt chủng mãi mãi. Nếu con người chúng ta giữ thái độ khoan dung với những sinh vật này sớm, chúng ta sẽ không phải đối mặt viễn cảnh thấy mình cô độc giữa một thế giới đang ngày càng nóng lên và chằng chịt vết thương.