Thủ đoạn biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp của Bắc Kinh ở Biển Đông
Ngày đăng 20-01-2020
Nhằm thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động gây hấn, hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông để từng bước hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bất chấp việc yêu sách phi lý này của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài Thường trực vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng ra phán quyết hôm 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn.
Thủ đoạn của họ là biến những khu vực hoàn toàn không có tranh chấp thuộc vùng biển của các nước láng giềng thành những khu vực tranh chấp rồi đòi “cùng khai thác”. Hành vi của Trung Quốc hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang tự vẽ ra luật lệ “cá lớn nuốt cá bé” của riêng họ ở Biển Đông.
Sau khi cơ bản hoàn tất quân sự hóa Biển Đông với việc bồi đắp, mở rộng trái phép các cấu trúc chiếm đóng ở Biển Đông và bố trí các vũ khí, tên lửa, trang thiết bị quân sự, từ đầu năm 2019 Trung Quốc mở rộng các hoạt động xâm lấn sâu vào vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông.
Ngay từ đầu năm 2019, Trung Quốc đã cho hàng chục tàu cá, tàu dân quân biển vây hãm, uy hiếp các hoạt động của tàu cá Philippines trong các vùng biển xung quan khu vực bãi cạn Scaborough và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà đỉnh điểm là việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines gần khu vực bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc 22 ngư dân trên biển khiến Philippines phản ứng mạnh mẽ. Mặt khác, nhiều lần các tàu khảo sát của Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, thậm chí đi vào lãnh hải của Philippines làm cho Phlippines đã phải nhiều lần trao công hàm và lên tiếng công khai phản đối. Mục tiêu của những hoạt động này là nhằm vô hiệu hóa phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông mà theo đó Philippines đã giành chiến thắng vang dội.
Suốt trong năm 2019, Trung Quốc liên tục cho tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Malaysia quấy nhiễu và uy hiếp các hoạt động dầu khí của Malaysia khiến Malaysia phải lần đầu tiên ra Sách Trắng quốc phòng, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư phát triển lực lượng hải quân để bảo vệ các lợi ích trên biển của mình.
Với Việt Nam, trong gần 4 tháng (từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019), Trung Quốc liên tục cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và dân quân biển tiến hành các hoạt động xâm lấn trong khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời uy hiếp các hoạt động khoan thăm dò dầu khí của Việt Nam ở khu vực lô 06-1 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Việt Nam đã kiên trì đấu tranh ngoại giao và dư luận, vạch trần mưu đồ của Trung Quốc muốn biến các vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của Việt Nam, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982 thành các vùng biển có tranh chấp để đòi “cùng khai thác”.
Các hành động hung hăng của Trung Quốc đã khiến Mỹ và nhiều nước lên tiếng mạnh mẽ, phê phán Bắc Kinh bắt nạt, cưỡng ép các nước nhỏ ven Biển Đông; Mỹ còn lên tiếng kêu gọi ASEAN có tiếng nói mạnh mẽ hơn lên án hành vi của Trung Quốc.
Trong những ngày cuối năm 2019, các hoạt động gây hấn của Trung Quốc đã lan xuống tận vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Hàng chục tàu cá dưới sự bảo vệ của các tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia. Cuộc tranh cãi giữa Indonesia nổ ra gay gắt từ cuối năm 2019 đến tận những ngày đầu năm mới 2020.
Đây là nơi Indonesia nói hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình theo UNCLOS 1982. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố vùng biển đó là thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền. Trung Quốc cũng nói rằng cả Trung Quốc và Indonesia đang có các hoạt động nghề cá \”bình thường\” tại vùng biển đó.
UNCLOS quy định EEZ là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý, tính từ đường cơ sở của một quốc gia trở ra. Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi sướng đã khẳng định các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, kể cả Ba Bình không đủ điều kiện để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý mà chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý. Theo đó, kể cả trong trường hợp Bắc Kinh yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa thì họ cũng không thể đòi hỏi vùng biển đến tận khu vực quần đảo Natuna của Indonesia. Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài cũng khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò’ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và bất hợp pháp.
Quan điểm nhất quán lâu nay của Indonesia rất rõ ràng: Indonesia không phải là một bên tham gia tranh chấp đối với Quần đảo Trường Sa; Jakarta không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Indonesia cũng giữ quan điểm bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”.
Trong Thông cáo của Bộ Ngoại giao Indonesia về vụ việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, Jakarta cũng nhắc đến việc yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài bác bỏ.
Hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc muốn biến các vùng biển không tranh chấp thành các vùng biển có tranh chấp trong hành động xâm lấn của Bắc Kinh, phía Jakarta phản ứng rất quyết liệt. Đích thân Tổng thống Indonesia JokoWidodo đã đến thăm quần đảo Natuna hôm 08/01/2020, giữa lúc đối đầu với các tàu Trung Quốc đang xảy ra ở khu vực này. Tại đây, ông Widodo nhấn mạnh: “Tôi đã nói nhiều lần rằng Natuna là lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi (Indonesia)”; “Không có gì phải tranh cãi thêm. Về mặt thực tế, về mặt pháp lý, Natuna là của Indonesia”.
Trong Thông cáo ngày 01/01/2020, Bộ Ngoại giao Indonesia còn yêu cầu Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” của các yêu sách mà nước này đưa ra về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên UNCLOS 1982.
Tranh cãi gay gắt giữa Indonesia và Trung Quốc đã góp phần vạch trần âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc trong việc biến những vùng biển hoàn toàn không tranh chấp của các nước láng giềng thành các vùng biển tranh chấp để đòi “cùng khai thác” nhằm thực hiện ý đồ khống chế, độc chiếm Biển Đông của những người cầm quyền ở Bắc Kinh.
Các nhà phân tích cho rằng việc Indonesia lên tiếng mạnh mẽ vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc biến khu vực không tranh chấp thành khu vực trách chấp, trong đó có việc yêu cầu Bắc Kinh giải thích cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông những ngày gần đây là động thái có lợi cho các nước ven Biển Đông trong cuộc đối đầu với Trung Quốc bởi Indonesia là một nước lớn và có tiếng nói trọng lượng trong ASEAN.
Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước Malaysia, Indonesia và Philippines (đây đều là nạn nhân mà Bắc Kinh đang thực hiện thủ đoạn biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp) để vạch trần những thủ đoạn tinh vi của Bắc Kinh trước công luận quốc tế nhằm ngăn chặn sự bành trướng, biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.